Tùng Ảnh, đất địa linh nhân kiệt
Những ngày cuối tháng Tư, người dân Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh lại bồi hồi nhớ tới người con ưu tú của quê hương, đất nước: Trần Phú. Trên đỉnh đồi Quần Hội, nơi an táng thi hài ông những ngày này hương không lúc nào tắt.
Từng đoàn người nối đuôi nhau về đây bày tỏ sự tưởng nhớ tới người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, và cũng là muốn tận mắt nhìn ngắm núi sông này, mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra bao anh hùng, hào kiệt mà tên tuổi đã gắn liền với non sông nước Việt.
Từ Quốc lộ 1A, đi đến thị xã Hồng Lĩnh, rẽ phải theo đường Quốc lộ số 8 chừng ba chục cây số là đến trung tâm của huyện Đức Thọ. Hoặc nếu đi tàu hỏa thì xuống ga Yên Trung ngay trung tâm huyện. Từ trung tâm huyện đi về phía tây bắc chỉ hơn 2 cây số là xã Tùng Ảnh, quê hương của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo cuốn Làng cổ Việt Nam, phần khảo cứu của tác giả Phan Văn Thắng, thì làng Tùng Ảnh đầu thời Lê thuộc xã Quyết Viết. Đến khoảng thế kỷ XVII đổi tên thành xã Việt Yên hạ. Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, làng Tùng Ảnh có ba thôn là Quế Mỹ, Quế Lĩnh, Trinh Nguyên và một vạn (làm nghề câu cá trên sông La) là Vạn Hộ. Về sau thôn Trinh Nguyên tách thành làng Trinh Nguyên nên làng Tùng Ảnh chỉ còn lại hai thôn một vạn.
Đến cuối thế kỷ XIX, Tùng Ảnh lại chia thành các xóm (thôn): Châu Trung, Châu Đình, Châu Vọng, Châu Thông, Châu Tượng, Châu Thành, Châu Tự, Châu Lĩnh, Châu Trạch. Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, Tùng Ảnh thuộc xã Việt Yên hạ, tổng Việt Yên, phủ La Sơn (huyện Đức Thọ).
Sau Cách mạng Tháng Tám, làng Tùng Ảnh cùng với các làng Trinh Nguyên, Đông Thái, Yên Hội, Yên Nội hợp thành xã Châu Phong - lấy theo tên hiệu của lãnh tụ khởi nghĩa Cần Vương Phan Đình Phùng, người làng Đông Thái. Đến năm 1955, Châu Phong lại tách thành hai xã là Đức Sơn và Đức Phong. Đức Sơn ứng với làng Tùng Ảnh trước đây. Đến năm 1978 lại nhập Đức Sơn với Đức Phong thành xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần trước nhà thờ Trần Tộc Đại Tôn. |
Cũng theo khảo cứu này, thì quá trình hình thành vùng dân cư ở Tùng Ảnh muộn nhất cũng phải vào khoảng cuối thời Trần, đầu thời Lê, tương ứng với khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, tức là cách đây khoảng 600 năm. Căn cứ vào gia phả các dòng họ lâu đời nhất của làng thì ông thủy tổ đều thuộc thời Trần hoặc đầu thời hậu Lê. Ví dụ như thủy tổ Phan Hách của dòng họ Phan Tùng Mai từng giữ chức Vương Phó sư thời Trần. Các ông Phan Đán, Lê Bôi, Nguyễn Lộng, Bùi Bị đều là các tướng lĩnh của Khởi nghĩa Lam Sơn, cho đến nay con cháu trong làng vẫn giữ được mộ tổ, lập nhà thờ họ, quanh năm hương khói.
Còn như tiến sĩ, khoa bảng, danh nhân chí sĩ thời nào cũng có, kể không hết được. Một cách hình tượng, về Tùng Ảnh, nhà thờ họ còn nhiều hơn nhà dân! Là bởi họ nào cũng lớn, cũng bề thế, uy nghi. Ở vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa như thế, địa linh sinh nhân kiệt cũng là phải.
Nhà thờ Trần Tộc Đại Tôn nằm ngay ven đường lớn, chỉ cách đầu cầu Linh Cảm một đoạn. Nhà của ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần cũng cách đấy có mấy nhà. Ông Trần Viết Xuân, Chủ tịch Hội đồng gia tộc đi vắng. Cách đây ít ngày, ông Xuân được mời vào Phú Yên để đại diện dòng họ dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2014). Ông Hải ở nhà tiếp khách.
