Trần Cao Vân và cuộc binh biến cuối cùng ở kinh thành Huế

Thứ Sáu, 23/11/2018, 11:52
Cách nay 102 năm, một cuộc khởi nghĩa dự tính diễn ra giữa kinh thành Huế do các nghĩa sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên lãnh đạo với sự tham gia của đương kim hoàng thượng Duy Tân.

Mọi vấn đề như phát động binh biến, cướp chính quyền, thiết lập thể chế chính trị, bộ máy chính quyền mới… đều đã sắp đặt đâu vào đó. Không ngờ thời vận chưa thông, đến phút cuối thì kế hoạch vỡ lở, hoàng đế bị đày, quân thần bị chém…

Từ nho sĩ đến tu sĩ

Trần Cao Vân sinh năm 1866 tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Tư Phú là một trong mười một làng thuộc khu đất Gò Nổi, nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài của xứ sở như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu... Ông là con cụ Trần Công Trực (Quyền Trực), học rộng biết nhiều nhưng không đỗ đạt. Ông Trực có 3 vợ, được 6 trai 3 gái, Trần Cao Vân là con bà vợ cả Đoàn Thị, bà qua đời khi Trần Cao Vân lên 8 tuổi.

Di ảnh chí sĩ Trần Cao Vân.

Trần Cao Vân tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên từng học và đi thi lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, khi ra hoạt động cách mạng đổi tên là Trần Cao Vân, biệt hiệu là Hồng Việt và Chánh Minh, biệt danh là Bạch Sĩ. Ông có vóc tầm thước, trán cao, mặt vuông, mắt sáng, râu năm chòm.

Từ nhỏ, Trần Cao Vân đã có tiếng thông minh, giỏi đối đáp. Tương truyền năm 13 tuổi, một hôm thầy thấy giữa lớp học có treo một cây đèn, bèn ra câu đối:

Đèn treo dọi sáng bốn phương nhà

Trần Cao Vân nhỏ tuổi nhất lớp lên tiếng đối lại:

Trăng tỏ khắp soi muôn cụm nước

Ai cũng khen vế đối xuất sắc, ứng khẩu tự nhiên, lời lẽ giản dị mà lại hàm chứa ý chí rộng lớn.

Có lần Trần Cao Vân đến nghe giảng sách ở nhà cụ Cử. Sau buổi giảng sách xong, có người láng giềng đưa đến biếu bà cụ một mớ hành hương để làm giống. Bà cụ bảo: Hành này còn non mà tàn sớm e giống khổng mạnh (khổng là tiếng địa phương giống như chữ "hổng" miền Nam, nghĩa là "không"). Cụ Cử liền lấy ý ấy ra câu đối cho học trò:

Hành tàn giống Khổng Mạnh

Câu đối này có hai nghĩa. Nghĩa đen: Giống hành hay tàn không tốt, nghĩa bóng: Lúc tiến lúc thoái đều theo đạo Khổng Mạnh (Hành tàn đồng âm với Hành tàng, tức hành động và đi ở ẩn. Khổng mạnh đồng âm với Khổng Mạnh, tức Khổng Tử và Mạnh Tử.

Nghe xong Trần Cao Vân ứng khẩu đối lại:

Cải hóa con càng khôn.

Câu đối này cũng có hai nghĩa. Nghĩa đen là: Rau cải nảy nở càng tốt (vì cải con "hoá" tức là nẩy nở lên, "càng khôn", tức là càng tốt). Nghĩa bóng là: phải thay đổi cả "càn khôn", tức vũ trụ, trời đất. Mọi người đều tán thưởng tài của Trần Cao Vân, câu đối trên được truyền tụng khắp các vùng Quảng Nam, Bình Định.

