Vụ phục kích Tongo Tongo và những hệ lụy
Kết quả là 4 lính Mỹ chết, 2 bị thương; lính Niger 5 chết, 8 bị thương. Về phía ISGS, 21 tay súng bỏ xác tại trận.
Vụ phục kích đã gây ra một cơn địa chấn chính trị trong lòng nước Mỹ, bởi lẽ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Niger, nhóm Mũ Nồi Xanh ở Niger chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Niger chứ không phải để trực tiếp tham gia vào các hoạt động chiến đấu…
Bài 1: Bối cảnh vụ phục kích
Sự có mặt của người Mỹ ở Niger
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 1-2003, Bisa Williams, Đại sứ Mỹ tại Niger trong một cuộc họp với Tổng thống Niger là ông Mahamadou Issoufou, đã đề nghị Chính phủ Niger cho phép Mỹ thành lập một căn cứ tại quận Diori Hamani, thủ đô Niamey, Niger, dùng làm nơi xuất phát của loại máy bay không người lái MQ-9 Reaper với nhiệm vụ trinh sát các hoạt động khủng bố của tổ chức al-Qaeda ở khu vực tây châu Phi. Những chiếc MQ-9 Reaper này không mang theo vũ khí. Lời đề nghị được Tổng thống Issoufou chấp thuận.
Ngày 5-2-2007, một văn bản nữa được ký kết giữa Niger và Mỹ, trong đó Niger cho phép Mỹ triển khai tiếp một căn cứ máy bay không người lái tại tỉnh Agadez vì lúc ấy, đang có một cuộc xung đột xảy ra ở quốc gia láng giếng Mali. Tổng số chuyên gia và lính Mỹ làm nhiệm vụ điều hành, bảo vệ 2 căn cứ nói trên là 600 người.
Cuối tháng 2-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý cho gửi thêm 150 lính Mỹ đến Niger để bảo đảm an ninh cho 2 căn cứ máy bay không người lái. Tháng 10-2015, Niger và Mỹ ký tiếp một thỏa thuận hợp tác chống khủng bố. Theo thỏa thuận này, Lực lượng đặc biệt Mỹ (thường được biết đến dưới cái tên Mũ Nồi Xanh - Green Berets) sẽ làm nhiệm vụ huấn luyện cho Lực lượng vũ trang Niger (gọi tắt là FAN).
Một máy bay không người lái MQ-9 Reaper tại căn cứ Diori Hamani, thủ đô Niamey, Niger. |
Tháng 10-2017, có khoảng 800 nhân viên quân sự Mỹ ở Niger. Ngoại trừ các nhóm Mũ Nồi Xanh, một phần trong số này là dân kỹ thuật, đảm nhận việc xây dựng căn cứ máy bay không người lái thứ 2 tại tỉnh Agadez, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018.
Từ 2 căn cứ ấy, máy bay không người lái MQ-9 Reaper sẽ tiến hành theo dõi các hoạt động của tổ chức khủng bố al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Đại Sahara (ISGS), Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm Boko Haram ở phía nam và bắc Niger bởi lẽ trước đó - tháng 2-2015 - Adnan Abu Walid al-Sahrawi, người phát ngôn, đồng thời cũng là lãnh đạo cao cấp của "Phong trào vì Sự tỉnh táo và Thánh chiến ở miền tây Châu Phi" (viết tắt là MUJAO), đã đứng ra thành lập Nhà nước Hồi giáo Đại Sahara (ISGS).
Sinh năm 1979 tại Laayoune, phía tây Sahara, al-Sahrawi là con của một gia đình làm nghề buôn bán gia súc, nông sản. 17 tuổi, ông ta gia nhập Mặt trận Polisario nhưng sau đó, al-Sahrawi ngả theo tổ chức khủng bố al-Qaeda rồi trở thành một trong những chỉ huy cao cấp của chi nhánh al-Qaeda ở Mali.
Đầu năm 2013, al-Sahrawi tự nhận là thủ lĩnh Hội đồng Mujahideen Shura ở Gao, Mali. Tháng 5-2015, sau khi MUJAO sáp nhập với tổ chức khủng bố al-Mourabitoun thì al-Sahrawi, đại diện cho 2 tổ chức này, đồng thời với tư cách là người sáng lập ISGS, thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Bakr al-Baghdadi lãnh đạo.
Lính Mũ Nồi Xanh và lính Niger trên đường đến làng Tongo Tongo. Ảnh của Mũ Nồi Xanh. |
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bakr al-Baghdadi lúc ấy ở Syria đã chấp nhận lời tuyên thệ của al-Sahrawi thông qua một tuyên bố trên trang mạng Amaq - là cơ quan thông tấn của IS - nhưng mãi đến ngày 30-10-2017, nghĩa là sau khi xảy ra vụ phục kích ở làng Tongo Tongo, Bakr al-Baghdadi mới chính thức công nhận ISGS là chi nhánh của IS tại Niger.
