Các điệp viên mật của Napoléon Bonaparte
Napoléon Bonaparte là vị tướng nổi bật và là người lãnh đạo thành công các chiến dịch trong cuộc chiến tranh cách mạng Pháp. Ông cũng được lịch sử thế giới ghi nhận là danh tướng vĩ đại nhất thế kỷ xix. Napoléon Bonaparte không chỉ giành chiến thắng trên các chiến trường. Ông luôn luôn tổ chức hoạt động tình báo của mình ngay từ chiến dịch tấn công Ý năm 1796-1797.
Napoléon không chỉ cần tình báo để chống lại kẻ thù mà còn theo dõi chính các tướng lĩnh của mình. Đặc biệt là sau khi quân đội bắt đầu giành chiến thắng, họ đã tìm cách chiếm đoạt phần lớn chiến lợi phẩm.
Napoléon luôn luôn áp dụng rộng rãi việc thẩm vấn tù binh và tuyển mộ điệp viên trong số họ. Các sĩ quan bị bắt được hứa thưởng lớn nếu họ lôi kéo được các cấp chỉ huy cao hơn phục vụ quân đội Pháp.
Một chủ nhà băng người Thụy Sĩ tên là Haller quen biết Napoléon từ năm 1794, đã giúp ông rất nhiều. Trong hồi ký về cuộc hành binh ở Ý, Napoléon cố tình không kể gì về việc ông chiếm được pháo đài quan trọng Cherasko ở Piemonte. Sự thật là Haller đã thỏa thuận với viên chỉ huy pháo đài giao nộp nó cho quân Pháp mà không cần chống cự.
Một điệp viên khác của Napoléon hoạt động thành công không kém là Francesco Toli. Ông ta đã cung cấp cho viên Tổng tư lệnh quân đội Áo Melas thông tin sai lệch về vị trí và số lượng của quân Pháp, góp phần quan trọng vào thất bại của người Áo. Toli cũng đã cung cấp cho Napoléon những thông tin quan trọng về đạo quân mới của Tướng Dagobert Sigmund Wurmser, đơn vị này về sau cũng bị quân Pháp đánh bại. Napoléon thường nói: "Bất kỳ viên tướng nào không hoạt động trên sa mạc, mà ở một vùng đông dân cư, nếu không đủ thông tin về đối thủ, thì không phải là người am hiểu công việc của mình".
Làm theo những lời chỉ giáo của ông, nhiều tướng lĩnh thậm chí tự mình thực hiện các nhiệm vụ tình báo. Chẳng hạn, Tướng Michel Ney, người về sau trở thành một nguyên soái nổi tiếng của Napoléon, đã cải trang thành một nông dân để xâm nhập vào thành phố Mannheim, và nhờ những thông tin do chính ông thu thập, đã giành chiến thắng.
Tháng 5/1796, sau trận chiến ở Lodi và chiếm được thành Milan, thay vì các tổ chức tình báo trước đây tồn tại ở trụ sở chính và trụ sở của một số tướng lĩnh, Napoléon thành lập Cục Tình báo mật và bổ nhiệm Jean Landre, chỉ huy trung đoàn kỵ binh, giữ chức cục trưởng. Cục này được chia thành hai bộ phận: bộ phận tổng hợp và bộ phận chính trị. Nhiệm vụ của bộ phận chính trị là giám sát vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng và các công việc khác. Người đứng đầu bộ phận chính trị, Galdi, đã tuyển mộ rất nhiều điệp viên.
Vốn nhanh nhẹn và sắc sảo, Landre đã cử các điệp viên của mình đến Naples, Rome, Florence, Turin, Venice, cài cắm vào quân đội Áo, thậm chí Vienna. Thường thì mỗi ngày, Cục Tình báo mật gửi cho Napoléon vài bản báo cáo. Ngoài Tổng tư lệnh, chỉ có Trưởng tham mưu Louis-Alexandre Berthier mới được phép đọc các báo cáo này. Như vậy, Cục Tính báo mật không chỉ làm nhiệm vụ tình báo mà còn thực hiện cả công tác phản gián. Landre còn bố trí các điệp viên ngay tại Paris - nhiệm vụ của họ là theo dõi những người giữ các chức vụ khác nhau trong quân đội Pháp đang chiến đấu tại Ý.
