Về cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice: Những trang đời riêng bí mật của "Công chúa Châu Phi"

Thứ Tư, 30/11/2011, 09:50
Khi phe đối lập tấn công vào nơi ở của Tổng thống Libya Gaddafi hồi tháng 8/2011, các binh sĩ đã phát hiện một cuốn album có tên "Người tôi yêu", bên trong chứa toàn ảnh của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Chỉ 2 tháng sau, vào ngày 20/10, cuốn hồi ký "No higher honor - A memoir of my years in Washington" (Tạm dịch: Không vinh dự nào cao quý hơn - Những năm tháng cuộc đời ở Washington) của C.Rice được xuất bản trực tuyến bởi The Daily Beast cũng đề cập tới những dích dắc giữa bà và Gaddafi.

Còn nhớ, mối quan hệ mập mờ giữa hai người vốn được dư luận quốc tế chú ý từ năm 2007, khi Đại tá Gaddafi trả lời phỏng vấn của đài Al-Zazer, rằng: "Tôi luôn ủng hộ người phụ nữ da màu đáng kính (bà Rice) của tôi. Tôi thầm thán phục và vô cùng tự hào khi Rice luôn thể hiện bản lĩnh của mình, nhất là cách Rice chỉ đạo những lãnh đạo Arập. Tôi yêu cô ấy mất rồi! Tôi yêu vì cô ấy mang trong người dòng máu châu Phi". Và lần này nữa, báo giới lại có lý do để lật lại những trang đời tư "chăn đơn gối chiếc", với những lời đồn thổi về người đàn ông thực sự phía sau người phụ nữ nổi tiếng cứng rắn và mạnh mẽ này.

Nỗi ám ảnh về "Công chúa châu Phi"

Trong cuốn hồi ký, bà Rice cho biết, bà rất ngạc nhiên khi ông Gaddafi gọi mình là "Công chúa châu Phi" trong cuộc gặp gỡ trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ ở Libya năm 2008, cuộc họp mang ý nghĩa lịch sử khi Washington muốn nối lại quan hệ ngoại giao với "người từng là kẻ thù một thời". Ông Gaddafi nhiều lần bày tỏ mong muốn được gặp mặt bà đến mức phải công khai dò hỏi người đại diện của Chính phủ Mỹ rằng: "Tại sao Công chúa châu Phi của tôi không đến gặp tôi?".

Rice cũng đoán việc Gaddafi muốn gặp mình là vì mong muốn cá nhân chứ không phải vấn đề ngoại giao, nhưng bà vẫn đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên hết. Trước khi tiến hành chuyến thăm, bà Rice đã từng hỏi Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Luis Amado về Gaddafi và được căn dặn: "Nếu ông ta có nói gì điên rồ, thì đừng ngạc nhiên. Chỉ ít giây sau, Gaddafi sẽ trở lại trạng thái bình thường thôi".

Trong cuộc hội đàm, bà Rice đã đề cập đến những vấn đề mang tính cải cách ở châu Phi, còn Gaddafi thì luôn giữ thái độ điềm đạm, bình tĩnh. "Tất cả đều rất thuận lợi. Xem ra ông ấy cũng bình thường", bà Rice nhớ lại. Nhưng khi đề cập tới vấn đề Israel và Palestin, Gaddafi tức giận ra mặt: "Đừng nói đến hai quốc gia Israel và Palestin nữa! Chỉ có một quốc gia thôi, đó là Palestin", ngay lập tức ông ta đuổi 2 phiên dịch ra khỏi phòng. Tuy nhiên, trước mặt "người trong mộng", nhà độc tài nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, thậm chí nhiệt tình mời bà Rice đến nhà bếp riêng của mình dùng bữa tối vì hôm đó vừa hết tháng ăn chay Ramadan.

