Võ sư, thầy thuốc Công an Trần Ngọc Cửu: Cả đời luyện đúc chữ Nhân

Thứ Hai, 13/01/2014, 17:15

Hai mươi hai năm làm công tác giảng dạy quân sự, võ thuật; toàn bộ thời gian còn lại ông dành cho nghiên cứu y thuật đông y: bấm huyệt, châm cứu, bốc thuốc; võ sư, thầy thuốc Công an Trần Ngọc Cửu đau đáu một mục đích đem kiến thức, kinh nghiệm của mình giúp cho anh em chiến sĩ trẻ hạn chế và giải quyết được phần nào chấn thương xảy ra trong quá trình tập luyện, nâng cao sức chiến đấu.

Bấm huyệt võ thuật

Tôi được gặp và tìm hiểu về võ sư, thầy thuốc Công an Trần Ngọc Cửu một cách tình cờ, nhưng lại rất liên quan. Đó là dạo đi thực hiện loạt bài tìm hiểu về thôi miên trị liệu, một phương pháp được cho là mới đưa vào ứng dụng hiện nay để giải quyết phần nào những chứng bệnh phát sinh bởi nhịp sống hiện đại hối hả. Lần ấy, đến trung tâm thôi miên, tôi bắt gặp một ông già tóc đã bạc trắng, dáng người cao to, mặc bộ quần áo thể thao, đi giày vải, ngồi chăm chú. Bữa ấy là gặp riêng, chỉ có ông, chuyên gia thôi miên, tôi và một cán bộ văn phòng của trung tâm thôi miên.

Qua câu chuyện, ông cho biết ông bị đau cơ tay do đánh cầu lông, nghe nói chuyên gia thôi miên có liệu pháp cắt cơn đau, nên cất công đến tìm hiểu. Cả buổi hôm ấy, người ta thấy một ông lão 70 tuổi, cầu thị từng động tác, từng lời nói, hành động theo hướng dẫn của chuyên gia thôi miên…

Về sau, khi gặp lại, ông bảo thực ra chuyến ấy ông đến trung tâm thôi miên có mục đích tìm hiểu là chính. Thế rồi ông phân tích từng phần một về cách sử dụng liệu pháp thôi miên kèm bấm huyệt của chuyên gia thôi miên thế nào. Các động tác khi thực hành cắt cơn đau thế nào, làm như thế là điểm vào những huyệt gì, sử dụng liệu pháp tâm lý phân tán sự tập trung khiến cho người bệnh không cảm thấy đau nữa như thế nào… ông nói lại hết.

Ông bảo, người ngoài không hiểu, chỉ thấy chuyên gia thôi miên bảo sao thì làm vậy. Nhưng ông thì hiểu và dựa trên những kiến thức về y lý, huyệt đạo, ông nói với tôi rằng liệu pháp ấy chắc sẽ cho những hiệu quả nhất định, nhưng cần thêm thời gian.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng các võ sinh khóa 1 được chuyên gia Triều Tiên huấn luyện (ông Cửu hàng ngồi, thứ 4 từ phải sang).

Bẵng đi một dạo, gặp lại, ông Cửu đưa cho tôi xem một tập bản thảo in giấy A4 đóng bìa xanh. Đó là tập tài liệu mà ông đã dày công đúc kết, tổng hợp về các phương pháp bấm huyệt, châm cứu kết hợp với nội công, thiền, yoga… nhằm mục đích chữa bệnh cứu người.

Dựa trên nền tảng mà ông gọi là bấm huyệt võ thuật, nhiều chứng bệnh tuy không liên quan đến sinh mạng tức thì nhưng lại gây rất nhiều phiền toái cho cuộc sống như đau đầu, liệt dây thần kinh ngoại biên, thần kinh liên sườn, đau thần kinh cổ, vai, gáy, thần kinh hông (thần kinh tọa), tâm thần phân liệt… đều được giải quyết. Ngay cả những vấn đề, vốn xưa nay ít được để ý đến như say xe, say sóng, cảm nắng, cảm lạnh đến mất ngủ, nấc, nghẹn… cũng được ông tổng hợp từ kinh nghiệm thực tiễn để đưa vào thành phương pháp điều trị, xử lý hiệu quả.

Bất giác nhớ lại hôm đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an nghe ông giảng về các phương pháp sơ cứu, cấp cứu đối với bệnh nhân liên quan đến những chứng bệnh trên, khi ông hỏi bên dưới, đều là các y, bác sĩ trẻ của bệnh viện, rằng có cháu nào đau lên đây ông thực hành xử lý cho, tất thảy đều nhao nhao lên cả. Bởi vì sau khi nghe ông giảng, ai cũng muốn được trải nghiệm những liệu pháp ấy…

Cá khô, lạc rang và các bài vũ thuật 44, 38 động tác

Vui chuyện, ông bảo hôm 15 vừa rồi, ông vừa bước sang tuổi 70, và cũng sắp nhận 50 năm tuổi Đảng tới nơi. 18 tuổi đi Công an vũ trang, 19 tuổi được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận bảo vệ cửa sông Đáy (cửa Đại An). Bấy giờ là năm 1963. Một năm sau, ông nằm trong số 450 cán bộ Công an vũ trang được lựa chọn về Trường C500 (Học viện An ninh nhân dân bây giờ), học khóa D13 nhằm sau này gửi đi các chiến trường.

