“Thần chết” dưới đáy đại dương – Cuộc soán ngôi của những chiếc tàu ngầm

Thứ Bảy, 09/11/2019, 14:05
Ngày 22-9-1914, tại một khu vực ở Biển Bắc nằm cách bờ biển Hà Lan có 18 hải lý đã diễn ra một trận chiến, được đánh giá là bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn việc bố trí lực lượng các trận hải chiến về sau này.

Khi đó, chiếc tàu ngầm U9 của Đức không chỉ tấn công và đánh chìm 3 tuần dương hạm bọc thép hạng nặng Aboukir, Hogue và Cressy của Anh mà còn đặt dấu hỏi đầy hoài nghi về sự thống trị của nước Anh từ trước tới giờ trên mặt biển.

Chỉ trong có một giờ, quốc gia được mệnh danh là "bá chủ trên biển cả" đã đánh mất số thủy thủ nhiều gấp 3 lần so với trận chiến Trafalgar nổi tiếng trước đó. Còn cả thế giới bắt đầu để ý tới tàu ngầm - một loại vũ khí đáng sợ mới, được ví von chẳng khác gì thần chết dưới đáy đại dương…

Những hộp sắt vô dụng bốc mùi dầu hỏa

Hồi đầu thế kỷ XX, nhân loại đã hình dung về cuộc chiến tranh tương lai khác xa so với thực tế đã diễn ra - đó là những đội ngũ kỵ binh hùng hậu giáp lá cà trên chiến trường, trên bầu trời là những khinh khí cầu to lớn, còn trên đại dương là cuộc đối đầu của những chiến thuyền khổng lồ bọc thép.

Tuy nhiên những quan niệm trên đã nhanh chóng bị gạt bỏ. Trên đất liền là các đơn vị bộ binh núp dưới các chiến hào lầy lội bẩn thỉu, thi nhau xả về phía đối phương hàng ngàn tấn đạn dược và cả khí độc. Trên bầu trời là những chiếc máy bay cánh kép nhỏ bé lượn lờ… Còn trên biển, bước ngoặt về khái niệm tác chiến đã diễn ra bất ngờ hơn rất nhiều.

Chiếc tàu ngầm U9 huyền thoại của Hải quân Đức tại Biển Bắc.

Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ buổi sáng ngày 22-9-1914, những chiếc tàu chiến to lớn, hiện đại và đắt đỏ, vốn được coi là niềm tự hào của những quốc gia sở hữu chúng, nhanh chóng trở thành "những con voi bị thuần hóa" đã bị đánh cho tan tác bởi "những chiếc hộp sắt vô dụng bốc mùi dầu hỏa" - đúng như nhận xét một cách miệt thị của đô đốc người Anh John Jervis về những chiếc tàu ngầm thế hệ đầu tiên.

Ngoài việc coi là một loại phương tiện chiến tranh chuyên chui lủi một cách hèn kém, trình độ phát triển về công nghệ và kỹ thuật lúc bấy giờ - trước khi xuất hiện các động cơ đốt trong mạnh mẽ và tin cậy - cũng không thể giúp cho tàu ngầm trở thành một loại vũ khí có hiệu quả thực sự.

Loại vũ khí vô hại này thậm chí chỉ được sử dụng làm những rào cản mìn di động để bảo vệ các cảng quan trọng. Những chiếc tàu ngầm đầu tiên được tung vào trận trong cuộc chiến Nga-Nhật cũng cho thấy chúng gần như chẳng có được tác dụng gì.

Người Đức không cần tàu ngầm

Ngay trước Đại chiến thế giới thứ nhất, tàu ngầm không được coi là một loại vũ khí thực sự, thậm chí nhiều quân đội còn không biết dùng chúng để làm việc gì. "Nước Đức không cần đến tàu ngầm - Bộ trưởng hải quân Đức Alfred von Tirpitz từng công khai tuyên bố như vậy - Chúng tôi sẽ không quẳng tiền vào những chiếc tàu ngầm, vì chúng chỉ có thể bơi sát bờ biển". Dù vậy cho đến đầu cuộc chiến, nước Anh cũng đã có tới 59 (một số nguồn tin khác là 68) tàu ngầm, còn Đức có 28 chiếc.

Đức đã xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình chậm hơn phần lớn các nước khác, thậm chí sau cả Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha. Chiếc tàu ngầm loại U1 đầu tiên của Đức được khởi công chế tạo vào tháng 8-1905 và được hạ thủy vào tháng 12-1906.