Hầu hết những gì mà Landre và Cục của ông áp dụng sau này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và trở thành một phần không thể thiếu trong thực tiễn tình báo toàn cầu. Cụ thể, Cục Tình báo mật đã chơi một trò chơi phức tạp với các điệp viên hai mang, một trong số đó là nữ Bá tước Palestrina. Thông qua bà, người Áo nhận được những thông tin sai lệch. Trò chơi này thậm chí còn liên quan đến chính Napoléon. Không ít lần, trước mặt nữ Bá tước, ông đã "lỡ lời" về những vấn đề quan trọng, giả vờ tức giận hoặc bất chợt cười đùa vui vẻ.
Các chiến thuật khiêu khích cũng không phải là điều xa lạ với Cục Tình báo mật. Chính các nhân viên của Cục đã tổ chức thu thập các "tài liệu thỏa hiệp" chống lại Venice, vùng lãnh thổ Napoléon quyết định chiếm giữ, để sau này có thể dùng làm quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán với người Áo. Các phương thức được sử dụng rất đa dạng: khi thì họ tổ chức "cuộc nổi dậy của quần chúng" chống lại chính quyền Venice, kêu gọi quân Pháp giúp đỡ, khi thì ngược lại, họ kích động các cuộc nổi loạn chống lại những kẻ xâm lược và giết hại những người lính bị thương của quân đội Napoléon.
Thường thì Cục Tình báo mật của Landre phải đối mặt với một đối thủ dày dạn kinh nghiệm. Đó là Johann Thugut, người đứng đầu tình báo kiêm Thủ tướng Áo thời bấy giờ. Trong nước, các điệp viên của ông tìm cách phát hiện tất cả những kẻ phản đối chế độ quân chủ Áo. Các điệp viên của Thugut bị cáo buộc đã giết hại các nhà ngoại giao Pháp vào năm 1797, khi họ tham gia Đại hội Rastatt thảo luận về việc xác định biên giới giữa các quốc gia Đức. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại Napoléon, tình báo của Thugut đã hứng chịu một số thất bại.
Một lần, Thủ tướng Áo đã tự làm hại mình. Sau thất bại ở Marengo vào tháng 6/1800, Thugut không muốn ký kết hòa ước, nhưng lại không dám từ chối trực tiếp các cuộc đàm phán hòa bình mà Napoléon đề nghị qua viên sĩ quan Áo, Bá tước Joseph de Saint-Julien. Thugut đã cử Saint-Julien đến gặp Napoléon với một bức thư được viết bằng những từ ngữ mơ hồ khiến không thể xác định rõ liệu Áo có đồng ý đình chiến hay không. Đồng thời, đương nhiên, Bá tước này không được trao bất kỳ quyền hạn nào để tiến hành đàm phán.
Napoléon và Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord (chính khách Pháp) ngay lập tức nhận ra chiêu trò của Thủ tướng Áo muốn câu giờ. Họ giả vờ như không coi Bá tước là một người đưa thư đơn thuần, mà là người được giao nhiệm vụ ký kết thỏa thuận với Pháp.
Bằng những lời xu nịnh và đe dọa mở một cuộc tấn công mới, Talleyrand đã khiến Saint-Julien hoàn toàn lúng túng. Cuối cùng, Bá tước đã đồng ý ký kết hiệp ước hòa bình. Theo đó, Áo từ bỏ sông Rhine, Bavaria và cam kết chấm dứt giao thương với Anh. Khi Saint-Julien trở lại Vienna, Thugut suýt nữa bị lên cơn đau tim vì tức giận. “Nhà ngoại giao" xui xẻo bị giam một năm trong pháo đài, và một thông báo đã được gửi tới Paris rằng Áo không công nhận hiệp ước đã ký.
Thugut đã bị lộ, còn những thất bại mới của quân Áo bắt buộc họ phải sớm chấp nhận những điều kiện nghiêm khắc mà Bonaparte đặt ra. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra vài năm sau khi tổ chức của Landre bị giải thể.
Đến một lúc nào đó, Napoléon không còn tin tưởng Landre nữa, mặc dù trước đó là cộng sự gần gũi và quý giá nhất của ông. Hóa ra, vị thủ trưởng đầy tham vọng của Cục Tình báo mật có những kế hoạch riêng, không phải lúc nào cũng phù hợp với mục tiêu của Napoléon.
Mối quan hệ của họ hoàn toàn tan vỡ khi người đứng đầu Trung tâm Tình báo Hoàng gia, Bá tước d'Antraigues de Launay, bị bắt. Napoléon cáo buộc Landre đã giữ quá lâu chiếc cặp của d'Antraigues de Launay một cách đáng ngờ, và trong cơn giận dữ, ông đã ra lệnh bắt giam Landre 15 ngày. Lệnh bắt giữ sau đó đã bị hủy bỏ, song quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng đến mức không thể hàn gắn. Landre buộc phải từ chức và trở về Pháp. Trong những năm cầm quyền của Napoléon, ông được khuyên giữ im lặng. Hoàng đế cấm ông đảm nhận bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ.
