Tiết lộ bí mật máy bay do thám U2 trong chiến tranh Việt Nam

Thứ Sáu, 06/03/2015, 13:45
Ngày 31/12/1963, ba năm sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã ra lệnh cho Phi đội trinh sát chiến lược 4080 (SRW 4080) đến miền Nam Việt Nam để thay thế nhóm trinh sát đường không RF101Voodoo nhằm phát hiện và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam qua "đường mòn Hồ Chí Minh".
Ngày 5/3/1964, một đội gồm 3 máy bay U2E - loại máy bay do thám tối tân nhất vào thời đó, mang số hiệu 347, 370 và 374 đã đến sân bay Biên Hòa…

1. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia tạm thời 2 miền Nam - Bắc Việt Nam thì cùng với việc không thực hiện tổng tuyển cử theo các điều khoản trong Hiệp định mà lẽ ra chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành thì ngược lại, năm 1960, theo lệnh của Tổng thống Kennedy, các cố vấn quân sự Mỹ và nhân viên CIA đội lốt dân sự cùng một nhóm biệt kích mũ nồi xanh đã đến miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho anh em Diệm, Nhu thực hiện kế hoạch "khu dinh điền, khu trù mật" do chuyên gia chống du kích người Anh Robert Thompson chủ xướng với mục đích "tách nước" - là người dân - "ra khỏi cá" - là những cán bộ Việt Minh được cài cắm lại.

Tuy nhiên, điều quan tâm nhất của CIA là con đường tiếp liệu từ Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam vì ngoài viện trợ của Trung Quốc, hàng hóa viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa phần lớn cũng đi qua lối này.

Bên cạnh đó, cả CIA lẫn Không quân Mỹ còn muốn đo lường thời gian xuất phát của máy bay chiến đấu Trung Quốc từ khâu chuẩn bị, cất cánh đến lúc xuất hiện trên bầu trời Bắc Việt Nam là bao nhiêu lâu, trong trường hợp Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc.

Vì vậy, CIA đề nghị Chính phủ Mỹ cho phép tiến hành những chuyến bay do thám bằng máy bay U2 trên vùng trời Trung Quốc, địa điểm xuất phát từ Đài Loan vì các sân bay ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ chưa đủ khả năng cung cấp hậu cần cho U2.

Máy bay U2.

Trong thực tế, từ những năm 50 của thế kỷ trước, dưới sự chỉ đạo về mặt kỹ thuật của CIA, Không quân Đài Loan đã nhiều lần sử dụng máy bay phản lực B57 được cải tiến thành RB 57D, xâm nhập không phận Trung Quốc để do thám, và đã có 2 chiếc RB 57D bị Trung Quốc bắn hạ.

Thế nên, cùng với việc đưa 28 phi công Đài Loan sang Mỹ học lái máy bay U2, CIA đề nghị Chính phủ Mỹ cung cấp U2 cho Đài Loan.

Rút kinh nghiệm vụ phi công U2 là Francis Gary Powers bị Liên Xô bắn rơi và bắt sống ngày 1/5/1960, Tổng thống Eisenhower mặc dù phê duyệt kế hoạch này nhưng lại không muốn để lộ ra rằng, việc xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc có bàn tay của Mỹ.

Vì thế, 2 chiếc U2 khi chuyển đến căn cứ không quân Taoyuan, nằm ở miền Bắc Đài Loan đều không sơn cờ hiệu và số hiệu Mỹ mà chỉ có cờ và số hiệu của Liên đội quan trắc thời tiết thuộc Nha Khí tượng Đài Loan..

Ngày 12/1/1962, phi vụ do thám đầu tiên của U2 trên đất Trung Quốc được tiến hành bởi các phi công Đài Loan dưới vỏ bọc "nghiên cứu độ cao", mục tiêu là khu vực thử nghiệm tên lửa Shuangchengzi, nơi thử vũ khí hạt nhân Lanchou và một căn cứ không quân gần với miền Bắc Việt Nam nhất là sân bay Côn Minh.

Tiếp theo, đến tháng 2/1962, máy bay U2 xuất hiện trên bầu trời đông bắc và tây bắc, miền Bắc Việt Nam.

Ngày 9/9/1962, hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc bắn rơi một chiếc U2 ở khu vực Nanchang khi chiếc máy bay này hạ độ cao, tránh mây mù để chụp ảnh. Phi công Chen Huai bị thương nặng và sau đó chết trong bệnh viện.

Ngày 1/11/1963, lại thêm một U2 nữa bị bắn rơi. Chính phủ Mỹ phủ nhận cáo buộc của Trung Quốc là đã dính líu trực tiếp đến những chuyến bay do thám ấy bằng cách cho rằng Đài Loan đã mua U2 của Mỹ từ trước đó.