Phiên bản đầu tiên của tàu ngầm Đức này có thủy thủ đoàn 22 người, 2 động cơ xăng sử dụng khi nổi và 2 động cơ điện khi lặn. U1 có trang bị vũ khí kém, chỉ duy nhất có một ống phóng thủy lôi. Những phiên bản U3, U4 sau đó đã được trang bị vũ khí tốt hơn đáng kể với 4 ống phóng thủy lôi, cả loại pháo 105 mm trên boong sử dụng khi nổi.

 Chiếc U9 được bắt đầu đóng vào tháng 7-1908 và được đưa vào trang bị tháng 4-1910. Loại này đã có nhiều cải tiến đáng kể cả về kích thước, động cơ, hệ thống vũ khí với thủy thủ đoàn lên tới 35 người. Trong cuộc chiến với các chiến hạm của Anh, thủy thủ đoàn trên chiếc U9 chỉ có 28 người.

Những chiếc tàu ngầm mới của Đức tỏ vẻ tin cậy hơn tàu ngầm cùng thời của Anh, Pháp và Nga; nhưng dù sao vẫn còn cực kỳ bất tiện, nguy hiểm và là những bộ máy chưa hề hoàn thiện.

Tháng 11-1910, những chiếc tàu ngầm U3 và U4 đã thể hiện được những phẩm chất cơ động ấn tượng với vận tốc 12 hải lý ngay ở trung tâm một cơn bão. Còn trong cuộc diễn tập hải quân năm 1912, các tàu ngầm tác chiến hiệu quả hơn tổng cộng 80 chiếc khu trục hạm của Đức cộng lại.

Tuy nhiên, những thành công ban đầu đó vẫn chưa đủ để thuyết phục những vị đô đốc già nua của Đức. Nước Đức, cũng như Anh và Pháp đều vẫn tin tưởng rằng, số phận cuộc chiến tranh tương lai sẽ được giải quyết bằng ưu thế vượt trội về số lượng những con tàu bọc thép cỡ lớn, được trang bị trên boong những khẩu pháo cỡ lớn có tầm bắn xa. Chỉ đến khi Đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra, chính Otto Weddigen đã giúp biến lý thuyết về những chiếc tàu ngầm trở thành ưu thế trên thực tế.

Trận đánh lịch sử

Ngay từ đầu cuộc chiến, nước Anh với mục đích ngăn chặn đường cung cấp hậu cần cho đối phương đã tuyên bố phong tỏa đường biển nước Đức. Để thực hiện chiến thuật này, London sử dụng những chiến thuyền và khu trục hạm hạng nặng.

Bức tranh mô tả cuộc chiến của chiếc U9 với 3 tuần dương hạm của Anh.

Hạm đội của Đức vì thế bị khóa chặt tại các cảng biển, chỉ có tàu ngầm mới có thể lặng lẽ ra vào được các căn cứ của mình. Vào giai đoạn này của chiến tranh, Đức chỉ tập trung giáng trả vào hạm đội hoàng gia Anh, chứ chưa chú ý tới các tuyến hàng hải thương mại.

Một trong những đơn vị tàu của Anh có nhiệm vụ phong tỏa bờ biển Hà Lan bao gồm 5 chiếc tàu bọc thép cỡ lớn lớp Cressy. Tất cả ba chiếc tàu bị đánh đắm như đã nói ở trên đều thuộc về loại này.

Tính ra, trong giai đoạn từ 1898 đến 1902, Anh đã đóng được tổng cộng 6 chiếc chiến hạm cỡ lớn như vậy. Người Anh rất tin tưởng vào khả năng tác chiến của những chiến hạm như vậy khi phải đối đầu với hải quân Đức. Lực lượng bao vây bờ biển Hà Lan được dự tính sẽ làm mồi nhử để lôi kéo các tàu chiến Đức khỏi các cảng được bảo vệ, sẵn sàng cho cuộc quyết chiến ngoài đại dương.

Trong hai ngày 20 và 21-9-1914, tại Biển Bắc có một cơn bão mạnh hoành hành, khiến các tàu khu trục của Anh buộc phải rời bỏ các tuần dương hạm cỡ lớn của mình để quay trở về căn cứ. Người Anh cho rằng, nguy cơ tấn công của tàu ngầm vào thời điểm như vậy là gần như không có do biển động rất mạnh. Tuy nhiên, đây lại là một nhầm lẫn tai hại.

