Vụ bê bối tình ái – điệp viên từng chấn động nước Anh
Cũng không có gì khó hiểu khi bê bối tình ái của các chính trị gia và các điệp viên luôn là chủ đề nóng trên truyền thông và phim ảnh bởi thân phận đặc biệt của họ tự nó đã có sức hấp dẫn công chúng.
Bằng chứng là đã có hàng loạt các bộ phim về chủ đề này trở thành "hiện tượng phòng vé" như: “The War Room” (1993) tường thuật lại bê bối giữa Tổng thống Bill Clinton và người mẫu Gennifer Flower, “Client 9” (2010) ghi lại scandal mua dâm của cựu thị trưởng New York, “Weiner” (2016) xoay quanh những tấm ảnh nóng của cựu nghị sĩ Anthony Weiner…
Kể cả những bê bối tình ái từ thời Chiến tranh Lạnh, cách nay nhiều thập niên nhưng khi dựng thành phim vẫn thu hút khán giả. Cho mãi đến năm 2020, mối quan hệ tay ba xảy ra tại Anh từ thập niên 60 giữa người mẫu trẻ Christine Keeler, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh John Profumo và sĩ quan điệp báo Liên Xô Yevgeny Ivanov, vẫn được các nhà làm điện ảnh đưa vào series phim “Trial of Christine Keeler” và gần như ngay lập tức trở thành hiện tượng khi được trình chiếu trên kênh HBO Max.
Cô người mẫu làm khuynh đảo chính trường Anh
Xinh đẹp và nóng bỏng, đó là những miêu tả chính xác nhất về Christine Keeler. Cô người mẫu ấy hấp dẫn đến độ, nhiều thập kỷ sau đó, những bức ảnh của cô vẫn được rao bán. Tờ Daily Mail trích lời của một chuyên gia tại nhà bán đấu giá Sworders, Anh cho rằng, "đó là các bức ảnh rất ấn tượng" và "Keeler là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời điểm đó".
Nhưng đời cô thì rất bất hạnh. Sinh năm 1942 tại vùng Uxbridge, Middlesex, Anh trong một gia đình không hạnh phúc, khi cô bé mới 3 tuổi, cha của Christine là ông Colin King đã bỏ rơi cả gia đình.
Mẹ cô, bà Julie Ellen Payne, sau đó tái hôn với chồng mới là Edward Huish, kinh tế của gia đình vẫn khó khăn, đến nỗi 3 người phải sống trong một “căn nhà” được ghép lại từ 2 toa tàu bỏ không. Christine bị bỏ bê, không được chăm sóc và bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng đến mức nhà trường phải tài trợ cho cô một chuyến đi dưỡng bệnh lúc cô bé mới lên 9.
Khi vừa bước vào tuổi thiếu niên, cô gái trẻ bị gã cha dượng cùng đám bạn đồi bại lạm dụng tình dục và buộc phải bỏ nhà đi khi mới 15 tuổi. Sau 2 năm làm người mẫu ở London, Christine sinh con ở tuổi 17 với một người lính Mỹ, nhưng đứa bé mất khi mới được 6 ngày tuổi.
Mùa hè năm 1959, Christine xin được công việc chạy bàn cho một nhà hàng ở phố Baker, London. Tại đây, nhờ các mối quan hệ có được trên bàn rượu, cô gái trẻ đã được làm quen với ông chủ vũ trường Murray là Percy Murray. Nhận thấy có thể hốt bạc được nhờ thân hình quyến rũ của cô hầu bàn, ông Murray đã thuê Christine làm vũ nữ thoát y cho vũ trường của mình.
Người mẫu Christine Keeler. |
Tại vũ trường, Christine quen biết bác sĩ nắn xương kiêm họa sĩ danh tiếng Stephen Ward - một con người tài hoa, có mối quan hệ thân thiết với giới tinh hoa ở London. Nhanh chóng bị Stephen Ward hút hồn, một thời gian ngắn sau đó, Christine đã trở nên rất thân thiết với Stephen và chuyển đến sống cùng anh.
Tuy nhiên theo như cô kể lại trong cuốn hồi kí “Secret and Lies” (Bí mật và những lời nói dối), hai người không hề có quan hệ tình cảm mà thực tế chỉ là bạn thân, và Stephen là một điệp viên hai mang, phục vụ cho cả MI-5 lẫn KGB.
Vài tháng sau đó, Christine rời đi và trở thành tình nhân của tay buôn bất động sản Peter Rachman rồi ở chung với Mandy Rice-Davies, cũng là vũ công ở vũ trường Murray. Hai cô gái bỏ việc và quyết định theo đuổi nghề người mẫu nhưng đều không thành công.
