Tình báo thời điểm thống nhất nước Đức
Tuy nhiên ngay từ trước thời điểm này, các quan chức trong chính quyền Đông Đức đã phải bước vào một cuộc đua nước rút nhằm bảo đảm an toàn cho các điệp viên trong mạng lưới của mình trước khi chính thức giải thể…
Thời điển ban đầu, nhiều người vẫn tin tưởng rằng, với việc sáp nhập hai nước Đức, quân đội Đông Đức (Nationale Volksarmee – NVA) sẽ gia nhập vào biên chế của Bundeswehr (quân đội Tây Đức). Nhưng trên thực tế lại không phải như vậy, khi NVA gần như bị giải thể hoàn toàn. Khi đó trên phần lãnh thổ Đông Đức cũ đã thành lập một Bộ chỉ huy thống nhất lâm thời gọi là Bundeswehr Ost, đóng vai trò như một ủy ban phụ trách việc giải thể.
Theo đài phát thanh MDR của Đông Đức, phía Tây Đức đã đưa ra quyết định sẽ không dung nạp vào Bundeswehr “những thành phần cán bộ chính trị”, trong đó có cả các điệp viên của quân đội.
Lễ ký thỏa thuận thống nhất hai nước Đức. |
Cần biết là khoảng một năm trước khi sáp nhập, biên chế của NVA vào năm 1989 vào khoảng hơn 170 ngàn người, trong khi của Bundeswehr chỉ có 90 ngàn người. Sau bước kiểm tra đầu tiên, 50 ngàn người được cho phép nộp đơn xin tiếp tục phục vụ trong Bundeswehr. Còn trong quá trình rà soát kỹ càng hai năm sau đó, chỉ có thêm 18 ngàn người nữa được phép gia nhập Bundeswehr.
Tuy nhiên, kết quả thống kê vào năm 1998 cho thấy, chỉ có 9.300 cựu binh của NVA còn phục vụ trong quân đội nước Đức thống nhất. Chưa kể do cấp quân hàm cũ của NVA không được công nhận, nên đa phần những quân nhân này đều phải nhận bậc quân hàm thấp hơn trước.
Phía các cơ quan tình báo còn có số phận bi đát hơn. Cơ quan tình báo của Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (được biết đến nhiều với cái tên Staatssicherheit – STASI) bị giải thể hoàn toàn, trước khi các nhân viên của tổ chức này tiếp tục bị phản gián Tây Đức săn lùng như những kẻ thù của quốc gia, kể cả sau khi thống nhất.
Tất cả các cựu điệp viên của STASI đều bị mất việc, đồng thời không được tiếp nhận vào bất cứ cơ quan nhà nước nào của nước Đức thống nhất. Số phận của STASI thực chất đã được quyết định từ giữa tháng 7-1990, trong cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và thủ thướng Tây Đức Helmut Kohl tại Arkhyz.
Gorbachev được coi là đã bán đứng khi cho phép Tây Đức tự quyết về số phận của các quan chức lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, cũng như STASI.
Tình báo quân sự Đông Đức tất nhiên cũng không phải là một ngoại lệ. Tờ Welt vào ngày 8-6-1994 từng có một bài phóng sự về cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa tại Tòa án tối cao Đức giữa công dân Pháp Jacques L (người bị buộc tội hoạt động gián điệp chống lại quân đội Pháp) với trung tướng về hưu Alfred Krause, cựu chỉ huy Cơ quan tình báo quân đội Đông Đức.
Tướng Krause khi đó cũng đang chuẩn bị phải ra tòa tại Dusseldorf vì tội danh “phản bội” – đơn giản là trong quá khứ ông từng điều hành 3 điệp viên tình báo quân sự từng phục vụ trong bộ tham mưu không quân tại cơ quan đại diện thường trực của NATO và trung tâm máy tính của Bundeswehr.
Mùa thu nóng bỏng 1989
Theo nhà báo Đức Andreas Kabus, người từng viết một công trình nghiên cứu về hoạt động của tình báo quân sự Đông Đức, phía Tây Đức thường vẫn nhầm lẫn về vai trò và vị trí của tình báo quân sự trong hệ thống chính quyền của CHDC Đức. Thậm chí nhiều người tại Tây Đức vẫn nghĩ cơ quan này chỉ là một bộ phận của STASI.