Giữ chìa khóa nhà thờ họ Trần, chỉ có 3 người: ông Xuân, ông Hải và một người trong họ làm thủ từ. Soi trong gia phả, ông Hải thuộc chi Đệ Tam, đứng đời thứ 19, gọi cố Tổng Bí thư Trần Phú ở chi Đệ Nhị là bác. Tính từ thời cụ tổ Trần Lộc dưới thời Lê sơ đến nay đã được 22 thế hệ, con cháu học hành thành tựu đỗ đạt cũng không ít, sinh sống lập nghiệp ở nhiều vùng miền của đất nước. Hàng năm, cứ đến dịp rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy, con cháu ai có điều kiện lại kéo về Tùng Ảnh, cùng nhau ôn lại truyền thống, tưởng nhớ tổ tiên và các thế hệ đi trước.
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú nằm ngay trong làng, cạnh đình Châu Trung. Đình Châu Trung là một di tích lịch sử, thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ và từng là kho trung chuyển lương thực trong kháng chiến chống Mỹ. Nguyên trong xã Tùng Ảnh hiện giờ, thì làng Tùng Ảnh thờ Đinh Lễ làm Thành Hoàng làng và làng Đông Thái thờ Đinh Liệt làm Thành Hoàng làng. Sử sách có ghi rằng, sau khi Đinh Lễ tử trận, Đức Thái tổ Lê Lợi vô cùng thương cảm đã phong ông tước Linh Cảm Đại vương, lập đền thờ ngay bến Tam Soa, nơi ông đóng quân và từng có những trận phòng thủ phản công oanh liệt chống giặc Minh. Dân làng Tùng Ảnh vì thế đã thờ ông làm Thành Hoàng bảo vệ làng.
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú hôm ấy đón một đoàn khách đặc biệt: Cô và trò Trường tiểu học Liên Minh, huyện Đức Thọ. Toàn học sinh khối 5, khối cuối cấp của trường. Mỗi thầy, cô của trường đi một xe máy, lai 2 em học sinh ngồi sau. Có cả thảy chừng ba chục chiếc xe máy như vậy. Cô mặc áo dài rất đẹp. Học sinh trong bộ quần áo đồng phục, khăn quàng đỏ thắm với những khuôn mặt đầy hứng khởi.
Trưởng ban quản lý di tích Phan Văn Khoa ngồi bên thềm khu nhà văn phòng, áo cộc tay phanh cúc áo cổ, mồ hôi ròng ròng. Ban quản lý có 8 người, bao gồm cả khu lưu niệm và khu mộ trên đồi Quần Hội mấy ngày nay đang phải huy động tối đa để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú. Một số hạng mục cũng đã được tôn tạo khẩn trương cho kịp ngày.
Ngoài nhà lưu niệm và hạ tầng mới được xây dựng, trong khu lưu niệm vẫn giữ được gian nhà thờ cổ nằm trên chính nền đất cũ, nơi cụ cố nội Tổng Bí thư Trần Phú là Trần Viết Tân từng sinh sống. Ông nội Trần Viết Tiến và thân sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ cũng được sinh ra tại đây.
Từ nơi yên nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú trên đồi Quần Hội nhìn xuống bến Tam Soa, xa xa là dãy Thiên Nhẫn phủ La Sơn khi xưa. |
Năm 1848, sau khi đỗ giải Nguyên, cụ Trần Văn Phổ được bổ làm Giáo thụ (người trông coi việc học hành) tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đầu năm 1901, ông được điều chuyển vào dạy học tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đem theo cả gia đình tới nhậm chức và Trần Phú được sinh ra tại đây. Năm 1907, Triều đình Huế bổ nhiệm ông làm tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1908, cuộc vận động chống thuế ở Trung Kỳ nổ ra quyết liệt. Chính phủ bảo hộ và bọn bù nhìn Nam Triều đã ra lệnh thẳng tay đàn áp nhưng ông đã không chịu thi hành mệnh lệnh. Bị khiển trách, trước sức ép của triều đình nhưng không thể hành động ngược lại với lương tâm mà chống lại nhân dân, tri huyện Trần Văn Phổ đã tuẫn tiết để giữ vẹn danh tiếng.
Ngôi nhà cũ của chi Trần Viết được giao cho ông Đồ Cầu, là chú ruột của cố Tổng Bí thư Trần Phú. Sinh thời, trong thời kỳ học hành đỗ đạt và dạy học ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh từ năm 1922 đến 1926, cứ mỗi khi có dịp là Trần Phú lại về nhà, ra ngay bến sông La sau nhà (sau này được gọi luôn là bến ông Đồ Cầu) để tắm và câu cá. Cũng chính vì lý do này mà vào năm 1959, Bộ Văn hóa thông tin quyết định thành lập khu di tích lưu niệm đồng chí Trần Phú tại đây.
