Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh (tiếp)

Thứ Ba, 29/08/2017, 16:05
Mặc dù Đại sứ Liên Xô Yakov Malik nói rằng, Hội nghị Yalta đã tập trung vào các vấn đề châu Âu, điều này chẳng làm giảm bớt mấy sự lo sợ của Nhật Bản. Giữ lời cam kết của mình ở Yalta, Liên Xô đã nhanh chóng bắt đầu chuyển quân đến Viễn Đông.

Bài 2: Phát súng khai hỏa

Nguy cơ "Liên Xô can thiệp" đã được nêu như lý do chính để Nhật Hoàng nên đưa ra quyết định kịp thời.

Ông Konoye viết: "Thần cảm thấy thất bại của chúng ta trong cuộc chiến, đáng tiếc là không thể tránh khỏi… Mặc dù thất bại hiển nhiên sẽ gây tổn hại cho hệ thống chính trị quốc gia của chúng ta, nhưng nếu chỉ là thất bại về mặt quân sự thì vẫn không gây ra nguy cơ đặc biệt đối với bản thân sự tồn tại của hệ thống nhà nước của chúng ta. Từ quan điểm duy trì thể chế quốc gia, đáng lo sợ nhất không hẳn là sự thất bại trong cuộc chiến mà là phe cộng sản có thể tiến hành cuộc cách mạng sau thất bại này… Sau khi suy xét kỹ càng, thần đi đến kết luận rằng, tình hình trong nước và ngoài nước trong thời điểm hiện tại đang nhanh chóng đưa đất nước ta đi đến một cuộc cách mạng cộng sản. Điều này thể hiện ở hoạt động bất thường của Liên Xô...".

Phần tiếp của bức thư, Konoye viết: "Mặc dù về mặt chính thức, Liên Xô chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Âu, nhưng trong thực tế họ là người can thiệp tích cực nhất trong công việc nội bộ của các nước này và cố gắng giành được sự ủng hộ chính trị của quần chúng cho mô hình nhà nước công-nông Xôviết. Các ý định của Liên Xô ở Đông Á cũng giống hệt như thế... Suy nghĩ về những tình huống đó dẫn tới kết luận rằng, đang tồn tại một nguy cơ nghiêm trọng về sự can thiệp của Liên Xô vào tình hình nội bộ của Nhật Bản trong tương lai gần". Báo cáo này cho thấy, Konoye đã biết ý định của Liên Xô can thiệp chống Nhật Bản. Ý chính của báo cáo là Nhật Bản nên đầu hàng Mỹ và Anh trước khi Liên Xô tham chiến bởi vì "công chúng ở các nước này chưa bắt đầu đòi thay đổi hệ thống chính trị của chúng ta (Nhật Bản)".

Đại diện "Tam cường" tại Hội nghị Potsdam (giai đoạn cuối). Từ trái sang phải: Clement Attlee, Harry Truman và Yosif Stalin.

Ngày 15-2-1945, các nhà lãnh đạo tình báo Nhật đã báo cáo với Hội đồng Chiến tranh tối cao: "Liên Xô có ý định giành cho mình quyền bỏ phiếu quyết định các vấn đề về tương lai Đông Á". Họ cảnh báo rằng, vào mùa xuân năm 1945, Liên Xô có thể xé bỏ hiệp định trung lập Xô-Nhật và tham gia cùng các đồng minh trong cuộc chiến với Nhật Bản.

Hôm sau, Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu đã tấu trình với Nhật hoàng Hirohito: "Sự tồn tại của nước Đức Quốc xã chỉ còn tính bằng ngày. Hội nghị Yalta đã tái xác nhận sự đoàn kết của Anh, Mỹ và Liên Xô".

