Tháng 7, tìm về đồng đội
- Nữ cựu chiến binh và hành trình hơn 20 năm đi tìm đồng đội
- Cảm động những chuyến "xuất ngoại" tìm đồng đội
- Người cựu binh dành lương hưu đi tìm đồng đội
Những ngày tháng 7 này, tôi có dịp được đi cùng Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh, một người chiến sĩ, một người lính Công binh thuộc Trung đoàn 249 cùng đồng đội làm nhiệm vụ bắc cầu phao qua sông Bến Hải năm 1972 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm nay ông đã 88 tuổi nhưng dường như, với ông, những gì thuộc về quá khứ vẻ vang và đau thương của một thời tuổi trẻ chưa bao giờ mờ phai trong ký ức.
Được đi cùng ông, nghe kể lại những kỷ niệm thời kháng chiến, thăm lại từng nơi chiến trận, từng bia mộ đồng đội cũ với một nỗi nhớ thương vơi đầy trong trái tim ông, khiến cho lớp trẻ chúng tôi hiểu rằng, những giá trị của một thời hoa lửa thực sự là hành trang nâng bước của cả một dân tộc, của bao thế hệ tiếp nối.
Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh tại Vũng Chùa, Đảo Yến. |
Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh, ở vào tuổi cửu thập, ông chỉ có một khát khao cháy bỏng, đó là được trở lại thăm chiến trường xưa vào những ngày tháng 7 để tri ân đồng đội và tưởng nhớ những người bạn của mình đã ngã xuống và nằm lại nơi chiến trường xưa. Bởi có một ước muốn đầy tâm huyết ấy, nên ở tuổi gần 90, ông vẫn có những ngày mùa hạ cháy bỏng, rong ruổi trên chuyến xe đi dọc chiều dài miền Trung.
Người lính cụ Hồ thường ngày đau chân mỏi gối, ấy thế mà khi trở lại chiến trường xưa, có thể đi giữa nắng cháy da thịt hay leo dốc, đi thắp hương trên nghĩa trang hàng nghìn ngôi mộ đồng đội đang nằm theo hàng. Ông bảo, ông như được tiếp thêm sức lực, đi nhanh hơn, chân không thấy đau, người khỏe và minh mẫn hơn, có lẽ được đồng đội trợ giúp tinh thần và tiếp thêm năng lượng.
Đến mỗi vùng đất trên chuyến xe trở về đều vang lên những giai điệu, ca khúc vang bóng một thời như "Quảng Bình quê ta ơi", "Cỏ non Thành Cổ" hay "Câu hò trên bến Hiền Lương", những câu hát như ru lòng người lính, làm xuyến xao những thanh âm của một thời tuổi trẻ.
Trước khi vào quân đội, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh là một nhà giáo. Ông là một trong những lớp cán bộ đầu tiên được đào tạo đón đầu khi có hòa bình sẽ có một lực lượng xây dựng đất nước, là một trong những người trí thức được tuyển chọn đi học lớp ươm mầm tài năng cho đất nước tại Trường Dục Tài, Nam Ninh (Trung Quốc) vào năm 1951.
Vào tháng 9 năm 1954, thời điểm gần tốt nghiệp, bỗng nhiên có quyết định của giám đốc Học xá, 15 người trong khóa học của ông Nguyễn Trọng Vĩnh về tiếp quản thủ đô. Họ được đặc cách cho tốt nghiệp trước 3 tháng, về nước sớm hơn dự định.
Ông Vĩnh tiếp quản thanh niên học sinh trong ngành giáo dục với tư cách Ban thành đoàn thanh niên lao động Hà Nội. Sau đó ông được điều về làm hiệu trưởng Trường Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội. Năm ấy, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh mới 20 tuổi. Hội đồng giáo viên của trường hồi ấy chỉ có 5 người. Mấy năm sau ông được điều động về công tác ở Sở Giáo dục Hà Nội.
Đến năm 1956, ông được điều động theo chủ trương của Đảng cử tham gia quân đội. Tháng 5 năm 1965, ông học khóa cấp tốc 5 tháng và tốt nghiệp Trường Sĩ quan chính trị và được điều về Binh chủng Công binh là chính trị viên Đại đội 1 Trung đoàn 229 Công binh mang quân hàm thiếu úy (tháng 7/1965).
Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của một nhà giáo bước sang trang khác, là một người chiến sĩ quân đội, mang trong mình những trọng trách lớn của dân tộc trong thời chiến chinh gian khổ.
Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại: "Ngay năm đầu tiên Trung đoàn tôi đóng quân ở Hưng Hóa, phải rời doanh trại đi làm các công trình phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ tại Hải Phòng và Hà Nội.
