Những sát thủ máu lạnh trên thế giới vẫn tiếp tục ra tay

Thứ Sáu, 16/09/2011, 11:45

Ngày 30/6 2011, nhóm 7 thanh thiếu niên bị nã đạn khi đang đợi xe buýt tại một trạm ở thành phố Detroit, Mỹ. Ngày 22/7, vụ khủng bố kép đẫm máu cướp đi sinh mạng gần 100 người dân Na Uy giữa châu Âu thanh bình khiến cả thế giới chưa hết kinh hoàng.

Ngày 7/8, một tay súng đã bắn chết 7 người, trong đó có một đứa trẻ 11 tuổi, trước khi bị cảnh sát bắn hạ ở một thị trấn nhỏ của bang Ohio, Mỹ... Liên tiếp các vụ ra tay của những tên giết người máu lạnh trong 3 tháng qua, cũng như suốt những năm gần đây trên toàn thế giới, vẫn chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Hàng trăm, hàng ngàn sinh mạng những người vô tội trên toàn cầu đã bị cướp đi một cách oan nghiệt.

Phiên tòa xét xử Robert Stewart ngày 3/9 mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thảm sát dã man đang không ngừng gia tăng và những vấn đề nóng đặt ra như: đâu là căn nguyên sâu xa, những yếu tố tác động thúc đẩy và khả năng loại trừ loại tội phạm nguy hiểm này,… vẫn tiếp tục làm đau đầu công luận.

Liên tiếp những vụ thảm sát đẫm máu

Robert Stewart Kenneth, cúi đầu trước vành móng ngựa trong phiên tòa hôm 3/9/2011 xét xử kẻ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại viện dưỡng lão ở Bắc Carolina, Mỹ cách đây hơn 2 năm. Với một loạt đạn lạnh lùng cướp đi sinh mạng của 7 cụ già và 1 y tá, Robert Stewart đã phải đối mặt với 8 tội danh, trong đó có tội danh "giết người cấp độ 2" và tội “chống người thi hành công vụ”. Rất may cho hắn, luật pháp nước Mỹ với khung hình phạt cho các tội này không chạm tới mức án tử hình.

Hội đồng thẩm phán đã thảo luận suốt trong hai ngày trước khi phán quyết đưa ra với Robert Stewart, một họa sĩ nay đã 47 tuổi tàn tật và là cựu binh Lực lượng Vệ binh quốc gia Hoa Kỳ. Ngay tại phiên xét xử, sự phẫn uất và nỗi xúc động của thân nhân người bị hại cũng như nhân chứng vẫn làm phiên tòa nóng như khi vụ việc mới xảy ra.

Hơn 2 năm trước, ngày 29/3/2009, Robert Stewart với cây súng trong tay đã bất ngờ xông vào một nhà dưỡng lão ở Bắc Carolina. Y đi vào từng căn phòng và nổ súng bắn vào mọi thứ. 7 cụ già tuổi đã hơn 80 ốm yếu, người đang nằm trên giường, người thì ngồi trên xe lăn cùng 1 y tá đã thiệt mạng. Robert Stewart cũng làm bị thương 3 người khác, trong đó có 1 cảnh sát, người đã đối đầu với hắn ở hành lang khu nhà điều dưỡng. Vụ việc có thể trở nên tồi tệ hơn nếu viên cảnh sát này không chặn được Stewart và con số nạn nhân khi đó không biết sẽ là bao nhiêu.

Theo điều tra thì không thấy dấu hiệu Stewart có quan hệ với bất kỳ nạn nhân nào. Vợ cũ của y tiết lộ, trước khi gây ra vụ thảm sát trên, Stewart đã liên hệ với một số thành viên trong gia đình cho họ biết mình bị ung thư và đang chuẩn bị một chuyến đi dài. Các điều tra viên không tìm ra mối liên hệ nào có thể giải thích tên này bỗng dưng nã súng vào những người già đáng thương nọ. Được biết, Nhà điều dưỡng Pinelake có 110 giường, trong đó những nạn nhân xấu số của kẻ cuồng sát Stewart là những người "gần đất xa trời", bệnh tật, hoàn toàn không có thâm thù hay nguy hiểm gì với hắn. Và câu hỏi căn nguyên của tội ác dường như vẫn không thể làm sáng tỏ ngay khi thẩm phán luận tội y.

Một thảm kịch khác từng làm rung chuyển và bàng hoàng cả nước Mỹ khi các nạn nhân cũng vô cớ bị cướp đi sinh mạng. Người ta còn nhớ tháng 4/2007, nước Mỹ rúng động khi hung thủ người Hàn Quốc Seung-Hui Cho đã điên cuồng xả súng giết chết 32 người tại Trường đại học Công nghệ Virginia, sau đó tự sát. Đây là vụ thảm sát ở trường học đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Thủ phạm đã thực hiện hai vụ tấn công cách nhau 2 giờ trước khi ban quản lý trường đại học này có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra và cảnh báo đến sinh viên.

Hiện trường vụ thảm sát kinh hoàng ở Osld, Na Uy.

