Trung Quốc: Lịch sử chế độ quân hàm và 10 vị nguyên soái đầu tiên

Thứ Sáu, 01/08/2008, 15:30
Trong lịch sử, đến năm 1955 quân đội Trung Quốc mới thực hiện chế độ quân hàm. Và ngày 27/9/1955, Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức lễ phong quân hàm cho 10 vị Nguyên soái đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Xung quanh lễ phong quân hàm nguyên soái này đã có nhiều chi tiết đáng quan tâm: Tại sao Lâm Bưu, Diệp Kiếm Anh và Lưu Bá Thừa không tham dự lễ phong quân hàm? Mao Trạch Đông thì từ chối hàm Đại nguyên soái; còn Chu  Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình không được phong hàm?…

Ngày 4/7/1950 tại Hội nghị Quân ủy trung ương, La Vinh Hằng khi đó tạm thời đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quản lý cán bộ Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, đã phát biểu: Bộ Quản lý cán bộ đã chuẩn bị thực hiện việc phong tặng quân hàm và huân chương. Tháng 9 năm đó, Tổng tư lệnh Chu Đức đã phát biểu tại Hội nghị Bộ Tổ chức cán bộ rằng: "Xây dựng chế độ quân hàm và tranh thủ đưa quân hàm lên quân phục trong năm sau".

Việc xây dựng chế độ quân hàm cần gấp như vậy vì nếu không có quân hàm thì trong tổ chức và chiến đấu dễ xảy ra tình trạng lộn xộn. Trên thực tế từ năm 1948, Quân ủy trung ương đã tổ chức thảo luận về chế độ quân hàm.

Ngày 30/12/1950, Bộ Quản lý cán bộ của quân đội Trung Quốc đã đưa việc xây dựng chế độ quân hàm thành nhiệm vụ trọng tâm nhưng do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh "kháng Mỹ viện Triều" (hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ) nên công việc này đã tạm thời bị dừng lại. Tuy nhiên, cũng do trong hiệp đồng tác chiến, quân đội Triều Tiên có quân hàm nhưng quân đội Trung Quốc thì không, vì vậy gây ra những điều bất tiện về việc xác định chỉ huy trong quan hệ giữa hai bên.

Tháng 8/1951, Tư lệnh Quân tình nguyện Trung Quốc Bành Đức Hoài đã phát biểu, việc quy định chức vụ cấp bậc đã trở thành yêu cầu  cấp thiết trong tình hình chiến đấu hiện tại.  Trong điện báo gửi Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài đã nói rõ, do quân đội Trung Quốc đã duy trì chế độ không quân hàm từ lâu nên cần phải lựa chọn biện pháp quá độ vì áp dụng chế độ quân hàm ngay là rất khó. 

Tháng 10/1951, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị thực hiện công tác đánh giá cán bộ trong toàn lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc. Đến tháng 4/1952, Bành Đức Hoài về nước chữa bệnh, Quân ủy Trung ương quyết định giữ ông lại Bắc Kinh để chủ trì công việc hàng ngày của Quân ủy Trung ương. Trong năm đó, Bành Đức Hoài đã chỉ đạo hoàn thành về cơ bản công tác đánh giá cán bộ trong toàn quân.

Tham gia xây dựng chế độ quân hàm cho quân đội Trung Quốc còn có các cố vấn Liên Xô. Đến tháng 11/1952, chế độ quân hàm sơ bộ đã được trình lên Quân ủy Trung ương bao gồm 6 bậc và 20 cấp hàm. Nguyên soái gồm 3 cấp: Đại Nguyên soái, Nguyên soái quốc gia và Nguyên soái binh chủng. Tướng gồm 4 cấp: Thượng tướng, Chuẩn Thượng tướng, Trung tướng và Thiếu tướng. Chế độ quân hàm này về cơ bản giống với chế độ quân hàm của Liên Xô chỉ khác biệt về cấp bậc Chuẩn Thượng tướng.

Ngày 12/11/1953, Bộ Chính trị trung ương đã thông qua quyết định thực hiện chế độ quân hàm trong năm 1954 xác định quân đội Trung Quốc thực hiện 4 chế độ lớn: chế độ tuyển binh, chế độ lương, chế độ quân hàm và chế độ tặng thưởng huân, huy chương.

Từ trái qua phải, các nguyên soái Bành Đức Hoài, Chu Đức, Diệp Kiếm Anh, Hạ Long, Lưu Bá Thừa, Nhiếp Vinh Trăn, Trần Nghị.

Từ ngày 7/12/1953 đến ngày 26/1/1954, Hội nghị Cán bộ cấp cao quân đội Trung Quốc họp tại Bắc Kinh đã quyết định thực hiện 3 chế độ lớn là chế độ quân hàm, chế độ lương và chế độ nghĩa vụ quân sự nhằm phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại hóa và chính quy hóa.

Ngày 17/2/1954, Quân ủy Trung ương thành lập Ủy ban Thực hiện chế độ quân hàm do Quyền Tổng tham mưu trưởng Nhiếp Vinh Trăn làm Chủ nhiệm. Chế độ quân hàm bắt đầu được thực hiện từ năm 1955 là một thay đổi lớn của quân đội Trung Quốc.

Ngày 23/1/1955, Quân ủy trung ương đã ban hành "Chỉ thị về công tác bình xét quân hàm" và "Chỉ thị về công tác phong tặng huân, huy chương" theo đó quy định chế độ quân hàm của quân đội Trung Quốc gồm 5 cấp 15 bậc. Theo ý kiến của cố vấn Liên Xô thì lần đầu thực hiện chế độ quân hàm nên để ở cấp bậc thấp do đó việc đánh giá cán bộ được thực hiện rất nghiêm khắc.