Chiếc U9 rời khỏi cảng Carina vào ngày 20-9 và ngay lập tức rơi vào tâm bão. Do la bàn con quay bị hỏng, chiếc tàu đi chệch khỏi lộ trình của mình, chút nữa đã mắc cạn tại vùng bờ biển Hà Lan. Thoát ra được vùng nước sâu, con tàu nổi lên nạp bình ắc qui. Buổi sáng sau cơn bão hôm đó trời lại đẹp, biển lặng và trong xanh, rất thuận tiện cho việc săn lùng tàu đối phương. Chiếc tàu ngầm của Đức không phải chờ đợi lâu để gặp những mục tiêu của mình.

Phát hiện ra ba chiếc chiến hạm của Anh ngay phía chân trời, chiếc U9 khẩn trương lặn xuống mặt nước, áp sát các mục tiêu qua kính tiềm vọng. Sau khi tính toán kỹ càng phương hướng, tốc độ, Weddigen ra lệnh phóng quả thủy lôi đầu tiên từ khoảng cách có 450 mét. Quả đạn đã lao trúng mục tiêu chỉ 31 giây sau đó.

Vào lúc 7 giờ 20 phút, boong bên phải của chiếc tuần dương hạm Aboukir vang lên một tiếng nổ lớn, nước tràn vào khoang tàu từ đường ngấn nước. Cho rằng con tàu va phải thủy lôi, thuyền trưởng John Drummond ra tín hiệu cho các tàu áp sát để hỗ trợ.

Chiếc tuần dương hạm Hogue ngay lập tức tìm cách áp sát và thả thuyền cứu hộ. Sau khi thả quả thủy lôi đầu tiên nhằm vào chiếc Aboukir, thuyền trưởng Weddigen của chiếc U9 chưa có ý định rời khỏi chiến trường.

Đi vòng quanh chiếc chiến hạm đang hấp hối, U9 lại phát hiện ra mục tiêu tiếp theo của mình là chiếc Hogue. Vào lúc 7 giờ 55, Weddigen ra lệnh phóng hai quả thủy lôi vào mục tiêu thứ hai. Dù đã ra lệnh lặn nhanh xuống vì khoảng cách quá gần, chiếc U9 lâm vào tình cảnh khó điều khiển vì mất cân bằng.

Khi hai chiếc chiến hạm Aboukir và Hogue gần như cùng chìm một lúc, tình cảnh của chiếc U9 cũng trở nên nghiêm trọng. Do ắc quy đã hết, nên con tàu gần như không thể điều khiển, các thủy thủ do không còn không khí để thở nên một số đã ngất xỉu. Tuy nhiên, Weddigen vẫn quyết định phải tấn công tiếp chiếc Cressy còn lại bằng hai quả thủy lôi.

Con tàu của Anh đến lúc này đã hiểu mình đang phải đối đầu với một chiếc tàu ngầm nên ra sức tìm kiếm dấu vết thủy lôi được phóng để tránh. Dù sao, một quả thủy lôi vẫn lao trúng vào mạn phải của tàu. Bị thương không quá nặng, mọi khẩu pháo trên tàu đều được tập trung bắn vào khu vực phát hiện  kính tiềm vọng của con tàu. Weddigen tuy nhiên vẫn còn quả thủy lôi cuối cùng nữa.

Chiếc U9 được lệnh lượn quanh con tàu Anh ở độ sâu 10 mét, tìm góc bắn thích hợp để phóng nốt quả thủy lôi vào mạn trái chiếc Cressy. Quan sát thấy chiếc Cressy bị thương rất nặng chuẩn bị chìm, viên thuyền trưởng tàu Đức ra lệnh rời ngay khỏi hiện trường để tránh nguy cơ bị các tàu khu trục săn lùng trả thù.

Rời xa một khoảng cách nhất định, Weddigen còn mạo hiểm cho tàu nổi lên để kiểm tra và nạp ắc quy. Còn tàu U9 sau đó đã nằm im cả ngày dưới đáy biển để lẩn tránh sự truy lùng của một tàu khu trục Anh.

Niềm tự hào của tàu ngầm Đức

Chỉ đến khi trở về căn cứ, Weddigen mới biết được rằng, con tàu của mình không phải đã đánh chìm những chiếc tuần dương hạm hạng nhẹ lớp Birmingham, mà là những chiến hạm bọc thép cỡ lớn với lượng dãn nước lên tới 36 ngàn tấn. Trong tổng số 2.296 thủy thủ trên 3 chiếc tuần dương hạm, có tới 62 sĩ quan và 1.397 thủy thủ bị thiệt mạng.

