Những trận đánh thầm lặng

Thứ Hai, 13/07/2015, 20:20
Cân nhắc mãi, cuối cùng Thượng tá Tạ Đăng Sắc - (Trưởng phòng PA61 Công an tỉnh Bắc Ninh) cũng đồng ý kể cho tôi ít nhiều tình tiết phía sau hàng loạt chiến công đánh bắt gián điệp của đơn vị, sau khi đã báo cáo xin ý kiến của Ban Giám đốc Công an tỉnh. Chỉ điều này thôi, cũng đã nói được phần nào về tính chất công việc của các anh.

Họ lặng lẽ bước vào cuộc chiến, âm thầm dâng hiến bao giọt mồ hôi, cả những hy sinh mất mát không ai biết đến. Và rồi khi thành công, thì chiến công đó cũng hoàn toàn nằm trong vòng bí mật. Để một tên tình báo hay gián điệp, phản động lộ diện và chịu sự trừng phạt, không phải là việc của một vài tháng hay vài năm.

Thượng tá Sắc nói, có khi, đó là việc của cả một "đời" làm an ninh. Có người chỉ ước sao được một lần khóa tay gián điệp, mà đến lúc về hưu việc vẫn chưa xong. Nếu vậy, hẳn các anh là người "mát tay", khi mà chỉ trong vài năm gần đây, nhiều tên gián điệp nằm vùng nguy hiểm, đã sa lưới sau những nỗ lực quên mình vì bình yên trên miền đất Quan họ của PA61 - Công an tỉnh Bắc Ninh.

1. Tôi đến Phòng PA61 - Công an tỉnh Bắc Ninh giữa buổi trưa tháng 7 đổ lửa. Ngoài trời nắng nóng hầm hập nhưng cả đơn vị vắng hoe, chỉ còn 2 nữ chiến sĩ đang cắm cúi vào những bản báo cáo dài dằng dặc về tình hình hoạt động của đối tượng nghi vấn. Nếu không gọi điện hẹn trước, chắc chắn cũng không gặp được Thượng tá Tạ Đăng Sắc. Bởi "dân" phòng chống gián điệp, mấy ai được "ngồi ở nhà". Quanh năm suốt tháng, họ tất bật bám theo hoạt động từng ngày của các đối tượng trong "tầm ngắm". Chúng đi đâu, làm gì, cùng ai… đều phải được cập nhật đầy đủ và chi tiết vào những bản báo cáo tuyệt mật trong hồ sơ nghiệp vụ.

Phòng PA61, Công an tỉnh Bắc Ninh đón nhận Huân chương chiến công. 

Thật không dễ để có được những mẩu chuyện hấp dẫn của đơn vị này về hành trình truy bắt bọn phản động, gián điệp nằm vùng. Sau một quy trình báo cáo đề xuất chặt chẽ, tôi mới có trên tay bản báo cáo về những chiến công vang dội của họ, cùng với lời dặn dò kỹ càng về phạm vi thông tin được đưa lên báo.

Câu chuyện bắt đầu từ quá trình điều nghiên cho tới khi bắt giữ tên gián điệp mang mật danh Z. Thượng tá Sắc kể: "Theo dõi một đối tượng tình báo, gián điệp hết cả tuổi thanh xuân là chuyện bình thường của những người làm công tác an ninh. Tài liệu về Hoàng Anh Vũ - (sinh năm 1932 ở Đọ Xá, Ninh Xá, Bắc Ninh) - một tên gián điệp do cơ quan đặc biệt nước ngoài (CQĐBNN) cài cắm hoạt động tại địa phương đã trên bàn làm việc của chúng tôi từ năm… 1997.

Y được  giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về bí mật quân sự trong nước; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; đối sách của Cơ quan An ninh Việt Nam đối với các cơ sở gián điệp nước ngoài; tình hình ngoại kiều tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt là nhiệm vụ móc nối, lôi kéo những cán bộ của ta đang công tác trong ngành Ngoại giao, Công an, Quân đội để giới thiệu cho CQĐBNN tuyển mộ, nhằm mục đích hình thành nên mạng lưới điệp báo hoạt động trong nước.

