Tạ Đình Đề, một nguyên mẫu của vở kịch huyền thoại “Tôi và chúng ta”
Đội bóng đá tổng cục đường sắt nổi danh một thời là do ông gầy dựng từ thuở sơ khai; nhạc sĩ tài hoa Phan Lạc Hoa, tác giả bài hát để đời "Tàu anh qua núi", nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ở đoạn đời gian truân, đều có bàn tay nâng đỡ của ông.
Và, ít ai biết rằng, ông chính là nguyên mẫu của nhân vật giám đốc, đồng thời công cuộc đổi mới sản xuất ở Xưởng làm cao su do ông phụ trách chính là chất liệu để làm nên vở kịch nổi tiếng xuyên thế kỷ "Tôi và chúng ta" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Cũng ít ai biết rằng, ông chính là người đầu tiên sản xuất được vợt bóng bàn "Made in Việt Nam", không chỉ để dùng ở Việt Nam mà còn đưa đi xuất khẩu.
Những câu chuyện dưới đây được Chuyên đề ANTG lược trích từ Chương 2 và Chương 3 của cuốn sách "Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời".
Người khai sinh ra vợt bóng bàn "made in Việt Nam"
…Tạ Đình Đề kể: "Sau một thời gian áp dụng phương thức làm ăn mới, anh em công nhân của Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt đã được trả công xứng đáng. Người lao động hăng hái làm việc, có nhiều sáng kiến cải tiến, năng suất lao động tăng lên, sản phẩm của xí nghiệp có độ tinh xảo cao, cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài. Chỉ tính riêng mặt hàng vợt bóng bàn đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tôi còn nhớ vào thời kỳ đó, vợt bóng bàn thương hiệu Made in Việt Nam do Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt sản xuất không thua kém sản phẩm nước ngoài và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới".
Tôi ngắm ông, lòng đầy thán phục. Sự say mê nhiệt huyết của Tạ Đình Đề và đồng nghiệp của ông thật đáng trân trọng trong hoàn cảnh bấy giờ. Đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của những con người cộng sản chân chính hết lòng vì nhân dân.
Nghe ông tâm sự, tôi thầm nghĩ: Vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, hàng công nghiệp của ta sản xuất ra mà được xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt của ông Đề, lúc đầu chỉ là hợp tác xã sản xuất, mà sản phẩm là vợt bóng bàn được xuất khẩu để lấy tiền mua đầu máy xe lửa cho Nhà nước thì quả là điều kỳ diệu.
Ông Tạ Đình Đề thời trẻ. |
Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn về mặt công nghệ kỹ thuật dẫn tới thành công của sản phẩm vợt bóng bàn như ông đã kể. Có bí quyết gì đặc biệt không vậy? Và, bằng cách nào mà trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt không những trụ vững mà còn phát triển đi lên? Tôi tiếp tục đặt câu hỏi cho ông.
Trong câu chuyện về công nghệ kỹ thuật của mình, ông thường nhắc đến một nhân vật mà thời đó được anh em gọi là "chiến lược gia", "kiến trúc sư" của đơn vị. Đó là người đã tiên phong, đi đầu trong việc nghiên cứu, sản xuất vợt bóng bàn mà lâu nay ít người biết đến.
Ông kể: "Hồi năm 1946, tôi có người bạn là Nguyễn Văn Thi. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Thi chuyên bán cà phê, gọi là cà phê Nhân. Quán cà phê Nhân ở Hà Nội trở thành nơi cung cấp tin tức tình báo rất hiệu quả cho Đội biệt động thành Hà Nội.
Như tôi đã kể trên, sau khi hòa bình lập lại, Tổng cục Đường sắt thành lập Xưởng dụng cụ cao su để sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ ngành, trong đó có vợt bóng bàn. Lúc đầu, đơn vị gặp nhiều khó khăn và lúng túng về công nghệ kỹ thuật, nên quyết tâm tìm người tài để gỡ bí.
Nghe tin Nguyễn Văn Thi đang sản xuất thử vợt bóng bàn nên tôi đã ghé thăm và mời ông về làm việc cho Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt. Tôi đặt vấn đề như vậy và ông bạn của tôi vui vẻ nhận lời ngay.
Ông Thi cười hể hả: "Với ai còn suy tính đắn đo, chứ với anh Đề thì xong ngay". Với đầu óc thông minh và đôi bàn tay vàng của ông Thi, vợt bóng bàn do Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt sản xuất ngày càng có chất lượng. Nhiều người trong đơn vị thật sự phấn khởi khi vợt bóng bàn mang thương hiệu Made in Việt Nam được khách hàng trong và ngoài nước thời đó rất ưa chuộng. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nhập khẩu nhiều mặt hàng này. Xuất khẩu ngày càng tăng, do đó đơn vị đã thu về cho Nhà nước khá nhiều ngoại tệ".
