Kênh Vĩnh Tế lật lại cứ liệu lịch sử

Bài cuối: Về Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tế

Thứ Ba, 31/05/2022, 21:06

Lưu truyền do có công trong việc đào kênh nên vua tứ danh Thoại Ngọc Hầu phu nhân là Châu Thị Tế cả tên kênh, tên núi và tên vùng đất Châu Đốc... Câu chuyện vẫn còn cần thêm nhiều những trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề.

Kênh Vĩnh Tế lấy theo tên bà Châu Thị Tế?

Lâu nay, nhiều người vẫn hiểu và tin như “đinh đóng cột” danh xưng kênh Vĩnh Tế xuất phát từ việc vua ban đặt tên Thoại Ngọc Hầu phu nhân, bà Châu Thị Tế (1766-1826).

Trong tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”, học giả Nguyễn Văn Hầu cho biết: “Nguyên trước kia vì đã lấy tên của Thoại Ngọc Hầu mà đặt tên cho kênh và núi (Thoại Hà và Thoại Sơn) sau khi ông đào xong kênh Đông Xuyên – Kiên Giang, nay không lẽ lại cho lặp lại cùng một tên cũ. Nhà vua xem thấy bên bờ kênh mới đào có núi Sam y như bờ kênh trước kia có núi Sập, lại xét thấy Thoại Ngọc Hầu phu nhân dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kênh là Vĩnh Tế hà và tên núi ở bờ kênh là Vĩnh Tế sơn” (trang 194).

Bài cuối: Về Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tế -0
Mộ bà Châu Thị Tế, Thoại Ngọc Hầu phu nhân trong lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc – An Giang)

Tuy nhiên, học giả Nguyễn Văn Hầu chỉ cung cấp căn cứ để xác định tên bà Châu Thị Tế được vua tứ danh cho tên  núi Vĩnh Tế tại “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký” được biết nhiều qua tên rút gọn: Bia Vĩnh Tế sơn. “Thần vẽ họa đồ dâng lên, ngưỡng mong vua soi xét. Năm trước đây thần phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập, đặt  là núi Thoại. Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng chân thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là núi Vĩnh Tế”, tác giả Nguyễn Văn Hầu viết.

Đây cũng là quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, điển hình là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Trong tác phẩm “Cố đô Huế bí ẩn và khám phá”, ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết: “Đặc biệt nhà vua lấy tên của bà Châu Thị Vĩnh Tế - người đã giúp chồng trong lúc đào kênh, đặt tên cho công trình kinh tế - quốc phòng có giá trị lịch sử này” (trang 75)

Thêm những tài liệu mới

Vài năm gần đây, từ nguồn tư liệu mới khám phá, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt tồn nghi kênh Vĩnh Tế xuất phát từ tên bà Châu Thị Tế. “Thời gian qua, không ít người tin rằng, do có góp công trong việc giúp chồng hoàn thành con kênh ấy nên nhà vua đã cho lấy tên bà Châu Thị Tế để đặt gọi các danh xưng núi Vĩnh Tế, kênh Vĩnh Tế và Vĩnh Tế sơn thôn. Thậm chí còn cho rằng lấy họ đặt tên cho vùng đất Châu Đốc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp - người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử giai đoạn nhà Nguyễn ở An Giang, chia sẻ.

Bài cuối: Về Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tế -0
Bia trên mộ Thoại Ngọc Hầu phu nhân (bằng chữ Hán) cũng ghi rõ tên bà là Châu Thị Tế

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, các nhận định này không đủ căn cứ thuyết phục. Bởi đến nay, chưa có bộ chính sử nào của nhà Nguyễn đề cập đến Bia Vĩnh Tế sơn được lập 1828 và Bia Vĩnh Tế hà cũng đã thất lạc, chưa ai thấy và nội dung của tấm bia cũng không ai lưu giữ được.

Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, trong tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới” (2018) cũng nhận định: “Các ý kiến cho rằng đến năm 1828 mới đặt tên kênh là Vĩnh Tế là không chính xác vì trên thực tế, tên kênh Vĩnh Tế đã xuất hiện vào năm 1819”. Dẫn nguồn Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, ông Vũ khẳng định: “Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua chuẩn y việc đào kênh nối liền Châu Đốc đến Hà Tiên và ban cho tên gọi là Vĩnh Tế. Tên gọi Vĩnh Tế hà chính thức ra đời từ đó” (trang 136).

Tương tự, TS Châu Hữu Hầu cũng cho rằng: “Căn cứ vào Đại Nam thực lục, tên gọi Vĩnh Tế hà có trước khi bắt đầu đào”.

