Yêu nước, thương dân là gốc rễ đạo đức Hồ Chí Minh
Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học lớn, ông đã từng có nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm viết về văn hóa, đạo đức; ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Chúng tôi đã may mắn có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn Giáo sư về đạo đức Hồ Chí Minh - một vấn đề hệ trọng mà Đảng ta đang triển khai thành cuộc vận động lớn: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- P.V: Hiện nay Đảng ta đang phát động Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động này đã có những tác động gì đến lối sống của nhân dân ta, thưa GS?
- G.S Vũ Khiêu: Cuộc vận động đã được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trên mọi miền của đất nước cũng như ở mọi ngành, mọi cấp, ở mỗi tầng lớp xã hội. Cuộc vận động đã thức tỉnh mọi người, từ trong mọi hoàn cảnh, thấy rõ được tầm tư tưởng rộng lớn, tình cảm bao la và những hành vi sáng ngời đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kết quả đạt được có thể gọi là to lớn nhưng dù sao vẫn chỉ ở bước đầu.
Tôi nghĩ rằng, trong năm nay, việc giáo dục, động viên nhân dân Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ được tiến mạnh hơn nữa, đi vào chiều sâu hơn, tạo được chuyển biến căn bản trong toàn bộ lối sống của con người và củng cố vững chắc kết quả học tập Bác Hồ trên một nền tảng thực sự vững chắc.
- P.V: Theo Giáo sư, đạo đức Hồ Chí Minh được xây dựng trên những nền tảng nào?
- G.S Vũ Khiêu: Đạo đức của Hồ Chí Minh không phải do tự nhiên, không phải do tiếp thu lời dạy của thánh hiền mà có và cũng không phải do đọc sách Mác - Lênin mà có. Quá trình tạo nên ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đạo đức tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc và nhân loại, là một quá trình đầy gian nan, thử thách. Hồ Chí Minh sẽ không thể trở thành lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta, không thể trở thành ngọn cờ của đạo đức trong thời đại ngày nay, nếu như Người không sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt của một gia đình yêu nước và một quê hương anh hùng, nếu như Người không được chứng kiến nỗi đau khổ của nhân dân trước sự áp bức tàn bạo của thực dân và phong kiến.
Lòng yêu nước và thương dân ngày một sâu sắc, đã đem lại cho Người quyết tâm sắt đá là quét sạch quân xâm lược và đánh đổ mọi thế lực cường bạo để đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điều quan trọng bậc nhất đã tạo nên đạo đức của Người và trở thành nền tảng tinh thần vững chắc nhất cho đạo đức ấy.
Đạo đức đó là gì? Trước hết, đó là lý tưởng sống của Người, là động cơ thôi thúc mọi ý nghĩ và việc làm của Người. Động cơ ấy không phải là lợi ích tầm thường của cá nhân, không phải hạnh phúc nhỏ hẹp của gia đình mà là độc lập và tự do, điều quý nhất ở trên đời. Đối với Hồ Chí Minh, động cơ đáng gọi là nền tảng của đạo đức ở Người chỉ có một điều này mà thôi. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ngày nay, muốn thực sự nắm được tinh thần đạo đức Hồ Chí Minh thì ít nhất phải có một chút ham mê như của Bác làm nền tảng cho đạo đức của mình đã. Nếu trong lòng mỗi người không có chút ham mê dù nhỏ bé nào của Hồ Chí Minh thì làm sao có thể với tới đạo đức của Người được?
Nếu như trong lòng mỗi người đã chứa đầy những ham mê ích kỷ, xấu xa ngược hẳn với ham mê của Hồ Chí Minh, nếu như ham mê của mình chỉ là danh lợi, địa vị, chỉ là nhà cao, cửa rộng, chỉ là tiền gửi ngân hàng... trong lòng còn chút nào dành cho lòng ham mê đối với danh dự Tổ quốc, với sự phồn vinh của đất nước và với hạnh phúc của đồng bào.
Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ Tịch (tháng 5/1956) |
- P.V: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất quan tâm đến người tốt, việc tốt, đọc báo thấy có tấm gương tốt tiêu biểu là Người biểu dương và tặng huy hiệu cho những người ấy. Giáo sư thấy ý nghĩa việc làm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
- G.S Vũ Khiêu: Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo toàn thể nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám, lại cùng với nhân dân chiến đấu kiên cường, bất khuất qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Lòng ham muốn tột bậc của Bác Hồ lúc đó cũng là lòng ham muốn sâu sắc của toàn thể nhân dân vì độc lập của Tổ quốc và vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người tốt và việc tốt là những điều mà toàn dân quý trọng và theo gương, những điều mà mọi người cùng ham mê thực hiện.
Ngày nay, những người tốt và việc tốt đều là những hiện tượng đáng yêu quý, đáng kính trọng trong xã hội ta, nhưng riêng đối với những người chẳng có chút ham mê nào như của Bác đối với lợi ích chung của dân tộc, đối với tiền đồ của đất nước, đối với việc xóa đói, giảm nghèo, đối với cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của đồng bào yêu quý thì thử hỏi trong lòng họ, họ thiết gì quan tâm đến việc người tốt và việc tốt.
- P.V: Theo Giáo sư thì ngày nay nên làm như thế nào để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đi vào chiều sâu của lòng người và trở thành bền vững?
- G.S Vũ Khiêu: Tôi nghĩ rằng những điều mà Bác Hồ đã răn dạy, những chủ trương giáo dục của Đảng về đạo đức, việc học tập và giảng dạy trong nhà trường, cuộc sống lành mạnh trong mỗi gia đình đều phải được huy động để thực hiện một cách đồng bộ và đầy đủ.
