Tổng thống Trump không muốn là "bản sao" của cố Tổng thống Andrew Jackson

Thứ Sáu, 22/09/2017, 15:30
Một tháng sau cuộc bạo động ở Charlottesville, bang Virginia, Tổng thống Trump đã phải hoàn toàn thay đổi lập trường và như muốn chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng, ông đang thoát khỏi cái bóng của "thần tượng"- cố Tổng thống Andrew Jackson, người được xem là "một chủ nô và kẻ phân biệt chủng tộc hàng đầu".

Ngày 14-9 vừa qua, theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký nghị quyết lên án những người mang tư tưởng cực hữu, tổ chức Ku Klux Klan,  những nhóm tân phát xít và chủ trương hận thù sắc tộc theo chủ thuyết "da trắng thượng đẳng". 

Như vậy là một tháng sau cuộc bạo động ở Charlottesville, bang Virginia giết chết một người phụ nữ và làm 19 người khác bị thương, sau những lời công kích về thái độ không dứt khoát đối với những hành vi xuất phát từ vấn đề kỳ thị chủng tộc, Tổng thống Trump đã phải hoàn toàn thay đổi lập trường và như muốn chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng, ông đang thoát khỏi cái bóng của "thần tượng"- cố Tổng thống Andrew Jackson, một trong những tổng thống tài ba của nước Mỹ nhưng cũng bị xem là "một chủ nô và kẻ phân biệt chủng tộc hàng đầu".

Chân dung Andrew Jackson - tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ.

Nghị quyết này được soạn ra để chính thức lên án một cách mạnh mẽ các hành động bạo lực tại Charlottesville và được toàn thể lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết với 100% phiếu thuận. Trong một thông báo, Tổng thống Trump bày tỏ sự "hài lòng" khi ký ban hành nghị quyết trên, đồng thời nhấn mạnh "người Mỹ lên án vụ bạo động gần đây xảy ra tại thành phố Charlottesville cũng như phản đối sự hận thù, cố chấp và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức". 

Với việc luật hóa nghị quyết, Tổng thống Trump đã xóa mờ cách phản ứng của ông khi cuộc bạo động nổ ra với lời tuyên bố cho rằng "nhiều bên phải chịu trách nhiệm về làn sóng bạo lực". Cách xử lý của Tổng thống Trump đối với vụ việc ở Charlottesville không những vấp phải sự chỉ trích của chính giới mà còn của công chúng Mỹ. 

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống xuống đến mức 35%, trong khi có tới 59% người không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông. Khi soạn thảo nghị quyết này, các thượng nghị sĩ muốn Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Bộ An ninh nội địa Mỹ điều tra "tất cả các hành vi bạo động, đe dọa và khủng bố trong nước" từ các tổ chức xem da trắng là thượng đẳng, da trắng dân túy cực đoan hay các tổ chức liên quan khác, đồng thời ngăn chặn họ "kích động thêm bạo động".

Còn nhớ vào giữa tháng 3 năm nay, Tổng thống Trump đã đến thăm và đặt vòng hoa tại nhà tưởng niệm cố Tổng thống Andrew Jackson ở Nashville, bang Tennessee nhằm bày tỏ lòng kính trọng "thần tượng" của mình. Xuất thân là thành phần bình dân gốc Scotland- Ireland, Andrew Jackson vốn là chính khách ở bang Tennessee, một chiến binh chống lại người da đỏ và là người hùng trong trận chiến New Orleans trong cuộc chiến tranh năm 1812. Andrew Jackson thăng tiến trong quân đội nhờ các chiến tích chống người Anh, được phong tướng, làm thống đốc quân sự của bang Florida, rồi vào Thượng viện Hoa Kỳ.

Năm 1824, các thành viên của cử tri đoàn ở sáu tiểu bang vẫn được cơ quan lập pháp của bang lựa chọn. Đến năm 1828, các thành viên của cử tri đoàn đã được lựa chọn qua phổ thông đầu phiếu ở tất cả các bang ngoại trừ hai bang Delaware và Nam Carolina. Những diễn biến này là thành quả của một quan điểm rộng rãi cho rằng, người dân có quyền ảnh hưởng đến chính sách và chính phủ của tầng lớp tinh túy truyền thống không thể cứ mãi là bá chủ của nền chính trị.

Người đại diện cho tầng lớp bình dân da trắng này không mấy ưa thích những người tiền nhiệm như George Washington, Thomas Jefferson vốn trọng truyền thống khai sáng, là những bậc thầy của lý luận, triết lý và khoa học. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1828 giữa ứng cử viên John Quincy Adams của đảng Cộng hòa (không phải đảng Cộng hòa ngày nay) và ứng cử viên Andrew Jackson của đảng Dân chủ được coi là một trong những cuộc bầu cử có chiến dịch tranh cử gay gắt nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. 

