Nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện Côn Minh (tháng 2/1945 - tháng 2/2015):

Những cuộc gặp gỡ khởi đầu quan hệ Việt – Mỹ

Thứ Ba, 17/02/2015, 12:25
Đầu năm 1945, tình hình chiến tranh thế giới biến động có lợi cho phe Đồng minh chống trục phát xít. Lúc đó quân đội Mỹ đang đóng tại Côn Minh để giúp Tưởng Giới Thạch chống Nhật, gồm có trụ sở của Không đoàn thứ 14 do tướng L.Chennault chỉ huy, Cơ quan phục vụ chiến lược OSS và Cơ quan cứu trợ không quân AGAS. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam và liên lạc với các đồng chí cách mạng ở Vân Nam nên lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định đi Côn Minh gặp phía Mỹ.

Tháng 1/1945, Người cùng đồng chí Phùng Thế Tài, Đinh Đại Toàn dẫn theo trung úy phi công Mỹ Shaw (được Việt Minh giải thoát khi máy bay bị rơi ở Cao Bằng) bắt đầu lên đường. Đến Côn Minh, anh em bố trí cho Người ở quán cà phê Đông Dương, số 76 đường Kim Bích do cơ sở cách mạng của ta, anh chị Minh Phương làm chủ.

Tại đây, Người đã đón Tết âm lịch Ất Dậu cùng bà con Việt kiều. Sau Tết, anh em bắt đầu tìm cách bắt liên lạc với phía Mỹ. Ngày 17/3/1945, nhân danh Việt Minh, lực lượng đã giải cứu phi công Shaw, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với Cơ quan AGAS tại tiệm cà phê.

Đại diện phía Mỹ là trung úy C.Fenn (người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo quân Đồng minh đang hoạt động trên đất Việt Nam) đã đưa đến nhiều bánh, rượu, thuốc men và cả tiền đôla để cảm ơn Việt Minh, song Người chỉ nhận thuốc mà không nhận tiền, Người trao đổi với Fenn bằng tiếng Pháp: “Chúng tôi là mặt trận Việt Minh có chiến khu, có quân đội, đứng bên cạnh Đồng minh chống phát xít. Quân đội chúng tôi còn rất nhỏ bé, chỉ có mấy thanh mã tấu và súng kíp. Giá bây giờ các bạn cho chúng tôi đổi những thứ này lấy súng đạn thì quý biết bao”.

Fenn kể lại trong nhật ký như sau: “Hồ cùng đến với một thanh niên tên là Fam (là Phạm Việt Tử). Hồ không như tôi tưởng. Trước hết ông chưa đến nỗi “già”, chòm râu không còn đen nữa, nhưng khuôn mặt khỏe mạnh và đôi mắt lấp lánh. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Tôi hỏi ông là ông muốn gì ở người Mỹ. Ông nói: Chỉ muốn họ công nhận tổ chức của ông. Tôi đã nghe phong thanh người này là cộng sản và tôi đã hỏi về điều đó. Hồ nói rằng người Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản. Tôi đã kể cho ông nghe về công việc của chúng tôi và hỏi ông có muốn giúp chúng tôi không. Hồ nói là họ có thể giúp được, nhưng không có người sử dụng điện đài và dĩ nhiên không có thiết bị gì cả. Chúng tôi thảo luận về việc tiếp nhận một điện đài, một máy phát và người sử dụng máy phát đó. Chúng tôi đã thảo luận về người Pháp. Hồ nhấn mạnh rằng Việt Minh chỉ chống Nhật. Giọng nói của ông rõ ràng, dứt khoát, gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Fam ghi chép. Chúng tôi thỏa thuận còn phải gặp nhau nữa. Họ đã ghi tên của họ bằng chữ Trung Quốc theo La tinh là Fam Fuc Pao và Ho Tchih Ming”.

Tiếp đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm đến cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ AOWI để thu thập những thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới. Người đọc nhiều tài liệu tiếng Anh từ báo Time đến Bách khoa toàn thư Mỹ. Ngày 20/3/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp Fenn lần thứ hai cũng tại tiệm cà phê. Theo yêu cầu của Người, Fenn nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, nhân viên truyền tin và hướng dẫn cho người Việt Nam biết cách sử dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và những lãnh đạo đội biệt kích Con Nai, năm 1945.

