Ông Năm Yersin: Sáng lập hai công trình nghiên cứu y học ở Việt Nam

Thứ Sáu, 16/03/2018, 11:30
Giữa lúc Yersin đang mải mê nghiên cứu ở Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu, thì năm 1902 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mời ông ra Hà Nội giao nhiệm vụ thành lập Trường Y Đông Dương - tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội sau này và cũng là trường đại học đầu tiên ở Đông Dương...


1. Phòng thí nghiệm thứ nhất ở Đông Dương được Albert Calmette thành lập năm 1890 tại Sài Gòn theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương, sau đó xây dựng thành Viện Pasteur Sài Gòn do Calmette làm Giám đốc từ năm 1891. Phòng thí nghiệm thứ hai tại Nha Trang được Yersin xây dựng vào tháng 8-1895, sau đó trở thành Viện Pasteur Nha Trang cũng do ông sáng lập. 

Cơ sở này dù đã hai lần bị triều cường, bão dữ tàn phá, nhưng suốt chặng thời gian 36 năm (1904-1940), Yersin cùng một số cộng sự đóng góp rất nhiều công sức xây dựng nên diện mạo Viện Pasteur Nha Trang bằng nhiều nguồn kinh phí để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Để có nơi nuôi ngựa và sản xuất huyết thanh chữa bệnh dịch hạch, năm 1896, Yersin xây dựng cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm Suối Dầu - nay là Trại chăn nuôi Suối Dầu ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Cơ sở này của Viện vaccine - sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang - Bộ Y tế và là nơi có đàn ngựa phục vụ y học lớn nhất Đông Nam Á. 

Viện Pasteur Nha Trang - một cơ sở nghiên cứu khoa học do Yersin sáng lập và điều hành hoạt động nửa thế kỷ.

Thời đó giao thông cách trở, mỗi ngày Yersin cọc cạnh đạp xe hơn một giờ từ Nha Trang lên Suối Dầu để kiểm tra, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi nhiều loại cây thuốc và động vật, tạo thành một cộng đồng nông nghiệp gắn kết y học. Ngoài việc sản xuất huyết thanh phòng trị dịch hạch cho người, Yersin còn nghiên cứu dịch tễ trên gia súc, tạo nền móng cho ngành thú y Việt Nam. Cũng từ đó ông sản xuất nhiều loại vaccine và huyết thanh phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả cho bò, lợn, gà. 

Trong năm 1899 Yersin lập thêm phòng thí nghiệm các bệnh trên súc vật và đào tạo chuyên môn về bệnh lý, vệ sinh dịch tễ gia súc cho nhân viên thú y toàn Đông Dương. Công sức, trí tuệ của Yersin trên lĩnh vực khoa học thú y đã tạo ra bước ngoặt đổi mới trong ngành chăn nuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, mà Viện Pasteur Nha Trang được coi là "tổ đường" nghề nghiệp. 

Những khoản tiền thưởng từ Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, giải thưởng Francois Audiffred của Viện Hàn lâm khoa học, giải thưởng Lasserre của Bộ Giáo dục Pháp… Yersin đều dành để mua cây trồng, vật nuôi và chi trả hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang, Trại chăn nuôi Suối Dầu, trong đó có sự đóng góp của E.Roux và A.Calmette.

Thời gian đầu ở Suối Dầu, Yersin mở cuộc thám hiểm hai ngày đi thuyền gỗ ngược dòng sông Cái, hai ngày leo núi cùng Armand Krempf, khám phá đỉnh Hòn Bà. Ông xây dựng ở đó một ngôi nhà gỗ kiểu dáng kiến trúc Thụy Sĩ vào năm 1915 và tổ chức nuôi trồng thử nghiệm nhiều động thực vật. Bằng tiền thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Yersin xây dựng con đường uốn lượn 30 km từ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà để vận chuyển máy phát điện, máy bơm nước tưới cây…

2. Giữa lúc Yersin đang mải mê nghiên cứu ở Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu, thì năm 1902 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mời ông ra Hà Nội giao nhiệm vụ thành lập Trường Y Đông Dương - tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội sau này và cũng là trường đại học đầu tiên ở Đông Dương.

Theo GS.TS khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, nhà cầm quyền Đông Dương lúc đó tranh thủ uy tín của Yersin để tập hợp những sinh viên ưu tú cho ngành y, vì thời bấy giờ chưa có một thầy thuốc bản xứ nào được đào tạo theo trường phái y học châu Âu. Hơn thế nữa mục tiêu hoạt động của Trường Y Đông Dương không chỉ là nơi đào tạo các thầy thuốc bản xứ, mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Theo yêu cầu của Decrais - Bộ trưởng Bộ thuộc địa, Hiệu trưởng được lựa chọn phải có đủ tư cách, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, nên sau nhiều cuộc rà soát nhân sự, Brouardel - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Paris quyết định chọn Yersin, khi ông đương nhiệm Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang. Một giáo trình hình mẫu đại học được Yersin xây dựng, ông đảm nhiệm giảng dạy vật lý, hóa học và phẫu thuật. 