Nhận thấy tính chất đặc biệt nguy hiểm của đối tượng, chúng tôi đã xác lập chuyên án trinh sát để tổ chức điều tra cơ bản, toàn diện về Z. Sử dụng chiến thuật trinh sát liên hoàn, đã dựng lên quá trình hoạt động của y cùng các thông tin liên quan một cách có hệ thống và chính xác. Trong đó, có những việc như là "không tưởng", chẳng hạn, dựng lại vào năm 1979, y bán hàng gì ở chợ nào, ngồi cạnh ai!

Điều khiến Z trở nên đặc biệt nguy hiểm ở chỗ y vốn có quan hệ trong quân đội, thậm chí còn giữ chức vụ tại Chi hội Cựu chiến binh (CCB) địa phương, nên có điều kiện moi hỏi tình hình quân sự để cung cấp cho CQĐBNN. Cả một quá trình hơn chục năm đeo bám đối tượng, chúng tôi nắm rõ y quan hệ với ai, động thái diễn biến hoạt động từng ngày. Trong đó, tất cả những lần y xuất cảnh ra nước ngoài để báo cáo công việc và nhận chỉ thị… đều nằm trong kế hoạch nghiệp vụ của lực lượng an ninh Việt Nam.

Đồng thời, những "trò chơi nghiệp vụ" đã được chúng tôi triển khai có hiệu quả để mở rộng "phạm vi nghiên cứu". Đầu năm 2011, nhận thấy Z càng điên cuồng hoạt động, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy Bắc Ninh, đề xuất cho phá án nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của tên này. Để đảm bảo xử lý đối tượng trước pháp luật về tội danh "Gián điệp" theo Điều 80 -BLHS, chúng tôi đã dày công thu thập tài liệu về hoạt của y, chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển hóa chứng cứ. Được sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ, đến ngày 27/8/2012 chúng tôi đã phối hợp với Cục A69 - Bộ Công an bắt giữ đối tượng, thu giữ được nhiều tài liệu, công cụ phương tiện phạm tội".

2. Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đã "vươn vòi" đến miền quê Kinh Bắc, thông qua một tên phản động vốn là sĩ quan Lực lượng vũ trang (LLVT) xuất ngũ. Được đào tạo và công tác trong lĩnh vực đặc biệt, nhưng do bất mãn cá nhân nên Vũ Tuấn Anh (SN 1971, ở Vệ An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã ngỏ ý "đầu quân" cho tổ chức Việt Tân, thông qua mạng Internet.

Hoàng Anh Vũ bị bắt giữ cùng tang vật.

Nhận thấy "tiềm năng" của một người được đào tạo bài bản, nên ngày 14/2/2008, bọn "chóp bu" cầm đầu tổ chức này là Lê Xuân Bình, Nguyễn Trọng Việt đã "bơm" tiền cho y để sang Thái Lan "ra mắt". Sau khi báo cáo tình hình trong nước, trình bày quan điểm cá nhân, Vũ Tuấn Anh đã được tuyển mộ. Tại buổi gặp, y đã viết đơn xin gia nhập tổ chức Việt Tân và tuyên thệ sẽ trung thành với mục tiêu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của chúng.

Ngày 16/2/2008, lễ kết nạp tên phản động này được tổ chức theo nghi thức của Việt Tân. Y được đặt bí số, bí danh, hướng dẫn cách hoạt động đơn tuyến, liên lạc qua email và Skype. Lãnh đạo Việt Tân đã tổ chức huấn luyện cấp tốc cho y biện pháp tổ chức các cuộc bạo động hoặc đấu tranh bất bạo động, phương pháp tập hợp lực lượng từ số CCB, thanh niên, sinh viên, quần chúng khiếu kiện.