Dáng người to cao, thể chất khỏe mạnh, lại có tư chất, sau đó ông được giữ lại làm giáo viên của Khoa Quân sự - Vũ thuật của trường. Ông là 1 trong số 40 người được lựa chọn tham gia khóa huấn luyện võ thuật đặc biệt đầu tiên do các võ sư CHDCND Triều Tiên làm chuyên gia huấn luyện tại trường. Đây cũng là lớp học do đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo tổ chức, mời chuyên gia nước ngoài huấn luyện. Gần như chủ nhật nào, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng vào trường thăm lớp, động viên, huấn thị anh em.

Ông Cửu nhớ lại, thời ấy toàn anh em trẻ chưa ý thức được hết, sau này nghĩ lại mới thấy hết tầm nhìn sâu xa của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Ngày ấy, các chuyên gia võ thuật Triều Tiên chỉ truyền thụ từng môn riêng biệt: Karate, Boxing (đấm bốc), Judo và một số bài võ biểu diễn.

Tuy nhiên, lần nào vào trường, xem đánh biểu diễn báo cáo xong, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đều dặn dò anh em rằng họ dạy sao thì mình học thế, nhưng vẫn phải luôn luôn ý thức được rằng võ thuật công an không phải đánh để biểu diễn. Với tình hình thời chiến lúc bấy giờ là phải dùng ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đã đánh là đánh quyết liệt, hạ gục thật nhanh. Bởi thế trong tiếp thu phải linh hoạt. Karate không đánh đòn kép thì phải kết hợp thêm Boxing. Judo kết hợp với đòn hiểm của võ cổ truyền để địch nhanh mất sức chiến đấu, giành thế chủ động về mình…

Trên tinh thần ấy, sau khóa học chuyên gia gần 2 năm, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo toàn bộ 40 võ sinh ưu tú ấy tiếp tục tập trung thêm chừng nửa năm nữa để có thời gian cùng nhau nghiên cứu, kết hợp các môn phái với nhau sao cho thật hiệu quả nhất, đạt tính ứng dụng cao nhất. Kết quả của chủ trương này chính là nền tảng của dòng võ thuật CAND Việt Nam hiện tại.

Và cũng chính giai đoạn này, các bài võ 44 và 38 động tác ra đời, cho đến nay vẫn được sử dụng trong huấn luyện và biểu diễn ở tất cả các đơn vị trong lực lượng CAND.--PageBreak--

Nhưng đấy là về sau. Còn trong thời gian học chuyên gia, ông Cửu cho rằng đó là thời gian khổ luyện vất vả nhất trong đời võ học của ông cũng như của các đồng nghiệp - đồng môn. Mùa đông cũng như mùa hè, anh em quần nhau tới độ tấm đệm lót sàn gần như lúc nào cũng ướt. Chuyên gia giám sát chặt chẽ tới mức mồ hôi chảy từ trên đầu xuống mặt cũng chỉ dám lắc lắc cho rơi xuống sàn chứ không được phép lấy tay quệt. Chỉ cần giơ tay lên quệt mồ hôi là mất kiểm soát, mất chủ động, dính đòn ngay.

Tập tành thì như thế, nhưng thời chiến, chế độ chẳng là bao. Cơm nhiều hôm phải ăn độn ngô, thức ăn thì quanh năm lạc rang, cá khô. Cả tuần may ra được một, hai bữa thịt. Đường Hoa Mai một cân, sữa bột năm lạng nhưng chảy nước, vón cục là chuyện thường…

Khó khăn thì chẳng kể hết, nhưng lính trẻ thì bất chấp hết, tập hăng lắm. Thế rồi thì tai nạn, chấn thương liên tục. Người thì đánh mộc nhân (đánh cây gỗ) đến mức vỡ mao mạch bàn tay, tiểu tiện ra máu. Có anh em thì chặt gạch hăng quá, chặt vỡ 2 viên gạch một lúc rồi tay bổ xuống đế bê tông bên dưới, gãy tay. Còn chấn thương, sai khớp, bong gân thì như cơm bữa…

Chuyên gia nước ngoài thì một là ngôn ngữ bất đồng, hai nữa là cũng không phải nhiệm vụ của họ, nên lúc tập có anh nào bị chấn thương thì chỉ có tự khiêng ra mà giải quyết với nhau, họ chỉ quan tâm tới việc dạy thôi. Y tế của trường cũng chẳng giúp được gì nhiều. Chính trong hoàn cảnh ấy, võ sư trẻ Trần Ngọc Cửu đã bắt đầu manh nha với suy nghĩ tại sao không tìm cách tự giải quyết những chấn thương ấy, trước mắt là trong luyện tập, cho anh em đỡ đau đớn, huấn luyện hiệu quả hơn?