Một vinh dự đến với tôi trong những năm đầu tham gia quân đội là tôi được dự lễ mừng công của Binh chủng Công binh mà tôi được thay mặt Đại đội lên nhận cờ “Đơn vị tiên tiến” của Binh chủng và vinh dự được chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó Trung đoàn tôi được điều động đi xây dựng công trình ở Quân khu 4 và tham gia mở đường Trường Sơn. Hồi đó tôi có một kỷ niệm rất thú vị. Mỗi lần hành quân tôi phải xắn cao quần và khoét lỗ phía trước giày để thoát nước.
Mỗi ngày đi bộ xuyên rừng 30-40 km, quân tư trang phải gọn nhẹ nhất có thể nên chúng tôi phải cắt đi một nửa màn, bàn chải cắt đi một nửa; riêng vũ khí và gạo cán bộ chiến sĩ mỗi người bắt buộc phải mang theo 8 cân từ binh trạm này đến binh trạm tiếp theo. Đi từ trạm này qua trạm khác, chúng tôi bỏ bớt quần áo lại để anh em đến sau mặc.
Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh làm lễ chào cờ tại Bảo tàng giới tuyến Quảng Trị. |
Đi qua các bản làng khi dừng chân nghỉ gặp đống rơm rạ cũng nằm lăn ra tranh thủ nghỉ; có khi ngủ quên, anh em phải đánh thức nhau dậy. Trong hành quân, sung sướng nhất là mỗi khi leo đèo lội suối mà nhìn thấy ánh sáng ló rạng phía trước, nghĩa là sắp lên đỉnh.
Những địa danh mà tôi còn nhớ mãi là mở đường 14 lên đỉnh 1001 giáp nước bạn Lào dài hàng chục km đường quanh co khúc khuỷu với rất nhiều cua tay áo. Nhiều lần bị bom Mỹ đánh phá ác liệt cộng với mưa lũ đường bị sạt lở hàng chục vạn mét khối phải khắc phục để xe pháo vượt sang Tây Trường Sơn vào Nam đánh giặc.
Đang làm cán bộ công trình, do yêu cầu nhiệm vụ tôi được điều động sang làm cán bộ Trung đoàn vượt sông 249. Năm 1972 mở chiến dịch Quảng Trị, tôi cùng Trung đoàn vượt sông, tham gia chiến dịch 1972. Từ thượng nguồn sông Ba Lòng ra tới Cửa Tùng, Cửa Việt. Hơn một năm tham gia chiến dịch Quảng Trị, những dấu ấn đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi là đêm 26/4/1972, tôi được tham gia cùng Tiểu đoàn 1 bắc cầu phao qua sông Bến Hải (Hiền Lương) nối liền hai bờ Nam Bắc sau 18 năm chia cắt.
Tôi vẫn nhớ thời điểm này, Ban chỉ huy Tiểu đoàn và cán bộ tham mưu ngồi trong lô cốt (được xây dựng từ thời Pháp) để chỉ huy tác nghiệp thì bị pháo hạm của Mỹ bắn dồn dập vào khu vực cầu và trúng lô cốt khiến cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 hy sinh. Lúc đó tôi và một cán bộ chính trị Đại đội lại ở bên ngoài lô cốt, chúng tôi đã may mắn. Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ lịch sử này, và đây là nơi đặt bia tưởng niệm để ghi công các anh, để hôm nay tôi được đến nơi này thắp nén nhang tưởng nhớ các anh đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất đất nước".
Trở lại chiến trường xưa, điểm đến đầu tiên Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh dừng chân khi đặt chân lên dải đất anh hùng Bình Trị Thiên khói lửa, là sự khao khát gặp lại người "anh cả" của lực lượng vũ trang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cái nắng với biển xanh cát trắng của Vũng Chùa - Đảo Yến. Tại miền đất này, nhiều năm trước ông đã xin được trồng một cây bồ đề dâng lên Đại tướng để tỏ lòng thành kính và biết ơn.
Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh tại cầu bến Đuồi (Triệu Phong - Quảng Trị). |
Cây bồ đề bây giờ xanh tốt và tỏa bóng xuống vùng đất thiêng khiến Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh rưng rưng cảm động. Nén hương thơm dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày tháng 7 anh hùng dường như đã làm dịu đi cái nắng bỏng rát của miền trung trong tiết trời mùa hè.
Trong chuyến đi này, có những địa danh mà Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh muốn tìm về để được hồi tưởng lại những tháng ngày đã cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh và để lại một phần tuổi trẻ của mình.
