Đệ nhất quan tham Randy Duke Cunningham mãn hạn tù:

"Văn hoá tham nhũng" tràn lan nước Mỹ?

Thứ Hai, 24/06/2013, 12:20

Tờ The Dailybeast mới đây đưa tin Randy Duke Cunningham, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa từ thành phố San Diego (California) từng được dư luận gán cho hổ danh "đệ nhất quan tham", đã chính thức được tại ngoại sau thời gian chịu án ở nhà tù liên bang. Ông này bị buộc tội tham nhũng với hàng loạt những vụ nhận lại quả và thanh lý những hợp đồng quốc phòng lên tới gần 3 triệu USD cùng hàng chục du thuyền cao cấp cho giới quan chức và nhà thầu quân sự.

Vụ Cunningham được coi là vết nhơ nghiêm trọng nhất trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Mỹ và gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái đạo đức trong bộ máy chính trị ở thủ đô Washington. Và đây mới chỉ là một phần nổi rất nhỏ bé của tảng băng tham nhũng đang chìm trong một biển chính khách Mỹ.

Đệ nhất quan tham

Vụ án Cunningham từ năm 2005 cho tới bây giờ vẫn là một minh chứng cho nạn tham nhũng đã lên tới đỉnh điểm bên trong bộ máy chính trị Mỹ. Cunningham đã phải thú nhận rằng, trong thời gian từ năm 2001 - 2004, để giúp đỡ hai nhà thầu quốc phòng nhận được các hợp đồng của chính phủ, ông đã nhận nhiều khoản hối lộ bằng tiền mặt và các ưu đãi khác.

Các khoản này bao gồm: 200 nghìn USD trả cho nhà nghỉ, 140 nghìn USD mua thuyền buồm, nghỉ miễn phí trên một thuyền buồm khác, hàng chục nghìn USD mua các đồ gỗ cổ quý giá và một chiếc xe Rolls Royce, chưa kể hàng trăm nghìn USD tiền mặt cho cá nhân Cunningham và các công ty do ông điều hành.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi các nhà chức trách nhận thấy một số "đặc ân đáng ngờ" mà Cunningham nhận được từ Mitchell Wade, một cựu nhân viên Lầu Năm Góc, về sau là người thành lập và đứng đầu Hãng thầu quốc phòng MZM Incorporated. Wade đã bán cho hạ nghị sĩ này một biệt thự ở California với giá rẻ đặc biệt, đồng thời cho ông sử dụng thoải mái chiếc du thuyền cao cấp. Để đổi lại, Cunningham - khi đó đang có chân trong Ủy ban phụ trách các khoản chi phí quốc phòng - đã giúp cho Wade ký được nhiều hợp đồng hậu hĩnh với Lầu Năm Góc và các cơ quan mật vụ.

Cunningham cũng với một kiểu mẫu tương tự còn "hợp tác" với một nhà thầu khác là Brent Wilkes, đồng thời cũng là một người bạn thân của Foggo. Điều tra cụ thể cho thấy, Wilkes đã đứng ra chu cấp miễn phí cho Cunningham và một số quan chức cần thiết khác trong việc ăn nghỉ tại khách sạn Watergate ở Washington, cung cấp cho họ những chiếc Limousine sang trọng và thậm chí cả gái làng chơi.

Ngoài ra, Wikes còn tạo điều kiện cho Cunningham "thả sức" cùng một số gái mại dâm trong một phòng sang trọng ở khách sạn Hapuna Beach Prince tại Hawaii, thực chất là món quà "hối lộ" để trả ơn Cunningham.

Cunningham đã buộc phải từ chức một cách nhục nhã vào tháng 11/2005, kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 14 năm (1991 - 2005), sau khi thừa nhận trước tòa về việc đã nhận lại quả từ các nhà thầu quốc phòng cùng một loạt tội danh khác như gian lận và trốn thuế. Được biết, trước khi chuyển sang hoạt động chính trị, Cunningham đã từng là giáo viên, giảng viên đại học, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và từng tham gia chiến tranh Việt Nam với vai trò một phi công.

Vụ bê bối của Randy Duke Cunningham đã giáng một đòn mạnh vào uy tín đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 2006. Quy mô của vụ tham nhũng này đã làm chấn động nước Mỹ, khiến giới truyền thông gọi ông là "đệ nhất quan tham" và bản án tù 8 năm 4 tháng là mức kỷ lục cho một nghị sĩ trong nhiều thập niên qua. Bên cạnh đó Cunningham phải bồi hoàn 1,8 triệu USD tiền trốn thuế, đồng thời bị tịch thu những món đồ quý (ôtô Rolls Royce, thảm Ba Tư) trị giá 1,85 triệu USD đã nhận, chính thức ngồi tù từ ngày 4/3/2006.