Sau một cuộc thi, 28 thí sinh người Việt và 1 thí sinh Cao Miên trúng tuyển niên khóa đầu tiên khai giảng ngày 1-3-1902 với học bổng mỗi tháng một sinh viên 8 đồng Đông Dương. Lúc đầu trường tọa lạc ở làng Kinh Lược nhưng Yersin xin dời về phố Bobillor - nay là Lê Thánh Tông, TP Hà Nội, đồng thời xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc. 

Phần mộ Yersin trên ngọn đồi lộng gió ở Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Hai năm sau khi xây dựng, Yersin từ nhiệm hiệu trưởng, rời khỏi căn nhà 44 Felix Faure - nay là Trần Phú, TP Hà Nội để về Viện Pasteur Nha Trang với người dân xóm Cồn mà ông luôn yêu mến. Theo nhà văn Pháp Patrick Deville - người từng viết tiểu sử Yersin, dân xóm Cồn gọi Yersin là ông Năm vì "ông có cái lon năm vạch mạ vàng trên bộ đồng phục trắng".

Không vợ con, đam mê nghiên cứu khoa học, sống giản dị, gần gũi với mọi người và luôn tự coi mình là dân xóm Cồn, nên Yersin thường chiếu phim khoa học, phim vua hề Charlot cho bà con đến xem; chia kẹo cho những đứa trẻ tóc cháy màu nắng, mua kính thiên văn và máy điện lượng kế gắn vào con diều to, thả lên độ cao cả ngàn mét để đo điện khí quyển và dự báo thời tiết giúp người dân xóm Cồn chủ động phòng tránh thiên tai... 

Yersin giản dị đến mức một lần đang đi trên tàu Pauk Lecat đến thành phố cảng Marseille tháng 11-1920, ông bị chặn từ cửa phòng ăn vì không đeo cà vạt. Đến khi một nhân viên khác nhận ra Yersin - người tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch và phối hợp ba cộng sự điều chế huyết thanh đặc hiệu phòng chống, đồng thời được tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh - Huân chương cao quý nhất ở nước Pháp, họ đã vui vẻ chào mời ông.

3. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, cùng với Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, Alexandre Yersin còn nhận được các giải thưởng Francois Audiffred của Viện Hàn lâm khoa học, giải thưởng Lasserre của Bộ Giáo dục Pháp. Năm 1934 - sau khi Pasteur, Roux và Calmette qua đời, Yersin - người cuối cùng trong nhóm Pasteur đã được đề cử làm Giám đốc danh dự của Viện Pasteur Paris. Với chức trách này, mỗi năm Yersin phải về Pháp một lần để tham dự cuộc họp, đến năm 1940 Yersin về Pháp lần cuối cùng, vì sau đó Đệ nhị thế chiến bùng nổ.

Đề cập nếp sống giản dị của Yersin, trong hồi ký của kỹ sư Đặng Văn Vinh - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục cao su Việt Nam, kể rằng, lần đầu ông gặp Yersin vào năm 1941 khi Trường Cao đẳng canh nông Hà Nội phân công thực tập 4 tháng ở Viện Pasteur Nha Trang. 

Yersin mặc áo sơ mi hay bộ ka-ki bạc màu, đi giày vải bố, đeo đồng hồ quả quít "độc nhất, vô nhị" vì chỉ có một sợi nhựa đỏ. Khi có người tò mò hỏi, Yersin lý giải: "Cái đồng hồ cho tôi giờ chính xác, đó là điều quan trọng mà tôi yêu cầu, còn đeo bằng cách nào thì không quan trọng".

 Sau này nhiều người mới biết đồng hồ là vật dụng không thể thiếu đối với Yersin. Trong tủ của ông có nhiều đồng hồ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, tất cả do Thụy Sĩ sản xuất, phía sau mỗi đồng hồ có dòng chữ "Fabriqué specialement pour le Dr.A.Yersin" - nghĩa là "Chế tạo riêng cho Dr.A.Yersin".

Trong hồi ký của ông Phạm Văn Phê - một người dân Nha Trang đã phục vụ Yersin từ năm 1926 và đã qua đời năm 1998, có viết: "Trong suốt 18 năm phục vụ ở Viện Pasteur tôi chưa thấy lần nào ông phiền trách nặng lời, cau có, giận dỗi, mà luôn tỏ lòng vị tha với tất cả mọi người". 

Trong thư gửi mẹ, Yersin tâm sự: "Con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là phục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống". 

Trong hồi ký của mình, cố bác sĩ Kiều Xuân Cư - sinh năm 1919, người con của vùng quê Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có kể rằng, trước năm 1942 ông cùng những người bạn học ở Trường tiểu học Phủ Diên Khánh thường xuống Nha Trang tắm biển ngày hè. Khi họ vào khu nhà của Yersin nghỉ mát, con Nhồng réo gọi "Ông Năm ơi, ông Năm có khách", Yersin bước ra với nụ cười thân thiện. Rồi ông dẫn cả nhóm đến tủ sách hồng (Livre rose) để đọc những trang sách bổ ích. 