Condoleezza Rice nhớ lại, lúc đó, các thành viên đoàn từ chối lời mời vì cho rằng việc này không nằm trong kế hoạch, những vệ sĩ của bà cũng cảm thấy lo lắng vì họ bị yêu cầu đứng ngoài. Nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn tự tin cho rằng có thể tự bảo vệ được mình, nên vui vẻ nhận lời mời ăn tối cùng Gaddafi. Khi bữa tiệc sắp kết thúc, Gaddafi nói với Rice, ông ấy đã chuẩn bị cho bà một món quà mang tên "Hoa hồng đen ở Nhà Trắng", bản nhạc được các nhạc sĩ Libya viết tặng riêng cho Rice theo yêu cầu của Gaddafi. Tuy nhiên, với bản lĩnh ngoại giao vững vàng, mọi việc đều trở nên suôn sẻ, dù bà Rice nhận định đây là những hành động kì quặc, song không tỏ ra khó chịu bởi "ít nhất nó cũng không khiếm nhã".

Gaddafi từng thể hiện sự ủng hộ với Condoleezza Rice bằng lời tuyên bố: "Tôi yêu cô ấy mất rồi! Tôi yêu vì cô ấy mang trong người dòng máu Châu Phi".

Trong thời gian ở lại Tripoli, báo giới không mấy khó khăn khiến những người hay tò mò thêm tò mò khi giật tin về bữa ăn tối lãng mạn của hai người và miêu tả thần thái của Gaddafi vụt  "thức tỉnh và sáng bừng" khi ông nhìn thấy bà Rice. Cựu Ngoại trưởng Mỹ và vị Đại tá Libya chẳng hề xa lạ, mà trái lại sự gần gũi, thân thiết của họ tới mức tờ Washington cho rằng: "Dư vị ngọt ngào từ những lời khen ngợi hai người dành cho nhau ngập tràn cả bữa tối lãng mạn". Tờ báo này còn tiết lộ một chi tiết khá thú vị, rằng ông Gaddafi đã nhẹ nhàng đặt tay phải lên ngực để tỏ lòng trân trọng và chào đón những người thân thiết.

Còn nhớ trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2007, ông Gaddafi đã không ngừng ca ngợi người phụ nữ này, khiến báo giới bắt đầu chú ý tới mối quan hệ của hai người. Tổng thống Gaddafi gọi bà Rice bằng cái tên Leezza vô cùng trìu mến, và dường như khó có thể kìm lại cảm xúc của chính mình, nhà lãnh đạo Libya phải thốt lên: "Tôi luôn có niềm tin vào Rice và trân trọng những gì cô ấy đã cống hiến, bởi lẽ Rice là một người da màu thực sự tài giỏi với xuất phát điểm từ một lục địa đen nghèo khổ".

Bà Rice từng nói rằng, nhiều người bạn bộ trưởng nước ngoài đã cảnh báo bà về "sự ám ảnh đặc biệt" của ông Gaddafi, và khuyên răn bà phải cẩn trọng để tránh bị phân tâm trong công việc. Trả lời CNN, cựu Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng, bà biết rõ ông Gaddafi có ý, song "tôi luôn tôn trọng công việc của cá nhân, rằng mối bận tâm duy nhất là xây dựng mối quan hệ ngoại giao bằng hữu giữa hai quốc gia". Tuy nhiên, bà Rice cũng thừa nhận khoảnh khắc bối rối khi ông Gaddafi chuẩn bị sẵn cuốn băng video và bài hát gửi đến bà. Còn về cuốn album với những hình ảnh được lưu giữ vô cùng cẩn thận, cựu Ngoại trưởng cho biết, bà chưa từng xem những bức ảnh ấy và tin rằng không có lý do nào để phải làm như vậy.