Fenn ghi trong nhật ký như sau: “Cuộc gặp với những người Việt Nam diễn ra trong một quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hình như ông chủ quán cà phê này là bạn của họ. Chúng tôi ngồi trên lầu và uống cà phê theo kiểu Pháp rất đặc và rất ngon. Gian phòng còn vắng nhưng Hồ nói là khách có thể vào. Ông già mặc một chiếc quần bông kiểu Tàu và một chiếc áo xanh đã ngả vàng cài khuy đến tận cổ. Đôi dép của ông là dép da thường thấy ở Đông Dương. Bộ râu thưa đã bạc, lông mày màu nâu sáng đã chuyển sang mầu xám ở phía trên, nhưng mái tóc hầu như vẫn còn đen tuy cũng đã bắt đầu ngả màu. Người thanh niên Fam mặc quần áo Tây, gò má cao, cằm bạnh. Chúng tôi thỏa thuận gọi người Trung Hoa là “bạn”, người Mỹ gọi là “anh em”, người Pháp gọi là “người trung lập”, người Nhật gọi là “bọn chiếm đóng”, người Việt Nam gọi là “người đồng hương”.

Vì không có người Việt Nam sử dụng được vô tuyến điện nên tất nhiên phải chọn người Trung Quốc... Tiếp đó chúng tôi bàn về sự trợ giúp, Fam nhắc lại “tiếng nổ lớn” mà Hall đã nói với anh ta. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là sau này chúng tôi có thể cung cấp thêm vũ khí phát sáng, thuốc men và điện đài khác. Người sử dụng máy móc riêng của chúng tôi có thể huấn luyện lại một số người của ông Hồ để sử dụng được các thứ đó. Hồ cũng muốn được gặp Chennault. Tôi thỏa thuận sẽ thu xếp cuộc gặp đó, nếu ông đồng ý không nói với Chennault bất cứ điều gì về sự ủng hộ và những hứa hẹn giúp đỡ. Hồ đồng ý. Cả hai người nói nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng mỉm cười. Chúng tôi cảm thấy, chúng tôi cư xử với nhau rất đẹp”. Ngày 23/3/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh lại gặp Fenn và một người Mỹ gốc Hoa tên là Ph.Tan.

Ngày 29/3/1945, vào lúc 11 giờ, tại tổng hành dinh Không đoàn 14, Hồ Chí Minh và phiên dịch là Phạm Việt Tử gặp tướng Chennault, một chiến tướng già dặn có vẻ mặt nghiêm nghị nhưng rất hòa nhã, có thêm Fenn và Bernard cùng tham dự.

Fenn ghi lại trong nhật ký: “Bernard và tôi có bổn phận đón Hồ vào 10 giờ 30 phút ngày 29/3 cho cuộc gặp vào lúc 11 giờ, khi chúng tôi có mặt ở ngoài cơ quan của Chennault thì chúng tôi được báo là tướng quân đang bận việc. Đúng lúc đó cô thư ký xuất hiện và quả quyết với chúng tôi là ngài còn bận chút xíu nữa thôi. Năm phút sau chúng tôi được dẫn vào phòng. Ở đó Bernard đã mang sẵn ra hai chiếc ghế, trong khi chính Chennault ngồi trên chiếc ghế thứ ba.

Một cảnh tượng kỳ lạ: Chennault trong bộ complê trang nhã có đính huân chương, Bernard trong bộ soóc bằng vải kaki, còn tôi trong bộ quần áo bằng vải gabađin và chiếc mũ cối thủy quân lục chiến. Ông già mặc chiếc áo ngắn tay dài tới đầu gối và đi xăngđan, Doreen trong bộ quần áo kaki. Chennault nói với Hồ là ông ta rất biết ơn về việc cứu người phi công. Hồ nói ông sẽ rất vui lòng giúp đỡ người Mỹ, đặc biệt là tướng Chennault - người mà ông rất ngưỡng mộ. Họ trò chuyện về những con hổ biết bay (chỉ các huyền thoại về đơn vị Không quân 14 được mệnh danh là phi hổ dưới quyền Chennault). Chennault rất hài lòng về việc ông già biết chuyện đó. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện về việc cứu phi công này”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt vấn đề chính: “Hiện nay phong trào du kích của chúng tôi rất phát triển nhưng vũ khí, thuốc men đều thiếu thốn. Chúng tôi đề nghị các ngài tạo điều kiện để hai nước chúng ta có đầy đủ điều kiện mau chóng đánh bại phát xít Nhật”. Tướng Chennault hoàn toàn ủng hộ ý kiến này của Người và hứa sẽ giúp đỡ. Kết thúc buổi gặp, Chennault tặng lãnh tụ Hồ Chí Minh một bức ảnh chân dung của mình với dòng chữ: Bạn chân thành của Ngài. Chennault.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và những lãnh đạo đội biệt kích Con Nai, năm 1945.