Năm 16 tuổi, Trần Cao Vân đã chuẩn bị đi Huế dự khoa thi Hương khóa Nhâm Ngọ (1882), nhưng vì bị bệnh  nên đành bỏ lỡ. Ngày 25-4-1882, quân Pháp tấn công và chiếm thành Hà Nội. Tổng trấn Bắc Thành là Hoàng Diệu tuẫn tiết và mùa thu năm ấy linh cữu được đưa về quê cũ ở Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Trần Cao Vân cùng các sĩ tử đến dự lễ tang và sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến ông. Tiếp đó là các biến cố quốc gia dồn dập như vua Tự Đức qua đời, Pháp đánh chiếm cả đất nước, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi xuất bôn chạy ra Quảng Trị… 

Trần Cao Vân cũng bỏ học, rời gia đình ra đi. Tháng 7-1885, chiếu Cần Vương ra đời, nghĩa sĩ các nơi nổi lên hưởng ứng rầm rộ, mạnh nhất là Nghĩa hội Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến lãnh đạo, chiến đấu với quân Pháp suốt 3 năm. Lúc này Trần Cao Vân vào chùa Cổ Lâm ở An Định (nay là Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) và kết giao với Võ Thạch, tức Thừa Tô, một thư sinh nổi tiếng giỏi võ nghệ. 

Võ Thạch là con cai tổng Trừng, gia đình có thế lực. Trần Cao Vân vào chùa ở với mục đích là che mắt bọn tay sai đang lùng sục dư đảng Cần Vương, đồng thời tránh được sự ràng buộc gia đình để tự do gặp gỡ bạn bè, cùng mưu đồ việc lớn. Trần Cao Vân đóng vai thầy chùa với pháp danh Như Ý, còn Võ Thạch giả làm thương khách đi giao du các nơi tìm đồng chí.

Thời gian ở chùa Cổ Lâm, Trần Cao Vân có làm bài thơ để tỏ chí khí:

Chí quyết tang bồng vỡ bốn phương,

Chồng nằm chi để ghé râu vương.

Ba thù quyết trả đền ơn trọng,

Một giận mong ra gỡ tiếng ương.

Nợ nước đã toan tròn nghĩa vụ,

Tình nhà đành gác nỗi tư lương.

Nam mô nguyện trả xong rồi nợ

Mối thánh đem về cõi Hạ Thương.

Năm 1888, cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nguyễn Duy Hiệu thất bại, nhiều tổ chức bị đánh phá và bọn tay sai Pháp bắt đầu để ý đến những tu sĩ chùa Cổ Lâm. Vì gia đình thúc giục và cũng để tránh nghi ngờ của giặc, Trần Cao Vân trở về ra Huế dự thi. Vào đến đệ tam trường rồi lại hỏng thi, ông trở lại Cổ Lâm mặc áo nâu sồng nhưng không tìm hiểu kinh kệ mà bỏ ra 3 năm ròng để nghiên cứu Kinh Dịch, hình thành học thuyết "Trung Thiên Dịch" nổi tiếng sau này.

Năm 1891, chùa Cổ Lâm thường xuyên bị khám xét, Trần Cao Vân đành về làng Đại Giang mở trường dạy học và kết hôn với cô Ba Bàn, tức Võ Thị Quyên, người em gái của Võ Thạch. Khi ở Đại Giang, Cao Vân để tâm đến việc tìm một nơi rừng núi có địa thế hiểm trở mà có thể sản xuất nhiều lương thực để mưu tính một cuộc kháng chiến lâu dài. Sau nhiều lần bàn bạc với các đồng đạo, Trần Cao Vân quyết định chọn vùng Bình Định. Mùa thu năm 1892, ông cùng vợ và đệ tử Nguyễn Nhuận (xã Soạn) vào Bình Định, vừa mở trường dạy học vừa làm nghề địa lý, dần dần nổi tiếng ra tận Phú Yên.

Nhờ tinh thông kinh Dịch, Trần Cao Vân bói quẻ nổi tiếng linh nghiệm, thân chủ ngày càng đông và nhiều người sau này trở thành đồng đạo, đồ đệ trung thành của ông. Hồi ấy ở Bình Định, trong hang Đá Bạc giữa Phù Cát và Phù Mỹ có một vị sơn tăng ngoài 70 tuổi, hàng ngày xuống núi cho thuốc cứu người mà không nhận tiền bạc, lễ vật. Nghe đồn thuốc rất linh nghiệm nên người các nơi tìm đến xin "thuốc" rất đông.

