Số phận 3 chiếc “xuồng bay” trong chiến tranh Việt Nam (bài 1)

Thứ Năm, 12/01/2017, 10:25
Sau khi thất bại trong chiến thuật "trực thăng vận" và tiếp theo là "thiết giáp vận", cuối năm 1966, Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) tiến hành thử nghiệm một chiến thuật mới tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi địa hình phần lớn là kênh rạch, sình lầy, không thuận tiện cho những cuộc hành quân bằng xe vận tải hay xe bọc thép.

Để thực hiện chiến thuật mới, MACV đưa từ Mỹ sang 3 chiếc "xuồng bay" - hay còn gọi là "Tàu đệm khí - Hovercraft", rồi thành lập đơn vị đặc biệt "Task Force 116", trực thuộc Lữ đoàn 39 giang thuyền xung kích Mỹ, chỉ huy sở đặt tại Căn cứ Đồng Tâm, bên cạnh dòng sông Tiền, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) …

Xuồng bay, phương tiện lý tưởng cho tác chiến đầm lầy?

Ngày 27-6-1966, trên bức tường trong phòng họp chính của Bộ Tư lệnh MACV ở Sài Gòn, có treo một tấm bản đồ rất lớn, tỉ lệ 1/10.000, bao gồm từ tỉnh Kiến Tường (nay là Long An) đến mũi Cà Mau và một phần Campuchia.

Nhìn vào, các sĩ quan, tướng lĩnh cả Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa đều nhận thấy cái màu xanh đậm xen lẫn xanh nhạt của những con sông, con rạch và những đầm lầy, ruộng lúa, những cánh rừng tạp, bao phủ gần hết. Rải rác trên cái màu xanh ngút ngàn ấy là những cụm gồm nhiều chấm đen, biểu hiện cho làng mạc, thị xã, thị trấn và những vạch đỏ, vạch đen chạy ngoằn ngoèo, là quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã.

Tàu vận tải LPD-5 hạ thủy xuồng bay trên sông Sài Gòn.

Mở đầu buổi họp, Đại tướng William Childs Westmoreland, Tư lệnh MACV đưa tay chỉ lên tấm bản đồ rồi liếc sang Trung tướng Đặng Văn Quang, Tư lệnh Vùng 4 Chiến thuật. Giây lát, tướng Westmoreland đi thẳng vào đề: "Thời gian qua, những cuộc hành quân của chúng ta hầu như không đạt được mục tiêu mong muốn mà một phần là do địa hình. Ở những con sông, kinh rạch thuộc Vùng 4 Chiến thuật, các giang hạm Monitor Mark IV, Mark V hoàn toàn có thể phát huy tốc độ và hỏa lực nhưng ở những vùng đầm lầy cỏ lác, cỏ năn, ruộng lúa, ngay cả những chiếc PCF (Patrol Craft Fast - Tàu tuần tra vận tốc nhanh) hay như PBR (Patrol Boat River - Tàu tuần tra trên sông - thân làm bằng sợi thủy tinh) cũng khó hoạt động vì bị vướng chân vịt…".

Ngừng lại vài giây, Westmoreland nói tiếp: "Vì thế, tôi đã đề nghị Bộ Quốc phòng trang bị cho chúng ta một loại phương tiện mới, gọi là "xuồng bay" (Hovercraft). Nó có thể chạy trên những bãi lầy và ngay cả trên ruộng lúa hoặc đường đất. Ngoài trưởng xuồng và thủy thủ đoàn, nó chở được 12 lính. Hỏa lực của nó khá mạnh, đủ để tung ra những cuộc tấn công bất ngờ vào những địa điểm mà trước đây, chúng ta vẫn phải trông cậy vào máy bay trực thăng".

Buổi họp kết thúc sau khi Westmoreland đề nghị tướng Đặng Văn Quang "tìm một mục tiêu cụ thể và lập kế hoạch hành quân chớp nhoáng cấp trung đội bằng xuồng bay để đánh giá khả năng tác chiến của loại phương tiện này trước khi MACV đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ gửi thêm một đại đội Hovercraft nữa".

Ngày 25-9-1966, tàu vận tải LPD-5 cập cảng Sài Gòn, chở theo 3 chiếc xuồng bay do Hãng Bell Helicopter, Mỹ, chế tạo. Nó là sự kết hợp giữa xe bọc thép, máy bay trực thăng và tàu đổ bộ. Bằng cách thiết kế một chiếc phao, ôm kín toàn bộ đáy xuồng và một phần thân xuồng, khi động cơ của xuồng hoạt động, không khí sẽ được bơm đầy vào phao khiến xuồng nổi lên. Vật liệu chế tạo loại phao này có khả năng tự hàn kín nếu bị trúng đạn cỡ từ 9mm trở xuống.

Để di chuyển, xuồng bay không dùng chân vịt mà dùng một chong chóng rất lớn, gồm 4 cánh đặt ở đuôi, thổi gió ra phía sau theo nguyên tắc phản lực, đẩy xuồng lướt tới. Trên sông, Hovercraft có thể đạt tốc độ tối đa 120km/giờ còn ở đầm lầy, ruộng lúa hoặc trên mặt bùn, nó chạy từ 60 đến 80km/giờ.

