Từ người hùng cứu nước đến tội nhân chiến tranh

Thứ Ba, 05/02/2013, 10:35

Được biết đến như một thủ lĩnh xuất sắc đã vực đất nước đứng dậy khỏi nghèo đói và đống tro tàn của cuộc diệt chủng năm 1994 - một trong những cuộc tàn sát dã man nhất thế kỷ XX, Tổng Thống thứ 6 của Rwanda, Paul Kagame đã mở ra cho đất nước những hy vọng về một tương lai mới tươi sáng hơn.

Không thể phủ nhận những thành quả to lớn mà Paul Kagame đã đem lại cho đất nước Rwanda nhưng hình tượng về ông dường như đã bị thay đổi hẳn kể từ sau khi phiến quân M23 tiếp quản thành phố Goma của Congo diễn ra hai tháng trước. Một báo cáo của Liên hiệp Quốc cho biết đứng đằng sau chỉ huy nhóm quân nổi loạn M23 này chính là Tổng thống Kagame của Rwanda!

Ngôi sao sáng của một châu Phi mới

Cuộc xung đột giữa tộc người Tutsi và Hutu leo thang chóng mặt vào những năm 1950, người Tutsi bị tộc người Hutu tàn sát 100.000 người phải lưu vong tới các trại tị nạn ở các nước láng giềng trong đó có gia đình của Paul Kagame.

Paul Kagame là con út trong gia đình có 6 người con. Cha ông vốn là người Tutsi, có mối quan hệ họ hàng hết sức gần gũi với Vua Mutara III trong khi mẹ ông cũng là người Tutsi và đến từ một gia đình bên phía nữ hoàng. Ở thời điểm Paul Kagame được sinh ra, Rwanda vẫn còn là một vùng lãnh thổ dưới sự ủy trị của Liên Hiệp Quốc và là thuộc địa lâu đời của Bỉ.

Gia đình Kagame cũng phải đi lánh nạn, họ chuyển tới vùng đông bắc Rwanda, vượt biên sang Uganda và ở trong một trại tị nạn vào năm 1962. Đây cũng chính là thời gian Kagame gặp người đồng chí của mình để thành lập Mặt trận yêu nước (RPF) và chuẩn bị cho những hoạt động nổi dậy khi về nước.

Sau khi học xong, Paul Kagame quay trở về Rwanda 2 lần vào các năm 1977 và 1978. Lần thứ hai trở về ông đã giành thời gian để tìm hiểu đất nước mình, làm quen với tình hình chính trị và xã hội để rồi tạo dựng rất nhiều mối liên kết. Sau này, ông nổi lên với vai trò của một chiến sĩ quân nổi dậy trở thành một trong những thủ lĩnh quan trọng trong chính quyền Rwanda. Ông từng giữ chức Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Rwanda từ năm 1994 đến 2000. Sau khi trở thành Tổng thống, ông Kagame đã đưa đất nước Rwanda là một trong những nước tiến bộ nhanh nhất trong số các nước đang phát triển trên thế giới.

Kể từ khi Kagame nắm quyền điều hành Rwanda, người ta đã chứng kiến một cuộc hồi sinh đầy ấn tượng của đất nước này. Nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,4% kể từ năm 2001. Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa Rwanda vào danh sách nước tiến bộ nhanh nhất thế giới. Các con đường mới, nhiều trường học, hệ thống nước sạch và điện thoại được phổ biến rộng rãi, bệnh tật giảm, tuổi thọ tăng…

Tổ chức Minh bạch quốc tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Berlin (Đức) đã đánh giá Rwanda là nước ít tham nhũng nhất ở Đông Phi. Những thành tích đó khiến Tổng thống Kagame trở thành một ngôi sao sáng của một châu Phi mới.

Xóa bỏ sự chia rẽ dân tộc cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Kagame theo đuổi. Ông đã kêu gọi người dân Rwanda không phân biệt mình là người Hutu hay Tutsi mà đơn giản họ là người Rwanda. Vấn đề sắc tộc, cũng như những ám chỉ có thể gây kích động, hằn thù dân tộc đều bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Động thái dứt khoát loại bỏ khỏi các cuốn sách giáo khoa, giấy tờ cá nhân và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác thông tin về chủng tộc (Hutu hay Tutsi), đã được thực thi trên toàn quốc.

Quân đội Rwanda tại Congo.

Thường xuyên được ủng hộ từ các nhân vật nổi tiếng, các chính khách như ca sĩ Bono, cựu Thủ tướng Tony Blair, và Cha Rick, vị Tổng thống Kagame đã tận hưởng những lợi thế chưa từng có từ phương Tây với nhiều sự trợ giúp đặc biệt. Chỉ riêng các viện trợ nước ngoài, đa số là từ Anh và Bỉ đã đem về 50% ngân khố quốc gia Rwanda. Dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước Rwanda đã được xem như một "câu chuyện về sự thành công vĩ đại nhất".

