Tên lửa phòng không Việt Nam những ngày đầu (kỳ 1)
Sau trận thua đau ngày 5/8/1964, đúng như lời của Bác Hồ chỉ rõ: “Chết thì chết, nết không chừa”, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta. Đảng ta đã sớm nhận định tính chất của cuộc chiến tranh phá hoại này là một bộ phận của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Nam nước ta. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của miền Bắc lúc này là tăng cường lực lượng phòng không 3 thứ quân để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Riêng bộ đội Phòng không quốc gia được Bộ Chính trị và Bác Hồ quan tâm đặc biệt - Đúng ngày 6/8/1964, chỉ một ngày sau trận thắng 5/8, không quân ta đã có mặt trên sân bay căn cứ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ Chính trị và Bác cũng đã đặt vấn đề với Chính phủ Liên Xô viện trợ thêm những loại vũ khí mới để quân và dân ta tăng cường khả năng bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Vào một ngày đầu năm 1965, tôi được gọi lên gặp đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Dọc đường, tôi cứ phân vân không hiểu có việc gì mà gấp vậy. Vừa bước chân vào cổng “Nhà Rồng”, đồng chí bí thư của anh Dũng, bảo tôi: “Tổng Tham mưu trưởng đang chờ anh ở phòng làm việc”.
- Tình hình 228B dạo này ra sao?
Vừa bắt tay tôi, Tổng Tham mưu trưởng đã hỏi ngay. Câu hỏi làm tôi hơi chững lại một chút, nhưng đồng thời cũng đưa đến cho tôi một niềm vui.
- Báo cáo anh, vẫn đang chờ đợi.
Tôi trả lời và chờ đón nhiệm vụ mới sẽ được giao.
228B là đơn vị đặc biệt được thành lập từ tháng 8/1963, gồm cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ khắp toàn quân về. Ngoài ra, một số cán bộ kỹ thuật, phần lớn là kỹ sư vô tuyến, kỹ sư hóa, thuộc các cơ quan nhà nước đang tuổi nghĩa vụ quân sự cũng được tuyển lựa vào. Tất cả đều được cơ quan bảo vệ thẩm tra lý lịch ba đời một cách kỹ lưỡng.
Nhiệm vụ chính của đơn vị 228B là bí mật chuẩn bị để thành lập Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam. Đã gần 2 năm qua, do những điều kiện khách quan và chủ quan, nó cứ phải “án binh bất động” nằm chờ trên những quả đồi thuộc huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc, hết ôn văn hóa lại học Nga văn, đang học Nga văn, đột ngột chuyển sang Trung văn.
Giữa lúc đó thì giặc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Cán bộ, chiến sĩ 228B đứng ngồi không yên. Nhiều đồng chí viết đơn xin được ra đơn vị chiến đấu. Thời gian này, Quân chủng đang thiếu quân số. Từng đợt từng đợt tân binh, cựu binh nhập ngũ, tái ngũ ào ạt vào quân chủng, vẫn không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển lực lượng. Đã mấy lần chúng tôi thử điều động một vài cán bộ, chiến sĩ ở đây đến đơn vị khác có nhu cầu, nhưng lập tức bị “phanh” lại với chỉ thị lạnh lùng: “Cứ chờ đấy”.
Sau khi phổ biến tình hình mới, đồng chí Văn Tiến Dũng nói:
- Anh về bàn với các anh ở Quân chủng gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho 228B nhận nhiệm vụ. Chúng ta sẽ thành lập 2 Trung đoàn Tên lửa phòng không. Mọi việc cụ thể, đồng chí Lê Văn Tri, Cục phó Cục Tác chiến sẽ trực tiếp làm việc với Quân chủng.
Trong cuộc đời làm cán bộ quân sự, đã rất nhiều lần nhận nhiệm vụ cấp trên giao, nhưng ít có lần tôi cảm thấy sung sướng phấn khởi như lần này. Là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp đương đầu với không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ, từ lâu tôi vẫn nghĩ đến một lưới lửa hoàn chỉnh nhằm bảo vệ có hiệu quả bầu trời Tổ quốc. Trong 10 năm hòa bình, Đảng và Nhà nước ta đã cố gắng rất nhiều để phát triển lực lượng, chúng ta đã có cao xạ, rađa, không quân, bây giờ sắp có thêm một binh chủng hiện đại, ai mà không vui mừng.
Các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, các đồng chí cán bộ chủ chốt của 228B, sau khi nghe tôi truyền đạt lại chỉ thị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, cũng đều có chung một tâm trạng vui sướng như tôi. Chúng tôi nghĩ tới một ngày không xa, lưới lửa đánh trả máy bay địch trên bầu trời, không phải chỉ có cao xạ, có MiG, mà còn có cả tên lửa phòng không nữa.