Biết chuyện, Trần Cao Vân tìm đến hang Đá Bạc và kết giao với Võ Trứ, đệ tử của vị sơn tăng, thường cùng thầy phát thuốc hoặc thay mặt thầy tiếp xúc với các môn đồ. Võ Trứ người làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, Bình Định, vốn là một nghĩa sĩ Cần Vương cũ, ẩn mình dưới hình thức tu hành. Hai người tỏ ra tâm đầu ý hợp, cùng nhau bàn cách tổ chức lực lượng chống Pháp.

Khoảng năm 1895, khi vị sơn tăng Đá Bạc qua đời, thừa hưởng cái ấn Ngũ công Quan Âm của thầy, Võ Trứ cùng Trần Cao Vân vào huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều người quen biết. Bằng hình thức phát bùa, làm thuốc, nhương sao giải hạn trừ tà… hai người tiến hành tổ chức kêu gọi quần chúng, đồng thời liên kết với các nhà sư mà vốn là dư đảng Cần Vương nương náu cửa thiền, nuôi chí đợi thời. Ngoài ra Võ Trứ còn xây dựng lực lượng từ đồng bào các dân tộc miền núi ở Đồng Xuân, Sơn Hòa… Dần dần, một đội quân cả người Kinh lẫn người Thượng với trang bị rựa, mác, cung tên do các nhà sư chỉ huy được bí mật tổ chức để khởi nghĩa ở Đồng Xuân.

Ngôi mộ chung của hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên ở Huế.Ảnh Võ Thạnh.

Mùa hè năm 1898, cuộc khởi nghĩa mà quân Pháp gọi là "giặc thầy chùa" hay "giặc rựa" nổ ra. Nghĩa quân dự tính đánh chiếm tỉnh lỵ Phú Yên, lúc bấy giờ là Sông Cầu.

Nhưng với vũ khí thô sơ và lòng mê tín bùa phép, nghĩa quân đã không thể đương đầu với "tàu đồng đại bác" của thực dân Pháp. Chỉ sau một trận giao tranh, nghĩa quân phải rút vào rừng và lực lượng tan rã dần trước các cuộc càn quét của quân thù. Cuối cùng, Võ Trứ phải ra nộp mình để cứu đồng bào khỏi bị đàn áp.

Trần Cao Vân bệnh nặng trong rừng, khi trở ra Đồng Xuân cũng bị bắt. Võ Trứ là trang tiết liệt, dù bị tra tấn dã man, trước sau chỉ khai: "Cuộc bạo động này chỉ do mình Trứ tạo nên, ngoài ra không còn ai khác. Tất cả đồ đảng đều là do Trứ xúi giục". Võ Trứ bị án tử hình, còn Trần Cao Vân bị giam 11 tháng ở ngục Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa này là lần bùng dậy sau cùng của ngọn lửa Cần Vương.

Lập thuyết Trung Thiên Dịch

Sau khi ra ngục, Trần Cao Vân về Bình Định dạy học và bắt đầu phổ biến sở học của mình những điều tâm đắc từ Kinh Dịch. Năm 1890 ông đề xướng thuyết "Trung Thiên Dịch", tức Dịch "Trung Thiên", đem Dịch "Tiên Thiên" của Phục Hy phối hợp với Dịch "Hậu Thiên" của Văn Vương. Tiếc là ngày nay không mấy ai hiểu rành thuyết lý "Trung Thiên Dịch"này.

Kinh Dịch là bộ sách bói toán tối cổ của Trung Hoa, Trần Cao Vân được mọi người cho là có tài "nhâm độn" (tiên tri, bói toán) xuất quỷ nhập thần. Dân ở hai tỉnh Bình Định, Phú Yên đua nhau theo thuyết "Trung Thiên Dịch", hình thành nên phong trào yêu nước nhuốm màu thần bí. Các môn đồ của "Trung Thiên Dịch" nhà nào cũng viết 6 chữ: bên trái hai chữ "Tiên Thiên", bên hữu hai chữ "Hậu Thiên" và chính giữa hai chữ "Trung Thiên" để hàng ngày chiêm ngưỡng.