Thực tế là trước mọi sự, bà Rice vẫn luôn cư xử đúng mực khi đã mô tả tình cảm mà Gaddafi dành cho mình là "sự đam mê kỳ quái". Với bức ảnh chụp chung tại buổi hội đàm giữa hai bên, người ta thấy nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên khuôn mặt lạnh lùng của Gaddafi, trong khi C.Rice nở nụ cười đúng kiểu ngoại giao bên cạnh. Và một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ còn cho biết, sau chuyến thăm Libya, bà Rice đã mang về rất nhiều quà do Đại tá Gaddafi trao tặng, bao gồm một chiếc nhẫn kim cương đựng bên trong chiếc hộp gỗ được chạm khắc rất tinh xảo, một chiếc đàn luýt kèm DVD, một chiếc hộp nhỏ đựng ảnh của Gaddafi với giá trị lên tới 212.200 USD. Những món quà quý giá này đã khiến C.Rice trở thành nhân vật được chính phủ nước ngoài quý trọng nhất. Cần biết rằng, quà mà Tổng thống Mỹ Bush đương nhiệm khi đó nhận được chỉ là xe đạp leo núi do lãnh đạo các nước như Đức, Slovenia tặng.

Cuốn album chứa toàn ảnh của cựu Ngoại trưởng Mỹ được quân đội phe đối lập tìm thấy tại tư gia Gaddafi.

Đời "chăn đơn gối chiếc" của người phụ nữ mạnh mẽ và quyền lực

Condoleezza Rice có tất cả những gì một người phụ nữ muốn có trong cuộc đời, ngoại trừ một người đàn ông. Vẫn độc thân - một vấn đề có thể là lớn nhất đối với bà Rice vào lúc này. Người phụ nữ từng có quyền lực nhất thế giới chưa một lần kết hôn - điều này có thể là một chuyện khiến phần đông dân Mỹ cảm thấy rất vô lý. Theo họ, gia đình là một trong những dấu hiệu cơ bản của một xã hội vững chắc.

Có một sự thật là dù đã 57 tuổi, chưa bao giờ bà Rice nói bóng gió đến cuộc sống riêng tư của chính mình. Ngay cả những nhà báo "tọc mạch" nhất cũng chỉ có thể "đào bới" trong tiểu sử của bà một người bạn trai duy nhất, nhưng đó là câu chuyện đã xảy ra vào những năm 70 thế kỷ trước. Và người ta cũng chỉ biết những chi tiết ít ỏi: trong thời gian học ở Denver, cô Rice bị hút hồn bởi một thành viên câu lạc bộ bóng bầu dục địa phương tên là Rik Alcherch. Sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với quan niệm hồi nhỏ của Rice, rằng sau này bà sẽ chỉ kết hôn với cầu thủ bóng bầu dục. Thế nhưng đó chỉ là một cuộc tình ngắn ngủi, và cho tới bây giờ, cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn một mình.

Nổi tiếng cứng rắn nhưng bà Rice luôn có sức cuốn hút đối với nhiều quan chức trên thế giới, đặc biệt là các nam đồng nghiệp trong ngành ngoại giao. Mỗi khi bà gặp gỡ vì công việc với bất kỳ nam quan chức độc thân nào trên thế giới lại có ngay lời đồn về "một nửa" của bà, tuy nhiên những câu chuyện trên dần lắng dịu vì không có tiến triển gì đặc biệt. Từng có thời điểm báo chí Italia tốn không ít giấy mực để bàn tán về cuộc gặp giữa bà Rice và vị Ngoại trưởng Massimo D’Alena, một người trầm tính tại Rome. Hay trước đó vài năm, tờ The Boston Global, Mỹ cho đăng trên trang nhất bài "Jack và Rice: Một câu chuyện tình" kể về việc bà Rice đã đến thăm quê nhà cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw tại Blackpool, trước khi có chuyến hành trình bất ngờ tới Baghdad, Iraq.

Năm 2006, một lần nữa người ta lại đoán bà Rice có thể tìm được "người ấy" khi tờ The Hill Times, Canada cho biết, đó là Ngoại trưởng độc thân Peter MacKay, người từng được xem là nghị sĩ quyến rũ nhất của Quốc hội Canada. Việc chênh lệch tuổi tác cũng không thể chấm dứt những lời đồn đại và thêu dệt về mối quan hệ giữa họ. Ngay cả những người biểu tình trước cửa bảo tàng công nghiệp - nơi bà Rice và ông Peter có cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo địa phương, báo chí cũng giương cao khẩu hiệu "Peter, Rice - Tình yêu thay cho chiến tranh".

