Bay trong trời tự do

Bay trên trời, biển Trường Sa (kỳ cuối)

Thứ Năm, 04/07/2024, 08:08

Được đến Trường Sa, đặt chân lên những đảo chìm, đảo nổi thiêng liêng nằm trên biển Đông của Tổ quốc lâu nay vẫn là điều mơ ước của rất nhiều người dân Việt. Với một điệp viên từng hoạt động giữa hai làn đạn một thời như Chín Chinh, những lần được bay đến Trường Sa ngay sau những ngày đất nước giải phóng vẫn là kỷ niệm sâu sắc của ông.

Đã có những nguy khó nhất định trong các chuyến bay đặc biệt ấy nhưng bù lại, ông nhận ra nhiều điều hết sức thú vị, kèm theo đó là cảm xúc từ sâu thẩm con tim mình…

Phi công… say sóng

Cũng như không ít người, tôi nghĩ giản đơn để bay đến Trường Sa, trực thăng có thể xuất phát từ đất liền nơi gần nhất, như Khánh Hòa chẳng hạn. Chín Chinh nói thời điểm vừa mới giải phóng, việc đi đứng trên… trời không đơn giản thế.

image001.jpg -0
Hồ Duy Hùng (Chín Chinh, thứ hai, từ phải qua) cùng đồng chí, đồng đội trong chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống đảo Trường Sa đầu năm 1976. Ảnh tư liệu Trung đoàn 917.

Chín Chinh kể, khoảng 17h một ngày đầu năm 1976, chiếc máy bay trực thăng UH-1 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất bay ra Tân Cảng hạ lên boong chiếc tàu mang số hiệu HQ-01. “Hôm đó, Trung đoàn trưởng Không quân 917 Lê Đình Ký lái chính, tôi lái phụ. Để đảm bảo cho chuyến đi, trên còn tăng cường thêm 1 phi công dự phòng, 1 cán bộ kỹ thuật và một bồn nhiên liệu cho trực thăng để dưới hầm tàu”, Chín Chinh vẫn nhớ như in tình tiết khởi đầu chuyến ra Trường Sa đầu tiên.

Chiếc HQ-01 có trọng tải 4.000 tấn, chiều dài gần 100 mét, chiều ngang 15 mét, trước đài chỉ huy cao hàng chục mét giữa tàu và sau ụ pháo và cột neo ở mũi tàu là boong tàu rộng đủ cho chiếc UH-1 đậu. Tàu HQ-01 và UH-1 đều là chiến lợi phẩm. Trong chiến tranh, đây là các phương tiện phục vụ cho việc đổ bộ của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Trước đó, Chín Chinh được kế hoạch đưa trực thăng tháp tùng cùng Đoàn do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền làm Trưởng đoàn ra thăm, kiểm tra và tặng quà Tết Bính Thìn cho bộ đội đang đóng giữ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Gần 19h, tàu rời cảng theo sông Sài Gòn ra sông Lòng Tàu để ra biển. Không như lý thuyết, thay vì chạy tốc độ 12 hải lý/giờ nhưng do chiếc HQ-01 đến khi đó đã qua 35 năm hoạt động nên dù biển êm cũng chỉ chạy được 7-8 hải lý/giờ; lúc còn trong sông, tàu chạy như… rùa bò.

Hôm sau, chiếc HQ-01 bỗng mong manh trước những con sóng hung hãn. “Mọi người chui lại vào phòng hoặc hầm tàu, các cánh cửa sắt đóng kín, gài chặt. Nằm trên giường sắt, tay tôi giữ chặt thành giường, nghe tiếng vặn mình răng rắc của con tàu sắt; đồ đạc trên giường, trên sàn rơi xuống, lăn lung tung. Hầu hết các chiến binh trên không mặt xanh lè vì… say sóng, nhiều anh nôn thốc. Riêng phi công tiêm kích kỳ cựu Nguyễn Hồng Nhị - Sư đoàn trưởng và phi công trực thăng lão luyện Lê Đình Ký vẫn tỏ ra khá bình thường. Chỉ hơn một ngày đêm với vài trăm cây số trên biển chịu sóng gió là vậy mà tôi thấy ê ẩm. Càng khâm phục các anh Hải quân ở Đoàn tàu không số với những chiếc tàu bé nhỏ lại chọn mùa sóng gió để đưa vũ khí vào Nam, cả tháng trời lênh đênh”, Chín Chinh nhớ lại.

Rưng rưng kỷ niệm

Sau hơn 3 đêm 2 ngày rời Tân Cảng, tàu cũng đã đến đảo Trường Sa Lớn. Do sóng lớn và đảo chưa có cầu tàu, lại lúc thủy triều xuống nên cả giờ sau tàu mới thả được neo. Sau khi cho Tổ kỹ thuật kiểm tra kỹ càng và lau sạch nước biển trên máy bay, Chín Chinh và đồng nghiệp thực hiện bay nhiều chuyến để lần lượt đưa thành viên của đoàn công tác vào đảo...

image003.jpg -0
Cựu điệp viên Hồ Duy Hùng (Chín Chinh) kể kỷ niệm về những chuyến bay đến Trường Sa những năm sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cất cánh từ boong tàu trong điều kiện bị sóng xô chao lắc liên tục quả thật không hề đơn giản. Chín Chinh cùng đồng đội phải huy động tất cả giác quan và kinh nghiệm. Ông cho biết, nếu cất cánh lúc độ nghiêng của tàu quá lớn, cánh của trực thăng sẽ đập vào boong tàu như chơi. Bay lên đã khó, lúc đáp xuống con tàu luôn chòng chành cũng căng thẳng không kém. Chín Chinh phải treo máy bay, canh đúng khoảng ngưng chỉ trong tích tắc ngắn ngủi để đặt càng đáp. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế nếu không tập trung, trực thăng sẽ rớt xuống biển ngay...

Trở lại với đảo Trường Sa Lớn, theo lời Chín Chinh, so với bản đồ do Nhật Bản vẽ năm 1942 trong chiến tranh Thế giới lần II và do Mỹ in lại, theo thực địa năm 1976, diện tích đảo nổi này lớn hơn và cao hơn mực nước biển khoảng một mét.

“Trên đảo chưa có công trình gì mới, chỉ có các căn hầm nửa chìm nửa nổi được làm bằng các tấm tôn sóng dày ghép lại do quân đội chính quyền Sài Gòn để lại đủ cho một trung đội trú đóng. Các hầm này ban ngày rất nóng nhưng rất hữu ích khi có sóng to gió lớn hoặc khi có bão, sóng tràn qua đảo. Trên đảo có một cái giếng nhỏ có nước lờ lợ uống được, chẳng có cây cối gì ngoài loại dây bò trên mặt đất có củ tựa củ mì (sắn), anh em gọi là sâm đất. Nằm trên chiếc trực thăng đậu giữa đảo, cả đêm đó chúng tôi nghe tiếng hàng vạn con hải âu bị chiếm chỗ bay lượn trên đầu kêu inh ỏi”, Chín Chinh nhớ lại.

Chiều hôm sau, tàu nhổ neo, vượt hải trình gần 300 cây số theo hướng Đông Bắc để đến đảo Sinh Tồn - một cụm nhiều đảo chìm nổi. Cả đoàn lên đảo chính – đảo có bộ đội ta giữ, đấy là đảo hình hơi tròn, rộng chưa tới 10 hécta. Đoàn chỉ ở lại đảo này một ngày rồi di chuyển về hướng Bắc, đến đảo Nam Yết cách đó gần 40 cây số. Không rộng bằng đảo Sinh Tồn, Nam Yết có hình dáng tựa củ khoai, trên đảo có nhiều cây bàng có trái hình vuông rất đặc biệt.

Hôm sau, đoàn đến đảo Sơn Ca ở hướng Bắc, cách Nam Yết chừng 30 cây số. Đảo Sơn Ca hình giống quả xoài dài, diện tích chỉ chừng hơn năm hécta.

Cuối cùng đoàn đến đảo Song Tử Tây ở Bắc đảo Sơn Ca trên 120 cây số. Song Tử Tây có diện tích phần nổi khoảng 12 hécta, là đảo đầu tiên được giải phóng trong năm 1975. “Tôi nhớ Song Tử Tây lúc đó có nhiều cây dừa khá cao. Các anh trong Đoàn tàu không số trước đây nói vui rằng các anh quý mấy cây dừa này như quý… mả tổ vì hồi đó từ Bắc vào Nam, đấy là một điểm kiểm tra trên hải trình; và nhiều lần phải ghé vào đảo lấy thêm nước ngọt”, Chín Chinh kể.

Từ đảo Trường Sa Lớn đến Song Tử Tây theo đường chim bay chừng hơn 500 cây số nhưng tàu đi theo hải đồ phải tránh rất nhiều bãi ngầm, các đảo mà ta chưa đóng quân hoặc bị vài nước lân cận chiếm đóng; lại gặp lúc gió Đông Bắc nên hải trình mà chiếc HQ-01 phải di chuyển rất xa; vừa đi, vừa lên các đảo mất trên nửa tháng.

“Ở Song Tử Tây, cũng như nhiều thành viên trong đoàn, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy một ngôi mộ của liệt sĩ hy sinh trong trận đánh giải phóng đảo vào rạng sáng 14/4/1975. Sau này, tôi được nghe kể thêm, đó là mộ của liệt sĩ Tống Văn Quang, sinh năm 1953, quê Thái Nguyên. Nhập ngũ tháng 5/1972, sau đó đi B, anh trở thành chiến sĩ đặc công Quân khu 5, tham gia giải phóng Trường Sa trong chiến dịch mang mật danh C75 rồi nằm lại giữa nghìn trùng”, Chín Chinh bồi hồi.

Trường Sa về trong chiêm bao

Chưa đến nửa năm sau, Chín Chinh lại được lệnh ra Trường sa, phục vụ đoàn của Bộ Tư lệnh Hải quân. Lần này, Chín Chinh được giao lái chính. Chiếc trực thăng vũ trang xuất phát từ Cam Ranh. Hải quân dùng chiếc HQ-05, cùng loại HQ-01 như chuyến ra đầu năm. Về hải trình, đoàn đến đảo Song Tử Tây trước, ở lại đó một ngày rồi đi dần về các đảo ở Tây Nam.

image005.png -0
Mộ của liệt sỹ Tống Văn Quang ở đảo Song Tử Tây (nay đã được quy tập về đất liền). Ảnh tư liệu.

Theo yêu cầu của cấp trên, Chín Chinh bay xung quanh các đảo lớn, các bãi chìm và hạ cánh xuống các đảo nhỏ, các bãi nổi. Với chuyến bay ở nơi sóng gió khắc nghiệt này, Chín Chinh có nhiều kỷ niệm sâu đậm.

“Một lần đang bay xa bỗng gặp cơn mưa giông đột ngột, chỉ huy lệnh phải bay về tàu ngay nhưng trời mù đen, nhìn đâu cũng chỉ thấy trắng xóa vì sóng bạc đầu. Chúng tôi phải bay thấp và cố chui qua cơn mưa mới nhìn thấy được tàu. Một lần nhìn thấy một bãi ngầm xa xa nhưng khi bay đến gần, hạ xuống thấp, chúng tôi mới biết đó là hình ảnh một đám mây phản chiếu xuống mặt biển. Là phi công dẫn đường lão luyện, anh Xuân Cán bảo, máy bay chiến lợi phẩm một động cơ, không có ra đa dẫn đường bay biển xa thế này thì… lạnh xương sống quá. Giờ nghĩ lại vẫn còn cảm thấy sợ”, Chín Chinh kể.

Vất vả nhưng Chín Chinh cho biết ông rất tự hào vì được góp sức vào công việc quan trọng để bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc đối với vùng biển đảo thiêng liêng. “Cả tháng bay phục vụ đoàn, chúng tôi đã đặt chân đến hầu hết các đảo nổi, đảo đá ngầm. Cho đến giờ, nhiều tên đảo ở Trường Sa vẫn thỉnh thoảng về trong giấc chiêm bao của tôi”, Chín Chinh chia sẻ.

Sau này, Chín Chinh còn cùng đồng đội cũng nhiều lần chở Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra việc bảo vệ các đảo dọc bờ biển miền Trung như cù lao Chàm, Lý Sơn (cù lao Ré), cù lao Xanh, cù lao Thu (đảo Phú Quí); thậm chí cẩu cả pháo lớn ra tận đảo Thổ Chu (Kiên Giang) cách Phú Quốc hơn 100 cây số về phía Tây...

Có một thực tế là thời điểm đó, chúng ta đang rất khó khăn. Các tàu Hải quân ta đều cũ kỹ kể cả tàu chiến lợi phẩm và đa số là tàu ven bờ, trọng tải nhỏ. Do đó việc xây dựng và bảo vệ ở quần đảo rộng lớn là hết sức gian khổ. “Tôi nhớ trên 30 điểm đóng quân của bộ đội ta lúc đó, có nhiều điểm anh em phải ở trên nhà giàn rất mong manh chật hẹp. Hầu hết đảo tại Trường Sa có diện tích nhỏ và không có nước ngọt nên việc xây dựng tiếp tế mọi mặt lại càng hết sức khó. Chẳng hạn từ Tân Cảng ra đảo Tiên Nữ trên 700 cây số, ra An Bang trên 800 cây số mà đâu phải mùa nào cũng đi được. Nên khi được bay trên trời biển Trường Sa những năm tháng đó, tôi càng thêm thấu hiểu những thiếu thốn, gian khổ, hy sinh vô bờ bến của anh em”, Chín Chinh bộc bạch.

Đúng 2 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đêm 30/4/1977, quân Pol Pot từ phía Campuchia đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang (14 xã). Chúng đã gây ra nhiều cuộc thảm sát dã man theo lối diệt chủng trên nhiều địa phương hai bên biên giới, trong đó chỉ riêng tại Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chúng đã giết hại 3.157 người, trong đó hơn 100 gia đình bị giết cả nhà. Từ tháng 8/1977, Pol Pot tấn công khu vực biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp và tháng 9/1977, chúng tấn công địa bàn biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh…

“Ngay từ trước khi Pol Pot chính thức gây chiến, tôi cùng nhiều đồng đội được lệnh hành quân về miền Tây Nam bộ, có mặt ở khu vực biên giới. Máy bay tôi lái từng… “ăn đạn” của Pol Pot khi bay qua khu vực kênh Vĩnh Tế, cụ thể, ống truyền động cho cánh quạt đuôi bị đạn địch bắn xuyên qua”, Chín Chinh kể.

Chín Chinh cho biết cũng có thời gian ông bay thực hiện nhiệm vụ tại miền Trung, được bay qua lại Duy Xuyên và Thăng Bình (Quảng Nam) - những vùng quê mà tuổi thơ ông từng gắn bó. Từ trên cao nhìn xuống, nhiều kỷ niệm trong ông chợt ùa về…

Sau khi chuyển ngành (1982) với quân hàm Đại úy, sau đó về hưu (2008) với chức danh là Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ (một doanh nghiệp Nhà nước, gắn với Công viên Đầm Sen nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh), Chín Chinh có nhiều năm là Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến khối Quân báo Quân khu Sài Gòn – Gia Định. “Thỉnh thoảng bên tách trà, tôi cùng những đồng chí, đồng đội năm xưa cùng tự hào ôn lại kỷ niệm của khoảng thời gian không thể nào quên, trong đó có những năm tháng được bay trong bầu trời tự do”, Chín Chinh bộc bạch.

Thái Bình
.
.