Sau khi từ Ý trở về Pháp, Tướng Bonaparte được Hội đồng Đốc chính (Directoire) cử dẫn đầu một đạo quân lớn sang chinh phục Ai Cập. Trên đường tới Ai Cập, hải đoàn chở quân Pháp đã nhanh chóng chiếm đảo quốc Malta, một vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược lớn. Tại sao đảo quốc Malta lại dễ dàng rơi vào tay quân Pháp như vậy?
Khoảng một năm trước, theo đề nghị của Napoléon Bonaparte, một nhà ngoại giao Pháp tên là Poussielg, làm việc tại Đại sứ quán ở Genova, đã được cử đến Malta. Nhà ngoại giao Pháp giàu kinh nghiệm đã nhanh chóng thỏa thuận với các thành viên có ảnh hưởng nhất trong Giáo đoàn Malta, và đầu tháng 6/1798, khi hải đoàn của Napoléon tiến đến Malta, đảo này, vốn đã được biến thành một pháo đài kiên cố, đã đầu hàng Pháp mà không cần chiến đấu. Về phần mình, những người chiến thắng đã trả một khoản bồi thường hậu hĩnh cho các hiệp sĩ đã thể hiện khả năng thương mại phi thường trong việc bán hòn đảo.
Sau cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù đưa Napoléon Bonaparte lên làm Tổng tài thứ nhất của Pháp, ngay lập tức, ông bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới tình báo của mình, hay chính xác hơn là nhiều tổ chức tình báo cùng lúc. Các nhiệm vụ tình báo và phản gián được giao cho Bộ Cảnh sát do Joseph Fouché đứng đầu, cho văn phòng của cảnh sát trưởng Paris là Dubois, và cho các điệp viên riêng của Tổng tài, trong đó có các tướng lĩnh nổi tiếng như Duroc, Davout, Lannes, Junot, Savary - những người sau này trở thành các nguyên soái và bộ trưởng trong đế chế Napoléon. Napoléon lãnh đạo mạng lưới tình báo của mình qua thư ký riêng Louis Antoine Fauvelet de Bourrienne.
Hoạt động tình báo quân sự được giao cho Cục Tình báo đặc biệt mới được thành lập, trực thuộc Bộ Chiến tranh. Một cơ quan tương tự cũng được thành lập trong quân đội dự định thực hiện cuộc đổ bộ vào Anh vào năm 1804. Sau một thời gian, cơ quan tình báo của Napoléon đã cài cắm điệp viên ở tất cả các thủ đô và nhiều thành phố lớn của hầu hết các quốc gia châu Âu. Thông thường, đó là những điệp viên được trả lương cao. Khi địa bàn hoạt động của một điệp viên nào đó trở nên quan trọng, anh ta sẽ được cấp một số tiền rất lớn để thu thập thông tin.
Đáng chú ý là Napoléon đã sử dụng tiền giả như một vũ khí trong cuộc chiến tranh bí mật chống lại các kẻ thù của mình.
Khi được xem những tờ tiền giả chất lượng tuyệt hảo, được cho là của Pháp, nhưng thực chất là in ở London, Hoàng đế hết sức ngạc nhiên. Và ngài đã ra lệnh thanh toán cho các nhà cung cấp quân sự bằng những tờ tiền đó. Năm 1806, tiền giả của Áo và Anh đã được in ở Paris. Khuôn in do họa sĩ khắc thuộc Bộ Chiến tranh thực hiện.
Tiền giả được in tại một nhà in nằm trên đại lộ Montparnasse, dưới sự giám sát của Bộ Cảnh sát và Văn phòng Mật vụ của chính Hoàng đế. Những tờ tiền mới in được vứt vào bụi bẩn để tạo ra vẻ ngoài giống như tiền đã được lưu hành.
Tại Paris, sau đó là ở Dresden và Warsaw, theo lệnh của Napoléon, tiền rúp giả của Nga đã được in với tổng giá trị lên đến hàng chục triệu. Lực lượng tổng hành dinh của Pháp đã tìm cách phát hành tiền giả ngay cả ở Moscow trong khoảng thời gian ngắn khi thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Napoléon.