Randy Duke Cunningham tuy vậy vẫn còn may vì án tù tối đa cho tội danh tham nhũng như thế có thể lên đến 10 năm. Sau khi nghe bản án, Cunningham gạt nước mắt, nghẹn ngào: "Thưa tòa, tôi đã hủy hoại cuộc đời tôi... Tôi đã đi theo hướng lầm lạc".

Randy Duke Cunningham đã từng ghi lại chi tiết nội dung vụ trao đổi mua bán với đối tác. Những dòng chữ nguệch ngoạc được phát hiện trong một số tài liệu được chính Cunningham cung cấp đã chỉ ra cả một hệ thống tham nhũng với nhiều quan chức không được tiết lộ danh tính. Sự thực phía sau vụ Cunningham không chỉ đơn giản là chính khách này được ăn chia một khoản hoa hồng lớn mà còn được "bợ đỡ" bởi cả một hệ thống ngầm trong các chiến dịch tranh cử vào Hạ viện. Do vậy không khó hiểu khi Cunningham tiếp tục dính nghi án "đi cửa sau", cũng như kết quả bầu cử hoàn toàn là dối trá.

Đệ nhất quan tham Randy Duke Cunningham mới được tại ngoại sau thời gian lĩnh án tù vì tham nhũng và gian lận.

"Ý niệm một nghị sĩ nhận tiền thật là xúc phạm. Nghị sĩ Cunningham phải nhận ra rằng ông ta đã phạm pháp và sẽ phải trả giá đắt". Tờ Wall Street Journall - tờ báo vẫn bênh vực mạnh mẽ cho các chính sách bảo thủ - đồng ý rằng lẽ ra vị hạ nghĩ sĩ này phải chịu mức án 10 năm tù để cải tạo triệt để đạo đức suy thoái trước khi quay trở lại chính trường.

Văn hóa tham nhũng lan tràn

Hầu như bất cứ nhà làm luật nào của Mỹ cũng thuộc lòng câu thần chú: "Hãy ném tiền vào những mục đích riêng mang cái mác "quyền lợi quốc gia", thì sẽ được chính phủ ưu ái hơn bao giờ hết. Nếu ngược lại, dù chỉ một xu cho vào túi riêng cũng là bất hợp pháp". Thật vậy, những đồng tiền phục vụ cho các mục đích tranh cử, quyền lợi quốc gia, thế nào cũng trở thành hợp pháp.

Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra sự bất hợp pháp trong khoản tiền được ném vào việc tranh cử. Rõ ràng, Mỹ cần những "gương" như Cunningham để cảnh báo bất cứ chính khách nào đang âm thầm trở thành nạn nhân của lòng tham. Một số người cho rằng vụ án "có một không hai" này mới chỉ cho thấy phần nổi rất nhỏ bé của tảng băng tham nhũng đang chìm trong một biển chính khách Mỹ. Những ai căm ghét Cunningham thì lên tiếng la ó về hành vi làm bẽ mặt Quốc hội, trong khi số khác chỉ biết thở dài trước lòng tham của cựu hạ nghị sĩ.

Tổ chức Công dân giám sát trách nhiệm và đạo đức (CREW) ở Washington từ lâu lại chê Ủy ban đạo đức và làm luật của Hạ viện làm việc quá tệ, điều tra quá dở về những hành động tham nhũng của các nghị sĩ. Cunningham sắm vai kẻ lừa đảo hoàn hảo khi bí mật tham gia vụ đổi chác kiếm lời bạc tỉ. Chẳng ai tin nổi một con người từng có vị trí quan trọng tại Hạ viện lại phản bội lời hứa của chính ông trước đây, tạo ra bi kịch "ngu ngốc nhất" trong sự nghiệp chính trị.

Vụ Cunningham đã dạy giới làm luật Mỹ một bài học lớn: đừng nên quá tin tưởng vào bản chất trong sạch của chính khách trong khi hiệu quả hành pháp còn nhiều yếu kém. Tham nhũng khiến ngay cả những cá nhân chuyên phác thảo Hiến pháp Mỹ phải bất ngờ, và thừa nhận đây là căn nguyên của một căn bệnh trầm kha trong xã hội. Phe bảo thủ đang rất lo ngại rằng hàng loạt bê bối tham nhũng, điều tra kiểu Cunningham đang gây thất vọng về mặt chính trị, do đó ảnh hưởng đến phe đa số của đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Đảng Dân chủ đối lập thậm chí đã không ngại lên tiếng rằng, có một "nền văn hóa tham nhũng" đang lan tràn ở đảng Cộng hòa. Nhưng thật ra những chỉ trích mạnh mẽ nhất dành cho Cunningham lại đến từ chính các đồng sự Cộng hòa của ông.

Mấy năm gần đây, số lượng nghị sĩ Mỹ lem nhem với chuyện tiền bạc ngày càng gia tăng. Thế nhưng những người đứng đầu Quốc hội luôn khẳng định rằng con sâu tham nhũng không có cơ hội phát triển bên trong Quốc hội, bởi vì bản thân Quốc hội không chứa chấp những tội đồ tham tiền, luôn "thanh lọc" cẩn thận trước khi giao phó trách nhiệm.