Ngày 31/3/1945, Chennault nói Fenn đi ôtô đến quán cà phê mời lãnh tụ Hồ Chí Minh đi họp. Trong buổi gặp này, Chennault đề nghị Người làm việc cho Mỹ ví dụ như tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trả lời: “Chúng tôi không phải người đi làm thuê. Chúng tôi là người cách mạng. Chúng tôi đánh Nhật, Đồng minh cũng đánh Nhật. Chúng tôi giúp Đồng minh thì Đồng minh phải giúp chúng tôi. Chúng ta bình đẳng với nhau...”. Tướng Chennault mở tiệc chiêu đãi lãnh tụ Hồ Chí Minh và các thành viên trong đoàn Việt Nam tại khách sạn. Lãnh tụ Hồ Chí Minh nói chuyện với các tướng Mỹ bằng tiếng Anh, với các tướng Tàu bằng tiếng Trung Quốc phổ thông. Cách vài hôm, lãnh tụ Hồ Chí Minh nói với anh em tổ chức chiêu đãi lại phía Mỹ ngay tại gác hai quán cà phê Đông Dương.

Ngày 10/4/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đoàn Việt Nam rời Côn Minh đi Bách Sắc, một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Tây. Tướng Chennault cho xe đến đón Người ra sân bay, cùng đi có hai người Mỹ là Tan và Maxim, phụ trách điện đài. Phía Mỹ đã tặng Người 6 khẩu súng ngắn, 2 vạn viên đạn, một số thuốc chữa bệnh. Tại Bách Sắc, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Chiến khu IV. Người đề đạt nguyện vọng lấy một số học viên vừa tốt nghiệp trường quân sự về nước để tăng cường lực lượng kháng chiến, Trương Phát Khuê hoàn toàn đồng ý.

Ngày 15/4/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn 20 thanh niên mang theo giấy tờ đến để cùng khiêng máy phát điện, điện đài, đồ quân dụng với Tan và Maxim về Việt Nam. Tan viết: “Những người hộ tống đã tới vào ngày 15/4. Bốn giờ sáng hôm sau chúng tôi cải trang thành những người buôn lậu vùng biên giới, cho tất cả trang bị vào những chiếc làn mây. Chúng tôi sóng đôi cuốc bộ tới biên giới lúc 15 giờ, chờ tối vượt biên giới. Chuyến đi dài ngày này dễ bị cướp nên chúng tôi tháo súng ra khỏi bao và cầm sẵn trong tay”.

Ngày 27/4/1945, vào buổi chiều tối, tại một quán trà trong làng Chiu Chon Chie cách Tĩnh Tây khoảng 10km, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp thiếu tá tình báo Mỹ A.Patti. Người nói cho Patti biết về tình hình nạn đói ở Việt Nam, về quan điểm của Pháp, Trung Quốc, Anh với vấn đề Việt Nam và Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào phía Mỹ thấy thích hợp. Người còn thông báo về việc chuẩn bị cho một Chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập. Cuộc trao đổi kéo dài tới quá nửa đêm mới kết thúc. A.Patti kể lại: “Con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ ấy gặp tôi với một nụ cười niềm nở. Ông Hồ không yêu cầu gì cả, ông chỉ trình bày cho tôi nghe giá trị tiềm tàng của tổ chức quân sự, chính trị của mình”. Cuối tháng 4/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và  đoàn người cùng đi về đến Việt Nam.

Những cuộc hội đàm giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và các nhà quân sự Mỹ đã đem lại những kết quả tích cực. Thực hiện giao ước giữa Việt Nam và Mỹ ở Côn Minh, Ban Không trợ mặt đất của Mỹ đã lập một mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn theo kế hoạch của OSS và C.Fenn được giao nhiệm vụ liên lạc giữa OSS và Việt Minh.

Ngày 16/7/1945, đội biệt kích Con Nai do thiếu tá Tomas chỉ huy đã nhảy dù xuống làng Kim Lung và bắt đầu giúp đỡ huấn luyện kỹ thuật và sử dụng vũ khí cho Việt Minh. Phía Việt Minh cũng cung cấp tin tức tình báo về tình hình quân Nhật và giúp đỡ phía Mỹ tìm cứu được 17 phi công bị rơi trong rừng Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau này do lợi ích tư bản hẹp hòi chi phối nên phía Mỹ chưa có quyết định dứt khoát về Đông Dương, bởi vậy Việt Minh chưa được văn bản chính thức nào công nhận từ phía Mỹ.

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.