Rainer Eppelmann, Bộ trưởng Quốc phòng và giải trừ quân bị cuối cùng của Đông Đức. |
Thậm chí ngay cả một nhân vật có uy tín của Tây Đức trong lĩnh vực các cuộc chiến bí mật như Karl Wilhelm Frikke trong một cuốn sách xuất bản năm 1989 cũng nói rằng, Bộ Quốc phòng Đông Đức có cơ quan tình báo riêng, nhưng về mặt nghiệp vụ và hành chính đều phụ thuộc vào bộ phận tình báo đối ngoại của STASI.
Trên thực tế, tình hình hoàn toàn không phải như vậy, khi trụ sở của hai cơ quan này ở những địa điểm hoàn toàn khác nhau. Tình báo quân sự vẫn còn tiếp tục hoạt động ngay cả khi Bộ An ninh quốc gia (MGB), kể cả tình báo đối ngoại đều đã giải thể.
Cần nhớ là theo quyết định của quốc hội Đông Đức vào ngày 17-11-1989, Bộ Quốc phòng sẽ được thay thế bằng Cơ quan An ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo của Wolfgang Schwanitz. Đến ngày 8-12, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Hans Modrow mới tuyên bố giải thể cơ quan này. Nhưng tình báo quân sự chỉ thực sự giải thể vào tháng 3-1990.
Dù không phụ thuộc vào nhau, nhưng giữa STASI và tình báo quân đội có mối quan hệ, phối hợp với nhau trong rất nhiều nhiệm vụ. Chính vì vậy, khi trụ sở của STASI tại Normannenstraße vào ngày 15-1-1990 bị đám đông tràn vào đánh chiếm (trong đó chắc chắn có cả các nhân viên tình báo nước ngoài), số tài liệu bị họ lấy được không chỉ đe dọa tới số phận các điệp viên STASI, mà còn cả các nhân viên tình báo quân sự (gồm có nhiều công dân Tây Đức và các nước phương Tây), những người từng tham gia vào các chiến dịch phối hợp với STASI.
Như một trung tá tình báo quân sự đã phải thừa nhận với tờ Junge Welt rằng, “các tài liệu của bản thân chúng tôi đã được tiêu hủy kịp thời nên không thể gây tổn hại cho ai cả. Nhưng chúng tôi lo ngại nhất là các tủ phiếu của MGB. Trong đó có chứa thông tin mô tả về các chiến dịch, tên tuổi các điệp viên, nhân viên và các nguồn tin”.
Chiến dịch tiêu hủy
Theo các nhà nghiên cứu, các hồ sơ lưu trữ của cơ quan tình báo quân sự Đông Đức đã được tiêu hủy theo chỉ thị chính thức từ Rainer Eppelmann, Bộ trưởng Quốc phòng và giải trừ quân bị cuối cùng của Đông Đức.
Về mặt pháp lý, trước thời điểm hai nước Đức sát nhập vào ngày 3-10-1990, ông Eppelmann là nhà lãnh đạo của cơ quan tình báo quân sự. Trong văn bản này, Bộ trưởng đã ủy quyền cho Đại tá Gunter Weiss – khi đó đang đứng đầu ủy ban mới thành lập về phân tích hồ sơ lưu trữ - thu thập tất cả các hồ sơ lưu trữ của tình báo quân đội tại Postdam để tiêu hủy khi thời hạn hai nước Đức thống nhất chỉ còn 8 tuần.
Nếu việc xử lý hồ sơ tại Postdam không có khó khăn gì, thì ủy ban của Gunter Weiss lại gặp rắc rối đối với các hồ sơ lưu tại Bộ An ninh quốc gia cũ. Vấn đề là trụ sở của Bộ này đã bị một nhóm người chiếm giữ từ trước đó, không cho phép bất cứ ai ra vào đây. Mọi việc chỉ được giải quyết khi có sự can thiệp của chính phủ Đông Đức và thậm chí của văn phòng thủ tướng Tây Đức, số tài liệu của tình báo quân sự mới được đưa ra khỏi kho lưu trữ của MGB.
Kết quả khi chiến dịch hoàn tất, tất cả tài liệu lưu trữ (trong đó có ghi rõ tên tuổi các cá nhân, đối tượng và cách thức hoạt động tình báo) đã được tiêu hủy kịp thời. Vấn đề an toàn cho các nguồn tin và nhiều điệp viên từng hoạt động cho Đông Đức trên lãnh thổ Tây Đức đã được đảm bảo.