Đến năm 1962, Ty Văn hóa Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Đức Thọ xây dựng, cải tạo lại vườn và ngôi nhà thờ để làm khu lưu niệm và trưng bày tài liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Hiện nay, qua nhiều lần tu bổ, ngôi nhà trên nền đất cũ đã trở thành nhà thờ của tiểu chi Trần Viết, dòng họ Trần và đặc biệt là trong khu vườn vẫn giữ được 5 cây nhãn cổ thụ đồng niên với gian nhà lim từ năm 1862. 5 cây nhãn cổ thụ đến nay vẫn đang xanh tốt, ngày ngày tỏa bóng mát, đến mùa ra hoa kết trái, quả ngọt lịm.
Phần mộ Tổng Bí thư Trần Phú được an táng trên đồi Quần Hội, nhìn ra bến Tam Soa. Thế đất đẹp tự nhiên, chẩm sơn đạp thủy. Phía trên là phần mộ của hai cụ thân sinh Trần Văn Phổ và Hoàng Thị Cát. Phía bên phải là phần mộ của ông Trần Ngọc Danh, em ruột của cố Tổng Bí thư.
Ông Trần Ngọc Danh nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa I, là thành viên tham dự tại hội nghị Fontainebleau năm 1946. Ông là trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp (1946 - 1950). Hai người con của ông Danh sau này cũng đều thành đạt, một người nguyên là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và một người nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô và trò Trường Tiểu học Liên Minh, Đức Thọ thăm quan Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú. |
Đứng trên đồi Quần Hội có thể bao quát toàn bộ bến Tam Soa, nơi hội tụ của con sông Ngàn Sâu chảy qua Hương Khê, Vũ Quang và nhập với Ngàn Phố từ Hương Sơn đổ về thành dòng sông La thơ mộng. Tam Soa từ nghĩa địa phương tức là 3 dải lụa. Xuống dưới nữa, sông La lại nhập với sông Cả thành dòng sông Lam. Đứng từ nơi an táng Tổng Bí thư Trần Phú nhìn ra, chếch bên tay phải là ngọn Tùng Lĩnh.
Chính từ hình ảnh bóng cây tùng soi xuống dòng sông La mà thành địa danh Tùng Ảnh. Xa nữa là dãy núi Thiên Nhẫn, nơi ẩn cư của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Đức Thọ xưa cũng thuộc phủ La Sơn). Ngay tại bến Tam Soa này đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của cả thủy quân lẫn bộ quân của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Địa danh Quần Hội nghe đâu cũng bắt nguồn từ đấy.
Tương truyền mỗi lần hội quân tập trận, tướng quân Đinh Lễ lại cho tập trung dưới chân đồi. Trên đài chỉ huy cao bên trên có thể biết được quân tụ về được bao nhiêu, nhiều hay ít, đủ hay chưa để mà ra kế sách phá địch cho phù hợp. Đến thời thực dân Pháp xâm lược, đóng đồn tại Linh Cảm kiểm soát cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, Đức Thọ nói chung và Tùng Ảnh nói riêng ít bị bom đạn tàn phá bởi triều đình cho rằng đây là vùng thuần nông, đất đai trù phú, tiện cho việc truyền đạo. Có lẽ vì thế mà người dân nơi đây được yên ổn làm ăn, học hành? Đích thân vua Bảo Đại đã từng "Bắc tuần" đến Đức Thọ.
Chuyện rằng hồi ấy các cô gái theo đạo được chọn làm người tặng hoa. Còn trai tráng khỏe mạnh không theo đạo thì được lựa chọn và phải luyện tập nghi thức trước hàng tháng, rất vất vả. Lại nữa, vì chen lấn, xô đẩy để xem vua đến dự lễ khánh thành sân vận động Đức Thọ, tường bị đổ, một em học sinh chết và nhiều người khác bị thương.
Đến nay vẫn còn những vần thơ chế giễu (Phan Điện?): "Xiếc trò Đức Thọ có hay không?/ Ếch nhái phen ni thấy được rồng/ Gái đạo phát tài cười tủm tỉm/ Trai lương phải tội chạy long đong/ Mề đay xiết kể ơn Hoàng đế/ Tường đổ thương ôi lũ tiểu đồng".
26 tuổi soạn thảo "Luận cương chính trị". 27 tuổi hy sinh vì lý tưởng Cách mạng với câu nói bất tử "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!". Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tháng 3/1931, với bí danh Anh Năm, cố Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 2 tại Sài Gòn, bàn việc chấn chỉnh Đảng sau đợt khủng bố của địch.
Hội nghị đã vạch ra Nghị quyết về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, Nghị quyết về tổ chức của Đảng, Nghị quyết về cổ động tuyên truyền. Tại Hội nghị này, một quyết định về "Tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp của Đảng phải giải quyết". Đây được xem là tiền đề để hình thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về sau này