Riêng về danh xưng Châu Đốc, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, muộn nhất cũng từ năm Đinh Sửu (1757) đã xuất hiện danh xưng Châu Đốc qua địa danh “Châu Đốc đạo”. “Như vậy tên gọi Châu Đốc đã có từ trước ngày hoàn thành con kênh Vĩnh Tế (1824) đến những 67 năm. Câu “đất đặt tên theo họ” trong Bia Vĩnh tế sơn, với cách hiểu vùng đất ấy được mang tên Châu Đốc là vua cho lấy theo họ Châu của bà Châu Thị Tế là hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử”, ông Hiệp nhấn mạnh và khẳng định: “Chúng ta ngờ rằng tư liệu ấy, về sau, ai đó đã tự ý soạn đặt chứ không phải “do Thoại Ngọc Hầu làm ra” hoặc “Thần kính biên” như đã ghi trong văn bia”

Đi tìm sự thật

Theo học giả Nguyễn Văn Hầu trong quyển “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá vùng Hậu Giang”, cội nguồn của vấn đề xuất phát từ “Bia Vĩnh Tế sơn” và bài văn tế nhan đề “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”, hay còn gọi là “Tế nghĩa trủng văn” được biết nhiều qua tên gọi “Văn tế nghĩa trủng”. Đây là bài văn tế - theo học giả Nguyễn Văn Hầu, được ông Thoại Ngọc Hầu đọc trong ngày cắm bia Vĩnh Tế sơn (1828).

Bài cuối: Về Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tế -0
Mộ bà Châu Thị Tế trong lăng Thoại Ngọc Hầu

Tuy có đặt ra những nghi vấn, như: “Còn có bia Vĩnh Tế hà để ghi chép đầy đủ sự kiện đào kênh này không? Đọc “Đại Nam nhất thống chí” thấy có câu: “Vì thế (sự có ích của  kênh), nhà vua sắc cho quan hữu tư địa phương dựng bia ở bên kia bờ sông. Tôi đã tìm và đã cho đào nhiều chỗ khả nghi, nhưng chỉ thấy được những mảnh bia khác chứ không có vết tích gì về bia Vĩnh Tế hà”..., nhưng ông Nguyễn Văn Hầu vẫn viết: Trong “Bia Vĩnh Tế sơn” nói rõ lý do lấy tên người đặt cho tên núi (trang 205).

Ông Nguyễn Văn Hầu cũng cho rằng, “Văn tế nghĩa trủng”, không chỉ xác nhận sự kiện Thoại Ngọc Hầu vâng chỉ đào kênh, hay xác nhận cuộc cải táng tập thể, mà còn xác nhận và soi sáng thêm việc vua khen bà Châu Thị Tế đã từng giúp chồng nhiều việc nên được lấy tên đặt cho kênh và núi...

“Và việc sau cùng đã cho ta biết quả quyết địa điểm hành lễ cũng như cải táng hài cốt của các “nghĩa trủng” không đâu khác hơn là tại khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ngày nay (Sam sơn chi thượng hề, xuân phong xuy. Sam sơn chi hạ hề, cam lộ ti... Sam sơn chi Tây hề, khả dĩ toại khu trì, dịch: Đỉnh núi Sam gió xuân thổi ngót, Triền núi Sam móc ngọt đượm nhuần... Núi Sam sừng sững như mong hồn về)”  (trang 202, 428).

Bài cuối: Về Thoại Ngọc Hầu phu nhân Châu Thị Tế -0
Trường Trung học phổ thông tại Châu Đốc mang tên bà Châu Thị Tế

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra nguồn tự liệu này có nguồn gốc rất lờ mờ, với nhiều chi tiết được dựng lên mang tính gò ép và hoàn toàn khác ngược với sự thật lịch sử. Đầu tiên là xuất xứ văn “Bia Vĩnh Tế sơn” không rõ ràng và lý lẽ biện luận cũng thiếu thuyết phục.

“Về nguồn gốc, đến nay, dường như không bộ chính sử nhà Nguyễn nào có ghi chép “Bia Vĩnh Tế sơn”, trong khi đều có nói đến “Bia Thoại Sơn”. Về biện luận, nội dung văn bia này lại không chính xác”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp nhấn mạnh, đồng thời cho biết: “Chúng tôi cũng rất lấy làm ngờ, bởi núi mang tên Vĩnh Tế (Vĩnh Tế sơn), còn tên bà chỉ có một chữ Tế, không có chữ Vĩnh. Các tư liệu lịch sử, văn bia và trên bia mộ đều ghi như thế. Vậy, nói “núi đặt tên theo người” là không đúng. Hơn nữa, khi đề cập đến tên người – nhất là về mặt văn bản, nhất thiết phải chính xác, rạch ròi”.

