"Trò chơi vương quyền" - Chuyện chưa kể từ nước Anh

Thứ Tư, 20/01/2021, 09:18
Bất kỳ ai sống trên thế giới này đều có thể trở thành tỷ phú, nếu như người đó gặp được may mắn cùng với sự nỗ lực lao động phi thường của bản thân. Nhưng tại những đất nước mà dấu ấn của hệ thống đẳng cấp xã hội vẫn còn rất mạnh, dòng dõi gia tộc; gia đình quyết định nhiều hơn tới việc, liệu một người không thuộc dòng dõi "danh gia vọng tộc" có nhận được sự tôn trọng hơn, nếu như anh ta trở thành tỷ phú.


Đấy là lý do vì sao không thiếu những người giàu có bỏ ra bao nhiêu công sức và tiền của nhằm lấy về bằng được một danh hiệu gì đó cho gia đình, cho hậu duệ sau này. Nhưng, tại xứ sở xương mù Anh Quốc, lời giải đáp đối với mong ước này khá là đơn giản, đó là hãy tìm mua cho mình một danh hiệu quý tộc.

Anh là ai?

Tại vương quốc Anh tồn tại song song hai hệ thống chức tước quý tộc. Hệ thống chính thức bao gồm những chức danh như "bá tước", "tử tước", "công tước",… được Nữ hoàng Anh trao tặng cho các cá nhân có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Danh sách đề cử những cá nhân có thành tích đáng kể này được Thủ tướng Anh soạn ra và gửi cho Nữ hoàng xét duyệt. Trừ khi người nhận có quan hệ họ hàng với hoàng tộc hay được nữ hoàng cho phép, danh tước của họ không được truyền lại cho con cái.

Nhiều người giàu có chỉ mong có cái tước quý tộc để ấn vào một miếng đồng rồi gắn phía dưới bức tranh chân dung của mình.

Một vụ scandal liên quan đến việc trao tặng danh hiệu quý tộc xảy ra năm 2007 đã gây chấn động nước Anh. Một số cá nhân giàu có tại Anh và nước ngoài đã "đóng góp" những khoản tiền trị giá hàng chục triệu bảng cho Công đảng cầm quyền nhằm mong được góp tên vào danh sách đề cử. Vụ việc là cái cớ để các đảng đối lập tấn công dồn dập Công đảng, và khiến cả chính phủ của Thủ tướng Tony Blair lung lay. Tuy cuối cùng Viện Công tố không đưa ai ra toà, quá trình đề cử và xét duyệt nhận danh hiệu quý tộc đã trở nên chặt chẽ hơn.

Vậy những người không đủ điều kiện để xét duyệt sẽ làm gì? Họ có thể lựa chọn cách mua danh hiệu quý tộc. Ở một đất nước có lịch sử  phong kiến kéo dài như Anh, các chức tước gắn liền với lãnh địa mà nhà quý tộc sở hữu. Người sở hữu mới của lãnh địa cũng được thừa hưởng danh hiệu của vị lãnh chúa trước. Giới quý tộc - lãnh chúa này hầu như biến mất hẳn sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Xảy ra điều đó là do những thay đổi về chính trị - kinh tế  - xã hội khiến hậu duệ của các gia đình lãnh chúa tha hương đi lập nghiệp nơi khác. Cũng từ đó mà nảy sinh việc mua bán đất đai kèm theo chức tước. Nhưng khi đó cũng ít người nghĩ đến danh hiệu, mà chỉ chú tâm vào những bất động sản vì mục đích làm ăn.

Nếu như trước đây khách hàng có thể mua hàng trăm héc-ta gồm cả biệt thự; đồng ruộng, trại ngựa, v.v… thì ngày nay, diện tích đất được bán đã giảm sau nhiều năm bị chủ đất bán cho các công ty nông nghiệp; công ty bất động sản, v.v…Trong nhiều trường hợp danh hiệu được rao bán chỉ kèm với một toà biệt thự cổ và mảnh vườn bao quanh. Nhận ra điều này, năm 2004, Chính phủ Anh đã ra nghị quyết tách riêng quyền sở hữu bất động sản với danh hiệu. Điều này đồng nghĩa một người có thể bán danh tước của mình đi nhưng không bán mảnh đất; toà biệt thự; trang trại, v.v…