Theo các chuyên gia chống khủng bố Mỹ, có 3 yếu tố để trả lời câu hỏi vì sao phải mất 17 tháng, IS mới chính thức thừa nhận ISGS: Đó là ISGS đã chứng minh được thực lực của mình qua những vụ tấn công khủng bố, báo hiệu rằng ISGS không phải là một nhóm chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Đó là sự bại trận của IS ở Iraq, Syria và Lybia trong suốt năm 2016 đã tạo ra một lỗ hổng lớn về nhân lực và đó là sự xuất hiện của ISGS như lời khẳng định Nhà nước Hồi giáo luôn tồn tại ở khắp nơi, giống con rắn Hydra 7 đầu, chặt đầu này nó mọc ngay đầu khác.
Vụ khủng bố đầu tiên của ISGS diễn ra vào ngày 2-9-2016 khi một kẻ đánh bom tự sát cho nổ tung khối thuốc nổ giấu trong người tại một trạm hải quan ở Markoye, Burkina Faso, khiến 1 nhân viên hải quan và 1 dân thường thiệt mạng. Tiếp theo, ngày 12-10, ISGS nhận trách nhiệm vụ tấn công một đồn an ninh tại thị trấn Intagom, Burkina Faso, gần biên giới Mali, giết chết 3 cảnh sát.
Đến ngày 17-10, ISGS tập kích nhà tù Koutoukale ở Niger, cách thủ đô Niamey 50 km về phía tây bắc, nơi giam giữ các thành viên của tổ chức khủng bố Boko Haram và các chiến binh thánh chiến thuộc những nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhưng không thành công.
Theo Văn phòng điều phối nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA), ít nhất 46 vụ tấn công đã xảy ra kể từ đầu năm 2016 tại các vùng Tahoua và Tillabéri của Niger, cùng hơn 30 vụ đánh bom tự sát nhắm vào các lực lượng dân quân chính phủ Niger ủng hộ quân đội Pháp và đội quân gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia Burkina Faso, Mali và Niger.
OCHA cũng cho biết 7 quận nằm ở vùng Tahoua và Tillabéri đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 3-2017. Đến tháng 6-2017, Lực lượng vũ trang Niger (FAN) mới chỉ kiểm soát được Tillabéri sau khi đẩy lùi những tay súng ISGS.
Diễn tiến vụ phục kích
Ngày 3-10-2017, 10 lính Mũ Nồi Xanh, Mỹ cùng 1 nhân viên tình báo, 1 phiên dịch và 34 lính Niger thuộc Tiểu đoàn An ninh tình báo BSR lên đường đến làng Tongo Tongo thuộc tỉnh Tillabéri, Niger, để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin về nơi ẩn náu của Adnan Abu Walid al-Sahrawi, kẻ sáng lập, lãnh đạo ISGS, và Doundou Chefou, bí danh "Naylor Road", kẻ cầm đầu nhóm vũ trang ISGS ở tỉnh Tillabéri. Phương tiện di chuyển của họ gồm 2 xe quân sự, 1 xe Land Cruise và 1 xe chở thiết bị định vị điện thoại vệ tinh do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cung cấp.
Chỉ huy nhóm Mũ Nồi Xanh trao đổi với chỉ huy nhóm Niger lúc rút ra khỏi làng Tongo Tongo. Ảnh của Mũ Nồi Xanh. |
Tên đầy đủ của Chefou là Ibrahim Doundou Chefou. Trước khi gia nhập ISGS, Chefou là học giả Hồi giáo, chuyên diễn giải kinh Q'ran theo hướng cực đoan. Lúc còn ở biên giới giữa Niger và Mali, Chefou đã ra lệnh chặt tay ít nhất 70 nông dân vì tội ăn trộm gia súc. Khi đã trở thành người đứng đầu nhóm vũ trang ISGS ở tỉnh Tillabéri, tính hung bạo của Chefou lại càng được dịp phát huy.
Quan điểm của ông ta là "không bắt tù binh, chỉ có giết" còn đối với kẻ thù đã chết trong các cuộc giao tranh, Chefou chỉ đạo những tay súng dưới quyền: "Cho chúng nó chết thêm lần nữa" bằng cách bắn bồi.
