Vị trí đặc biệt của danh tướng Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc

Thứ Sáu, 06/10/2017, 14:56
Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1952, Tư lệnh tối cao Tổng lực lượng Đồng minh tại Nhật Bản, Thống tướng Mỹ Douglas MacArthur đã giúp người Nhật giũ sạch quá khứ tội phạm chiến tranh, vươn mình đứng dậy…

Thế chiến thứ II kết thúc, ngày 2-9-1945, trên chiến hạm Missouri neo đậu trong vịnh Tokyo, những người đại diện các nước Đồng minh chống phát xít chứng kiến đại diện có thẩm quyền của Đế quốc Nhật Bản ký văn kiện xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện.

Được chọn làm Tư lệnh tối cao Tổng lực lượng Đồng minh tại Nhật Bản, Thống tướng Mỹ Douglas MacArthur là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cải tổ và xây dựng lại nước Nhật sau chiến tranh. Và chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1952, Douglas MacArthur đã giúp người Nhật giũ sạch quá khứ tội phạm chiến tranh, vươn mình đứng dậy.

BÀI I: CUỘC DIỆN KIẾN VỚI "ĐỆ NHẤT QUÂN TỬ NHẬT BẢN"

Douglas MacArthur sinh ngày 26-1-1880 tại vùng Little Rock Barracks, bang Arkansas, Mỹ; là con trai của Trung tướng Arthur MacArthur - một vị tướng đã được trao Huân chương Danh dự trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ - và bà Mary Pinkney MacArthur. Trong quyển tự truyện "Hồi tưởng" (Reminiscences), Douglas MacArthur viết rằng, hồi ức đầu đời của ông là tiếng kèn trong trại lính.

Cậu Douglas đã theo chân cha mẹ từ đồn lũy này sang đồn lũy khác, môi trường khá khắc nghiệt ở vùng Fort Selden xa xôi hẻo lánh của bang New Mexico lại chính là trường quân sự đầu tiên của ông và người anh trai lớn, và hai anh em đã tập cưỡi ngựa, bắn súng trước khi biết đọc và biết viết.

Khi MacArthur lên 3 tuổi, một người em của ông tên là Malcolm qua đời. Anh cả của Douglas sau đó gia nhập học viện hải quân Mỹ. Douglas khi còn trẻ đã từng mơ ước mình phải trở thành một người giỏi cầm quân hay một chuyên gia quân sự hàng đầu. Năm lên 6, ông cùng gia đình chuyển tới Kansas rồi sau đó là Washington.

Tại thủ đô của nước Mỹ, MacArthur gần gũi ông nội mình là một thẩm phán, chính người ông nội đã truyền cho Douglas nhiều bài học cuộc sống quý giá. Trong "Hồi tưởng", Douglas MacArthur đã khá dài dòng kể rằng, tổ tiên mình thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt từ xứ Scotland. Sự kiêu hãnh về gia thế như vậy đã ảnh hưởng tới ngôn từ và phong cách rất đặc trưng của ông.

Đại diện Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng Đồng minh vô điều kiện trên chiến hạm Missouri. Người đứng sau micro là Thống tướng Douglas MacArthur.

Năm 1893, Douglas theo học tại Học viện quân sự Tây Texas, nơi cậu trở thành một học sinh xuất sắc. Đến năm 1898, MacArthur vào Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point. Sau 4 năm trui rèn ở West Point với thành tích học tập nổi bật, Douglas là người xếp hạng số 1 trong số 93 học viên của lớp. Học viện Quân sự Westpoint là nơi đã đào tạo ra hầu hết sĩ quan của lục quân Hoa Kỳ, vì thế thành tích của Douglas đến nay vẫn còn được truyền tụng như chuyện chàng thanh niên này đọc nhiều biết rộng và có trí nhớ siêu phàm.

Năm 1905, nhân khi cha ông trở thành võ quan thanh sát cuộc chiến tranh Nhật - Nga, còn Douglas làm sĩ quan trợ lý, những dấu ấn đầu tiên của Douglas về nước Nhật hình thành trong quãng thời gian này. Khi Thế chiến thứ I nổ ra và Mỹ tham chiến, Douglas đã đề nghị thành lập sư đoàn Rainbow (Cầu Vồng- hàm nghĩa cầu nối giữa Mỹ với châu Âu) ở mặt trận phía tây nước Pháp gồm toàn những binh sĩ đặc biệt tinh nhuệ từ lực lượng Vệ binh quốc gia. Ðề nghị được chấp thuận, Douglas đích thân làm tham mưu trưởng chỉ huy sư đoàn này. Nhờ lòng trung thành và dũng cảm của những người lính, sư đoàn Cầu Vồng đã đạt nhiều thành tựu xuất sắc, đặc biệt là chiến thắng hai trận St.Mihiel và Meuse Argone.