Khi khuyến nghị Nhật hoàng Hirohito đừng trông cậy vào hiệp định trung lập với Liên Xô, vị ngoại trưởng Nhật còn nhìn thấy mục đích của Liên Xô có phần khác với dụng ý của Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill: Moscow muốn nhân cơ hội này giành lại các vùng lãnh thổ ở Viễn Đông từng thuộc về nước Nga. Vì vậy, giới tình báo Nhật Bản đã soạn thảo danh sách những nhượng bộ mà Tokyo định đề xuất với Chính phủ Liên Xô để đổi lấy việc Liên Xô tuân thủ hiệp định trung lập: chuyển giao cho Liên Xô vùng phía nam bán đảo Sakhalin và quần đảo Kuril.

Liên quan đến phần lãnh thổ tranh chấp này, cứ liệu lịch sử đầu tiên trong việc xác định ranh giới địa lý chính thức giữa Nga và Nhật là Hiệp ước Shimoda, ký ngày 7-2-1855. Có một tình tiết quan trọng: Hiệp ước Shimoda không xác định rõ chủ quyền của đảo Sakhalin, người Nga và người Nhật đều có quyền sinh sống trên đảo này.

Nhưng sự khác biệt về văn hóa và những xích mích nhỏ trong tranh chấp lãnh địa cư trú đã dẫn đến mâu thuẫn gay gắt và thế là vào năm 1875, hai bên phải ngồi lại đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Saint Peterburg, theo đó, toàn bộ đảo Sakhalin sẽ thuộc về Đại Nga, đổi lại, toàn bộ quần đảo Kuril sẽ do Nhật Bản quản lý. Vào năm 1904, quân đội Nhật Bản bất ngờ tấn công hạm đội Nga tại Port Arthur, gây ra cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Hành động đó vi phạm nghiêm trọng tinh thần hòa bình hữu nghị giữa hai quốc gia mà Hiệp ước Shimoda đề cập.

Như một hệ lụy của cuộc chiến tranh Nga - Nhật, vào năm 1905, hai nước ký hiệp ước Portsmouth, xác định chủ quyền của Nhật Bản trên phần phía nam đảo Sakhalin, tính từ vĩ tuyến 50 trở xuống (chiếm khoảng 40% diện tích của hòn đảo này). Năm 1925, Liên Xô và Nhật Bản lại ký hiệp ước Bắc Kinh, xác nhận rằng Chính quyền Xôviết chấp nhận các điều khoản của Hiệp ước Portsmouth. Khoảng cuối thập niên 1930 đầu 1940 đã xảy ra nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội hai nước khiến cho việc tuân thủ Hiệp ước Portsmouth không còn chặt chẽ. Vì thế, một lần nữa những vùng lãnh thổ này được giới lãnh đạo quân phiệt Nhật lấy dùng làm điều kiện trao đổi.

Sau 8 ngày hội họp, Hội nghị Yalta kết thúc ngày 11-2-1945 với một tuyên bố chung: "Tam cường" nhất trí về một tổ chức quốc tế sẽ được mở rộng và sẽ nhóm họp vào tháng 4-1945 để chuẩn bị một hiến chương, tiến tới hình thành tổ chức lấy tên là Liên Hiệp Quốc, có khả năng bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Cơ cấu quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc là Hội đồng Bảo an sẽ có năm thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, ngoài ra sẽ thêm Trung Quốc và Pháp nếu hai nước này đồng ý tham gia); mỗi thành viên thường trực có quyền phủ quyết trên mọi vấn đề.

Thành phố Hiroshima tan hoang vì sức hủy diệt của quả bom nguyên tử Little Boy.

Về mặt trận Thái Bình Dương, Liên Xô đồng ý tham chiến với điều kiện được hưởng những điều kiện thuận lợi trong vấn đề Mông Cổ, Sakhalin, Kuril v.v… Hội nghị cũng có những thỏa thuận về biên giới đối với Yugoslavia, Italy, Áo, Iran. Biên giới Ba Lan thì được giải quyết một phần, phần còn lại sẽ được xác định trong một phiên họp sau này. Vào thời điểm này, quân Đồng minh Mỹ-Anh-Pháp đã thâm nhập vào lãnh thổ nước Đức, chỉ còn 40 km cách bờ tây sông Rhein, cách Berlin 600km. Hồng quân Liên Xô thì đã tiến đến bờ đông sông Oder, cách Berlin 80km.