Trong quãng thời gian này, cho dù cô sống chung với rất nhiều người bạn trai khác nhau, Christine vẫn trở về với Stephen - người luôn chăm lo cho cô gái trẻ như một người anh trai. Có lẽ Christine cũng không thể ngờ được sau này chính cô sẽ góp phần gây ra cái chết oan ức của người bạn thân.
Stephen đưa Christine đến một bữa tiệc tại dinh thự Cliveden của Tử tước Astor vào đầu tháng 7-1961. Cùng lúc đó, nam tước cũng cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh John Profumo và phu nhân mượn dinh thự để tổ chức một bữa tiệc vinh danh thủ tướng Pakistan Ayub Khan.
Buổi chiều hôm đó, những vị khách của cả hai bữa tiệc tụ tập tại bể bơi của dinh thự, và chính tại đây Bộ trưởng John đã gặp gỡ Christine. Nhận thấy cơ hội hiếm có, Stephen đã giới thiệu Christine, lúc đó vừa đi bơi về và chỉ quấn trên mình hững hờ một chiếc khăn tắm, với bộ trưởng.
Nhiều năm sau, ông John đã kể lại với con trai rằng Christine là một cô gái “rất xinh đẹp và ngọt ngào”. Lúc đó, Christine không hề biết John là bộ trưởng nhưng cô rất ấn tượng với ông vì ông là… chồng của nữ diễn viên nổi tiếng Valerie Hobson. Còn John Profumo đã mê đắm Christine ngay từ phút đầu tiên.
Cuộc vui lúc này còn có cả tuỳ viên hải quân Liên Xô Ivanov. Sau đó, Stephen nhờ sĩ quan Ivanov đưa Christine quay lại London. Trên quãng đường về, cô gái đã nhanh chóng quyến rũ Ivanov và hai người nhanh chóng trở thành tình nhân.
Cựu Bộ trưởng Bộ Chiến tranh John Profumo. |
Kế hoạch ngọt ngào
Vào ngày 12-7-1961, Stephen - một sĩ quan tình báo MI-5 đội lốt bác sĩ - đã báo cáo toàn bộ sự việc với cấp trên. Kế hoạch ban đầu của MI-5 là để Stephen xui khiến người bạn xinh đẹp Christine quyến rũ Ivanov để chiêu hàng điệp viên Liên Xô, nhưng việc Bộ trưởng John cũng phải lòng Christine là một sự cố MI-5 không ngờ tới. Vụ việc nhanh chóng được báo cáo với giám đốc MI-5 Roger Hollis để chờ xử lý.
Giữ đúng lời hứa của mình, John liên hệ với người đẹp vài ngày sau bữa tiệc. Nhiều nhà sử học đã tranh cãi về thời gian hai người bên nhau; một số tin rằng cuộc tình chỉ kéo dài có vài tuần trong khi số khác khẳng định mối quan hệ chấm dứt khoảng nửa năm sau đó.
Christine nhận xét rằng mối quan hệ của cô với bộ trưởng không hề lãng mạn mà chỉ thuần tuý là lợi dụng, tuy nhiên ông John cũng có ý muốn gắn bó với tình nhân trẻ, bằng chứng là ông có lần đã định mua nhà cho Christine.
20 năm sau, trong một cuộc nói chuyện với con trai, John đã mô tả Christine là một cô gái “hoàn toàn không hề được giáo dục, chỉ biết nói chuyện về phấn son, tóc tai và đĩa nhạc”.
1 tháng sau, người đứng đầu Nội các Norman Brook đã gọi John lên nói chuyện vì giám đốc MI-5 đã cảnh báo ông Brook về mối quan hệ của Bộ trưởng John với Stephen. Cụ thể hơn, ông Brook đã khuyên John nên dần dần tách khỏi Stephen vì MI-5 vẫn chưa thể tin tưởng Stephen. Ngoài ra, dường như ông Brook đã nhờ John hỗ trợ MI-5 chiêu hàng Ivanov, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Chiến tranh đã từ chối.
Cho dù người đứng đầu Nội các không hề nhắc đến Christine, nhưng dường như John nhận ra cấp trên của mình có biết chuyện và ngay chiều hôm đó, John gửi cho Christine một lá thư để huỷ hẹn với cô. Nhiều nhà sử học tin rằng bức thư đó đã chấm dứt mối quan hệ hai bên, nhưng riêng Christine cho biết John chia tay với cô sau đó vì cô muốn tiếp tục sống chung với Stephen.