Trong khi đó, trong “Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới”, Trần Hoàng Vũ lại đặt nghi vấn “Tế nghĩa trủng văn”, không hẳn là bài tế nói về những nạn nhân đã chết trong việc đào kênh Vĩnh Tế. “Dù lời văn có nhắc qua đến những người chết trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế, nhưng với việc dùng những cụm từ “ức tích tạc hà, bất tri kỳ kỳ” (nhớ xưa đào song, chẳng biết mấy kỳ), nghe ra không có vẻ như lời người trong cuộc. Bản thân tôi cho rằng “Tế nghĩa trủng văn” phục vụ cho lễ tế khác được tiến hành sau này, cũng ở núi Sam” (trang 276).

Ông Trần Hoàng Vũ cũng cho rằng, các mộ trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu không phải là mộ của những nạn nhân đã chết trong việc đào kênh Vĩnh Tế. Điều này trước hết, thể hiện qua sự khẳng định của nhà biên khảo Thần Liên Lê Văn Tất (1917-1964) khi ông viết: “Đó là mộ của bà con, con cháu và mấy người quan hầu Ngài”. Mặt khác, yếu tố phong thủy, điều có ý nghĩa rất hệ trọng với người xưa như Thoại Ngọc Hầu, thì không dễ tự tiện chôn cất trên nền mộ địa mà ông đã dày công chọn đặt. “Khu sơn lăng bên triền núi Sam đã được Thoại Ngọc Hầu lựa chọn làm nơi yên nghỉ dù cách xa quê hương. Điều này chứng tỏ đây là khu đất quý. Vì thế, nếu đã chọn đây là khu lăng mộ, Thoại Ngọc Hầu không có lý do gì lại biến nó thành khu nghĩa trủng. Các mộ xung quanh này có thể được chôn sau khi Thoại Ngọc Hầu đã mất rất lâu”, ông Vũ nhấn mạnh (trang 277).

Theo ông Trần Hoàng Vũ, qua công tác điền dã, xác định nhiều khả năng, nghĩa trủng là khu “Đất cúng” nằm dưới chân đồi Bạch Vân của Núi Sam. Nay nơi đây đang được giải tỏa để xây khu du lịch tâm linh. Nếu đúng vậy, thì làm gì có khu nghĩa trủng những người đã chết trong việc đào kênh Vĩnh Tế để có bài văn tế?

Mặt khác, nội dung trong Tế nghĩa trủng lại thể hiện nhiều chi tiết “phản chủ”. “Nếu cho rằng ngay sau khi hoàn thành việc đào kênh, để tưởng thưởng người có công là Thoại Ngọc Hầu phu nhân, nhà vua đã tứ danh núi Sam là Vĩnh Tế sơn như “Bia Vĩnh Tế sơn” đề cập, thì tại sao trong bài Tế nghĩa trủng, tác giả không gọi Vĩnh Tế sơn mà nhiều lần gọi là Sam sơn?”, ông Hiệp nhấn mạnh và lý giải thêm: “Chuyện dân gian quen gọi theo tên nôm Núi Sam là lẽ thường tình. Nhưng đối với một vị quan to như Thoại Ngọc Hầu, với trọng trách “Thừa đế lệnh” đứng ra đọc bài tế văn nghĩa trủng, là một văn bản, mà không gọi núi Sam là núi Vĩnh Tế như vua đã ban đặt quả là chuyện không bình thường” .

Thật tình, nêu lên vấn đề, chúng tôi không hề có ý tưởng muốn làm suy giảm uy danh Thoại Ngọc Hầu và phu nhân hay nâng lên hoặc hạ xuống bất cứ tiền bối nào. Ngược lại, chúng tôi muốn góp chút công sức giúp cho hậu thế hiểu đúng, hiểu đủ và khoa học về các bậc tiền nhân. Bởi những gì tiền nhân đã làm quá đủ để hậu thế kính trọng, hãnh diện, tự hào... Vì thế không cần phải gò ép, thêm thắt, hậu thế vẫn ghi lòng, tạc dạ…

Đứng về góc độ khoa học lịch sử, việc “núi đặt tên theo người” là không hẳn đúng. Tuy nhiên, nếu hiểu đây là một truyền thuyết dân gian thì có thể chấp nhận được, vì tôn vinh và tri ân tiền nhân – những người có công, hoặc có tình có nghĩa với dân, với nước – nhất là đối với phụ nữ đảm đang, mẫu mực như bà Châu Thị Tế. Nó rất phù hợp với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc, rất đáng được nhắc nhở. Nhưng, nên nhớ là không được phép nhập nhằng giữa sự thật lịch sử và truyền thuyết dân gian.” (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp).

Nhàn Du
.
.