Thành cổ Quảng Trị: “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”

Thứ Ba, 22/04/2014, 10:30

Cách đây trên 40 năm tại Thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị đã làm thức tỉnh loài người trên toàn thế giới bằng cuộc chiến 81 ngày đêm, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Sự kiện lịch sử đó đã góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán Paris tạo đà cho Đại thắng của toàn dân tộc năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để giữ vững Thành cổ và thị xã Quảng Trị  81 ngày đêm, hàng ngày chiến sĩ Giải phóng quân cùng đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Đa số hình hài của các chiến sĩ không còn nguyên vẹn, máu và xương thịt hòa vào từng nắm đất, bờ cây, ngọn cỏ nơi đây.

Khác với các nghĩa trang liệt sĩ khác, nghĩa trang ở Thành cổ Quảng Trị được ví như nghĩa trang không mộ. Chỉ tại Đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành một nấm mộ chung cho những người con đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất bom cày, đạn xới vô cùng khốc liệt.

Ý nghĩa Đài tượng niệm

Đài tưởng niệm trung tâm được xây theo thuyết âm dương siêu thoát. Dưới chân Đài tưởng niệm được xây theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, có bốn lối đi lên Đài tưởng niệm tượng trưng cho tứ tượng. Tầng này được gọi là tầng lưỡng nghi, trên tầng lưỡng nghi có một mái đình cách điệu và trên mái đình Việt có hình thái cực.

Theo triết học phương Đông quan niệm: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Bát quái hình thành vũ trụ, vạn vật phát triển không ngừng. Tầng lưỡng nghi bên trong có hình tròn xây dựng theo thái cực đồ. Bên cạnh là hồ nước được xem như là phần âm. Từ phần âm người ta đắp một cây đèn màu đỏ được tượng trưng cho phần dương. Cây đèn này được ví như một cây thiên mệnh có chức năng thiêng liêng làm cầu nối giữa trời và đất, được truyền tải linh hồn các anh hùng liệt sĩ về với cõi vĩnh hằng.

Trên cây thiên mệnh có ba tầng nhìn giống như ba áng mây, tượng trưng cho thiên, địa, nhân. Nói lên mối quan hệ giữa trời, đất và con người. Dưới ba áng mây là hình tượng của ba bát cơm chồng lên nhau cho người đã khuất. Theo phong tục người Á Đông những người mất từ 60 tuổi trở lên được gọi là hưởng thọ và cúng một bát cơm, còn những người mất dưới 60 tuổi thường được gọi là hưởng dương cúng ba bát. Các chiến sĩ của ta hy sinh tại đây khi tuổi đời còn rất trẻ bởi vậy nên khi xây dựng có hình tượng ba bát cơm.

Phần dâng hương được xây bằng gạch màu đỏ được ví là màu của sự sống, màu của sự sinh sôi nảy nở và màu của vũ trụ vận hành. Từ phần dương, người ta khoét một lỗ tròn ăn thông vào sâu trong Đài tưởng niệm, bởi quan niệm trong cuộc sống âm dương không thể tách rời, luôn bổ sung cho nhau, trong âm có dương, trong dương có âm. Và giữa hai phần âm dương đặt một lư hương lớn để mọi người khi đến đây thắp một nén hương thực tâm cầu khấn thì vong linh các anh hùng liệt sĩ sẽ từ cõi âm được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Hầm của Đài tưởng niệm được coi là nơi linh thiêng nhất của Thành cổ, vì nơi đây được ví như bên trong lòng một ngôi mộ tập thể và trung tâm của hai trục đường chính giao nhau. Tại trung tâm trưng bày hành trang của một người lính với đôi dép cao su, ba lô, khẩu súng AK, bi đông nước, mũ tai bèo, xẻng, phao. Hành trang của người lính đơn sơ giản dị, chỉ từng ấy thôi mà các bác, các chú, các anh đã làm nên lịch sử.

Cho đến hôm nay hơn 40 năm qua, Thành cổ Quảng Trị đã được bao phủ bởi một màu xanh cỏ cây nhưng còn đó dưới lớp cỏ xanh kia biết bao nhiêu hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước.

