Những vụ ám sát bất thành nổi tiếng ở Nga

Thứ Sáu, 31/08/2018, 12:48
Vào năm 1942, sĩ quan Liên Xô Savely Dmitriev đã bắn vào xe hơi chở Stalin trên quảng trường Đỏ. "Kẻ khủng bố nghĩ rằng Stalin đang ngồi trong chiếc xe đó nhưng kỳ thực trên xe là một trong các bộ trưởng của ông là Anastas Mikoyan, người này bị trúng đạn nhưng sống sót kỳ diệu"...

Vụ ám sát Sa hoàng Nga Alexander II (1818-1881)

Alexander (Aleksandr) II Nikolaevich (sinh ngày 29 tháng 4 năm 1818, mất ngày 13 tháng 3 năm 1881), ngài cũng còn được biết như Aleksandr - vị Nga hoàng giải phóng, là một trong những vị Hoàng đế, hay Sa hoàng cuối cùng của đế quốc Nga, trị vì từ tháng 3 năm 1855 đến khi ông bị ám sát vào năm 1881. Ông cũng kiêm nhiệm chức Đại công tước xứ Phần Lan và Vua Ba Lan.

Nhà sử học Edvard Radzinsky (sinh năm 1936) đã viết cuốn sách về ông có tựa là “The Last Great Tsar” (Vị Nga hoàng vĩ đại cuối cùng). Sở dĩ người ta gọi ông là "Aleksandr - vị Nga hoàng giải phóng" là do ông đã giải phóng 20 triệu người nông nô Nga vào năm 1861. Tuy nhiên, triều đại ông đã kết thúc một cách bi kịch.

Định mệnh đổ lên đầu vị hoàng đế này khi có quá nhiều âm mưu "thích khách" nhằm vào ông. Trong suốt triều đại trị vì của Sa hoàng Alexander II, các nhà cách mạng đã nhắm mục tiêu vào ông như là một phương tiện đấu tranh chính trị.

Không hề ngạc nhiên khi vị hoàng đế trở thành mục tiêu tấn công số 1. Vụ mưu sát đầu tiên đã diễn ra vào năm 1866 khi nhà vua đang đi gần vườn thượng uyển Mùa hè ở St. Petersburg, tay "thích khách" Dmitry Karakozov đã nhắm bắn hoàng đế nhưng bị hụt. Alexander II cũng bị bắn vào năm 1867.

Năm 1879, những tên "thích khách" đã "thổi bay" đoàn tàu chở nhà vua và một căn phòng trong cung điện Mùa đông bị nổ tanh bành vào năm 1880. Dù bị tai nạn liên tiếp nhưng may sao Alexander II vẫn sống sót một cách thần kỳ. Tuy nhiên, sự may mắn không kéo dài lâu.

Ngày 1 tháng 3 năm 1881, những "kẻ khủng bố" đã ném 2 quả bom xuống thành phố St. Petersburg. Bị thương tích đầy mình, hoàng đế Alexander II năm đó tròn 62 tuổi đã chết ngay trong cung điện sau 15 năm thoát nạn.

Vụ ám sát Sa hoàng Nga Nicholas II (1868-1918)

Sa hoàng Nikolai II hay còn cách viết khác là Nicholas II (sinh ngày 19 tháng 5 năm 1868 - mất ngày 17 tháng 7 năm 1918) là vị sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga, cũng là Đại Công tước Phần Lan và Vua Ba Lan trên danh nghĩa. Tước hiệu chính thức của ông là Nikolas Đệ nhị, Hoàng đế và Đấng cai trị chuyên chính của toàn nước Nga. Năm 1917, phong trào Cách mạng Tháng Hai thắng lợi, Sa hoàng Nicholas II phải thoái vị.

Sa hoàng Nicholas II đối mặt với một âm mưu ám sát rất bất thường lần đầu tiên trong đời ngài. Số là vào năm 1891, trong chuyến thăm Nhật Bản với tư cách là thái tử thừa kế ngai vàng Nga, Nicholas đã thăm thú thành phố Ôtsu và đột nhiên ở đó có viên cảnh sát tên là Tsuda Sanzo cầm kiếm chạy bổ tới Thái tử Nicholas. "Thanh gươm sượt qua mũ đội đầu của vị thái tử và chạm vào trán ngài…

Một trong các thị vệ đã đẩy tên "thích khách" ra nhưng hắn ta vẫn tấn công lại lần nữa. Tuy nhiên, lần này cũng lại trượt", sử gia Alexander Meshcheryakov viết khi mô tả lại sự kiện động trời đó. Nhanh như cắt, các thị vệ của Nicholas đã tóm cổ tên Tsuda Sanzo. Vị thái tử bị thương không đáng kể.

Sử gia Meshcheryakov viết: "Viên cảnh sát Tsuda Sanzo mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, hắn ta đã khai như thế. Từng là một võ sĩ samurai, Tsuda Sanzo bị rối loạn tinh thần và tìm cách tấn công người ngoại quốc". Bị tuyên án tử hình, Tsuda Sanzo đã bị hành quyết trong cùng năm.

Vụ ám sát Joseph Stalin (1878-1953)

Iosif Vissarionovich Stalin (thường gọi tắt là Stalin) là lãnh đạo tối cao của Liên bang Xôviết từ giữa thập niên 1920 cho đến khi qua đời năm 1953. Bên cạnh vị trí lãnh đạo đảng, ông cũng từng đảm nhiệm các vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Dân ủy (tức bộ trưởng) Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô.

Mặt khác, trong giai đoạn Stalin lãnh đạo, Liên Xô đã chiến thắng Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với việc Quốc tế Cộng sản đóng ở Moscow, Liên Xô trỗi dậy thành một siêu cường sau đó. Nhờ vậy, danh tiếng và ảnh hưởng của Stalin đã lan khắp thế giới. Nhưng cuộc đời của nhà lãnh đạo này cũng không ít sóng gió.

Hồi cuối thập niên 1930, kẻ đào ngũ Genrikh Lyushkov (cựu cảnh sát mật Liên Xô) đã đào tẩu tới Nhật Bản và hắn ta lên kế hoạch ám sát Stalin ở Sochi. Nhưng kế hoạch bất thành vì Liên Xô đã có sẵn tay trong được cài vào bộ sậu của Lyushkov. Sau đó, người Đức đã lên kế hoạch ám sát cùng lúc Stalin, Tổng thống Mỹ-Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh-Winston Churchill tại Hội nghị Tehran vào năm 1943 (Chiến dịch bước nhảy dài), nhưng một lần nữa các điệp viên Xôviết đã làm hỏng kế hoạch của Đức.

Tiếp đó, vào năm 1942, sĩ quan Liên Xô Savely Dmitriev đã bắn vào xe hơi chở Stalin trên quảng trường Đỏ. "Kẻ khủng bố nghĩ rằng Stalin đang ngồi trong chiếc xe đó nhưng kỳ thực trên xe là một trong các bộ trưởng của ông là Anastas Mikoyan, người này bị trúng đạn nhưng sống sót kỳ diệu", báo Rossiyskaya Gazeta viết.

"Sát thủ" Dmitriev bị tóm và bị xử tử. 11 năm sau ngày bị ám sát hụt, Lãnh tụ Stalin đã qua đời trên giường bệnh.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.