Cầm 2 khẩu súng và mang theo khá nhiều đạn, Cho bắt đầu xả súng lúc khoảng 7h15' ở tầng 4 khu ký túc xá cao tầng dành cho sinh viên, sau đó tấn công Norris Hall, giảng đường nằm cách ký túc xá gần 1km. Hai người thiệt mạng trong phòng ngủ ký túc xá và 31 người khác bị giết ở Norris Hall, trong đó có cả Cho, do hắn tự bắn vào đầu. Ít nhất 15 người khác bị thương, một số trong tình trạng khá nguy kịch. Theo những sinh viên sống sót thì kẻ thủ ác mới 19 tuổi và gương mặt "khá đáng sợ nhưng cũng rất bình thản", trông hắn cũng như các sinh viên bình thường khác trước khi bắt đầu nổ súng.

Trước vụ xả súng ngày 16/4/2007, vụ thảm sát bằng súng lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ là vụ ở Killeen, Texas, năm 1991 làm 23 người chết. Năm 1999 cũng xảy ra một vụ nổ súng kinh hoàng ở Trường Columbine High, tại đây 2 trẻ vị thành niên giết chết 12 bạn học và 1 giáo viên trước khi tự sát.

Còn rất nhiều, rất nhiều những vụ thảm sát đẫm máu đã và đang diễn ra trên thế giới. Có thể kể ra vài ví dụ điển hình. Tại xứ sở sương mù xảy ra một vụ thảm sát vào ngày 13/3/1996. Thomas Hamilton mang 2 khẩu súng lục 9mm và hai khẩu Magnum 357 đi vào Trường tiểu học Dunblane. Nạn nhân của hắn là 16 học sinh và 1 giáo viên. Chính sự kiện kinh hoàng này đã dẫn đến lệnh cấm sở hữu súng ngắn ở Anh.

Trường hợp khác là vụ một học sinh bị đuổi học mang mặt nạ đột nhập trường cũ ở thành phố Erfurt phía đông nước Đức vào ngày 26/4/2002. Tên này nổ súng vào các lớp, bắn chết 14 giáo viên, hai nữ sinh và một cảnh sát có mặt tại hiện trường. Sau đó, hắn tự kết liễu đời mình.

Truy tìm căn nguyên…

Rất nhiều người cho tới giờ vẫn lầm tưởng rằng, khái niệm "giết người hàng loạt" chỉ xuất hiện trong xã hội hiện đại. Quả thật, đúng là ta từng có cảm giác loại tội phạm này xuất hiện với cường độ cao từ nửa cuối thế kỷ XX, khi cùng với tác động lan truyền của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, những tin tức về các vụ việc được lan nhanh, rộng và vô cùng chi tiết.

Tuy nhiên, theo các nhà tội phạm học trên thế giới, "giết người hàng loạt" là một hiện tượng đã có từ rất lâu. Kẻ sát nhân hàng loạt đầu tiên là một phụ nữ có tên Locusta, được phát hiện vào năm 69 sau Công nguyên. Còn kẻ sát nhân lần đầu được "định danh" tại châu Âu là Nam tước Gilles de Rais, người giàu nhất nước Pháp thời đó. Ông này đã bị đưa lên giàn thiêu năm 1440 vì đã giết chết hàng trăm đứa trẻ để tế lễ.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, những sát thủ máu lạnh xuất hiện ngày một nhiều, manh động hơn, thủ đoạn tinh vi hơn và việc truy tìm căn nguyên, động cơ phạm tội, những yếu tố tác động, thúc đẩy và ngăn chặn loại tội phạm này càng khó khăn hơn. Trong nhiều vụ án giết người, cảnh sát đã bất lực không thể tìm ra manh mối. Tuy nhiên, hành vi phạm tội dù bí ẩn đến mấy cũng có quy luật. Cuối thập niên 90 thế kỷ XX, Nhóm Khoa học Hành vi thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã hệ thống hành vi phạm tội của dạng tội phạm này.

Theo họ, tội phạm bạo lực thường chia thành hai loại. Một là tội phạm hành động có kịch bản rõ ràng, kế hoạch thực hiện cụ thể và chi tiết. Hai là loại tội phạm hành động tùy hứng, nghĩ gì làm đó, không cần chuẩn bị trước. Thực tế, các chuyên gia tâm lý hình sự còn dùng một tên gọi riêng cho đối tượng thứ ba là tội phạm hỗn hợp.

Các chuyên gia cũng phân ra 3 loại sát nhân hàng loạt: Loại giết người tập thể (mass murderer) có đặc điểm là giết một lúc rất nhiều người (ít nhất là 4) tại cùng một khu vực.  Loại giết người rải rác (spree killer) cũng giết rất nhiều người trong một khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng ở những khu vực khác nhau. Nạn nhân của loại này là những người xấu số chẳng may lọt vào tầm ngắm khi kẻ thủ ác khai hỏa.