Có lần Yersin dẫn cả nhóm lên sân thượng, ngắm mặt trời qua viễn vọng kính. Nhờ kính thiên văn và một số thiết bị khác, giữa tháng 11-1939 Yersin dự báo và vận động người dân xóm Cồn đến "lô cốt" hai tầng tránh cơn bão dữ cuốn đổ hàng chục căn nhà. 

Sau sự kiện đó, người dân xóm Cồn gọi ông Năm là "nhà tiên tri", "vị cứu tinh dân chài". Ngoài kính thiên văn, trong nhà Yersin còn có máy phát tín hiệu Morse đầu tiên ở Đông Nam Á, thế nhưng ông vẫn ước mong xây dựng sân bay Nha Trang và mua máy bay vận hành hàng không Viễn Đông.

Liên quan những công trình khoa học do Yersin nghiên cứu thành công, tiểu thuyết "Dịch hạch và thổ tả" (Peste et Choléra) của nhà văn người Pháp Patrick Deville được báo giới Pháp đánh giá là tác phẩm chân thực, sinh động vì đã "khôi phục gần như nguyên vẹn" cuộc đời và sự nghiệp của Yersin với những đột phá quan trọng về y học vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Tiểu thuyết "Dịch hạch và thổ tả" được vào chung khảo giải Goncourt, giải của các giải văn học (Le Prix des Prix Littérairs), giải tiểu thuyết của Tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac) và đã đoạt giải Femina năm 2012. Ngày 20-9-2013, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Yersin, Tổng Công ty bưu chính Pháp phối hợp Viện Pasteur Paris, Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức phát hành hai mẫu tem chung Việt Nam và Pháp về Alexandre Yersin. 

Một năm sau đó, quyết định của Nhà nước về việc truy tặng danh hiệu "Công dân Việt Nam danh dự" cho Yersin theo đề nghị của Bộ Tư pháp đã được công bố trong lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh Yersin (22-9-1863 - 22-9-2014) tổ chức ở TP Nha Trang. 

Cuộc đời của ông còn là nguồn cảm hứng cho hai tác phẩm điện ảnh: bộ phim "Sống là phải dịch chuyển" của ông Stephane Kleeb - đạo diễn người Thụy Sĩ, và "Trái tim ông Năm", của nhóm tác giả: Nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Tùng, bác sĩ Kiều Xuân Cư, nhà thơ Giang Nam và nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng.

Tại TP Đà Lạt từ năm 1927 người Pháp xây dựng Trường trung học Đà Lạt, đến năm 1935, Công sứ Thị trưởng Đà Lạt tổ chức lễ công bố Trường trung học Đà Lạt vinh dự mang tên Trường trung học Yersin (Lycée Yersin). 

Đến ngày 3-9-1976 cơ sở đào tạo đó trở thành Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Kiến trúc ngôi trường này được Hội kiến trúc thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Tại thành phố ngàn hoa trên cao nguyên Langbian còn có Công viên Yersin và Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt.

Ở Khánh Hòa còn có Ngôi chùa Linh Sơn - Khu mộ Yersin ở Suối Dầu - Thư viện và Bảo tàng Yersin. Quần thể này được Bộ Văn hóa thông tin - nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 993/QĐ-BVHTT ngày 28-9-1990. Đây cũng là trường hợp duy nhất ở Việt Nam đối với di tích của người nước ngoài. Cách đó không xa là ngôi trường trung học cơ sở ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm vinh dự mang tên Yersin. Tên ông cũng được đặt cho một số đường phố tại Việt Nam.

Tại TP Hồ Chí Minh, Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin ở Trương Định, quận 3 là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này ở Việt Nam vinh dự được nhận Giải vàng đỉnh cao chất lượng Quốc tế -IQS 2015 tại New York - Hoa Kỳ tháng 5-2015. Nhiều thành phố, thị xã ở Việt Nam có những con đường mang tên Yersin.

Trong Hội thảo quốc tế về Yersin do Bộ Văn hóa thông tin chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang và Hội ái mộ Yersin tổ chức tại TP Nha Trang ngày 1-3-1991, Ngài Claude Blanche Maison - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam xúc động bày tỏ: "Cùng với các bạn, tôi đến đây để tưởng nhớ một người thầy thuốc, một nhà bác học, một nhà khoa học, nhưng trước hết là một nhà nhân văn. Ông đã quan tâm đến môi sinh của con người. Đó là một nhà nhân văn chân thực". 

Trong khi đó, Ngài J Dgesen F.B - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới OMS tại Việt Nam khẳng định: "Yersin dành trọn đời mình phục vụ cho khoa học, nhân loại và Tổ chức y tế thế giới đã có sự phối hợp rất tốt với Viện Pasteur Nha Trang.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.