Nhưng điều này không có nghĩa là giá trị của những thương vụ này giảm đi. Một số thương vụ nổi tiếng gần đây gồm có phiên đấu giá danh hiệu các Lãnh chúa. Lãnh chúa Arthuret được phát giá với mức khởi điểm là 7.000 bảng. Trong khi đó, Lãnh chúa Whaplode  lại có giá khởi điểm 7.500 bảng. Còn Lãnh chúa Wimbledon được chào bán với giá tới 171.000 bảng, có kèm theo biệt thự. Trung bình một danh hiệu quý tộc - lãnh chúa hiện nay có giá khoảng 6.000 Bảng nếu không kèm bất động sản.

Mua một tòa lâu đài tại Scotland đồng nghĩa với người chủ mới nhận được một danh hiệu.

Trong những năm gần đây, nhu cầu mua bán chức tước tại Anh nhảy vọt chủ yếu vì lượng khách hàng nước ngoài tăng. Có nhiều gia đình giàu có tại Ảrập Xê-út, Trung Quốc, Ấn Độ,… lựa chọn sống tại nước Anh vì lý do học tập, kinh doanh và đầu tư. Vốn đã có sẵn tâm lý háo danh, những cá nhân này lại còn mặc cảm phần nào vì màu da của mình nên mới đi tìm mua danh hiệu quý tộc. Chính nhờ xuất hiện đối tượng này mà thị trường mua bán danh hiệu tại Anh đã liên tiếp phá những kỷ lục mới. Đơn cử như thương vụ doanh nhân, diễn viên người Mỹ Scott Disick mua chức Lãnh chúa. Toàn bộ quá trình mua bán và bữa tiệc xa hoa mừng Scott Disick đều được ghi lại để phát sóng trên chương trình truyền hình thực tế "Keeping Up With the Kardashians" được hơn một triệu khán giả Mỹ theo dõi.

Nhu cầu về danh hiệu quý tộc còn tăng tại Scotland và Bắc Ireland. Trước đây các danh hiệu quý tộc tại Scotland thường được đánh giá thấp hơn, mà người có cũng ít muốn bán do cả gia tộc của họ thường sống trên cùng một mảnh đất tổ tiên. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường thúc đẩy mà nguồn cung cũng tăng lên. Mới cách đây hơn ba năm, có sáu gia đình quý tộc Bắc Ireland vì lý do tài chính đã đem ra đấu giá một lúc 32 danh hiệu Lãnh chúa tại các địa phương như: Carlow, Clare, Cork, Down, Galway, Kilkenny, Louth, Roscommon, và Sligo.

Trong  danh sách nói trên, nổi bật lên là danh hiệu bá tước vùng Shrewsbury và Waterford. Theo truyền thống thì người nắm giữ danh hiệu này cũng đảm nhận luôn vị trí Phó Lãnh Hầu và được mời đến tham dự các sự kiện của Hoàng gia. Giá trị của những danh hiệu Lãnh chúa ở Scotland và Bắc Ireland dao động trong khoảng 9.000- 15.000 bảng. Mua chức tước tại hai mảnh đất này có điều lợi là đôi khi khách hàng có cơ hội sở hữu cả một toà lâu đài cổ với giá cả phải chăng, đổi lại việc họ phải trả tiền để tân trang lại.

Nước Anh được gì, Và họ mất gì?

Một câu hỏi được đặt ra: Ngoài việc được đặt tên mình sau một danh hiệu quý tộc, những người mua danh tước sẽ nhận được gì? Chủ yếu vẫn chỉ là những thứ liên quan đến bề ngoài, như quyền được cấp và sử dụng một phù huy có tuổi đời vài thế kỷ hoặc được xếp chỗ tốt hơn khi đến rạp hát. Nếu danh hiệu được bán kèm với biệt thự hay trang viên, người mua còn có thể làm những việc như đặt chốt thu phí sử dụng đường hoặc kinh doanh dịch vụ săn thú trong rừng. Hay như danh ca nhạc Rock một thời Bob Geldof sau khi mua danh hiệu còn nhận được quyền tổ chức một lễ hội cổ hằng năm.