Kết thúc đợt tập trung huấn luyện, ông Cửu được phân công về làm công tác huấn luyện võ thuật của Trường đại học Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân). Ông bắt đầu có nhiều điều kiện hơn để nghiên cứu, ứng dụng bấm huyệt kết hợp với các bài thuốc dân gian để giải quyết tại chỗ một số ca chấn thương, điều trị cho học viên. 14 khóa đào tạo của trường, từ K6 đến K20, nhiều lớp học trò của ông nay đã trưởng thành trên các cương vị.

Trong giai đoạn này, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là chuyến đi khảo sát, nghiên cứu võ thuật phía Nam, ngay khi đất nước vừa hoàn toàn giải phóng theo chủ trương của lãnh đạo Bộ. Chuyến đi này, ông được tiếp xúc với không ít cao nhân giỏi cả về y thuật lẫn võ thuật của nhiều vùng đất có tiếng võ học, trải dài từ Huế vào đến Kiên Giang, Cà Mau và đặc biệt là Bình Định. Vừa có tư thế quân giải phóng, vừa đem lễ nghĩa của người võ học, quân tử ra đối đãi, không ít võ sư phía Nam trước vốn có thái độ không thiện cảm, đã quay ra hợp tác và truyền thụ tinh hoa võ học của họ cho ông.

Các "chiêu" độc như chữa tác động huyệt khi chảy máu cam hay chữa mẹo khi bị tác động tụt tinh hoàn vào bên trong (mà dân học vũ thuật thường đùa nhau là bị "thọt hạt lên cổ)… mà ông học được sau này đã chứng minh hiệu quả không ngờ trong nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, phải sau khi được điều từ giáo viên khoa vũ thuật quân sự của trường về Phòng Y học dân tộc thuộc Cục Y tế vào năm 1984, chính là Bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an bây giờ, ông mới thực sự dành hết tâm lực cho việc nghiên cứu bấm huyệt, châm cứu và dùng các bài thuốc đông y, dân gian kết hợp cho điều trị chấn thương và các bệnh thường gặp.

Không chỉ tự nghiên cứu sách vở, ông còn cất công vào tận Trường Quân y 103, nay là Bệnh viện Quân y 103 xin được học về giải phẫu người. Hơn một năm trời, cứ ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật người ta lại thấy ông lóc cóc đạp xe vào Hà Đông chỉ để xem lá lách nằm ở đâu, quả tim đập thế nào…

Truyền thụ

Về hưu đã gần 20 năm nay, vừa có điều kiện nghiên cứu, vừa thực hành, ông bảo mong muốn lớn nhất của cả đời võ thuật, y thuật của mình là đem những kiến thức ấy ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn luyện tập, chiến đấu, giảm bớt chấn thương, tăng cường sức khỏe, sức chiến đấu cho anh em cán bộ chiến sĩ trong lực lượng.

Thế còn giúp chữa cho nhân dân xung quanh trong vùng và những người biết đến ông mà tìm đến thì nhiều, ông chẳng nhớ hết. Xuân Trường, chủ cửa hàng hoa lớn nhất chợ Quảng An, nhà có 3 người đau cơ, đau thần kinh các loại đều qua tay ông Cửu mà khỏi. Cảm cái tâm đức của ông, anh Trường muốn xin nhận ông làm bố nuôi. Nhưng ông Cửu bảo với tôi rằng ông không đồng ý, vì rằng bây giờ ông già rồi, nhận bố con rồi sau này lại phải có nghĩa vụ này kia, mệt cho "nó". Cứ chú cháu, quý mến nhau là được rồi. Cầu kỳ làm gì. "Nó" tức là anh Trường.

Bây giờ, ở nhà rảnh rỗi thời gian, hai ông bà lại tập ngồi thiền. Ông bảo, ngồi thiền vận khí, giải quyết được khối bệnh. Cả một đời võ thuật, y đạo, ông Cửu nghiệm ra rằng, có bệnh không thể không thuốc. Nhưng không phải cứ thuốc là tốt. Đối với không ít loại bệnh, bấm huyệt hay châm cứu đả thông kinh mạch còn tốt hơn thuốc. Gốc rễ của điều trị mọi bệnh tật là phải cân bằng được các yếu tố, thành phần liên quan. Một khi cơ thể, cuộc sống được cân bằng, tự khắc mọi bệnh tật sẽ không còn đáng sợ nữa

Việt Ba
.
.