Năm 1919, ở tuổi 39, Douglas MacArthur đã trở thành Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và năm 1925, ở tuổi 45, được phong Trung tướng. Đây là 2 kỷ lục cho việc một người được trao các chức danh quan trọng ở độ tuổi thấp nhất và cho thấy ông là thành phần siêu ưu tú của lục quân Mỹ.

Trong Thế chiến thứ II, Douglas MacArthur là Tư lệnh lục quân Mỹ tại Viễn đông, đóng tại Philippines. Sau trận đánh thắng quân Nhật tại Okinawa, ông được thăng làm Thống tướng (tướng 5 sao). Ngày 15-8-1945, sau khi Nhật Bản chấp nhận đầu hàng, Thống tướng MacArthur được phong Tư lệnh tối cao Tổng lực lượng Đồng Minh tại Nhật Bản.

2 giờ 5 phút chiều ngày 30-8-1945, Thống tướng Douglas MacArthur bước ra khỏi chiếc máy bay quân sự, đặt chân lên đất Nhật Bản, ông không mặc quân phục và không mang theo bất cứ thứ vũ khí phòng thân nào. Đại bản doanh của quân đội Mỹ được đặt ở Sở quan thuế Yokohama (sau này chuyển tới tòa nhà Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi, bên bờ hào Hoàng cung Tokyo), mở đầu cho giai đoạn Mỹ chiếm đóng nước Nhật kéo dài trong sáu năm, tám tháng. Ngày 2-9-1945, lễ ký kết văn kiện đầu hàng diễn ra trên chiến hạm Missouri.

Diễn văn buổi ký kết văn bản đầu hàng do Thống tướng Douglas MacArthur đọc có đoạn: "Thế giới đã im tiếng súng. Thảm kịch tồi tệ kết thúc. Chiến thắng vĩ đại đã đến. Bầu trời sẽ không còn những cơn mưa chết chóc, trên đại dương mênh mông sẽ chỉ có những thương thuyền đi lại trao đổi hàng hóa. Hòa bình đến với thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta hoàn tất".

Thời khắc đó với 70 triệu người Nhật Bản là thời khắc đau đớn, nhục nhã mà họ không thể nào quên, trong tâm trí mọi người chỉ còn nghĩ được hai chữ "mất nước". Nước Nhật gần như đã biến thành bình địa; ngoài hai thành phố là Hiroshima và Nagasaki bị san bằng vì bom nguyên tử với hàng trăm ngàn người chết và bị thương, nhiều thành phố khác cũng bị tàn phá vì máy bay Mỹ ném bom vào các khu trung tâm công nghiệp để triệt hạ sức sản xuất cho chiến tranh của Nhật.

Thống tướng Douglas MacArthur và Nhật Hoàng Hirohito.

Người dân khắp nơi rơi vào cảnh đói ăn trầm trọng. 30% dân số không có nhà ở, 6 triệu người lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật. Ngoài đường phố nhan nhản những cựu chiến binh và thương binh lê lết xin ăn. 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề.

Tại Tokyo, 65% các khu vực dân cư bị phá hủy hoàn toàn, con số này tại các thành phố Osaka, Nagoya (thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 tại Nhật ở thời điểm đó) lên đến 57% và 89%.

Ngay những người lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên hòn đảo được xưng tụng "Mặt trời mọc" cũng phải sững sờ vì mức độ nước Nhật bị tàn phá nằm ngoài những gì họ tưởng tượng. Tại nhiều nơi, chỉ còn lại sườn sắt thép siêu vẹo, những thanh cột, đà gỗ cháy sém nham nhở. Hệ thống cấp nước đến các nhà bị phá hủy nên ở một số nơi, người dân phải lấy nước ở vòi nước công cộng để sinh sống. Ở một số khu vực, nhà cửa bị hư hại không còn nhà cầu nên người dân phải đào lỗ ngay bên cạnh nhà để tiêu tiểu.

Trong quyển "Hồi tưởng", Douglas MacArthur viết: "Không lâu sau khi đến Tokyo, những người trong bộ tham mưu thúc giục tôi triệu Nhật hoàng đến tổng hành dinh của tôi để biểu lộ quyền lực. Tôi bỏ qua những lời đề nghị của họ. 'Làm như thế - tôi giải thích - là hành động xúc phạm tình cảm của người dân Nhật vốn xem Nhật hoàng là con cháu của Thái Dương thần nữ và biến Nhật hoàng thành người tuẫn đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi rồi từ từ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp tôi. Trong trường hợp này, đức tính kiên nhẫn của người Phương Đông sẽ phục vụ tốt nhất mục đích của chúng ta hơn sự vội vàng của người Phương Tây".