Ông giám đốc của "Tôi và chúng ta" trong đời thực
"Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục Đường sắt, chúng tôi đã tiến hành tuyển người và thành lập Đội văn công Đường sắt. Đội văn công Đường sắt lúc đó có những hạt nhân văn nghệ như nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt hồi đó, với phong trào "tiếng hát át tiếng bom", Đội văn công Đường sắt đã phục vụ có hiệu quả công tác sản xuất và chiến đấu của ngành Đường sắt. Mọi chi phí của Đội văn công Đường sắt cũng lấy từ quỹ phúc lợi của đơn vị. Trong các đợt tổng kết, lãnh đạo Tổng cục Đường sắt đã đánh giá cao về những thành công xuất sắc của Đội văn công Đường sắt.
…Giọng ông hào hứng hẳn lên: "Sau khi công tác thể dục thể thao đi vào ổn định, tôi lại được lãnh đạo Tổng cục Đường sắt giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ. Nếu như trong bóng đá, tôi không phải là cầu thủ thì trong văn nghệ tôi cũng đâu phải là nhạc sĩ, nghệ sĩ. Tôi đã áp dụng kinh nghiệm xây dựng đội bóng đá theo chiêu thức quen thuộc là chiêu hiền đãi sĩ. Chúng tôi đã thuyết phục được Phan Lạc Hoa và Lưu Quang Vũ về đầu quân cho Tổng cục Đường sắt. Sau này cả hai người đã trở thành những nhạc sĩ và nhà viết kịch rất nổi tiếng".
Vở “Tôi và chúng ta” với nhân vật chính nguyên mẫu là ông Tạ Đình Đề. |
Tạ Đình Đề nắm khá vững lai lịch và hoàn cảnh cấp dưới của mình. Ông cho tôi biết: Phan Lạc Hoa quê ở Thạch Thất, Hà Tây. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Hà Nội, Phan Lạc Hoa đã phải làm đủ mọi công việc để kiếm sống trong thời buổi bao cấp. Anh kết hôn với ca sĩ Thanh Hoa. Khi Thanh Hoa gần sinh con, Phan Lạc Hoa nghỉ học tìm việc nuôi con. Cũng thời gian này Phan Lạc Hoa gặp ông Đề.
Tạ Đình Đề nhớ lại: "Qua câu chuyện, tôi biết Phan Lạc Hoa là nhạc sĩ rất say mê nghề nghiệp. Tôi nghĩ, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ của ngành Đường sắt rất cần những con người như thế này. Tôi nói rõ ý định mời anh ấy về đơn vị tôi, Phan Lạc Hoa rất phấn khởi.
Tôi nghĩ, những con người như thế này nếu lãnh đạo quan tâm động viên đúng mức thì sẽ phát huy được tài năng của mình. Do vậy, đơn vị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phan Lạc Hoa phát huy khả năng sáng tác.
Sau một thời gian đi thực tế, Phan Lạc Hoa đã sáng tác nhạc phẩm mang tựa đề “Tàu anh qua núi” rất nổi tiếng. Và, hay hơn nữa chính Thanh Hoa, vợ của nhạc sĩ đã thể hiện rất thành công ca khúc này. Nhiều người trong ngành Đường sắt rất yêu thích bài hát này và thường nói vui ca khúc “Tàu anh qua núi” là Ngành ca của Đường sắt".
Ông cho biết, ngoài ca khúc trên đây, Phan Lạc Hoa còn sáng tác một số bài thơ ca ngợi người công nhân đường sắt làm xúc động lòng người. Trong đó phải kể đến bài thơ “Lửa hoa đèn”. Giọng ông lắng xuống, hơi đượm buồn khi đọc cho tôi nghe một khổ thơ:
Anh thắp cây đèn xòe cánh nhớ cánh thương
Màu tín hiệu: đỏ vàng xanh tím lục
Trong xa cách ta vẫn gần, hạnh phúc
Khi trái tim rung nhịp với con tàu!
Đúng thế, trong thời gian Phan Lạc Hoa về "đầu quân" cho ông Đề là thời gian phát lộ tài ba của người nhạc sĩ này với những ca khúc nổi tiếng, còn mãi dư âm với thời gian như: “Tàu anh qua núi”; “Tình yêu bên dòng sông quan họ”...
"Còn với trường hợp của nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ thì sao, thưa ông?” - Tôi hỏi.
Nhắc tới con người rất tài hoa nhưng đoản mệnh này, Tạ Đình Đề buồn hẳn. Đôi mắt của ông nhìn xa xăm hơn.