Sau khi thống nhất đất nước, những người lính năm xưa trở lại thăm chiến trường  đứng trên Đài tưởng niệm thắp nén tâm nhang cho đồng đội đã không cầm được nước mắt: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay mình nhìn cây/ Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay xúc động nghẹn ngào".

Mỗi tấc đất, cành cây, ngọn cỏ chúng ta vào thành cổ Quảng Trị hôm nay đều thấm đẫm xương máu của các anh. Tổng thể thành có hình vuông với chu vi 2.080 m tổng diện tích nội thành là 16 hécta. Phía bên ngoài thành có hào sâu 3m và rộng 34 m, có cầu bắc qua.

Lịch sử hào hùng

Ngược dòng thời gian, Thành cổ Quảng Trị được xây dựng vào năm 1809 từ thời Vua Gia Long, mục đích cho xây dựng Thành cổ là để thiết lập hệ thống phòng thủ phía bắc  của kinh thành Huế, lúc đầu thành chỉ được đắp bằng đất thô sơ. Thành cổ Quảng Trị là trung tâm hành chính của tỉnh. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt quyền bảo hộ đất Trung kỳ,  Thành cổ Quảng Trị thành trung tâm bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt chúng đã cho xây ở phía đông nam một nhà lao bằng đá được gọi là lao xá Quảng Trị. Nơi đây từ năm 1929  đến đầu năm 1972 là nơi giam cầm hàng ngàn sĩ phu yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Đầu năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch vào giải phóng tỉnh Quảng Trị.  

Trích lời kêu gọi của Quân ủy Trung ương: "Ra trận lần này các lực lượng vũ trang nhân dân ta có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là: Kiên quyết giành cho kỳ được thắng lợi lớn nhất trong chiến dịch quan trọng này. Kiên quyết tiêu diệt cho thật nhiều sinh lực và  phương tiện chiến tranh của địch, và nhất là chủ lực của chúng, làm so sánh thay đổi lực lượng có lợi cho ta... Trận chiến đấu lịch sử 1972 bắt đầu. Tất cả hãy anh dũng tiến lên".

Mùa hè năm 1972 với quyết tâm giành thắng lợi chiến trường Quảng Trị  ta đã tổng động viên đưa vào đây 6 sư đoàn chủ lực, bao gồm Sư đoàn 304, 308, 320b, 324, 325, 312 và rất nhiều tiểu đoàn, trung đoàn thuộc nhiều binh chủng khác. Trong số đó có hàng ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những người con ưu tú đã xếp bút nghiên lên đường và cầm súng tiến thẳng ra chiến trường khi mang trong mình biết bao nhiêu ước mơ và hoài bão. Trong đó có không ít những chàng sinh viên đã khai thêm tuổi để đủ tuổi vào tham gia chiến trường Quảng Trị.

Cuộc chiến khốc liệt đẫm máu diễn ra tại các chốt bảo vệ vòng ngoài của thị xã, cách trung tâm thành cổ khoảng 20 km về hướng nam tại các chốt, các chiến sĩ giải phóng quân bất chấp gian khổ hy sinh, cản bước tiến quân thù quyết tâm không cho địch vào Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Người này ngã xuống thì người khác đứng lên thay với lời thề: "Còn người còn trận địa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Bị quân và dân ta giam chân ở vòng ngoài địch đã điên cuồng cho không quân và hải quân ném bom bắn phá vào Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Các loại bom: 328.000 tấn. Đạn pháo các loại 105mm: 552.000 quả. Loại 155mm: 55.000 viên. Loại 175mm: 8.164 viên. Hải pháo Mỹ: 615.164 viên. Không quân Oanh kích, máy bay Mỹ: 1.650 lần. Máy bay ngụy: 594 lần.

Có thể so sánh: Tổng số bom, đạn Mỹ, ngụy ném xuống Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong chiến dịch tái chiếm 81 ngày đêm năm 1972 bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử trong một thị xã nhỏ bé chưa đầy 3 cây số vuông.

Người ta ví nơi đây như một túi bom và máy xay thịt khổng lồ. Trung bình một chiến sĩ Giải phóng quân phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng các chiến sĩ giải phóng quân một tấc không đi, một ly không rời. Người này ngã xuống, người khác đứng lên thay. Cuộc chiến mỗi lúc diễn ra càng khốc liệt.