Như thế là diện tích đất do Liên Xô giành lại từ Đức rộng gấp ba lần diện tích mà Mỹ-Anh-Pháp giành được ở phía tây. Riêng về những quyết định liên quan đến nước Đức bại trận, "Tam cường" đưa ra những quyết định về lãnh thổ, chính trị và kinh tế với mục đích làm suy yếu nước Đức và ngăn chặn mầm mống chiến tranh trong tương lai có thể xảy ra xuất phát từ nước này.

Ngày 18-2-1945, Ngoại trưởng Nhật đã cử Tổng lãnh sự Nhật Miyakawa ở Cáp Nhĩ Tân, đến Đại sứ quán Liên Xô ở Tokyo với một sứ mệnh khẩn cấp là tìm hiểu thêm thông tin về Hội nghị Yalta. Mặc dù Đại sứ Liên Xô Yakov Malik nói rằng, Hội nghị Yalta đã tập trung vào các vấn đề châu Âu, điều này chẳng làm giảm bớt mấy sự lo sợ của Nhật Bản. Giữ lời cam kết của mình ở Yalta, Liên Xô đã nhanh chóng bắt đầu chuyển quân đến Viễn Đông.

Vào giữa tháng 4-1945, các sĩ quan Nhật làm việc tại sứ quán Nhật ở Moscow đã báo cáo về Tokyo: "Trong những ngày từ 12 đến 15, ngày nào cũng có các đoàn tàu hỏa chạy theo tuyến đường sắt xuyên Siberia... Việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản là không thể tránh khỏi. Họ sẽ mất khoảng 2 tháng để vận chuyển khoảng 20 sư đoàn". Bộ tư lệnh Đội quân Quan Đông cũng báo cáo thông tin tương tự. Vào đầu mùa hè, tình hình cho thấy Chính phủ Nhật Bản ngày càng khó có khả năng ngăn chặn Liên Xô tham chiến. Ngày 6-7-1945, Hội đồng Chiến tranh tối cao Nhật Bản đã nghe một báo cáo phân tích tình hình cực kỳ khẩn cấp: "Liên Xô đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị chiến tranh ở Viễn Đông... Liên Xô có thể tấn công Nhật Bản vào mùa hè hay mùa thu".

Khi trở lại nước Mỹ từ Hội nghị Yalta, Tổng thống Roosevelt đã yếu đi rất nhiều. Cuối tháng 3-1945, ông về nghỉ dưỡng tại hạt Warm Spring, bang Georgia. Vào ngày 12-4-1945, trong khi đang ngồi làm việc bên bàn giấy và nữ họa sĩ Elizabeth Schoumatoff vẽ chân dung cho ông. Tổng thống Roosevelt đột nhiên kêu đau đầu. Vài giờ sau, vào lúc 16 giờ 45 phút, Roosevelt qua đời vì xuất huyết não.

Người thay thế ông là Phó Tổng thống Harry Truman. Truman là một nhà lãnh đạo có quan điểm khác Roosevelt: có quan điểm chống Cộng mạnh mẽ và luôn tỏ ra cảnh giác với Stalin. Truman và đồng sự của ông nhìn nhận "những hành động của quân đội Liên Xô tại Đông Âu là sự chuẩn bị cho việc xâm chiếm toàn bộ châu Âu". Nhưng để chuẩn bị đối đầu với "đối thủ tiềm năng" trong tương lai, Mỹ cần có một thứ vũ khí mạnh hơn hẳn Liên Xô. Vào ngày 16-7-1945, Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử tại Alamagordo thuộc sa mạc ở New Mexico.