Lộ diện kẻ xúi giục gây chiến

Với dáng người cao, gầy, cử chỉ giống như một giáo sư, Tổng thống Kagame có vẻ như là một nhân vật rất khác thường trong giới các lãnh đạo quân sự châu Phi. Quyền lực trong tay ông bắt đầu lớn mạnh lên từ năm 1990 khi ông trở thành thủ lĩnh của RPF. Ở thời điểm đó, Tổng thống Pasteur Bizimungu, một người Hutu đã đại diện cho đa số người Rwanda trên danh nghĩa đứng ra thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chính Paul Kagame, một người Tutsi và chỉ là phó thủ tướng nhưng lại nắm quyền điều khiển toàn bộ quân đội Rwanda, chính vì vậy mà ông trở thành một trong những nhân vật chủ chốt nhất của đất nước.

Và cho đến năm 2000, sau việc rất nhiều chính trị gia bị lưu vong, mất tích hoặc bị ám sát, Tổng thống Bizimungu đã xin từ chức. Hành động được xem như đem đến một kết thúc về sự cân bằng tộc người ở bên trong bộ máy cao cấp của chính phủ. Từ đó trở đi, đất nước Rwanda đã thay đổi, hầu hết các bộ phận quyền lực cao nhất của đất nước đều do người Tutsi đứng đầu.

Năm 2001, khi ông Bizimungu bắt đầu tổ chức một chính đảng để chuẩn bị tranh cử tổng thống nhưng điều này lại vi phạm pháp luật vì tổ chức của ông chỉ gồm toàn người Hutu. Một năm sau đó, ông Bizimungu bị bắt giữ vì tội gây nguy hiểm cho quốc gia và bị tuyên án 18 năm tù.

Khi nghiên cứu các vấn đề của Rwanda, Filip Reyntjens, học giả người Bỉ đã miêu tả Tổng thống Kagame là "người gây ra những cuộc chiến tồi tệ nhất trong giới chính trị Rwanda".

Theo Gene Rudasingwa, một người Tutsi được bổ nhiệm làm đại sứ Rwanda tại Washington sau một thời gian phục vụ trong quân đội của Paul Kagame cho biết: "Nếu như quan điểm của bạn quá khác so với Paul Kagame và mọi người trong bộ máy biết được điều đó thì bạn sẽ phải trả giá, và rất thường xuyên rằng cái giá đôi khi là cả mạng sống của bạn”.

Tổng thống Kagame quản lý đất nước và công dân của mình rất chặt chẽ thông qua những người Tutsi trong quân đội và phe RPF trong chính quyền. Khắp đất nước Rwanda, từ thành phố lớn đến những ngôi làng nhỏ nhất đều có sự hiện diện của lực lượng RPF.

Các quy định do lực lượng RPF đặt ra đều được giám sát và cưỡng chế thực hiện bởi các sĩ quan quân nhu với những hình phạt rất nặng nề, kiểm soát mọi lĩnh vực của cuộc sống. Một số điều luật còn quy định những người nông dân phải đi giày và mặc quần áo chỉnh tề những khi không đi làm đồng và cấm uống rượu chuối chung một cần rượu.

Bên cạnh đó còn có nhiều bằng chứng cho thấy quân của Tổng thống Kagame đã tiến hành nhiều cuộc hành quyết đối với những người quý tộc Hutu, tiếp theo đó là những vụ thảm sát hàng chục nghìn người. Một trong số những cuộc điều tra sớm nhất đã được một nhóm người của Liên Hiệp Quốc (LHQ), dẫn đầu là Robert Gersony đã được tiến hành sau cuộc sụp đổ năm 1994. Nhóm đã tiến hành một cuộc nghiên cứu bằng cách phỏng vấn những người tị nạn và những người ở nông thôn. Kết quả cho thấy có 4 tỉnh bị coi là đã giết và hành quyết một cách có hệ thống những người Hutu, tất cả đều nằm dưới sự chỉ huy của lực lượng RPF và Tổng thống Kagame.

Thêm vào đó, báo cáo cũng ước lượng rằng, RPF đã giết hại khoảng 15-30 nghìn người suốt từ mùa hè 1994 đến nay.

Khu vực nông thôn đang chịu đựng rất nhiều hậu quả khủng khiếp dưới chính quyền thời hậu diệt chủng. Chế độ độc tài luôn chực đẩy những người Hutu và những người dân thấp cổ bé họng vào hoàn cảnh còn tồi tệ hơn nhiều lần những gì từng diễn ra.