2. Hai chiếc máy bay do thám U2 bị Trung Quốc bắn rơi không phải là những chiếc đầu tiên gãy cánh. Ngược dòng thời gian, tháng 11/1954, Tổng thống Mỹ lúc ấy là Dwight D. Eisenhower đã phê duyệt một chương trình bí mật - được đặt tên là "Dự án Aquatone" - do CIA trực tiếp chỉ đạo nhằm thiết kế và chế tạo loại máy bay trinh sát mà không một hệ thống phòng không nào có thể với tới.

Sau những cuộc đua tranh ác liệt giữa những hãng chế tạo máy bay Mỹ, cuối cùng Hãng Lockheed đã được lựa chọn.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschev xem chiếc U2 bị bắn hạ.

Tháng 8/1955, chiếc máy bay trinh sát chiến lược U2 - được đặt tên là Dragon Lady (Mệnh phụ Rồng) bay thử nghiệm lần đầu tiên nhưng các phi công vẫn quen gọi nó là "Thiên sứ".

Theo thông số, U2 có 1 chỗ ngồi, dài 19,2m, sải cánh 31,4m, cao 4,88m, trọng lượng không tải 6.760kg, tải trọng tối đa 18.100kg.

Được trang bị động cơ phản lực General Electric, U2 đạt tốc độ tối đa 805km/giờ, bay ở độ cao 25.900m và có thể bay liên tục trong 12 tiếng đồng hồ mà không cần phải hạ cánh để lấy thêm nhiên liệu...

Sau những đợt thử nghiệm, đầu năm 1956, U2 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Ngày 4/7, nó bay chuyến đầu tiên vào lãnh thổ Liên Xô. Bị rađa phòng không Liên Xô phát hiện nhưng chẳng làm gì được vì thời điểm ấy, tên lửa đất đối không của Liên Xô không với tới tầm cao 25km.

Điều này đã khiến nhà lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khruschev giận dữ. Ông ra lệnh cho các nhà khoa học phải nhanh chóng chế tạo một hệ thống phòng không mới, đủ sức ngăn chặn U2.

Tháng 7/1957, để rút ngắn hành trình bay, Tổng thống Mỹ Eisenhower đề nghị Thủ tướng Pakistan là Huseyn Suhrawardy cho phép thiết lập một cơ sở tình báo bí mật ở Pakistan, đồng thời cho phép máy bay U2 được xuất phát từ Pakistan để thực hiện các nhiệm vụ do thám trên không phận Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, CHDC Đức…

Sau khi Thủ tướng Huseyn Suhrawardy đồng ý, căn cứ không quân Air Station Peshawar ra đời, nằm cách thành phố Peshawar 16km.

Phi công Baughn, một trong những người lái U2 thời đó cho biết: "Đây là một địa điểm tuyệt vời vì nó nằm gần Liên Xô. Điều này cho phép chúng tôi dễ dàng theo dõi các hoạt động thử nghiệm tên lửa, các cơ sở chế tạo vũ khí và mạng lưới thông tin liên lạc của họ…".

Và mặc dù đồng ý cho CIA cũng như Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành các hoạt động do thám, nhưng Tổng thống Eisenhower vẫn e ngại nếu chẳng may một chiếc U2 nào đó bị Liên Xô bắn hạ thì nó sẽ bị xem là hành động gây hấn, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai quốc gia.

Để giảm bớt nguy cơ này, CIA tuyển chọn một số phi công người Anh trong Không lực Hoàng gia Anh, huấn luyện cho họ điều khiển máy bay U2 nhằm có cớ chối bỏ sự liên quan của Mỹ nếu xảy ra sự cố!

3. Ngày 9/4/1960, một chiếc U2 do phi công Bob Ericson điều khiển, bay qua dãy núi Pamir, Pakistan rồi xâm nhập không phận Liên Xô.

Trong chuyến bay này, Bob Ericson đã chụp ảnh 4 mục tiêu quân sự tối mật của Liên Xô: Đó là căn cứ không quân Semipalatinsk, sân bay Dolon, nơi các máy bay ném bom chiến lược TU 95 đồn trú, các bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở Saryshagan và hệ thống tên lửa liên lục địa Tyuratam ở Baikonur.

Bob kể lại: "Khi bay vào lãnh thổ Liên Xô được khoảng 250km, tôi bị Lực lượng Phòng không Liên Xô phát hiện. Họ cho máy bay tiêm kích MiG-19 và SU 9 đuổi theo nhưng cả hai loại này không lên cao được. Cuối cùng, tôi hạ cánh xuống sân bay Zahedan ở Iran an toàn".