Vào cuối tháng 8/1972, lực lượng hỏa lực pháo binh lớn các tuyến phòng thủ bên ngoài của ta đã bị vỡ dần. Lúc bấy giờ địch đã tràn vào trong lòng thị xã, và cuộc chiến giáp lá cà. Ta bảo vệ từng bờ tường, từng mảng hào, từng mô đất. Các chiến sĩ Giải phóng quân cho dù bị thương vẫn không rời trận địa quyết tâm chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Máu của các bác các anh đã hòa vào từng nắm đất nơi đây.

Di vật của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị.

Cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 500 m về phía tây là dòng sông Thạch Hãn, đó là con đường tiếp tế duy nhất cho chiến trường Quảng Trị. Nhằm cắt đứt con đường tiếp tế của ta, địch điên cuồng ngày đêm bắn phá trên dòng sông lúc các chiến sĩ đang bơi sang sông làm nhiệm vụ.  Để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa, hàng ngàn chiến sĩ đã trúng đạn pháo và nằm lại vĩnh viễn trên dòng sông này.

Cho đến ngày  Bắc Nam sum họp một nhà, chiến sĩ Lê Bá Dương trở lại thăm đồng đội trên dòng sông đỏ máu ngày nào, thả một nhành hoa, thắp một nén nhang, khóc thương đồng đội: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

Chứng tích của trận chiến

Đại thắng 30/4/1975, giải phóng  hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước,  39 năm chiến tranh đã qua trong quá trình trùng tu tôn tạo di tích, người ta vẫn bắt gặp nhiều hài cốt liệt sĩ trong đó đa phần chưa có danh, chỉ có số ít hài cốt biết tên. Tại nhà lưu niệm nằm trong khuôn viên Thành cổ có hai di vật của hai liệt sĩ đại diện cho hàng ngàn di vật tìm thấy trên mảnh đất đau thương mà kiêu hùng bi tráng.

Di vật của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, anh là sinh viên năm thứ tư Khoa Cầu đường, Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Sau khi anh lấy vợ được 6 ngày, theo lệnh tổng động viên anh đã lên đường nhập ngũ tham gia chiến trường Quảng Trị vào  cuối tháng 8. Đầu tháng 9 anh nhận nhiệm vụ đưa hàng sang sông Thạch Hãn tiếp tế cho chiến trường. Anh có một dự cảm đây là chuyến đi rất xa, không hẹn ngày trở lại, bởi vậy anh đã bình thản viết 10 trang thư gửi về gia đình xem như đây là bức thư vĩnh biệt cuối cùng.

Trong bức thư có đoạn anh viết gửi người mẹ ở hậu phương: "Quảng Trị ngày 11 tháng 9 năm 1972, toàn gia đình kính thương. Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đi nghiên cứu Bí mật trong lòng đất, thì gia đình chẳng thấy đó là điều đột ngột. Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Mẹ mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, xong vì đất nước có chiến tranh. Mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống cho đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên cạnh mẹ.... Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao nỗi khó nhọc, nay con đến ngày khôn lớn. Thôi nhé, mẹ đừng buồn xem như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...".

Và trong bức thư của anh có đoạn anh viết về cho người vợ của mình mới cưới có 6 ngày: "Em thương yêu, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, biết bao nỗi buồn đã đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh lại mà làm theo những điều anh căn dặn, ngày anh đi xa là ngày anh đề ở ngoài phong bì. Em sẽ đọc lá thư này trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến những bà con thân thuộc trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé,  em đừng buồn, nếu sau này được sống trong hòa bình hãy nhớ đến lòng anh...". Và sự thật đã diễn ra, khi bức thư chuyển về gia đình, anh hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Điều đặc biệt của lá thư bằng sự dự cảm của mình, anh đã xác định nơi mình sẽ hy sinh và nơi chôn cất hài cốt của mình. Sau khi thống nhất đất nước, gia đình anh theo chỉ dẫn trong thư qua nhiều ngày tìm kiếm đã thấy mộ anh được chôn bên dòng sông Thạch Hãn. Và bức thư anh viết được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ. Người vợ của anh, nửa thế kỷ trôi qua chị vẫn ở vậy thờ chồng, chăm sóc người mẹ già.

Thành cổ Quảng Trị nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau

Trần Mỹ Hiền
.
.