Trong mỗi gia đình, ngay từ khi những đứa trẻ mới ra đời đã phải ngăn chặn xu hướng ích kỷ của chúng. Phải ngay từ đầu, vừa dạy cho các cháu lòng yêu quý cha mẹ, ông bà, vừa mở rộng lòng yêu thương ấy đối với bè bạn của chúng, dạy chúng biết quý trọng họ hàng, biết xót thương trước mọi sự thiếu thốn, vất vả và đau khổ của người khác. Đạt được điều này, đứa trẻ lớn lên sẽ cảm thấy niềm vui khi làm được việc có ích cho những người xung quanh và bước đầu xác định trong cuộc đời của chúng một niềm ham mê tích cực theo hướng của Bác Hồ. Nghĩa là ham mê phát triển trí tuệ, tài năng để phục vụ nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, vinh dự của dân tộc Việt Nam. Có một chút ham mê như của Bác, là có được một miếng đất thuận lợi, một nền tảng để gieo trên đó những mầm non của đạo đức Hồ Chí Minh.
Nếu có được cuộc sống đạo đức trong gia đình như thế, thì tất cả cán bộ, công nhân viên, những người làm việc trong cơ quan, đoàn thể mới có thể đoàn kết, thương yêu nhau, mới xác định được trách nhiệm chung đối với đơn vị công tác cũng như đối với lợi ích của cả dân tộc. Có như thế mới dần dần củng cố được lòng tin yêu lẫn nhau, mới cùng hứng thú trước những mẩu chuyện người tốt, việc tốt, mới biến trách nhiệm của mình thành một ham mê trong cuộc sống hàng ngày. Có như thế mới tạo nên được một dư luận lành mạnh, biết lên án và khinh bỉ những hành vi tham ô, gian lận, cùng mọi tệ nạn xã hội, gây tổn hại đối với đất nước. Có như thế mới nảy sinh từ trong lòng mình ý nguyện học tập Bác và làm theo tấm gương của Bác.
Nếu trong gia đình cũng như ở mỗi cơ quan, đoàn thể, những người có trách nhiệm không nghĩ tới điều này mà lại chỉ vun vén bản thân, làm gương xấu cho người khác, nhất là cho con cháu mình thì tác hại sẽ khôn lường. Nếu cha mẹ trong gia đình chỉ nêu gương xấu đối với con cái bằng cách dung túng cho chúng cuộc sống ích kỷ, ăn chơi, hưởng lạc, thì làm sao lớn lên, các cháu có thể tránh được sự sa ngã và hư hỏng, còn nói gì đến học tập và làm theo gương đạo đức của Bác Hồ?
Trong những gia đình sống theo kiểu nói trên thì mỗi việc làm của gia đình ấy đều tạo nên một sự ngăn cách giữa cuộc sống của những con người trong gia đình với đạo đức của Bác Hồ. Mỗi việc làm mất đạo đức của họ đều là những nhát cuốc bổ vào hạnh phúc của gia đình, đều đẩy con cái đi vào tội lỗi, tước bỏ ở bản thân mình và ở con cái mình những phẩm chất cao quý của những con người thực sự là người.
- P.V: Theo Giáo sư, để góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho việc học tập và noi gương Bác Hồ thì Đảng và Nhà nước ta nên có thêm những biện pháp gì?
- G.S Vũ Khiêu: Đảng ta từ ngày ra đời đã tranh thủ được sự đồng tình của quảng đại quần chúng, chính vì đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi đầy những phẩm chất kiên cường, bất khuất của những người cộng sản theo gương Bác Hồ. Mọi suy nghĩ và hành động của họ đều là sản phẩm tất yếu của niềm ham mê vô hạn đối với độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày nay, trong Đảng thực sự đã nảy sinh những người xấu, việc xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nhưng trên con đường tiến bộ của lịch sử, đặc điểm của Đảng là phải bao gồm những người sáng suốt nhất và kiên quyết nhất. Đó là quy luật phát triển của xã hội, là điều kiện tồn tại và vững mạnh của Đảng. Đảng nhất thiết sẽ kiên quyết gạt bỏ mọi phần tử thoái hóa để xứng đáng là ngọn cờ của nhân dân và dân tộc ta trong thời đại ngày nay.
Về mặt Nhà nước, tôi nghĩ rằng những năm tới phải là những năm bộ máy chính quyền sẽ được củng cố, sẽ gạt bỏ hết những phần tử thoái hóa để trở thành một Nhà nước trong sạch và vững mạnh của dân, do dân và vì dân.
Trước mắt, tôi nghĩ rằng, Nhà nước nên nghiêm túc thực hiện chức năng pháp quyền của mình. Đối với những kẻ tham nhũng, gian lận, sống giàu sang trên sự thiếu thốn và đau khổ của nhân dân, thì không thể răn dạy chỉ bằng tổ chức học tập lời nói và việc làm của Bác Hồ mà Nhà nước phải học tập Bác tấm gương kiên quyết của Bác trong thi hành pháp luật, thẳng tay trừng trị không thương tiếc đối với những kẻ đó.
Nói tóm lại, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải ngày càng đi vào chiều sâu với những biện pháp rất thiết thực và với sự tham gia đồng bộ của toàn Đảng, toàn dân từ trong cả xã hội và ở mỗi gia đình.
- P.V: Xin cảm ơn Giáo sư! Và chúc Giáo sư mạnh khỏe, có thêm nhiều công trình khoa học giúp đời!