Khi chiếc U9 trở về cảng Wilhelmshaven, cả nước Đức đã biết rõ điều gì đã xảy ra. Các thủy thủ trên con tàu được chào đón nồng nhiệt. Otto Weddigen được tặng Huân chương Thập tự sắt hạng I và II, còn toàn bộ phi hành đoàn là Huân chương Thập tự sắt hạng II. Về sau, khi lập chiến công đánh chìm tuần dương hạm thứ tư của Anh, Weddigen lại được tặng thưởng tiếp huân chương cao quý nhất "Blue Max".

Bộ máy tuyên truyền của Đức ngay lập tức tận dụng triệt để sự kiện lịch sử trên: tung ra nhiều bưu thiếp với hình ảnh chiếc U9, những hình ảnh mô phỏng trận đánh, chân dung của Weddigen cùng hàng loạt tranh trào phúng khác về đề tài này.

Còn nước Anh bị sốc thực sự trước sự mất mát một lúc cả 3 con tàu lớn. Bộ hải quân nước này vẫn ngoan cố khẳng định đây là vụ tấn công được thực hiện bởi một vài chiếc tàu ngầm của Đức. Ngay cả khi có được những thông tin cụ thể, người Anh vẫn từ chối thừa nhận sự thiện chiến của tàu ngầm Đức.

Xét về lịch sử chung của hải quân thế giới, kết quả trận đánh của chiếc U9 không chỉ đơn giản là chiến công đánh chìm ba chiến hạm lớn của Anh, mà chính là minh chứng rõ ràng nhất về khả năng tác chiến hiệu quả của tàu ngầm. Chiến thắng của U9 nói chính xác đã trở thành động lực để phát triển lực lượng tàu ngầm.

Chỉ tính riêng tại Đức cho đến trước khi kết thúc chiến tranh đã hạ thủy tổng cộng 375 chiếc tàu ngầm thuộc 7 lớp khác nhau. Trong bối cảnh bị hải quân Anh phong tỏa toàn bộ các cảng chính, tàu ngầm chính là vũ khí hiệu quả duy nhất của người Đức để tác chiến trên biển, trở thành loại vũ khí trừng phạt hữu hiệu đối với kẻ thù.

Trận đánh cuối cùng của Otto Weddigen

Liên quan đến Otto Weddigen, chỉ 3 tuần sau đó, cụ thể là vào ngày 15-10, ông lại tiếp tục chỉ huy đánh đắm thêm con tàu thứ tư - tuần dương hạm Hawke - ngay tại khu vực Biển Bắc. Trên con tàu bọc thép lớp "Edgar" có tổng số thủy thủ đoàn 592 người này, quân Anh chỉ cứu được vỏn vẹn 70 người. Nguyên nhân là do phần lớn tàu Anh gần đó đã vội rút khỏi khu vực nguy hiểm mà không màng tới cứu giúp đồng đội.

Người hùng của tàu ngầm Đức qua đời vào ngày 18-3-1915. Khi đó, chiếc tàu ngầm U29 do ông chỉ huy phát hiện và liều lĩnh tấn công một đội tàu lớn của Anh tại vùng Biển Bắc. Khi đang tìm cách tiếp cận để tấn công siêu thiết giáp hạm Neptune, chiếc U29 bị một thiết giáp hạm khác là Dreadnought phát hiện và bắn chìm cùng toàn thể thủy thủ đoàn.

Trong Đại chiến thế giới thứ nhất, lực lượng tàu biển của Anh do các đòn tấn công của tàu ngầm Đức đã thiệt hại số tàu khá lớn với tổng tải trọng lên tới 6 triệu 692 ngàn tấn. Chỉ tính trong giai đoạn 1914-1918, tàu ngầm Đức đã tiêu diệt tổng cộng 5.708 tàu với tổng tải trọng 11 triệu 18 ngàn tấn, chưa kể một số lượng tàu tương tự bị đánh chìm bởi mìn do tàu ngầm rải.

Trong toàn bộ cuộc chiến, hạm đội tàu ngầm Đức thiệt hại 202 chiếc tàu, kèm theo đó là sinh mạng của 515 sĩ quan và 4.894 thủy thủ; tức là khoảng 1/3 tổng số tàu ngầm của nước Đức.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.