Quả nhiên chẳng bao lâu sau Nhật hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Mặc áo ghi lê và quần kẻ sọc, đội mũ cao, đi trên chiếc Daimler với quan tổng thị vệ triều đình ngồi đối diện ở ghế phụ, Nhật hoàng Hirohito đến tòa đại sứ. Ngay từ đầu cuộc chiếm đóng, tôi đã chỉ thị không nên đối xử bất kính với ông. Phải dành cho ông tất cả những nghi thức danh dự thích hợp với một bậc quân vương. Tôi tiếp đón ông chân tình, và kể lại dịp tôi được cha ông đón tiếp vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Vẻ hồi hộp và căng thẳng của Nhật hoàng trong suốt mấy tháng qua hiện ra rõ ràng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người đi ra ngoài chỉ ngoại trừ người thông dịch cho ông, rồi chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi ở cuối phòng tiếp khách dài. Tôi mời ông thuốc lá Mỹ, ông cầm lấy một điếu và cảm ơn. Khi tôi châm thuốc lá cho ông, tôi nhận thấy hai tay ông đang run run. Vì sợ hãi hay tủi nhục?

Tôi cố gắng hết sức mình để tạo cho ông sự thoải mái và tự nhiên, nhưng tôi biết niềm đau tủi nhục ở ông ắt hẳn sâu thẳm và khủng khiếp biết chừng nào. Lòng tôi bừng lên một cảm giác khó chịu là chỉ ít phút nữa thôi, người đàn ông ngồi trước mặt tôi, người đã từng đứng đầu một quốc gia thù địch với đất nước tôi có thể sẽ kể lể ra những lý do để khẩn cầu tôi đừng truy tố ông như một tội phạm chiến tranh.

Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt người Nga và người Anh, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi đặt Nhật hoàng vào loại tội phạm ấy. Quả thật, tên của Nhật hoàng đứng đầu danh sách những tội phạm chiến tranh mà họ đề nghị đem ra xét xử đầu tiên. Nhận thức những hậu quả bi kịch sẽ theo sau hành động bất công như thế, tôi cực lực chống lại những ý định ấy.

Khi Washington dường như nghiêng về quan điểm của người Anh, tôi đề nghị rằng, tôi sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa nếu họ làm như thế vì tôi tin là nếu Nhật hoàng bị buộc tội, và có lẽ bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, một cuộc chiến tranh du kích có lẽ sẽ bùng phát. Tên của Nhật Hoàng sau đó bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng ông không hề biết gì về những điều này.

Cũng cần phải giải thích thêm rằng, sau chiến tranh, có 23 quan chức và tướng lĩnh Nhật trong hàng ngũ lãnh đạo bị đem ra tòa xử về tội ác chiến tranh. Trong số 23 người này, có 7 người - gồm Thủ tướng Nhật thời chiến tranh là Hideki Tojo - bị xử tử. Có người lập luận: những tướng lĩnh, viên chức chính quyền bị xem là tội phạm chiến tranh và bị trừng phạt chẳng qua là họ nghe theo lệnh Nhật hoàng.

Nếu đem trị tội những người thi hành lệnh mà lại không trừng phạt người ra lệnh, tức là Nhật hoàng, thì việc trừng phạt những người kia là hành động vô giá trị. Nhưng tướng Douglas MacArthur đã nhận thấy: là người được toàn dân Nhật tôn kính, Nhật hoàng phải được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Nếu Nhật hoàng bị hạ bệ thì khi người lãnh đạo tối cao không còn, mọi người sẽ quay ra tranh giành quyền lực, chống đối nhau. Như thế, một đất nước đã điêu tàn giờ lại lâm cảnh xâu xé nội bộ).

Nhưng mối lo sợ của tôi không có căn cứ. Nhật Hoàng đã nói với tôi như thế này: "Tướng quân MacArthur, khi tiến hành chiến tranh tôi là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi. Tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện".

Khi ấy, lòng tôi chợt dâng trào thứ cảm xúc thật khó tả. Thái độ can đảm gánh vác trách nhiệm này - đồng nghĩa với cái chết - khiến tôi xúc động cả cõi lòng. Ông là hoàng đế cha truyền con nối, là bậc quân vương tôn kính của toàn thể dân chúng Nhật Bản, là người có thể thốt ra một lời là hàng ngàn, hàng triệu thanh niên đi theo lý tưởng... nhưng trong khoảnh khắc ấy, tôi biết tôi đang đối diện với Đệ nhất Quân tử Nhật Bản đích thực.

Sau lần ấy Nhật hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng. Tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng…".

Quang Hiếu (lược dịnh từ quyển “Hồi tưởng” - Reminiscences - của Douglas MacArthur)
.
.