Người láng giềng xấu bụng

Với tham vọng về quyền lực và kinh tế, Tổng thống Kagame không dừng lại ở việc chỉ thâu tóm quyền lực bên trong đất nước mình mà đối với các nước láng giềng, cụ thể là Congo, ông cũng tỏ ra không mấy nhẹ tay. Khác với Congo, đất đai ở Rwanda lại rất nghèo khoáng sản và nền kinh tế của Rwanda phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác khoáng sản từ Congo. Thông qua một mạng lưới kiểu mafia mà đứng đầu là lực lượng RPF, một khối lượng lớn khoáng sản của Congo đã bị đưa ra khỏi lãnh thổ nước này đem về Rwanda. Đầu năm 2000, Rwanda đã kiếm được từ 80 triệu đến 100 triệu đôla chỉ riêng từ quặng sắt đem về từ Congo.

Việc cướp bóc tài nguyên của Congo đã giúp bộ máy quân sự của Rwanda che giấu ngân sách thật của mình trước mắt các nhà tài trợ quốc tế, những người cung cấp tới 50% ngân sách quốc gia hàng năm. Đó cũng là nguồn thu nhập dồi dào cho tầng lớp quý tộc đô thị, đặc biệt là những người trở về từ Uganda.

Sau cuộc chiến đầu tiên ở Congo, tiền bắt đầu chảy vào Rwanda qua các đường dây thuộc khối quân sự nhưng lại không bao giờ đổ vào Kho bạc Nhà nước. Đó là tiền của RPF, Tổng thống Paul Kagame là người biết rõ số tiền đó là bao nhiêu và sẽ được tiêu như thế nào.

Congo ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chiến lược của ông Kagame. Từ nhiều năm nay các lực lượng thuộc chính quyền Rwanda và đồng minh đã hoạt động ở Congo. Rwanda đã hai lần xâm lược nước bạn vào năm 1996 và 1998, lôi kéo thêm nhiều nước châu Phi lân cận, hai cuộc chiến đã lấy đi mạng sống của 5 triệu người. Đầu năm 1997, LHQ ước tính các lực lượng Rwanda đã gây ra cái chết cho khoảng 200.000 người Hutu ở Congo. Đa số các nạn nhân là trẻ em, phụ nữ, người già và người ốm. Báo cáo của LHQ đã kết luận rằng các cuộc tấn công mở rộng và có hệ thống như thế này cũng được khép vào mức độ nghiêm trọng ngang với tội diệt chủng.

Quốc tế xa lánh kẻ gây chiến

Washington và London từ lâu vẫn hỗ trợ Paul Kagame như là một bức tường thành cho sự ổn định ở khu vực nhạy cảm này. Nhưng các báo cáo gần đây của LHQ đã buộc tội chính quyền của ông Kagame về việc đã kích động xúi giục các phần tử bạo loạn ở Congo. Tiếp đó, các chuyên gia về các vấn đề ở châu Phi nhận định một đế chế như của Paul Kagame, một kiểu độc tài thiểu số được dựng nên bởi một số ít người đang đại diện cho một nền chính trị đi vào ngõ cụt.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh, Justine Greening vừa tuyên bố quyết định tạm dừng khoản viện trợ trị giá 21 triệu bảng (khoảng 33,6 triệu USD) dành cho Rwanda trước cách ứng xử của nước này đối với láng giềng Congo. Cần biết rằng, Anh hiện là nước cung cấp viện trợ nhiều nhất cho Rwanda.

Bà Greening nhấn mạnh nước Anh cam kết tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột trong khu vực và sẽ phối hợp với Chính phủ Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo nhằm mang lại một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay ở đất nước này. Các đồng minh và bạn bè phương Tây như Bỉ cũng đã treo các viện trợ cho nước này. Tuy có mức tăng trưởng khá nhưng đói nghèo vẫn còn hoành hành ở nhiều vùng nông thôn của Rwanda. Mạnh tay hơn các nước khác, Tổng thống Obama đã kêu gọi và cảnh báo Tổng thống Paul Kagame nên chấm dứt các cuộc phiêu lưu quân sự của mình.

Từ trước đến nay, sự hỗ trợ dành cho ông Paul Kagame và chính quyền Rwanda đã trở thành một vấn đề tranh cãi trong các chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng theo như các tổ chức nhân quyền và nhà ngoại giao tại LHQ, có vẻ như bà Susan Rice đã che chở khá nhiều cho chính quyền Rwanda, cụ thể là cho Tổng thống Paul Kagame trước dư luận quốc tế, thậm chí trước một số báo cáo ở LHQ về tình trạng gây bạo lực rõ rành rành ở Rwanda.

Về phần Paul Kagame, ông tỏ ra không mấy quan tâm và bác bỏ những cáo buộc như vậy. Thế nhưng một khi các chính sách viện trợ Rwanda đã bị đóng băng, liệu Tổng thống Kagame sẽ đưa đất nước đi về đâu?

Hoàng Cúc - Hoàng Thy (tổng hợp)
.
.