Ý tưởng của những tên cầm đầu là xây dựng Vũ Tuấn Anh thành hạt nhân, nòng cốt để phát động các cuộc biểu tình theo mô hình "cách mạng màu" như đã xảy ra tại một số nước Đông Âu. Đặc biệt, y được khuyến cáo làm "ấm" lại các mối quan hệ bạn bè cũ trong LLVT để thu tin, nắm tình hình bí mật quân sự, tình hình nội bộ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Trở về nước, Vũ Tuấn Anh bắt tay ngay vào việc thu thập tin tức, phân tích, đánh giá, nhận định tình hình và gửi các báo cáo định kỳ cho tổ chức Việt Tân thông qua thư điện tử, đồng thời y đã câu móc, tuyên truyền vận động 5 đối tượng khác tham gia vào tổ chức phản động này.

Hoạt động tiếp theo của y là tiếp xúc, vận động một số công nhân Công ty giày da Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) kích động đình công, biểu tình, vận động khiếu kiện đông người lên UBND TP Hà Nội để đưa yêu sách phi lý, nhằm gây bất ổn xã hội. Vũ Tuấn Anh còn tổ chức tán phát tài liệu của tổ chức Việt Tân "Bản kiến nghị ngỏ về Hoàng Sa, Trường Sa", đi lại "như con thoi" giữa các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP HCM, Quảng Nam… để phát triển mạng lưới phản động.

Thượng tá Tạ Đăng Sắc - (Trưởng phòng PA61, Công an tỉnh Bắc Ninh).

Thấy Vũ Tuấn Anh "mẫn cán" và được việc, bọn phản động hải ngoại không ngừng "bơm" tiền. Tất nhiên, mọi hoạt động của y không qua khỏi tầm mắt của lực lượng An ninh Việt Nam, mà đơn vị PA61 - Công an tỉnh Bắc Ninh là mũi chủ công trong chuyên án chống gián điệp này.

"Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu nhất, chúng tôi luôn nắm vững mọi việc y làm, mọi người y gặp, tiếp xúc và vận động. Những động thái của Vũ Tuấn Anh và đồng bọn,  chúng tôi đều đi trước một bước, vượt lên ngăn chặn. Đấu tranh với đối tượng an ninh có nét khác biệt đặc thù với phòng chống tội phạm hình sự. Đó là chỉ "cất vó" khi đã giải quyết xong các yêu cầu khác nhau của chuyên án về lâu về dài, chứ không phải cứ thấy trong người đối tượng có tang vật là vội vàng bắt ngay. Công tác này nhiều khi như là "mèo vờn chuột", cứ để chúng "diễn" tự nhiên cho lộ hết "bài" ra, lưới đã giăng kín thì cứ "thong thả" mà quan sát.

Đầu năm 2012, điều kiện phá án chín muồi, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục An ninh - Bộ Công an và thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, đề xuất cho bắt đối tượng. Được sự phê duyệt của cấp trên, ngay trong đêm 11/2/2012 một tổ công tác đặc biệt của Phòng PA61 và Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bắc Ninh đã lên đường vào Quảng Nam thực hiện lệnh bắt Vũ Tuấn Anh về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" - Thượng tá Sắc nhớ lại.

Được biết, phát huy truyền thống là Đơn vị Anh hùng LLVTND, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống gián điệp phản động, Phòng PA61 - Công an tỉnh Bắc Ninh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công, nhiều lượt cán bộ chiến sĩ được Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng bằng khen, giấy khen danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý khác. Đơn vị liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Tiên tiến; Quyết thắng trong những năm vừa qua.

Chia tay Thượng tá Tạ Đăng Sắc, câu anh nói "không say nghề, không làm được trinh sát an ninh" cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường về. Hình ảnh những người lính mặc thường phục đang rong ruổi đâu đó trên những dặm đường đeo bám đối tượng, để lại sau lưng gia đình với bao thiếu thốn, khó khăn, cứ lung linh trong nắng quái chiều hôm.

Đào Trung Hiếu
.
.