3 chiếc xuồng bay mà Bộ Quốc phòng Mỹ gửi đến miền Nam Việt Nam là loại SK-5, động cơ công suất 650 mã lực. Hải quân Mỹ gọi nó là ACV (Air Cushion Vehicle - Tàu đệm khí). Dài gần 13m, ngang 6,1m, trên nóc buồng lái của mỗi chiếc SK-5 đều có gắn một radar phát hiện tàu bè và các chướng ngại vật. Thân xuồng bọc thép, độ dày tương đương như một xe thiết giáp M113.

Cũng trên nóc buồng lái, ngay trước radar là một súng đại liên Cal M2 Browning 12,7mm, phía dưới là một trung liên M60 7,62mm, sau đuôi là khẩu súng phóng lựu M79 bắn liên thanh và một trung liên M60 nữa. Thủy thủ đoàn của SK-5 ngoài xuồng trưởng và xuồng phó, còn có 6 lính phụ trách các loại súng. Địa bàn hoạt động ban đầu của 3 chiếc xuồng này kéo dài từ Nhà Bè, Sài Gòn đến Bến Lức, Mỹ Tho, Cao Lãnh, Sa Đéc và toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá David G. Moore.

Điểm hạn chế duy nhất của xuồng bay là lượng nhiên liệu chỉ có thể chạy từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ nếu không được tiếp tế và tiếng ồn của nó rất lớn, dễ dàng nghe thấy từ xa. Trung úy George E. Rogers, xuồng trưởng của chiếc SK-5, số hiệu 902 nói: "Mặc dù tiếng ồn lớn nhưng chúng tôi có ưu thế về tốc độ. Khi Việt Cộng vừa nghe thấy nó thì nó đã đến ngay trước mặt rồi. Đây là phương tiện lý tưởng cho tác chiến đầm lầy mà không một loại tàu thuyền nào có thể có được".

Ngày 20-11-1966, biệt đội Task Force 116 mở cuộc hành quân đầu tiên với 2 chiếc xuồng bay, số hiệu 901 và 902 để đánh giá khả năng hoạt động, mỗi xuồng chở theo 12 lính biệt kích Mũ nồi xanh Mỹ, mục tiêu là một số những gò đất nổi nằm ở phía tây vùng Đồng Tháp Mười, giáp biên giới Campuchia, nơi máy bay trinh sát L19 ghi nhận "có dấu hiệu của một số hầm chiến đấu".

Cuộc hành quân được sự yểm trợ của 9 trực thăng UH-1B, mỗi chiếc chở theo 12 lính bộ binh và 6 trực thăng vũ trang Cobra (rắn hổ mang). Trong suốt 2 tiếng, những chiếc xuồng bay lướt đi với tốc độ bình quân 80km/giờ mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào.

Đến gần 12 giờ trưa, xuồng 901 phát hiện một cụm nhà lá nằm dưới những tàn cây rậm rạp, có bóng người thấp thoáng nên xin lệnh khai hỏa. Giây lát, mọi loại vũ khí trên cả hai chiếc 901, 902 đều đồng loạt gầm lên. Khi lính Mũ nồi xanh tiến vào, họ nhận ra rằng trong tất cả những căn nhà đều treo hình Quốc vương Sihanouk nên lập tức, xuồng trưởng của xuồng 901 liên lạc với máy bay trinh sát L.19, xin xác nhận vị trí. Đến lúc biết là đã đi lố vào đất Campuchia, hai xuồng vội vã quay đầu tháo lui, bỏ lại sau lưng một số người chết và bị thương, tất cả đều là dân thường.

24 ngày sau đó, ngày 14-12, một đơn vị đặc công Quân Giải phóng đánh vào bến tàu Lữ đoàn 39 giang thuyền xung kích Mỹ trên sông Tiền thuộc căn cứ Đồng Tâm, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), và cũng là chỗ neo đậu của 3 chiếc xuồng bay. Tuy không phá hủy được chiếc nào nhưng đặc công đã tiêu diệt 2 lính Mỹ, bắn bị thương 1, bắn hư hỏng 3 trực thăng và 1 tàu PCF.

Sau vụ "đột kích nhầm" vào lãnh thổ Campuchia, cuối tháng 12-1966, Bộ Quốc phòng Mỹ rút cả 3 chiếc xuồng bay 901, 902 và 903 về Mỹ sửa chữa mà thực chất là trang bị thêm hệ thống định vị dựa vào bản đồ thực địa và các máy truyền tin sóng ngắn để nhận sự hướng dẫn của không quân. Cuối tháng 11-1967, cả ba chiếc được đưa trở lại miền Nam Việt Nam.