Phi công Powers được Liên Xô đưa ra trình diện báo chí.

Ngày 28/4, một chiếc U2 số hiệu 358 được CIA di chuyển từ căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ đến căn cứ không quân Peshawar, Pakistan.

Trước đó, nhiên liệu cho U2 đã được máy bay C124 mang đến và tiếp theo, máy bay vận tải C130 chở  theo hai phi công U2 là Francis Gary Powers cùng Bob Ericson hạ cánh xuống Peshawa.

Sáng 29/4, chuyến bay do thám bị hoãn do thời tiết xấu. Phi công Bob Ericson được lệnh đưa chiếc U2-358 trở lại Incirlik đồng thời chiếc U2 số hiệu 360 được phi công John Shinn bay từ Incirlik đến Peshawar.

Ngày 30/4/1960, thời tiết xấu trên khắp lãnh thổ Liên Xô nên phi vụ do thám lại bị hoãn. Đến ngày 1/5, khi trời bớt mây, đại úy phi công Francis Gary Powers được lệnh lái chiếc U2-360 xâm nhập không phận Liên Xô để chụp ảnh các mục tiêu bao gồm các bệ phóng tên lửa ở căn cứ Baikonur và Plesetsk, sau đó hạ cánh tại sân bay Bodo, Na Uy.

Thời điểm này, Liên Xô đã phát triển thành công tên lửa đất đối không tầm xa SA2, và bố trí 6 bệ phóng - 2 ở Baikonur, 4 ở Chelyabinsk - một trung tâm quan trọng trong việc chế tạo plutonim để làm bom nguyên tử.

Phát hiện chiếc U2 xâm nhập lãnh thổ, các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng không - Không quân Liên Xô ở Trung Á, Kazakhstan, Siberia, Ural cùng các khu vực nằm trong phần châu Âu của Liên Xô được đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Chẳng bao lâu sau đó, Trung tướng Không quân Liên Xô là Yevgenly Savitskly ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích tấn công. Kết quả một tên lửa đất đối không SA2 do sĩ quan Mikail Voronov điều khiển đã bắn trúng một bên cánh của chiếc U2 khiến nó rơi xuống gần Kusulino, Ural.

Khi tên lửa bắn trúng chiếc U2, phi công Powers bấm nút phóng ghế thoát hiểm, nhảy dù ra khỏi máy bay. Powers bị bắt ngay lúc vừa đặt chân xuống đất. Khám xét Powers, nhân viên an ninh Liên Xô phát hiện ngoài các thiết bị mưu sinh, còn có một đồng đôla bằng bạc rỗng ruột, bên trong chứa chất độc saxitoxin dùng để tự sát nếu bị bắt.

Bốn ngày sau khi Powers bị bắt, Cơ quan Hàng không, Không gian Mỹ (NASA) phát đi một thông cáo báo chí, rằng một chiếc máy bay nghiên cứu, thăm dò thời tiết đã "mất tích" ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ và phi công có thể đã chết vì lúc ấy, CIA vẫn không xác định được tình trạng của Powers nhưng họ cho rằng Powers khó mà sống sót. Để dư luận tin vào điều này, CIA cấp tốc cho sơn lại một chiếc U2 đúng với màu sơn xanh, trắng của NASA.

Trước chuyện NASA ăn gian nói dối, Liên Xô lập tức tổ chức họp báo, công bố thông tin một máy bay do thám Mỹ bị bắn hạ trong lãnh thổ của họ, nhưng không tiết lộ rằng phi công của chiếc máy bay vẫn còn sống, và đã bị bắt.

Cuối cùng, sau nhiều cuộc tranh cãi, bên nói có, bên nói không, Liên Xô trưng ra những chứng cứ cụ thể với sự xuất hiện và lời thú tội của phi công Powers khiến người Mỹ phải thừa nhận chiếc U2 bị Liên Xô bắn rơi là máy bay gián điệp.

Ngày 19/8/1960, Powers bị kết án 10 năm tù nhưng sau 21 tháng nằm trong trại giam, ngày 10/2/1962 ông ta được trao đổi với một điệp viên người Nga bị Mỹ bắt là Rudolf Abel. Vụ trao đổi diễn ra trên cây cầu Glienicke nối giữa thành phố Posdam, CHDC Đức với Cộng hòa Liên bang Đức.

* Theo “The CIA and Overhead Reconnaissance - The U2 and Oxcart Program 1954 - 1974”.

(Còn tiếp)

Cao Trí
.
.