Loại tên lửa gì, bản thân tôi chưa biết rõ, nhưng nghe đồng chí Nguyễn Quang Tuyến, một cán bộ được quân đội cử đi học tên lửa ở Liên Xô từ năm 1957, người sẽ được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa đầu tiên sắp tới, nói thì có thể là loại tên lửa SAM-2. Loại này xuất hiện lần đầu tiên ở Hồng trường Moskva ngày 1/5/1957 và năm 1960 đã bắn rơi chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ, bắt sống phi công Paoơ.
Nghe đồng chí Tuyến nói, tôi rất “khoái”. Bấy lâu nay, tôi vẫn tức anh ách cái thằng U2 này. Từ năm 1963, nó cứ đi đi về về trên bầu trời miền Bắc ta như đi chợ, ngang ngược vi phạm không phận một nước có chủ quyền. Mình biết mà đành phải chịu, chỉ vì một nỗi nó bay cao quá, những 15-16km, mà cao xạ của ta không thể nào với tới. Tôi nghĩ bụng: “Chuyến này mày biết tay ông, ông thì xơi tái”.
Nghe đồng chí Tuyến nói, loại SAM-2 này sẽ còn là địch thủ đáng gờm của B-52. Theo tin ta nắm được, phe cuồng chiến ở Oasinhtơn cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc dùng B-52 để giải quyết chiến tranh ở Việt Nam. B-52 là con át chủ bài của không quân Mỹ. Nếu Mỹ chưa dùng bây giờ, thì nhất định trong những trận đọ sức quyết định sẽ dùng. Vì vậy, việc chuẩn bị cho Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam ra đời trong thời điểm này là hết sức quan trọng, là một tất yếu lịch sử.
Với tầm nhìn chiến lược sâu sắc, Đảng và Bác đã từng bước chuẩn bị cho nó từ rất sớm. Lớp cán bộ được cử đi học Tên lửa Phòng không ở Liên Xô những năm trước đây như các đồng chí Nguyễn Quang Tuyến, Trần Nhẫn, Trần Xanh, Nguyễn Văn Ninh, Hồ Sĩ Hưu, Lê Thanh Cảnh... là vốn rất quý, đặt nền móng cho bộ đội tên lửa phòng không ra đời.--PageBreak--
* * *
Những ngày đầu tháng 2/1965, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do đồng chí Côxưghin, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô dẫn đầu, sang thăm hữu nghị nước ta. Tôi vinh dự được Bác Hồ cho gọi đi theo xe lên tận sân bay đón đoàn. Dọc đường Bác nói với tôi:
- Chú chuẩn bị cần bao nhiêu tên lửa, bao nhiêu rađa thì lát nữa trực tiếp trình bày với đồng chí Côxưghin nhé.
Chính trong cuộc đi thăm này, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho ta toàn bộ khí tài, bệ, đạn, đủ trang bị cho 2 Trung đoàn Tên lửa phòng không. Tôi lại được đồng chí Tổng Tham mưu trưởng gọi lên giao nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận vũ khí mới.
Cùng có mặt trong buổi làm việc hôm đó có đồng chí Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Đại tá Lê Văn Tri, Cục phó Cục Tác chiến. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khởi mặc dù biết rằng, một núi công việc khẩn trương trước mắt đang chờ được giải quyết. Đồng chí Văn Tiến Dũng động viên chúng tôi:
- Đây là vấn đề thời cơ. Dù vất vả căng thẳng đến mấy các đồng chí cũng phải động viên nhau cố gắng đón lấy thời cơ này. Không dễ gì mà trong tình hình hiện nay, chỉ vài tháng nữa quân ta lại có thêm một binh chủng kỹ thuật hiện đại như thế này.
Có qua những ngày súng trường, chân đất đánh Pháp trước đây, mới thấy hết được ý nghĩa câu nói của đồng chí Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 hơn 10 năm trước. Nhớ trận càn Thủy Ngân năm 1954, địch âm mưu cất vó cả Bộ Tư lệnh Đại đoàn, phao tin là đã bắt được tướng Dũng. Tôi đưa một cánh quân đến đón anh ở bên kia sông Thái Bình. Mới chỉ hơn 10 năm mà Quân đội ta đã có pháo cao xạ, rađa, máy bay, thiết giáp, hải quân, nay lại có thêm tên lửa, ai mà không vui sướng tự hào.
Trung đoàn tên lửa 274 (Đoàn Hùng Vương) vào giải phóng Đà Nẵng mùa xuân 1975. |
Đây là những ngày mà Quân chủng Phòng không - Không quân đang lớn lên như thổi. Chỉ có chưa đầy 1 năm, nghĩa là sau ngày 5/8/1964, riêng quân số cao xạ đã tăng lên gấp đôi. Phòng Cán bộ, Phòng Quân lực Quân chủng làm việc suốt ngày đêm không nghỉ. Từng đoàn cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ khắp toàn quân lại tấp nập kéo về Trạm 55 của Quân chủng.