Quốc hội Mỹ từng nhiều lần cải cách luật quốc gia về củng cố đạo đức nghị sĩ, nhưng xem ra hiệu quả thu được chẳng là bao.

Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vốn mất niềm tin nơi dân chúng qua các tai tiếng này, người dân càng xa rời, càng lơ là bầu cử, khiến tỷ lệ cử tri rất thấp. Đảng Dân chủ lên chiếm quyền đa số ở Hạ viện và Thượng viện, đổ tội cho đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội trước đó đã đem lại một lối sống tham nhũng, vô kỷ luật. Thực ra như đã thấy, nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ đều dính vào tội lỗi. Xét cho cùng, đó là vấn đề về con người, chứ không phải đảng phái.

Mà ai là kẻ giết các nghị sĩ? Trước nhất chính là bản thân họ vì lòng tham vô độ và nhiều thứ khác. Những thương vụ mua bán kiểu Cunningham rõ ràng hướng tới lợi ích chính trị và lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, chúng đang có dấu hiệu biến tướng và được giới chính khách sùng bái với ám hiệu "điệu nhảy tinh quái". Kế đến là những nhà vận động hành lang, biết lợi dụng phần tham lam trong con người của nghị sĩ để mua quyền, hối lộ và đạt được mục tiêu sau cuối là danh vọng.

Các chuyên gia vận động hành lang tìm kiếm cơ hội từ các chính trị gia muốn tấn công chính trường và nhận được lại quả rất hấp dẫn. Họ kỹ tính đến mức luôn giữ kẽ, tức là tự hoạt động theo cái gọi là quy tắc đạo đức chính trị chuẩn mực, mà không dám phá bỏ. Nhưng vẫn tồn tại lỗ hổng, và giới chính khách có thể làm tất cả để biến những chuyên gia vận động hành lang trở thành công cụ vạn năng đưa họ vào Quốc hội bằng tiền và hứa hẹn bằng danh vọng. Được che chắn bởi chính khách, một anh chàng vận động hành lang tha hồ khai thác những nhu cầu của khách hàng mà không sợ vướng phải luật pháp. Nếu bị cáo buộc sai phạm, hẳn anh ta sẽ đổ lỗi cho chính khách đang tranh cử, và ung dung thoát nạn!

Quốc hội Mỹ từng nhiều lần cải cách luật quốc gia về củng cố đạo đức nghị sĩ, nhưng xem ra hiệu quả thu được chẳng là bao. Chính yếu là cố gắng hạn chế việc chính khách lạm dụng quyền thế dùng ngân sách rót cho các dự án ở đơn vị bầu cử lợi cho việc tranh cử và buộc phải công khai hóa những số tiền được nhận từ những tổ chức quyền lợi đặc biệt nhằm gây ảnh hưởng để thu hút cử tri.

Chi tiết hơn, các dự luật kiểu này cấm đại diện nghị sĩ tranh cử vào Quốc hội không được nhận hầu hết những món quà và những chuyến đi do những nhà vận động hành lang đài thọ. Một trong những điều khoản quan trọng là buộc phải khai báo những món tiền mà các nhà vận động hành lang đã đóng góp trong các cuộc gây quỹ của đại diện nghị sĩ. Theo đó, họ buộc phải công bố những dự án mà phía đại diện của bất cứ nghị sĩ nào đã vận động để các cơ quan rót ngân sách tiểu bang hay liên bang nhằm phục vụ cho đơn vị tranh cử. Thậm chí, các nghị sĩ tương lai này bị cắt trọn vẹn khoản trợ cấp với lý do "số tiền thu được từ vận động và tài trợ đã quá khổng lồ".

Luật là vậy, nhưng hết hạn tù thì tội đồ cũng sẽ tự do. Randy Duke Cunningham cải tạo tốt, được phóng thích khỏi trại giam trước thời hạn, nhưng giờ đây luôn gợi nhắc tới những biểu hiện sai trái, lệch lạc bên trong Quốc hội. Một số chuyên gia nhận định Quốc hội Mỹ đang bị "dột" bởi chạy theo xu hướng "quỹ tranh cử còn bao nhiêu tiền" thay vì chú trọng vào soi tiểu sử cá nhân và phẩm chất đạo đức các ứng viên.

Cơ quan quyền lực này không phải là chỗ của những kẻ khờ chỉ biết ngồi không, ăn tiền. Chỉ có những thứ ham muốn bất chính trong con người mới làm hoen ố bản chất chính trị và đạo đức của các nghị sĩ, từ đó tạo nên những hiện tượng Cunningham, mà phần lớn vẫn còn đang lẩn khuất trong bóng tối của chính trường…

Doãn Anh - Trần Quân (tổng hợp)
.
.