Số người lui tới Trần Cao Vân ngày càng đông, ở đâu cũng bàn tán về "Trung Thiên Dịch". Chính quyền Bình Định lo sợ chuyện "loạn Võ Trứ" lại xảy ra sẽ bị triều đình phạt tội. Vì thế quan Bố chánh Bùi Xuân Huyến ra lệnh bắt vợ chồng Trần Cao Vân cùng Nguyễn Nhuận hạ ngục. Đồng thời khám xét các xã thôn, nhà nào có thờ Trung Thiên Dịch đều bị bắt đưa về phủ, huyện. Tương truyền hôm bắt Trần Cao Vân lập lời khai trước công đường có trải chiếc chiếu, bỗng từ đâu có một con cóc nhảy vào, bố chánh Bùi Xuân Huyến buộc Trần Cao Vân phải làm bài thơ vịnh con cóc. Ông viết:

Muôn vật thân ta nghĩ lại càng,

Nỗi mình trông thấy cóc ngồi hang

Áo sồi một tâm trời che đậy,

Hang thẳm mây từng đất mở mang.

Giếng ếch nỏ thèm đua lặn hụp

Cung thiềm riêng ở mặc nghinh ngang.

Nghiến răng sấm dậy chừng ra cửa,

Lưỡi quét xong rồi kiến thảy tan.

Bài thơ ngụ ý sâu cay khiến quan Huyến càng tức tối, truyền đem phạm nhân tra khảo rồi kết tội Trần Cao Vân "Yêu thơ yêu ngôn" mê hoặc dân chúng, xúi dân làm loạn, đồng thời thư về triều xin tuyên án tử hình Trần Cao Vân. Bấy giờ có nhiều quan trong triều có cảm tình với Trần Cao Vân nên nói rằng hành động của ông chỉ có tính mê tín chứ không can hại đến quốc sự.

Cuối cùng, Trần Cao Vân chịu 3 năm tù khổ sai tại ngục Bình Định, vợ ông và một số đệ tử bị xử 7 tháng đến 5 năm tù. Ngay thân phụ của Trần Cao Vân ở Quảng Nam cũng bị liên lụy, nhà bị khám xét và bị phạt 40 đồng vì tội không dạy dỗ con.

Mãn hạn tù, Trần Cao Vân về quê cũ ở trong túp lều tranh do các môn đồ dựng lên ở cửa hậu thành Quảng Nam. Lúc này phong trào Duy Tân đang phát triển rầm rộ. Tháng 2-1908 xảy ra cuộc kháng thuế và xin miễn xâu tại tỉnh Quảng Nam, Trần Cao Vân lại bị bắt vì bị nghi ngờ là có nhúng tay xúi giục. Tòa án Nam triều tỉnh Quảng Nam kết tội các thân sĩ là "hô hào dân trí cổ võ dân quyền" chính là mầm mống xúi dân làm loạn.

Ngày 8-8-1908, án lịnh được thi hành, nhiều thân sĩ bị đưa ra Côn Đảo, riêng Trần Cao Vân còn phải chờ điều tra bổ túc ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, rồi cũng bị kết án chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo vào năm sau 1909.

Bị đày ra đến Côn Đảo, ông làm thơ:

Hỏi sao ta lại đến Côn Lôn?

Cửa ngục mờ trong sóng biếc dồn

Nước mất thù này trai chửa trả,

Cha già còn đó hiếu không tròn

Biển đưa tin cá trao tâm huyết

Trời nổi tăm nghê tỉnh mộng hồn.

Nhớ tổ Lạc Hồng công dựng nước

Thề thân còn có, có giang sơn.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Ở Côn Đảo được 6 năm, nhờ sự vận động của các môn đồ và các quan lại có cảm tình với ông như Tổng đốc Tạ, lãnh binh Lê… Trần Cao Vân được ân xá và về đến Hội An và tháng 1-1914, tháng sau thì cha ông qua đời.

(Còn tiếp)

Thượng Văn
.
.