Ứng cử viên Andrew Jackson và người ủng hộ gọi ông Quincy Adams là kẻ tham nhũng, mục nát, phóng đãng và thường dính vào những vụ bê bối tình ái. Người ủng hộ ông Adams thì công kích tính khí bạo lực của ông Jackson và liên tục "chĩa mũi dùi" công kích vợ ông Jackson là đã không "ly hôn hợp pháp" trước khi đến với ông. Họ gọi ông Andrew Jackson là "con lừa", vì giống lừa vừa ngu ngốc lại vừa cứng đầu!

Là người theo chủ nghĩa dân túy, Andrew Jackson lấy khẩu hiệu tranh cử "Hãy để người dân phán quyết!". Những người Cộng hòa thừa dịp này chế giễu: Nếu người dân phán quyết, sẽ có một bầy lừa quản lý đất nước! Thế nhưng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1828, Andrew Jackson đã đắc cử và được xem là vị "tổng thống dân túy" (populist) đầu tiên của Mỹ. Cuộc bầu cử năm 1828 là dấu mốc quan trọng trong xu thế thể hiện sự tham gia của cử tri ngày càng rộng lớn hơn. 

Vào thời điểm đó, hầu hết các tiểu bang đã thông qua quyền phổ thông đầu phiếu cho thành phần cử tri nam giới da trắng. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Andrew Jackson đã chứng kiến việc chuyển giao quyền lực chính trị từ tầng lớp tinh hoa sang giới cử tri bình thường, người bình dân da trắng không chỉ được khuyến khích vươn sang vùng Viễn Tây mà còn được nhà nước cử quân đội hỗ trợ quá trình xua đuổi và chiếm đất của thổ dân bản địa.

Chủ nghĩa dân túy đặc trưng của Tổng thống Trump hiện nay bắt nguồn từ tư tưởng và văn hóa của cố tổng thống Andrew Jackson. Đối với những người theo trường phái tư tưởng của Andrew Jackson - chính là nhóm người đã tạo nên cơ sở ủng hộ vững chắc cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử, nước Mỹ không phải là một thực thể chính trị được tạo ra và được xác định bởi một nhóm các nhà trí thức chỉ chăm chăm hướng tới việc hoàn thành một sứ mệnh cao cả và xa vời. 

Thay vào đó, đây là một nhà nước - dân tộc của người dân Mỹ và mọi hoạt động kinh tế chính phải diễn ra ở bên trong nước Mỹ. Những tín đồ theo trường phái tư tưởng của Andrew Jackson không coi "chủ nghĩa biệt lập Mỹ" là trách nhiệm kêu gọi thế giới ủng hộ các ý tưởng của Mỹ hay nước Mỹ phải thay đổi thế giới, mà là cam kết của Mỹ đối với các giá trị bình đẳng và nhân phẩm của công dân Mỹ. 

Họ cho rằng, sứ mệnh của Chính phủ Mỹ là phải bảo đảm an ninh và duy trì ổn định kinh tế cho người dân ở ngay trên đất Mỹ. Làm được điều đó mà không can thiệp vào tự do cá nhân mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đặt vòng hoa tưởng niệm cố Tổng thống Andrew Jackson tại khu dinh thự lưu niệm The Hermitage, Nashville, ngày 15-3-2017.

Theo tờ Libération, Andrew Jackson, cầm quyền từ năm 1829 đến 1837, với tư tưởng lấy quyền lực ở Washington để chuyển giao cho dân chúng "đã để lại một dấu ấn sâu sắc và đau đớn" trong lịch sử nền dân chủ Mỹ. Trên thực tế, hứa hẹn bảo vệ an ninh cho người Mỹ, nhưng Tổng thống Andrew Jacskon chính là người đã tiến hành cuộc đàn áp người da đỏ, với chiến dịch được mệnh danh là "Con đường nước mắt" (Trail of Tear), làm diệt vong các bộ lạc da đỏ hùng hậu ở miền đông nước Mỹ. 

Như sự kiện Tướng Winfield Scott dưới trướng của Andrew Jackson đã vây bắt và cưỡng chế không thương tiếc 15.000 người Cherokee rời khỏi đất đai bản quán hàng trăm năm của mình. Ủng hộ chủ trương kinh tế tự do, Tổng thống Andrew Jackson đã để mặc cho chế độ nô lệ phát triển, mà bản thân ông ta là người hưởng lợi.

Năm 2016 đã nổ ra một chiến dịch yêu cầu xóa bỏ chân dung Tổng thống Andrew Jackson in trên tờ giấy bạc 20 USD của Mỹ từ năm 2020. Tháng 4-2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khi đó là Jack Lew công bố kế hoạch thay thế chân dung Tổng thống Andrew Jackson trên đồng 20 USD bằng hình ảnh nhà nữ hoạt động nhân quyền người da màu Harriet Tubman. Ban đầu, Bộ Tài chính Mỹ dự định đưa chân dung bà Tubman lên đồng 10 USD, thay cho Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. 

Tổng thống Andrew Jackson là một nhân vật phù hợp hơn cho kế hoạch vì thành tựu lớn nhất của ông Andrew Jackson là không gia hạn hiến chương hoạt động cho Ngân hàng thứ hai của Mỹ (Second Bank of the United States) vào năm 1833. Đây chính là ngân hàng nhà nước, tiền thân của Cục Dự trữ liên bang. Ông Jackson đã dùng quyền lực của mình để rút hết quỹ liên bang ra khỏi ngân hàng này trong một cuộc đấu được gọi tên là "Chiến tranh Ngân hàng".