Cuộc hành quân “lướt gió”

Đầu tháng 12-1967, sau nhiều ngày nghiên cứu tình hình, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Chiến thuật Việt Nam Cộng hòa thông báo cho MACV biết, một cuộc hành quân trinh sát bằng xuồng bay sẽ được tiến hành, mục tiêu là một khu vực trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc quận Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (sau năm 1975, Mộc Hóa sát nhập với tỉnh Long An, thành một huyện của Long An).

Xuồng bay 901 trong một cuộc hành quân ở Đồng Tháp Mười.

Đây là nơi mà tin tình báo cho biết có sự di chuyển cấp tiểu đoàn của Quân Giải phóng. Nó phù hợp với những nguồn tin tình báo khác, là có khả năng Quân Giải phóng sẽ tổ chức những trận đánh lớn vào dịp tết Mậu Thân.

Địa hình Đồng Tháp Mười với diện tích gần 700 nghìn hécta, phần lớn là đất ngập nước, kể cả vào mùa khô.

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975, quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa hầu như chỉ kiểm soát được những con sông, những kinh rạch lớn cùng những thị xã, thị trấn, làng mạc nằm dọc theo nó. Mỗi lần muốn hành quân vào sâu bên trong thì phải dùng máy bay trực thăng và những chiếc xuồng nhỏ bằng gỗ, gắn máy "đuôi tôm" Kohler công suất 5 mã lực nhưng những cuộc hành quân ấy thường kéo dài không quá một tuần vì lính không thể ngâm mình dưới nước từ ngày này qua ngày khác.

Thiếu úy Lê Văn Nam, chỉ huy một trung đội thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam Cộng hòa kể lại trong một bài báo, đăng trên tờ Kinh tế Viễn Đông, xuất bản tại Mỹ hồi tháng 4-2005: "Nước ở khắp nơi, chỗ thấp nhất cũng tới đầu gối. Thậm chí có chỗ nước ngập ngang bụng. Lính trung đội tôi tìm những gò đất cao để đóng quân, để ngủ nghỉ và dĩ nhiên là để làm mồi cho du kích Việt Cộng. Không biết họ ẩn núp ở chỗ nào nhưng cứ nghe tiếng "cắc, bọp" là y như rằng có lính chết hoặc bị thương vì súng bắn tỉa".

8 giờ sáng ngày 21-1-1967, 3 chiếc xuồng bay số hiệu 901, 902, 903 chở theo 36 biệt động quân Việt Nam Cộng hòa, xuất phát từ căn cứ Đồng Tâm, đi ngược sông Tiền rồi tiến vào Đồng Tháp Mười để thực hiện cuộc đột kích, mật danh "Lướt gió". Khác với những cuộc hành quân vẫn thường diễn ra do Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tổ chức, có máy bay ném bom, pháo binh bắn dọn đường thì cuộc hành quân này lại rất im hơi lặng tiếng, chỉ mỗi một chiếc trinh sát L.19 bay tít trên cao làm nhiệm vụ cảnh giới và liên lạc.

Ông Bảy Cước, nhà ở cạnh bờ sông Tiền nhớ lại chuyện xảy ra cách đây 49 năm về trước: "Bữa đó tui mới thả chiếc vó xuống mặt sông thì nghe những tiếng ồ ồ rất lớn. Giây lát, ba chiếc tàu đen thui lướt qua, trước mũi vẽ hình cái miệng đỏ lòm, nhe hàm răng trắng nhìn rất dễ sợ. Trên tàu súng ống tua tủa, lính Mỹ ở trần, mặc áo giáp, đầu đội nón sắt, đeo cái kiếng giống như kiếng của phi công lái máy bay. Lạ ở chỗ là tàu nhưng nó không chìm dưới nước, mà nó nổi hẳn lên. Sau đuôi nó có cái chong chóng thiệt lớn, y như cái quạt máy. Nó chạy rất nhanh, chỉ mới chút xíu mà nó đã mất hút. Từ đó tới giờ tui chưa từng thấy tàu nào chạy nhanh như vậy".

Gần 10 giờ, 3 chiếc xuồng bay vào đến mục tiêu. Theo lệnh của Thiếu tá David G. Moore, chỉ huy chung, chiếc 901 và 903 vòng sang hai bên theo hình cánh cung còn chiếc 902 như một mũi tên, lao thẳng về phía trước, tất cả các họng súng trên xuồng đều trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Trung sĩ Andrews, xạ thủ khẩu 12,7mm ở xuồng 902 kể: "Nó lướt như bay trên mặt bùn. Và mặc dù tôi đã đeo kính che gió nhưng vì nó lướt nhanh quá nên rất khó quan sát, nhất là trong phạm vi vài mét sát thân xuồng".

Collin Ashley, xạ thủ khẩu phóng lựu 40mm phía đuôi xuồng kể tiếp: "Cánh quạt phản lực tạo ra một luồng bụi trắng đục, là những hạt nước nhỏ li ti, kéo dài gần 3m. Luồng bụi ấy làm giảm tầm nhìn và tầm tác xạ của tôi nên một chiếc ghe nào đó của Việt Cộng hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để bất ngờ tấn công chúng tôi hoặc lẩn trốn…".

Cao Trí
.
.