Ngày 4-10, tại làng Tongo Tongo, lính Mũ Nồi Xanh và lính Niger gặp gỡ các lãnh đạo thuộc Hội đồng làng. Trong cuộc gặp, đại úy Michael Perozeni, chỉ huy nhóm Mũ Nồi Xanh đề nghị trưởng làng là Mounkaila Alassane cung cấp thông tin về nơi ở của một nhân vật được cho là liên lạc viên của al-Sahrawi, cũng như nơi ở của Doundou Chefou. Tuy nhiên, có vẻ như Hội đồng làng Tongo Tongo cố tình trì hoãn nhằm kéo dài thời gian của lính Mỹ bằng cách trả lời là phải đợi một người biết rõ khu vực gã liên lạc viên đang sống vì người này ở khá xa làng.
Trung sĩ Tim Backerley, một trong 6 lính Mũ Nồi Xanh được bố trí bên ngoài phòng họp để bảo vệ đoàn xe kể lại: "Dưới ánh nắng gay gắt, không gian xung quanh tôi rất yên tĩnh nhưng đột nhiên có tiếng động cơ nổ giòn rồi 2 chiếc xe gắn máy chở 4 người đàn ông phóng như bay ra khỏi làng. Nhưng vì họ không mang súng và chúng tôi cũng không được lệnh kiểm tra họ nên cả nhóm chỉ nhìn theo…".
Đại úy Michael Perozeni, chỉ huy nhóm Mũ Nồi Xanh nói: "Thời điểm ấy, tôi thấy tình hình trở nên phức tạp. Việc "câu giờ" của Hội đồng làng Tongo Tongo khiến tôi có linh cảm đây là một cái bẫy của ISGS; nên thay vì chờ đợi để gặp được kẻ biết rõ khu vực gã liên lạc viên đang sống, tôi chào mấy người trong Hội đồng rồi ra lệnh cho tất cả quay lại xe".
Vài phút sau, 4 chiếc xe chở 12 lính Mũ Nồi Xanh và 34 lính Niger trở về căn cứ ở tỉnh Tillabéri. Cùng lúc ấy, cách họ khoảng 2km, 50 tay súng ISGS trên 30 chiếc xe gắn máy, vũ trang bằng tiểu liên AK, trung liên RPD, súng phóng lựu RPG (thường được gọi là B40) và súng cối 60mm, do Doundou Chefou chỉ huy, lao về phía con đường mà lính Mỹ và lính Niger sẽ đi qua.
Sau này, khi tiến hành điều tra hiện trường vụ phục kích cùng lời tường thuật của những người còn sống, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) biết rằng các tay súng ISGS đã đến địa điểm phục kích trước đoàn xe khoảng 10 phút. Tại đó, họ đặt súng cối, chuẩn bị phần tử bắn, đồng thời sắp xếp vị trí khai hỏa cho những kẻ sử dụng súng phóng lựu RPG.
12 giờ 27 phút, 4 khẩu phóng lựu RPG đồng loạt bắn vào 2 chiếc xe chở quân đi đầu - trong đó có 2 quả đạn trúng đích khiến cả 2 xe bốc cháy. 3 trong số 34 người lính Niger ngồi trên 2 xe này chết ngay tại chỗ. Ougadi, một lính Niger bị thương trong cuộc phục kích kể lại: "Vừa dứt tiếng nổ, bọn ISGS lùa một đàn bò hơn 50 con về phía chúng tôi rồi chúng theo đám mây bụi do đàn bò tạo nên, vừa chạy vừa bắn".
Mất tinh thần vì bất ngờ và hoảng sợ, một số lính Niger mạnh ai nấy tháo thân. Abdullah Yusuf, cũng là lính Niger nói: "Tôi không phân biệt được tiếng súng của tụi ISGS xuất phát từ hướng nào vì tất cả quá hỗn loạn. Trườn dưới làn đạn, tôi đến được chiếc Land Cruiser rồi nấp sau bánh xe cùng với mấy lính Mỹ. May mắn là đám bụi do đàn bò tạo ra dày đặc nên những tên giữ súng cối không nhìn rõ mục tiêu. Chúng không bắn vì sợ bắn nhầm đồng bọn".
Về phía Mũ Nồi Xanh, Đại úy Michael Perozeni và trung sĩ phụ trách truyền tin Brent Bartels bị thương ngay từ những loạt đạn đầu tiên. Dùng chiếc Land Cruiser và xe chở thiết bị định vị điện thoại vệ tinh làm công sự phòng thủ, lính Mũ Nồi Xanh tổ chức chống trả.
Trung sĩ truyền tin Brent Bartels nói: "Vũ khí của chúng tôi chỉ là những khẩu tiểu liên HK34 còn lính Niger thì trang bị súng AK nên hỏa lực áp đảo vẫn thuộc về bọn ISGS. Chúng bắn như vãi đạn…". Sau này, hình ảnh từ máy quay video gắn trên mũ của một lính Mũ Nồi Xanh cho thấy những tay súng ISGS chiếm thế thượng phong ngay từ đầu…
(Còn nữa)