Ngày 17-7-1945, hội nghị của các nước chiến thắng thuộc phe Đồng minh đã được triệu tập tại Cecilienhof, cung điện của thái tử Wilhelm Hohenzollern ở Potsdam, ngoại ô thành phố Berlin bấy giờ đã gần như biến thành bình địa với những đống gạch đá đổ nát sau những trận oanh kích dữ dội của quân Đồng minh nhằm đánh gục hẳn Đệ tam đế chế. Cũng với sự tham dự của đại diện "Tam cường" nhưng người thay thế Roosevelt là tân Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, các vấn đề trước mắt mà "Tam cường" cùng bộ sậu của họ phải giải quyết là chính quyền của một nước Đức thất trận; biên giới Ba Lan thời hậu chiến; sự chiếm đóng quân sự ở Áo, "vị trí" của Liên Xô ở Đông Âu, các khoản bồi thường chiến tranh và "nghĩa vụ" của Liên Xô tham chiến ở Đông Bắc Á.

Bất đồng giữa các quốc gia nổ ra gần như ngay lập tức, đặc biệt là với việc Liên Xô đòi hỏi mở rộng biên giới phía Tây của Ba Lan vào sâu trong lãnh thổ Đức, cho Ba Lan một vùng chiếm đóng. Tuy nhiên, bốn vùng chiếm đóng được phân chia trong Hội nghị Yalta cuối cùng cũng đã được thỏa thuận, được lập ra ở cả Đức và Áo và do Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô kiểm soát. Một hội đồng gồm đại diện của bốn cường quốc cũng được thành lập để quyết định số phận của các quốc gia Đức và Áo.

Hội đồng này theo đuổi nguyên tắc "5 phi" (hay 5 D): phi quân sự hóa (demilitarisation); phi quốc xã hóa (denazification); phi tập trung hóa (decentralisation); phi công nghiệp hóa (deindustrialisation); và dân chủ hóa (democratisation). Các nguyên thủ tham gia hội nghị đề nghị chính phủ Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, mặc dù Hội đồng Chiến tranh dưới trướng Nhật hoàng Hirohito từng bắn tiếng rằng, một đề nghị như vậy chắc chắn sẽ bị từ chối.

Không còn những cái bắt tay và những cái gật đầu dù chỉ là để giao hảo, Hội nghị Potsdam được đánh dấu bằng sự ngờ vực và phòng vệ của các nước tham gia. Khi chiến tranh đã qua đi, các quốc gia bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới lợi ích lâu dài của mình. Riêng Winston Churchill rất nghi ngờ nghị trình của Stalin hướng đến vai trò của Liên Xô ở Đông Âu khi nghe Stalin từ chối đàm phán về tương lai của các quốc gia Đông Âu hiện dưới quyền kiểm soát của các lực lượng quân sự Liên Xô.

Đúng lúc này, tin từ nước Anh bay tới cho biết, đảng Bảo thủ đã thất cử đồng nghĩa với việc Churchill mất ghế thủ tướng và người ngồi vào vị trí này là Clement Attlee, thủ lĩnh Công đảng. Trước khi rời điện Cecilienhof, Churchill đã kịp nói "bóng gió" với Stalin rằng, nước Mỹ đang có trong tay một thứ vũ khí có sức công phá kinh người và hủy diệt hàng loạt.

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Truman cũng như giới quân sự Mỹ lúc bấy giờ là nhanh chóng khuất phục đế quốc Nhật. Báo cáo của tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh lực lượng Đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương dự báo, nếu tiến hành một cuộc tấn công thông thường vào Nhật Bản, con số thương vong có thể vượt 1 triệu binh lính, trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố không đầu hàng và sẽ chống trả đến cùng.

Ban cố vấn cho Tổng thống Truman nhận định, cuộc tấn công vào Tokyo có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với tổn thất lớn về nhân mạng và tài chính. Hội nghị Potsdam kết thúc ngày 2-8-1945 thì sáng ngày 6-8, máy bay ném bom của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử (thứ nhất) mang biệt danh Little Boy xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Sức công phá của quả bom tương đương 20.000 tấn TNT phá hủy hầu hết thành phố và giết chết hơn 130.000 người. Đây là một hành động quân sự thực sự chứ không phải là sự đe dọa nữa. Stalin hiểu ngay hàm ý của hành động này là phát súng khai hỏa cho một cuộc chạy đua chiếm giữ vị trí quyền lực chi phối thế giới thời hậu thế chiến.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.