Vụ khủng bố kép ở Oslo, Na Uy vừa qua với gần 100 người chết là một ví dụ tổng hợp cho loại 1 và 2. Loại giết người hàng loạt (serial killer) với đặc điểm là giết người có chọn lọc chứ không bừa bãi như hai loại trên, và hành động trong khoảng thời gian dài từ nhiều tháng cho đến nhiều năm.

Một câu hỏi lớn đã từng được đặt ra: Vì sao lại có những kẻ giết người hàng loạt và hiện vẫn chưa có những lý giải thật đầy đủ và thỏa đáng về hiện tượng này.

Theo một nghiên cứu về tuổi vị thành niên của UNICEF gần đây cho thấy có 53% trẻ bị lạm dụng hay bỏ rơi khi còn bé có thể bị bắt khi vào tuổi vị thành niên, 38% dễ bị bắt khi thành người lớn và 30% dễ bị bắt vì các tội bạo lực. Điều này có thể cho thấy tuổi thơ và quá khứ của kẻ phạm tội đóng vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách, tâm lý tội phạm sau này của chúng.

Nhiều tên sát nhân hàng loạt đã cho biết, khi còn bé họ đã bị bạn bè loại trừ, trêu chọc bởi những khiếm khuyết về mặt thể lý. Sự "cô lập" dần dần hình thành ở họ tâm lý ghét bỏ mọi người xung quanh, ghét bỏ thế giới. Bởi vậy, giết người như một cách thức trả thù lại thế giới. Nhìn chung, thương tổn cá nhân từ nền giáo dục của gia đình mà đứa trẻ đã phải gánh chịu là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên những hành vi man rợ sau này của cá nhân khi đến tuổi trưởng thành.

Một trong các nguyên nhân lớn thúc đẩy kẻ phạm tội cần kể đến là sự tiếp cận quá dễ dàng các "phương tiện" giết người. Minh chứng là nước Mỹ, đất nước có nhiều tên sát nhân hàng loạt nhất thế giới bởi ở nước này không khó khăn mấy để có thể sở hữu được một loại vũ khí nào đó. Ngay ở những quốc gia có luật cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép, nếu vũ khí cùng những phương tiện giết người khác như các loại độc dược, hay chất nổ,… thiếu sự quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới việc bọn tội phạm có thể có được phương tiện gây án một cách dễ dàng.

Ngoài ra, yếu tố tác động không nhỏ là ảnh hưởng của nền văn hóa bạo lực. Sự phản ánh thực tế cuộc sống trần trụi, thiếu chọn lọc và nhất là việc "thương mại hóa" những hành động bạo lực trên các phương tiện truyền thông, phim ảnh,… sẽ khiến những hành động bạo lực như được hợp thức hóa. Chúng sẽ dần ngấm sâu vào tiềm thức của cá nhân, và khi có điều kiện sẽ bộc phát một cách rất tự nhiên. Rất nhiều tên sát nhân hàng loạt ở Mỹ đã thú nhận rằng, họ đã bắt chước theo những nhân vật mà họ đã được xem trên màn ảnh.

… và chưa đủ thuyết phục

Tuy nhiên, những lý do chính trên không phải áp dụng cho tất cả. Trường hợp Anders Behring Breivik là một ví dụ phức tạp về truy tìm căn nguyên phạm tội. Sau khi đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ, Breivik xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng gần 100 người khiến vụ việc kinh hoàng có thể được coi là "vụ 11-9 của Na Uy".

Điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn: Vì sao? Vì sao mà bạo lực lại có thể xuất hiện ở một xứ sở văn minh, thanh bình và hoàn toàn cởi mở với các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau như thế. Một xã hội an toàn mà đa phần những thông tin cá nhân của người dân cũng không cần bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống.

Rất dễ dàng ta có thể có chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của bất kỳ ai. Đây cũng là đất nước mà các chính trị gia, những người nổi tiếng công khai số điện thoại và địa chỉ cá nhân ngay trên danh thiếp của mình, lương bổng và tài sản của họ cũng được cơ quan thuế công bố hằng năm trên các báo. Vậy mà tay súng tóc vàng người Na Uy vẫn tuyên bố: những hành động đẫm máu của mình là "kinh khủng nhưng cần thiết".

Theo các chuyên gia bệnh học tâm thần thì có sự rối loạn tinh thần sâu sắc đằng sau tư tưởng cực hữu của Breivik. Nguyên nhân ban đầu được xác định của thảm kịch này cũng là do hận thù về chính trị. Với những ráp nối thu thập được, Breivik là kẻ mang tư tưởng cực hữu, bài ngoại, chống Hồi giáo và không chấp nhận một đất nước đa văn hóa. Y cho rằng một xã hội đa văn hóa đe dọa đến đặc tính sắc tộc của mình và cảm thấy bị xa lánh trong xã hội đó.

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vấn đề đặc tính dân tộc, chủ nghĩa đa văn hóa… có thể khuyến khích chủ nghĩa cực đoan. Vì thế, sự kiểm soát ngăn ngừa những dạng tội phạm bạo lực lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết

Nguyễn Hải - Nguyên Linh
.
.