Còn nhớ trong bài nói chuyện, Ngoại trưởng Peter nhiều lần nhắc đến người phụ nữ đang đứng bên cạnh mình với sự ngưỡng mộ. Ông Peter tâm sự: "Tôi học được một số điều từ Ngoại trưởng Rice" và không quên nhắc bà: "Vui lòng trở lại mảnh đất này". Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nhanh chóng bác bỏ những lời bóng gió về cuộc tình giữa hai quan chức ngoại giao. Khi báo chí đề nghị cho biết chi tiết cuộc gặp mặt giữa họ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sean McCormack khẳng định không có gì riêng tư vì trong bữa ăn tối còn có 14 cố vấn, 6 vệ sĩ. Ấy thế nhưng khá nhiều tờ báo, đặc biệt là các blog đang lưu truyền nhau câu chuyện tình đầy lãng mạn của bà Rice và đồng nghiệp Peter, cho rằng ông Peter đã phải lòng bà Rice ngay từ lần gặp đầu tiên tại Washington năm 2005 và khẳng định mối quan hệ giữa bà Rice và ông Peter là một trong những câu chuyện "nóng" nhất trong giới chính trị gia phương Tây lúc bấy giờ.

Người ta gọi bà Rice là "Nữ hoàng chiến tranh" vì sự mạnh mẽ của bà, nhưng thực ra bà Rice có nhiều nữ tính hơn so với cách nhìn chung về bà. Người dì của bà tên là Clara cho biết, Rice rất bản lĩnh, song chính những đức tính này đôi khi lại trở thành điểm yếu của Rice. "Rice không biết trang điểm và thậm chí đứng trước một người khác phái, Rice vẫn tỏ ra bình thường, không hề e lệ". Chính cha bà trước khi mất đã nói với Clara rằng, cuộc đời Rice sẽ nhiều nỗi khổ vì sự độc lập và cứng rắn sẽ khiến Rice không cho bất kì một người đàn ông nào được thể hiện tính cách mạnh mẽ khi làm quen. Bản thân bà cũng không hay quan tâm đến chuyện gia đình tương lai và ý muốn lập gia đình. Còn nhớ một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa của Mỹ từng thốt lên rằng, Condoleezza Rice cần ngã vào vòng tay một ai đó biết cách đối xử với thế giới một cách ôn hòa. Ngay sau câu nói này, toàn bộ các hãng truyền thông Mỹ từ chối đăng tác phẩm của họa sĩ này vì cho rằng họa sĩ đó đã xúc phạm tới một trong những nhân vật quyền lực nhất của chính phủ hiện thời.

Bà Rice thường nói rằng người đàn ông tốt thực sự rất khó tìm, một người đàn ông cá tính là người hơi ngang tàng một chút. Ấy thế nhưng đáng tiếc là những người theo đuổi bà lại là những người quá tốt bụng và hiền lành, thậm chí nói rất nhiều. Thực tế đã từng có rất nhiều người theo đuổi bà, trong đó có đến 7-8 người da màu rất phong độ và có địa vị cao trong xã hội. Thế nhưng kết quả của những lần hẹn hò đều là những "tiếng thở dài ngao ngán".

Báo chí từng đặt câu hỏi liệu có phải vì quá cầu toàn và có một sự nghiệp chính trị quá hoàn hảo mà cho tới bây giờ, cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa thể tìm được hạnh phúc riêng cho chính mình hay không? Dù thế nào đi nữa, người ta vẫn tin rằng phía sau vẻ ngoài cứng rắn ấy, Condoleezza Rice luôn ấp ủ khao khát hình bóng một người đàn ông cho cuộc đời của chính mình…

Lâm Anh - Kim Lương (tổng hợp)
.
.