Có những chỉ trích cho rằng, chính Bộ trưởng Eppelmann đã ra quyết định trên nhằm để hủy đi những chứng cứ về quá khứ hoạt động của mình (trước đây ông là một chính trị gia đối lập với chính phủ của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức), vốn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai chính trị sau này của ông.
Bản thân cựu đồng nghiệp trong chính phủ của ông – cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter-Michael Diestel – cũng khẳng định, Eppelmann phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tiêu hủy các tài liệu của cơ quan tình báo quân sự liên quan đến các chiến dịch chống lại Tây Đức.
Bản thân một số tài liệu lấy từ kho lưu trữ của MGB đã cho thấy, Eppelmann đã tiếp xúc với các cơ quan mật vụ của Pháp và Mỹ - cụ thể là với Tổng cục An ninh đối ngoại Bộ Quốc phòng Pháp (DGSE) và với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) – nhằm âm mưu đi ngược lại những quan điểm của Bonn về việc thống nhất hai nước Đức.
Giải thể mạng lưới tình báo
Trên thực tế, chưa cần có chỉ thị của Eppelmann, giới lãnh đạo tình báo quân sự Đông Đức đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho công dân các quốc gia khác từng cộng tác với họ. Bước quyết định trong kế hoạch này là việc chấm dứt ngay mọi hoạt động tình báo. Quyết định trên đã được ký bởi đô đốc Hoffmann, Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Modrow, vào ngày 16-3-1990.
Theo đó, cơ quan tình báo quân sự được đổi tên thành Trung tâm thông tin. Văn bản này cũng nhắc tới việc ngừng các hoạt động tình báo tại các quốc gia phương Tây. Trước đó, ngay từ tháng 2-1990 đã có quyết định triệu hồi tất cả các điệp viên bí mật tại các nước trên toàn thế giới – cụ thể là các cán bộ tình báo trong biên chế đang hoạt động bí mật dưới các vỏ bọc khác nhau.
Các dữ liệu về hoạt động tình báo quân đội trong tủ phiếu của MGB. |
Việc giải thể mạng lưới tình báo đã được tiến hành theo từng giai đoạn. Từ tháng 3-1990 đã ngừng việc truyền thông tin tình báo từ các chi nhánh và điệp viên mật về Berlin. Từ ngày 31-3 đến 30-6-1990 đã diễn ra những chiến dịch cần thiết để vô hiệu và giải thể mạng lưới tình báo.
Trong giai đoạn này, Trung tướng Krause đã báo cáo với Bộ trưởng Eppelmann về việc chấm dứt hoạt động của 138 điệp viên mật trên lãnh thổ Tây Đức. Vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 23-5 đã chính thức ngừng việc trao đổi tín hiệu liên lạc vô tuyến trong cơ quan tình báo. Tất cả các điệp viên nhận được tín hiệu về “lời chào tạm biệt”.
Các sĩ quan điều hành cam kết với những điệp viên cấp dưới của mình rằng, những dữ liệu liên quan đến hoạt động của họ đều đã bị tiêu hủy. Đồng thời, họ cũng được cảnh báo không cho phép bất cứ mọi nỗ lực nào nhằm tìm cách hợp tác với các cơ quan mật vụ khác.
Bước tiếp theo là chỉ thị ngày 17-6-1990 của đô đốc Hoffmann, trong đó chỉ đạo giải thể tất cả các đơn vị tại trụ sở chính của tình báo quân đội. Đến ngày 31-8, toàn bộ các đơn vị tình báo quân đội cùng cán bộ sĩ quan trong biên chế đã được giải thể.
Quay trở lại với phiên tòa nhằm xét xử tướng Alfred Krause như đã nói ở trên. Cáo trạng dày 247 trang đã tìm cách buộc viên tướng này về tội phản bội đất nước do đã điều hành hoạt động tình báo chống lại Tây Đức.
Luật sư của ông dựa theo điều khoản 31 của Công ước La Hay, trong đó khẳng định điệp viên quân sự sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại hậu phương của đối phương để trở về, sau đó bị bắt vẫn được đối xử như tù binh, không phải chịu trách nhiệm cho những chiến dịch tình báo trước đó đã tham gia.
Ngoài ra theo tờ Welt, giới lãnh đạo NVA và Bundeswehr đã từng ký một thỏa thuận vào năm 1990 về việc chấm dứt hoạt động của tình báo quân sự Đông Đức. Với những cơ sở đó, tướng về hưu Krause sẽ không thể bị truy tố vì những chiến dịch tình báo trước đây được triển khai vì quyền lợi của Đông Đức cũ.