Cũng như đợt trước, bên cạnh những người mặc quân phục, có cả những người mặc thường phục. Họ là kỹ sư vừa tốt nghiệp, là cán bộ giảng dạy các trường đại học, các sinh viên đang học dở khoa vô tuyến, cán bộ kỹ thuật ở các nhà máy, xí nghiệp, cán bộ nghiên cứu ở các cơ quan Bộ, Tổng cục... Đất nước gửi đến Binh chủng Tên lửa phòng không những người con ưu tú của mình để 7 năm sau được đền đáp một cách xứng đáng: hàng chục pháo đài B-52 của giặc Mỹ rụng lả tả trên bầu trời Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12/1972 với trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đem đến cho Tổ quốc một niềm vinh quang bất diệt.
Phái đoàn của đồng chí Côxưghin về nước chưa được bao lâu thì Đoàn chuyên gia Liên Xô về tên lửa phòng không đầu tiên do đồng chí Đại tá Xưgia dẫn đầu đến Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu giao cho tôi trực tiếp làm việc cụ thể với Đoàn.
Căn biệt thự số 2 Lý Thường Kiệt là nơi diễn ra những cuộc tiếp xúc bí mật giữa Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam và đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia Tên lửa phòng không Liên Xô. Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên của tôi đối với các đồng chí là tinh thần làm việc nhiệt tình, tác phong chính quy, sâu sát, cụ thể.
Ngay buổi làm việc đầu tiên các đồng chí đưa cho chúng tôi xem biểu biên chế của một Trung đoàn tên lửa SAM-2 và hỏi chúng tôi đã chuẩn bị đến đâu rồi. Đồng chí cán bộ tham mưu đi cùng, xem xong biểu biên chế lắc đầu nói nhỏ với tôi: “Thế này thì gay to, làm sao ta có đủ kỹ sư”. Theo biểu biên chế của bạn thì chỉ riêng ở một đại đội, thành phần có trình độ kỹ sư cũng phải lên đến con số hàng chục. Làm sao chúng ta đáp ứng được yêu cầu đó.
Ngày làm việc thứ 3, đồng chí Trưởng đoàn Xưgia trực tiếp hỏi tôi cụ thể về tổ chức biên chế. Tôi hiểu sự quan tâm của bạn trong vấn đề này là hết sức nghiêm túc và chân thành. Bạn muốn hiểu rõ ta đã chuẩn bị đến mức nào, đặc biệt là chuẩn bị về con người, có đủ kiến thức, trình độ để tiếp nhận loại vũ khí hiện đại mà mỗi bộ khí tài có giá trị ngang với một nhà máy cỡ Nhà máy Công cụ số 1 của ta lúc đó cũng do Liên Xô viện trợ.
Tin vào khả năng của cán bộ, chiến sĩ ta và để bạn yên tâm, tôi trả lời đồng chí Xưgia:
- Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và rất tốt sĩ quan, chiến sĩ cho 2 trung đoàn tên lửa.
Nghe tôi nói, đồng chí Xưgia xiết chặt tay tôi, cười, tỏ ý hài lòng:
- Khơrasô!
- Khơrasô!
Tôi cũng cao hứng trả lời bằng tiếng Nga vừa mới bập bẹ học được.
Trong những ngày chuẩn bị cho bộ đội tên lửa ra đời, tôi quyết tâm sắp xếp thời gian nhờ đồng chí Nguyễn Quang Tuyến, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng có 5 năm đi học tên lửa ở Liên Xô về, hướng dẫn cho một số vấn đề đại cương về tên lửa phòng không. Chỉ là vỡ vạc thôi mà cũng khá vất vả. Một thầy, một trò, đôi lúc gặp vấn đề khó quá, tôi suýt “phát khùng”.
Cũng may thầy là một người có tính cách điềm đạm, kiên trì lại có kiến thức rất vững nên lớp học một thầy một trò vẫn tiếp tục một cách thuận lợi. Có thực tế như vậy nên khi trả lời với các đồng chí Liên Xô là “đã chuẩn bị rất tốt”, thú thực tôi cũng hơi lo. Thầy Việt Nam, thầy giỏi, dạy trực tiếp bằng tiếng Việt, 1 thầy, 1 trò, tiếp thu còn khó. Thế mà nay mai, cán bộ ta học qua phiên dịch, chữ được chữ mất liệu rồi sẽ ra sao? Các tiểu đoàn trưởng tên lửa của ta ở hai trung đoàn đầu tiên này có ai là kỹ sư đâu. Các sĩ quan điều khiển cũng vậy.
Nhớ hôm họp Thường vụ Đảng ủy Quân chủng để xét duyệt lần cuối cùng biên chế chính thức cho 2 trung đoàn tên lửa đầu tiên có nhiều ý kiến phân vân về vấn đề này. Nhưng phân tích mãi rồi cũng đành phải chấp nhận quan điểm do Cục Chính trị đưa ra.
Là binh chủng kỹ thuật, nhưng nếu giữa chính trị và kỹ thuật có chênh nhau một ít thì ta phải ưu tiên cho chính trị. Kỹ thuật vững nhưng chính trị yếu thì cuối cùng kỹ thuật cũng chẳng ra sao. Nhưng kỹ thuật có yếu một tí mà chính trị vững thì có thể kéo kỹ thuật lên được