Có thể nói đây là một bước đi tỉnh táo của John vì trong những năm 1960, sau hàng loạt bê bối tình báo chấn động, chính phủ Anh quyết định sẽ thẳng tay trừng phạt bất kì quan chức nào có liên quan đến những scandal tương tự.
Sĩ quan tình báo đội lốt bác sĩ Stephen Ward. |
Vào tháng 12-1962, Christine hẹn hò với Aloysius Gordon và Johny Edgecombe cùng một lúc. Trong cơn ghen tuông, Johny đã đến tận nhà Christine đòi gặp mặt bạn gái, và khi Christine từ chối, hắn đã nổ súng.
Tuy không có thiệt hại về người, nhưng Christine đã rất sợ hãi và khi tâm sự với nghị sĩ Lewis, cô đã tình cờ nhắc đến những mối quan hệ phức tạp của mình với nhiều người đàn ông, trong đó có cả Bộ trưởng John. Nghị sĩ John Lewis vốn có mối thù rất sâu đậm với Stephen Ward đã lập tức nhận ra chân tướng sự việc và báo lên cấp trên để bắt đầu điều tra.
Cùng lúc này, báo giới cũng bắt đầu điều tra Christine sau vụ nổ súng gây chấn động, và phát hiện ra mối quan hệ của cô gái trẻ với Bộ trưởng. Do chính phủ Anh có truyền thống giữ kín đời tư của các chính trị gia nhằm đề phòng các hành vi bôi nhọ, vụ việc vẫn được giữ kín tới tận tháng 3-1963.
Chủ tịch Đảng Lao động George Wigg, với lý do lo ngại cho an ninh quốc gia, đã báo với Nội các những tin đồn xung quanh mối quan hệ của John và Christine. Trước toàn thể Nội các, Bộ trưởng George đã khẳng định mình không hề có bất kì quan hệ nào với Christine Keeler và dọa kiện bất kì tờ báo nào lan truyền tin giả.
Thế nhưng, nhiều tờ báo bắt đầu đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi về vụ ngoại tình của bộ trưởng và 3 tháng sau, John bị tước đi tất cả mọi chức vụ do khai man trước Nội các. Vụ bê bối này dẫn đến rung chuyển chính phủ, lúc đó đang bị thống trị bởi đảng Bảo thủ và trong cuộc bầu cử năm 1964, đảng Lao động đã đánh bại đảng Bảo thủ một cách dễ dàng.
Sau khi mất chức, John trở thành tình nguyện viên cho quỹ Toynbee Hall - một tổ chức từ thiện hỗ trợ người nghèo ở London. Sử dụng tài năng thương thuyết, sức cuốn hút bẩm sinh và những mối quan hệ của mình, John đã mang đến cho quỹ Toynbee Hall những khoản tài trợ khổng lồ. Ông gắn bó với tổ chức từ thiện này suốt phần đời còn lại, bắt đầu từ vị trí tình nguyện viên, quản lý, thành viên hội đồng quản trị và cuối cùng là chủ tịch.
Nỗ lực chuộc lỗi của John đã được ghi nhận và ông được trao tặng Huân chương năm 1975, còn cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã gọi John là một người hùng cũng như mời ông đến dự sinh nhật lần thứ 80 của mình năm 1975. Ông cũng được vợ tha lỗi và hai người bên nhau đến tận khi bà Valerie mất năm 1998 ở tuổi 81. Cựu Bộ trưởng qua đời năm 2006 sau một cơn đau tim, thọ 91 tuổi.
Sau vụ bê bối, Christine phải ra toà cuối năm 1963 vì khai man nhằm đổ tội hành hung cho bạn trai cũ Aloysius Gordon và phải chịu án 9 tháng tù. Trong nhiều năm sau đó, Christine liên tục xuất hiện trên truyền hình, trả lời phỏng vấn báo chí và xuất bản sách kể lại cuộc đời mình, tuy nhiên những câu chuyện của cô thường xuyên thay đổi và rất không thống nhất.
Tuy có 2 con trai từ hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi trong những năm 1960-1970, nhưng Christine lại phải sống neo đơn trong suốt nhiều năm trong cảnh nghèo khó đến tận khi qua đời vào năm 2017.
Hai năm sau đó, năm 2019, những bức ảnh ngực trần của Christine bất ngờ xuất hiện tại Anh và tiếp tục gây bão. Những bức hình ngực trần này được cho là chụp ngay sau khi bê bối xảy ra và Christine một lần nữa nổi như cồn, dù chỉ còn là hình hài trên những bức ảnh.