Ông kể: "Năm 1970, tôi gặp Lưu Quang Vũ, cũng rất tình cờ thôi. Sau khi tìm hiểu tôi biết, anh ta là quân nhân, nhập ngũ từ năm 1965 -1970 và phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Xuất ngũ, Lưu Quang Vũ làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng cũng rất khó khăn. Nhiều nơi không muốn nhận cậu ta vì lý lịch có những nhận xét bất lợi.
Nghe bạn bè giới thiệu, Lưu Quang Vũ đến gặp tôi. Lúc gặp nhau, qua câu chuyện tôi phần nào đoán biết được đây là con người có kỷ luật, được đào tạo bài bản và từng được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ của cuộc đời quân ngũ. Không hiểu có phải một thời mình là quân nhân hay sao mà khi tìm người về làm việc, nghe nói họ là bộ đội phục viên đang tìm công ăn việc làm, tôi đã có thiện cảm ngay.
Tôi nhận Lưu Quang Vũ vào làm việc ở đơn vị mình. Qua thời gian sống và làm việc với đơn vị, tôi và Lưu Quang Vũ rất tâm đầu ý hợp. Sau một thời gian làm thợ tại Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, Lưu Quang Vũ có nói với tôi những suy nghĩ của anh về đời sống đang xuống cấp do cơ chế quan liêu, bao cấp sinh ra. Vũ nói sẽ viết kịch để phản ảnh đúng hiện thực xã hội.
Tôi thấy Vũ là người có năng khiếu, chịu khó, dám nghĩ, dám làm nên hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cậu ấy thực hiện ý định sáng tác của mình. Nhưng, sau đó, tôi bị bắt giam để điều tra. Việc sáng tác của Vũ như thế nào tôi cũng không nắm được".
Nhắc tới Lưu Quang Vũ người ta không thể nào quên được vở kịch nói “Tôi và chúng ta” của anh. Một vở kịch thu hút rất nhiều người xem thời đó. Các buổi diễn “Tôi và chúng ta” luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay hoan hô đầy phấn khích của khán giả. Rất nhiều chất liệu cuộc sống trong vở kịch nói nổi tiếng ấy được Lưu Quang Vũ kể rằng, đã lấy từ Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt và hình ảnh người giám đốc được lấy từ nguyên mẫu của Tạ Đình Đề.
Đối với Phan Lạc Hoa và Lưu Quang Vũ, ông Tạ Đình Đề không chỉ là ân nhân, mà còn là thần tượng của họ nữa. Trong kho ký ức của ông còn có những câu chuyện, những chi tiết khác nữa về hai nghệ sĩ tài danh này mà trước hết tôi rất muốn biết thêm về Lưu Quang Vũ.
Ông kể: "Năm 1985, tôi được tha tù, Lưu Quang Vũ có đến thăm và đưa cho tôi xem vở kịch “Tôi và chúng ta”. Vũ nói với tôi rằng, từ khi tôi bị bắt giam thì cậu ta nhận ra có sự oan trái, bất công nên cậu ta bắt đầu viết vở kịch này.
Cậu ta còn cho tôi biết, khi công diễn vở kịch “Tôi và chúng ta”, người xem rất hoan nghênh vì nó đã phản ảnh đúng thực tế của đời sống kinh tế xã hội lúc bấy giờ. Tôi cũng chỉ được nghe phong thanh như vậy thôi chứ chưa được xem bao giờ. Tôi nhận vở kịch và lật vài trang đầu đọc qua rồi gật đầu khen về tài năng của Vũ. Lưu Quang Vũ nói rằng, nhờ những tháng ngày sống, làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt mà tôi viết được vở kịch này".
Thấy tôi đang háo hức rất muốn nghe, ông kể tiếp: "Sau đó, tôi đã đọc một lèo kịch bản do Lưu Quang Vũ tặng. Đây thật sự là vở kịch hay. Nó phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là phái tiến bộ và một bên là phái bảo thủ.
Trong kịch, cuộc đấu tranh này xảy ra tại Xí nghiệp Thắng Lợi. Nhưng đằng sau đó, người đọc, người xem cũng thấy được toàn cảnh xã hội ta lúc bấy giờ. Mục đích của cuộc đấu tranh đó là nhằm thay đổi phương thức quản lý kinh tế, kiên quyết lên án cách quản lý theo tư tưởng bảo thủ, cứng nhắc, lạc hậu, khuyến khích những việc làm táo bạo, mạnh dạn đổi mới, vì lợi ích của người lao động.
Càng đọc càng thấy vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ thật sự mang tính thời sự nóng hổi và thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc. Đọc xong vở kịch, tôi cũng không ngờ, mới ngày nào đây Lưu Quang Vũ là người lính hiền lành, ít nói, chăm chỉ, nhiệt huyết mà bây giờ đã trở thành nhà thơ, nhà viết kịch tài ba và nhân hậu".
* "Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời".