Ai đã cứu Nguyên soái Tito?

Thứ Sáu, 20/12/2024, 09:02

Thiếu tá Leonid Dolgov có kinh nghiệm tác chiến tại Trung Quốc, nơi ông phụ trách trạm phát sóng của tình báo quân sự Liên Xô. Sau đó, ông giảng dạy tại trường tình báo thuộc Bộ tổng Tham mưu Hồng quân, tháng 1/1944, Leonid Dolgov được bổ nhiệm làm trợ lý của trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô ở Nam Tư. Chính tại đây, ông đã lập một trong những chiến công lớn của mình - giải cứu Nguyên soái Nam Tư Josip Broz Tito.

Sáng sớm ngày 2/7/1944, từ cabin số 21 của trung tâm thu sóng tại Moscow vang lên tiếng kêu vui mừng của nhân viên điều hành trẻ, Trung úy Speransky: "Purga gọi!". Sau một tuần im lặng đầy lo âu, cuối cùng, cũng có tín hiệu trở lại.

Liên lạc với đài phát thanh "Purga" đã bị gián đoạn vào sinh nhật của Nguyên soái Nam Tư Josip Broz Tito, ngày 25/5/1944. Thị trấn Drvar, nơi đặt trụ sở của Bộ tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Tư và phái đoàn quân sự Liên Xô, đã rơi vào im lặng.

Ai đã cứu Nguyên soái Tito? -0
Nguyên soái Josip Broz Tito.

Người đứng đầu Cục trưởng Cục Tình báo báo cáo về sự việc này lên Bộ Tổng tham mưu trưởng Hồng quân. Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky, ra lệnh theo dõi sóng radio 24/24. Tuy nhiên, "Purga" vẫn không có dấu hiệu của sự sống.

Nghĩa là có chuyện gì đó đã xảy ra. Với ai? Với Tito? Với Bộ Tham mưu của ông? Với phái đoàn Liên Xô? Những câu hỏi này vẫn không có lời đáp.

Trong báo cáo tiếp theo, Nguyên soái Vasilevsky thông báo cho Joseph Stalin: không có tin tức gì từ Nam Tư. Lãnh tụ tối cao giao nhiệm vụ: tìm hiểu tình hình. Và cuối cùng Dolgov đã gọi.

Nhà lãnh đạo nổi tiếng Nam Tư kiêm nhà văn và nhà báo Rodoljub Colakovic, nhớ lại những ngày tháng đó. Chính ông là người đã tham gia các sự kiện này.

"Sáng sớm ngày 25/5, chúng tôi buộc phải rời Shipovljane trong hoàn cảnh khá đặc biệt: quân Đức nhảy dù xuống thị trấn Drvar với mục đích chiếm trụ sở của Bộ Tổng tham mưu và bắt sống đồng chí Tito.

Xét về mức độ căng thẳng và kịch tính, các sự kiện trong những ngày này vượt qua tất cả những gì mà cuộc chiến tranh giải phóng của chúng tôi đã trải qua... Kế hoạch nhảy dù xuống Drvar đã được những kẻ có trách nhiệm lớn nhất trong Bộ chỉ huy tối cao của Đức Quốc xã chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ đầu năm 1944, Hitler đã ra lệnh bằng mọi giá phải tiêu diệt Tito... Cuộc đổ bộ của lính nhảy dù Đức xuống Drvar chính là toan tính của Bộ chỉ huy tối cao Đức Quốc xã nhằm thực hiện mệnh lệnh của Hitler. Chiến dịch này được gọi là "Nước cờ ngựa".

Ai đã cứu Nguyên soái Tito? -0
Thiếu tá Leonid Dolgov.

Để thực hiện chiến dịch, Himmler đã giao cho Tướng Lothar Rendulic, chỉ huy Quân đoàn Tăng 2, sử dụng Tiểu đoàn 500 SS, nơi tập hợp những tên giết người tàn bạo nhất. Đó là những tên tội phạm đã chấp hành án hoặc đang chờ quyết định của tòa án quân sự.

Những kẻ tổ chức cuộc đổ bộ cho rằng chiến dịch chỉ có thể thành công với điều kiện được chuẩn bị bí mật tuyệt đối. Bí mật nghiêm ngặt đã được duy trì ngay từ đầu. Đến ngày 23/5, chỉ huy tiểu đoàn mới được thông báo rằng "vào sáng sớm, họ sẽ đổ bộ xuống Drvar, trung tâm của giới lãnh đạo đỏ, và nhiệm vụ đầu tiên là nhanh chóng tiêu diệt Bộ Tổng tham mưu của Tito".

Cần nói rằng Tiểu đoàn 500 SS được tăng cường thêm "Biệt đội Benesh". Benesh là tên của viên Đại úy, chỉ huy đội đặc nhiệm "Liên minh diệt chủng Đông Nam".

Bộ chỉ huy Đức tin vào thành công đến mức đưa một đơn vị đặc biệt vào lực lượng đổ bộ để chiếm đoạt tài liệu tham mưu, đài phát thanh, mật mã - nói tóm lại là tất cả những gì tình báo Đức có thể quan tâm.

Tiểu đoàn SS cùng với "Biệt đội Benesh" được chia thành sáu nhóm tác chiến, tổng cộng là 340 tên. Chúng được đưa đến Drvar trên 34 tàu lượn.

Kế hoạch tác chiến chi tiết do  Đại tá Bộ Tổng tham mưu Von Farnbiller vạch ra và mang cái tên trung lập: “Kế hoạch vận hành tiểu đoàn tiêm kích nhảy dù SS số 500”. Với cái tên này, nó được Tướng Rendulic phê duyệt ngày 24/5, 1 ngày trước cuộc đổ bộ.

Theo kế hoạch, các đơn vị đổ bộ xuất phát từ ba sân bay: Petrovgrad, Banja - Luka và Zagreb. "Biệt đội Benesh" khởi hành từ sân bay Cerklje, còn đơn vị đặc biệt từ Zagreb.

Ngoài các đơn vị này, ba nhóm tác chiến khác gồm 341 tên cũng sẽ nhảy dù xuống Drvar: "Xanh Dương", "Xanh Lá" và "Đỏ". Chiến dịch đổ bộ còn được yểm trợ bởi một trận không kích quy mô lớn.

Nhiệm vụ chính - tiêu diệt Bộ Tổng tham mưu và các phái đoàn quân sự của đồng minh - được giao cho các đơn vị đổ bộ bằng tàu lượn. Những tên lính dù có nhiệm vụ chặn các con đường dẫn vào thành phố và bắt giữ hoặc tiêu diệt Tito.

Ra lệnh cho Tiểu đoàn 500, chỉ huy trưởng, Đại úy Rinke, yêu cầu: “Ngay sau khi biết được vị trí của Bộ Tổng tham mưu của Tito, tất cả các đơn vị của Tiểu đoàn tiếp cận mục tiêu này phải tiêu diệt ngay lập tức và không thương tiếc. Nếu có thể, hãy bắt sống những cán bộ quan trọng”.

Ai đã cứu Nguyên soái Tito? -0
Tướng Nikolay Korneev.

Ngoài các đơn vị tham gia chiến dịch "Nước cờ ngựa", Bộ chỉ huy phát xít còn điều động các lực lượng lớn từ các khu vực khác tới Drvar. Sau khi thực hiện khâu đột phá, chúng phải hợp nhất với quân đổ bộ tại Drvar. Tuy nhiên, bọn phát xít không hoàn thành nhiệm vụ của mình, mặc dù Bộ chỉ huy Nam Tư không bố trí một đơn vị chiến đấu nào tại Drvar.

Lực lượng SS đã đụng độ với tiểu đoàn bảo vệ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Giải phóng Nam Tư và các học viên của các trường quân sự. Chúng chiếm được thành phố Drvar, nhưng không thể vượt qua cầu để đến hang động nơi Tito và các cộng sự của ông đang ẩn nấp. Bọn phát xít chịu tổn thất nặng nề, còn Bộ Tổng tham mưu của Tito và các sĩ quan của phái đoàn quân sự Anh - Mỹ và Liên Xô đã kịp thời rút lui về phía thành phố Potoci và Kupresko Polje.

Tuy nhiên, ở lại đây cũng nguy hiểm. Tức giận vì thất bại của mình, bọn phát xít sẽ không dừng lại trước bất kỳ điều gì để tiêu diệt Tito và bộ chỉ huy của ông. Lúc bấy giờ, người ta quyết định chuyển Trụ sở Bộ Tổng tham mưu đến đảo Vis ở biển Adriatic. Từ đó Tito có thể tiếp tục chỉ huy các đơn vị quân đội.

Nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Chỉ có thể bằng đường hàng không. Chắc chắn rằng các phi công Liên Xô luôn sẵn sàng hỗ trợ. Căn cứ không quân của Liên Xô  nằm ở thành phố Bari, Ý. Nhưng làm thế nào để đến Bari? Tito không có máy bay.

Chỉ còn hi vọng duy nhất để cứu vãn tình hình - liên lạc vô tuyến. Tuy nhiên, khi rời thành phố Drvar, Dolgov đã phải phá hủy hầu hết các thiết bị vô tuyến. Chỉ còn lại một đài phát thanh nhỏ dành cho công tác tình báo mang tên "Sever". Nhưng không thể dùng nó để liên lạc với Moscow từ miền nam  Nam Tư.

Tuy nhiên, ảo thuật gia vô tuyến Dolgov đã làm được điều không thể.

"Ngày 2/6/1944, cuối cùng, tình trạng mất liên lạc đã chấm dứt", - Đại tướng  Sergey Shtemenko viết trong cuốn "Bộ Tổng tham mưu những năm chiến tranh". - Chúng tôi nhận được điện báo của Tướng Nikolay Korneev, Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô. Như sau này ông kể, Dolgov, trợ lý liên lạc vô tuyến thông minh và năng động của ông, đã mang đài phát thanh lên đỉnh một ngọn núi cao nhất và lắp đặt trên đó một chiếc ăng-ten rất cao.  Dolgov đã gọi cho Đại tá Stepan Sokolov, chỉ huy căn cứ không quân ở Bari, yêu cầu gửi một máy bay đến Kupresko Polje vào lúc 22 giờ đêm ngày 4/7".

"Để chắc chắn - Đại tá Aleksandr Nikiforov, một cựu binh trong lực lượng liên lạc vô tuyến đặc biệt, đã nói rõ trong cuộc trò chuyện với tôi, Dolgov gửi một bức điện báo cho Sokolov ở Bari, trực tiếp tới điểm liên lạc vô tuyến của Liên Xô “Groz”, và một bản qua đài phát thanh của phái đoàn quân sự Anh-Mỹ tại Nam Tư. Nhưng rắc rối ở chỗ, trong điện báo mà hiệu thính viên của Liên Xô Kargashin nhận được ở Bari, yêu cầu gửi máy bay đến Kupresko Polje vào lúc 22 giờ đêm ngày 4/6. Còn trong bức điện của Bộ chỉ huy quân đội Anh gửi cho Sokolov, thời gian máy bay đến được ghi muộn hơn một ngày, vào đêm 5/6. Ở Bari, mọi người băn khoăn, không biết phải làm gì, xử lý thế nào? Trong các tình huống khác, người ta có thể đề nghị bổ sung thông tin. Nhưng lúc này, không có liên lạc vô tuyến đáng tin cậy với “Purga”. Để tránh sai sót, chỉ huy căn cứ không quân ở Bari đã quyết định gửi máy bay vào ngày 3 tháng 6".

Phi công Aleksandr Shornikov lái chiếc máy bay của mình vượt qua biển và các ngọn núi vào ban đêm, rồi hạ cánh xuống một địa điểm xa lạ giữa những khối đá. Nguyên soái Tito, các cộng sự thân cận của ông, Tướng Nikolay Korneev và các sĩ quan của phái đoàn quân sự Liên Xô  cùng Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Tư đã được đưa đến Bari. Vài ngày sau, họ tiếp tục được di chuyển đến đảo Vis, nơi Bộ Tư lệnh Nam Tư tiếp tục công việc của mình.

Ai đã cứu Nguyên soái Tito? -0
Chính khách kiêm nhà văn Nam Tư Rodoljub olakovi.

Tháng 9/1944, tình hình đòi hỏi chuyển Bộ tổng Tham mưu của Tito tới thành phố Craiova của Romania, cách biên giới Nam Tư không xa. Công việc này được thực hiện trong bí mật tuyệt đối. Thậm chí, các thành viên của phái đoàn quân sự Anh-Mỹ cũng không nhận ra sự di chuyển của Bộ tổng Tham mưu của Tito ngay trước mắt họ.

Những chiến dịch phức tạp như vậy không thể hoàn thành một cách tự nhiên. Đây là kết quả của những nỗ lực chung lớn lao của nhiều chuyên gia khác nhau, kể cả các nhân viên điện đài. Họ không chỉ có mặt tại Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nam Tư mà còn tại ban tham mưu của các đơn vị ở Serbia, Croatia, Slovenia, Macedonia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina.

Trong báo cáo về công tác của căn cứ không quân ở Bari, ngày 25/3/1945, Đại tá Sokolov viết: "Đài phát thanh đã hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến hành tất cả các chiến dịch. Việc duy trì liên lạc bình thường với các phóng viên được thực hiện nhờ tinh thần làm việc quên mình của các nhân viên điện đài, họ làm việc trung bình từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày... Các nhân viên điện đài phải ẩn náu trong rừng và đầm lầy, họ liên tục bị không quân Đức quấy rầy, chịu đựng cái lạnh, đói khát và mệt mỏi. Không ít lần, họ phải giữ kết nối liên lạc trong vòng vây của kẻ thù".

Tháng 10/1944, sau khi thủ đô Belgrade của Nam Tư được giải phóng, Bộ tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Tư và  Josip Broz Tito đã chuyển về đây. “Purga” sau này trở thành đài phát thanh chính thức của Đại sứ quán Liên Xô tại Nam Tư.

Kim Thanh Hằng
.
.