Ông trở lại thăm cầu Hiền Lương và nhớ lại cách đây 48 năm, trong chiến dịch Quảng Trị đêm 26/4/1972 cùng đồng đội (Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 249 Công binh vượt sông) tham gia bắc cầu qua sông Bến Hải nối liền đôi bờ Nam Bắc sau 18 năm chia cắt. Vô cùng thương nhớ các đồng đội đã hy sinh trong "lô cốt" bên bến sông này.
Ông cũng đã về Thành cổ Quảng Trị nơi Trung đoàn 229 và 249 Công binh của ông tham gia phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Có những địa danh ông đã chiến đấu năm xưa, nhưng nay đã không còn tên cũ, hoặc còn cũng chỉ là một dấu tích nhỏ nhoi mà trong tâm tưởng của người lính tuổi cửu thập, đó là một dấu mốc quan trọng cần tìm lại.
Dưới cái nắng mùa hè, người lính già đã đi lại nhiều lần, tìm hiểu những người lính năm xưa để lần tìm lại dấu vết của những địa danh mà đơn vị tham gia vượt sông năm 1972. Đó là bến Đuồi của dòng sông Cam Lộ (nay là Cầu Đuồi). Ngược lên thượng nguồn sông Thạch Hãn là ngầm Phương Thúy với Đá Đứng, động Ông Do - điểm đóng quân của E249 - nơi đã diễn ra cuộc chiến vượt sông ác liệt.
Thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn. |
Nay ngầm Phương Thúy đã thành con đập tràn đưa nước về cho bãi cây trồng và đồng lúa xanh tươi để sự sống mới vươn lên trên mảnh đất Quảng Trị nhiều nắng gió. Cũng chính tại mảnh đất này, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh đã bị thương và vết tích ấy vẫn còn để lại đến giờ trên cơ thể ông. Khi ông cùng đồng đội hành quân từ bến Đuồi và Sở chỉ huy Trung đoàn ông lại bị bom B52 rải thảm xuống cánh đồng Ba-Gơ, huyện Triệu Phong. Nhưng một lần nữa ông lại may mắn hơn những đồng đội khác vì trong trận bom ấy có hai chiến sĩ đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường.
Ông đã tự tay mình đi gom xác đồng đội rồi chôn cất họ ở bìa rừng, nhưng khốn khổ thay, đến sáng hôm sau lại bị một trận bom quét qua làm mất hết dấu tích. Vừa đau đớn thể xác vừa thương xót đồng đội, nước mắt ông chan trong nỗi nhớ.
Nhưng chiến tranh là đau thương, là gian khổ và hy sinh mất mát, để biết được rằng, giá trị vĩnh hằng của những tấm huy chương trên ngực áo của những người lính, là gói ghém cả những nỗi mất mát, đau thương và gói cả những tháng năm tuổi trẻ của một thời hoa lửa oai hùng. Có nhiều người lính đã hòa mình vào sông núi của đất nước, họ làm nên một bản anh hùng ca tráng lệ trên mảnh đất đau thương của chiến tranh để có được một ngày hòa bình, độc lập tự do của dân tộc Việt.
Một nghi lễ thiêng liêng được Nhà giáo, chiến sĩ Nguyễn Trọng Vĩnh chuẩn bị kỹ lưỡng, đó là lễ thả hoa đăng cho đồng đội trên sông Thạch Hãn. Từ đầu nguồn sông Thạch Hãn tưởng nhớ các đồng đội đã hi sinh cho chiến thắng Bình Trị Thiên 1972 tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để Tổ quốc bình yên, là những ngọn hoa đăng cháy rực trên sông nước mênh mông.
Hành trang của những người lính mang theo chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ là những ước mơ cháy bỏng của một thời hoa niên. Có lẽ, họ đang tụ hội đâu đó trên một thiên đường mộng, trong một thế giới của riêng họ, để được sống thật bình yên và thanh thản trong những ngày hòa bình của dân tộc.
Tháng 7 là thời khắc thiêng liêng, những người đồng đội tìm về nhau với những nghĩa tình sâu nặng, đôi khi chỉ để thầm gọi tên nhau trong khoảnh khắc trở về ấy. Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh, sau ngày giải phóng, ông đã trở về công tác ở nhiều vị trí và làm nhiều công việc khác nhau. Nhưng với ông, mãi mãi trong ký ức là một nhà giáo - chiến sĩ, người đã cống hiến phần nào những tháng năm tuổi trẻ cho chiến trường khốc liệt.
Trở về sau hòa bình, ông tiếp tục sống cho ký ức những người đồng đội đã ở lại chiến trường, sống cho những ước mơ cháy bỏng của họ chưa thành hiện thực, để kể lại cho con cháu hậu sinh một vài kỷ niệm của chiến trường như một sự ghi khắc công ơn của những người đã hy sinh vì độc lập tự do và vinh quang của Tổ quốc Việt Nam.