Tháng 2/1955, Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 1 đã thông qua và công bố "Điều lệ phục vụ của quân nhân Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc". Theo đó Nguyên soái, được chia thành hai bậc Đại Nguyên soái và Nguyên soái trong đó quân hàm Đại Nguyên soái có 5 ngôi sao và bông lúa còn quân hàm Nguyên soái có quốc huy màu vàng và 5 ngôi sao.

Cuối tháng 8/1955, Mao Trạch Đông đã nói với Nhiếp Vinh Trăn rằng: "Tôi không muốn làm Đại Nguyên soái. Như vậy khi đi làm việc hay nói chuyện với quần chúng rất không tiện. Theo tôi, đối với những cán bộ làm công tác chính quyền thì không nên bình xét quân hàm". Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đều tỏ ý không muốn tham gia bình xét quân hàm.

Theo ý kiến của Ủy ban Quân sự trung ương thành lập năm 1954 thì 12 thành viên của Ủy ban này đều sẽ được phong hàm Nguyên soái ngoại trừ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai do nắm quyền điều hành chính phủ nên có thể hiểu được, nhưng Đặng Tiểu Bình khi đó nắm trọng trách trong quân đội nhưng lại kiên quyết không nhận hàm Nguyên soái là điều rất khó hiểu. Do Đặng Tiểu Bình kiên quyết từ chối nên cuối cùng ông đã không được phong hàm Nguyên soái.

Tuy nhiên, Chu Ân Lai lại ủng hộ việc phong hàm Nguyên soái cho Trần Nghị lúc đó mới được chuyển từ Thị trưởng Thượng Hải thành Phó thủ tướng vào tháng 9/1954. Giống như Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị mặc dù có tên trong Quân ủy Trung ương nhưng gần như đã hoàn toàn chuyển sang công tác chính quyền. Nếu giống như Đặng Tiểu Bình thì Trần Nghị cũng sẽ không được phong hàm Nguyên soái.

Danh sách những cán bộ phong hàm Nguyên soái do Ban Thư ký trung ương đề cử và Bộ Chính trị thẩm xét. Chu Ân Lai chủ trương phong hàm Nguyên soái cho Trần Nghị và đã trực tiếp điện thoại cho Dương Thượng Côn khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng trung ương và đưa ra ví dụ về việc ở Liên Xô có Nikolai Bulganin mặc dù tham gia công tác chính quyền khi đó đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhưng vẫn mang hàm Nguyên soái. Do kiến nghị này của Chu Ân Lai nên Trần Nghị cũng được phong hàm Nguyên soái. 

Thủ tướng Chu Ân Lai trao quân phục cho những nguyên soái đầu tiên của quân đội Trung Quốc.

Ngày 23/9/1955, Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai đã đưa ra một số tiêu chuẩn để bình xét hàm Nguyên soái bao gồm: xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, lãnh đạo cấp quân đoàn tham gia chiến dịch tác chiến, tướng lĩnh cao cấp có công lao to lớn. Chu Ân Lai đã đệ trình danh sách 10 Nguyên soái lên cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và danh sách này đã được thông qua ngày 23/9 tại Hội nghị lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 1.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đã ký sắc lệnh quyết định thực hiện chế độ quân hàm ngày 1/10/1955 và phong hàm Nguyên soái cho Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Trần Nghị, Hạ Long, La Vinh Hằng, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh.

Ngày 27/9/1955, lễ phong hàm Nguyên soái cho 10 Nguyên soái đầu tiên của quân đội Trung Quốc đã được tiến hành tại Hoài Nhân Đường ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã trao tặng huân chương Bát Nhất hạng nhất, huân chương Độc lập Tự do hạng nhất và huân chương Giải phóng hạng nhất cho các vị Nguyên soái.

Trong lịch sử thường nhắc đến "8 vị nguyên soái" khi đề cập đến lễ phong hàm Nguyên soái đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc nhưng trên thực tế hôm đó chỉ có mặt 7 người và vắng mặt 3 người là Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa và Diệp Kiếm Anh. Khi đó Lâm Bưu đang chữa bệnh tại Thanh Đảo còn Lưu Bá Thừa xin phép vắng mặt do bận nhiều công việc tại Học viện Quân sự.

Theo kế hoạch cuối năm 1955, quân đội Trung Quốc  sẽ tiến hành một cuộc diễn tập chống đổ bộ ở khu vực bán đảo Liêu Đông. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn nhất của quân đội Trung Quốc kể từ sau giải phóng và Diệp Kiếm Anh đảm nhiệm vị trí Tổng chỉ huy cuộc diễn tập nên từ tháng 8/1955, Diệp Kiếm Anh đã phải đến Đại Liên để lãnh đạo công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận. Vì vậy Diệp Kiếm Anh đã có báo cáo gửi trung ương để trình bày lý do ông không thể có mặt tại lễ phong hàm. Được sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương, cấp dưới của Diệp Kiếm Anh đã thay mặt ông nhận quân phục Nguyên soái. Tuổi trung bình của các Nguyên soái đầu tiên của Trung Quốc lúc bấy giờ là 57 trong đó trẻ tuổi nhất là Lâm Bưu khi đó mới 48 tuổi.

Chế độ quân hàm là bước đổi mới quan trọng đầu tiên hướng đến chính quy hóa của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên đến ngày 22/5/1965, Hội nghị lần thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 3 đã hủy bỏ chế độ quân hàm vì cho rằng chế độ này "không có lợi cho việc đoàn kết giữa chỉ huy và binh lính". Đến năm 1988, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã quyết định khôi phục lại chế độ quân hàm nhưng không đặt ra cấp hàm Nguyên soái và Đại tướng

Quang Hải (Tổng hợp)
.
.