Trong kế hoạch tranh cử năm 2016, ông Trump cùng cố vấn cao cấp Steve Bannon thường xuyên thảo luận về các di sản của Tổng thống Andrew Jackson. Bannon cũng thường chỉ ra những điểm tương đồng giữa ông Trump và Tổng thống Jackson, cho rằng, cả hai đều là những người ngoại đạo chống lại giới tinh hoa chính trị tự mãn. Nhân dịp rộ lên vụ thay thế chân dung Andrew Jackson trên tờ 20 USD, ông Trump cho rằng, việc thay bằng chân dung Harriet Tubman, người phụ nữ thứ hai xuất hiện trên các tờ tiền Mỹ suốt lịch sử 225 năm của Bộ Tài chính Mỹ là một quyết định "cần phải cân nhắc kỹ". 

Ông Trump phát biểu:"Andrew Jackson có đóng góp to lớn cho thành công của nước Mỹ. Tôi nghĩ Harriet Tubman là người tuyệt vời, nhưng chúng ta có thể xem xét sự thay đổi trên các đơn vị tiền tệ khác". Từ đấy, Bộ Tài chính, Cục khắc và in ấn Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thiết kế chung cuộc của tờ tiền 20 USD mới, dù trên website chính thức, bộ này vẫn giữ nguyên thông tin về sự thay đổi.

Giờ đây, khi quyết định đặt bút ký nghị quyết lên án chủ nghĩa cực hữu, phân biệt chủng tộc và chủ thuyết "da trắng thượng đẳng", chắc chắn Tổng thống Trump đã phải "cân nhắc kỹ" như thế nào, nhưng đó là một hành động không những thể hiện tính thức thời của người đứng đầu nước Mỹ hiện đại mà còn là biểu hiện của bản thân Tổng thống cho người dân và công luận Mỹ thấy rằng, ông không là "bản sao" của cố Tổng thống Andrew Jackson.

Tổng thống Andrew Jackson bị một kẻ tâm thần mưu sát?

Ngày 30-1-1835, Tổng thống Andrew Jackson đến tòa nhà Quốc hội trên Đồi Capitol dự lễ tang nghị sĩ Warren Davis. Khi ông bước ra từ cổng phía đông, tên Richard Lawrence nấp sau một cây cột, chờ Tổng thống tiến đến gần và khi cách ông chỉ hơn 2m, Lawrence lôi khẩu súng giấu sẵn trong người ra, nhằm thẳng Tổng thống bóp cò. 

Ở khoảng cách gần như vậy, hung thủ khó mà bắn trượt được, nhưng điều kỳ lạ là súng không nổ! Trong khi những người xung quanh đang hoảng loạn, Lawrence điềm tĩnh rút khẩu súng thứ hai ra. Tổng thống Jackson quay cây ba toong của ông về phía tên sát nhân và nhào tới tấn công hắn. Lawrence bóp cò lần nữa nhưng khẩu súng vẫn.. không nổ. Một sĩ quan Hải quân đứng gần đó đã vung súng bắn Lawrence.

Bức họa mô tả vụ ám sát Tổng thống Ansrdrew Jackson bất thành của Lawrence.

Sát thủ Richard Lawrence là một người Anh, hành nghề thợ sơn nhưng thất nghiệp và mắc bệnh hoang tưởng. Hắn luôn nghĩ mình là vua Richard III của nước Anh, cho rằng Chính phủ Mỹ nợ hắn một số tiền lớn và nếu hắn giết chết Tổng thống Jackson, Chính phủ Mỹ sẽ trả cho hắn số tiền này để hắn quay trở lại Anh phục hồi "ngai vị". Phiên tòa xử tên sát nhân ám sát hụt Tổng thống Andrew Jackson diễn ra chóng vánh, bệnh tâm thần cứu Lawrence thoát tội chết nhưng hắn phải sống hết phần đời còn lại trong nhà thương điên.

Một thế kỷ sau, các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian tiến hành điều tra lại vụ ám sát bất thành này và cố gắng đi tìm lời giải xác đáng cho động cơ gây án. Theo những tài liệu phân tích sau vụ ám sát thì hai khẩu súng không có trục trặc gì; chúng vẫn lên đạn bình thường, chỉ có điều, chúng không khai hỏa được. Sau này, người ta ước tính tỷ lệ súng gặp sự cố là 1/125.000. 

Các nhà sử học cho rằng, thời tiết ẩm ướt là nguyên nhân khiến súng không nổ. Nhiều người cho rằng, vụ ám sát Tổng thống Andrew Jackson là một âm mưu thực sự và có tổ chức trên quy mô lớn của các tổ chức chính trị, khi mọi chứng cứ đều bị bịt đầu mối, mọi biện pháp điều tra đều đi vào bế tắc. Lời giải cho vụ mưu sát này mãi là một ẩn số.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.