Chính vì những danh hiệu quý tộc  -  lãnh chúa không đem lại lợi ích nhiều về mặt vật chất nên mọi người mới đem đi bán. Một quý tộc Anh thuộc về dòng dõi lâu đời có thể cùng lúc sở hữu hàng chục danh hiệu khác nhau do tổ tiên để lại. Bá tước Gormanston thừa hưởng từ cha mình hơn 100 danh hiệu quý tộc. Hiện nay bá tước đã bán được 32 danh hiệu và có ý định sẽ còn tiếp tục bán nữa.

Trên mạng Internet không thiếu gì những trang web rao bán danh hiệu quý tộc tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý với cái giá rất rẻ. Mọi người còn có thể dễ dàng mua chức Bá tước Sealand chỉ với… 50 bảng Anh. Sealand vốn là một pháo đài nhỏ trên Biển Bắc được quân đội Anh xây trong thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau nhiều năm làm trụ sở của một đài phát thanh trái phép, vào năm 1967, Paddy Roy Bates và gia đình ông ta đuổi hết tất cả mọi người đi, rồi tuyên bố Sealand là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Hiện nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Sealand.

Điều tất nhiên là những chức tước được rao bán trên mạng Internet đều là giả. Trước hết, các danh hiệu quý tộc đều được rao bán qua một số nhà đấu giá và chịu sự kiểm soát của chính phủ. Người mua phải chứng minh được rằng mình có quốc tịch Anh, có tiền sử tốt, v.v…Ngay cả khi những điều kiện này được thoả mãn, khoản thời gian chờ để một người có thể chính thức sở hữu danh hiệu có thể kéo dài gần ba tháng. Ông Richard Bradford, nhà điều hành trang web Fake Titles chuyên chống việc lừa đảo trong mua bán danh hiệu quý tộc, trả lời phỏng vấn báo chí như sau: "Tôi có một lời khuyên với những người muốn mua danh hiệu: Hãy chỉ làm thế khi bạn đã có chắc từ hơn 10.000 bảng Anh trong tay… Hãy nghi ngờ bất kỳ ai rao bán danh hiệu với cái giá thấp hơn mức đó".

Nữ diễn viên nổi tiếng Pamela Anderson tham gia một buổi phong tước giả để chế giễu những người háo danh.

Ông Richard còn chia sẻ rằng, những quyền lợi mà nhà quý tộc -  lãnh chúa nhận được đang càng ngày ít đi vì bản thân xã hội Anh cũng ít coi trọng danh hiệu hơn. Thậm chí có một số người muốn chế nhạo việc mua bán chức tước mới đổi tên mình thành những từ như "Lord" (có nghĩa là "lãnh chúa"); "Baron" (đồng nghĩa với "bá tước"),. Và "Prince" (tức "hoàng tử"). Giả dụ như một người tên Mike Samson đổi "Mike" đổi tên thành "Viscount" ("tử tước"). Tên tiếng Anh bao giờ cũng đặt tên trước tên dòng  họ. Khi người ta nói có danh hiệu quý tộc thì họ sẽ đặt danh hiệu quý tộc vào chỗ của tên mình và chỉ giới thiệu họ. Vậy nên "Mike" có thể giới thiệu mình là "Viscount Samson", khiến người nghe tưởng rằng anh ta là một tử tước thật.

Nhiều người hiểu ra điều trên, nhưng vẫn mua danh hiệu quý tộc vì họ cho đây giống như là một khoản đầu tư, thế nào sau này cũng tìm được khách hàng sẵn sàng trả giá cao. Mà do không có giới hạn số danh hiệu một người có thể mua nên mới xuất hiện những đối tượng đầu cơ. Báo chí Anh ví von những người này hiện nay chẳng khác gì "ôm má sưng mà ăn vạ" vì đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành trên khắp nước Anh, cuộc sống khó khăn, vậy là có những người mang trên mình hàng chục danh hiệu quý tộc khác nhau mà cái ví lại rỗng tuếch.

Liệu khi đại dịch COVID-19 qua đi, danh hiệu quý tộc tại Anh có thể tăng giá hơn không? Câu trả lời nhiều khả năng là không. Xã hội Anh càng ngày ít coi trọng những chức tước này hơn. Không những thế, nước Anh không còn là điểm đến hấp dẫn đối với những người giàu. Vì thế mà sự hấp dẫn của danh hiệu quý tộc cũng giảm theo.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.