Cạm bẫy trên một lộ trình

Thứ Sáu, 02/06/2023, 11:17

Ngày 28/5, Liên minh châu Phi (AU) thông báo: Một lộ trình giải quyết xung đột ở Sudan, hướng tới việc ngừng bắn ở quốc gia châu Phi này, đã được thông qua. Tuy nhiên, song song với tuyên bố ấy, tiếng súng giao tranh giữa hai phe tranh giành quyền lực lại rộ lên tại thủ đô Khartoum của Sudan, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực.

Tình thế ấy, với những thảm trạng nhân đạo ngày càng trở nên gay gắt, thêm một lần nữa nhấn mạnh: Vẫn tồn tại quá nhiều chướng ngại vật không dễ để vượt qua, trên hành trình kiến tạo một nền hòa bình bền vững cho quốc gia đang bị hủy diệt từng ngày.

vdc_xei_036_sudan_thumb_syn.jpg -0
Cuộc tranh chấp quyền lực chưa hồi kết

Lằn ranh mong manh

Đêm 29/5, lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần, giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) mới chính thức hết hiệu lực – một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến với người dân Sudan, thông qua các hành lang được quốc tế đảm bảo. Tuy vậy, từ ngày 24/5, các quan sát viên đã nhận đượcnhững báo cáo, về việc cả hai bên “đều vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có các cuộc tấn công ở Khartoum và El-Obeid, các cuộc không kích và tấn công bằng pháo binh” ở một số nơi khác.

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được ký kết tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, kêu gọi phân phát hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ chính yếu và rút các lực lượng vũ trang khỏi các cơ sở y tế và các hệ thống tiện ích công cộng trọng yếu. Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã bị vi phạm (thỏa thuận đầu tiên, lẽ ra phải được duy trì trong 10 ngày, đã nhanh chóng đổ vỡ), thỏa thuận lần này hy vọng sẽ được củng cố bởi một cơ chế giám sát có sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế.

Cạm bẫy trên một lộ trình -0
Xung đột lan rộng - nguy cơ hiện hữu

Giao tranh đã khiến dự trữ lương thực, tiền và các nhu yếu phẩm khác nhanh chóng cạn kiệt. Các vụ cướp phá xảy ra tại các ngân hàng, đại sứ quán, cơ quan hỗ trợ và cả các nhà thờ. Các tổ chức cứu trợ cho biết họ không thể tiến hành hoạt động hỗ trợ tại Khartoum, do không có sự đảm bảo an ninh nhằm giúp các nhân viên di chuyển an toàn.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã phải lập tức tuyên bố rằng họ và nước Mỹ - trong vai trò trung gian kiến tạo thỏa thuận ngừng bắn vì lý do nhân đạo đó - quan ngại về tình trạng không bên nào tại Sudan “tuân thủ cam kết không tìm kiếm lợi thế quân sự trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực và trong khoảng thời gian 48 giờ sau khi thỏa thuận này bắt đầu được thực thi”.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo: Các phe phái đối địch tại Sudan “phải tuân thủ lệnh ngừng bắn mới nhất, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt”. Theo ông, nếu lệnh ngừng bắn bị vi phạm, Mỹ sẽ “buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm thông qua các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác”.

Đến ngày 27/5, lại xảy ra một vụ không kích khiến hai người thiệt mạng ở Khartoum, trong khi một cuộc không kích khác nhằm vào cơ quan in tiền thuộc Ngân hàng quốc gia Sudan. Và đến ngày 28/5, các nhân chứng cho biết họ nghe thấy “tiếng súng ở phía Nam thành phố Khartoum”. Càng đến gần giờ chính thức hết hiệu lực, các phe phái càng tích cực đẩy mạnh những hoạt động quân sự, nhằm nhanh chóng chiếm lấy ưu thế trên thực địa.

Cạm bẫy trên một lộ trình -0
Khartoum vẫn rung chuyển bởi bom đạn giao tranh ngay trong thời gian ngừng bắn

Giữa SAF do Tư lệnh Quân đội Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo, dường như, không có cách nào để dàn xếp các mâu thuẫn quyền lực, ngoại trừ bạo lực.

Mặc dù vậy, RSF vẫn khẳng định "sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo... để xem xét tính khả thi của việc kéo dài lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận nhân đạo", tùy thuộc vào "sự chân thành và cam kết" của quân đội. Ngược lại, SAF cho biết rằng họ đang "xem xét khả năng đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn hiện tại".

Kỳ vọng quá lớn của AU

Lộ trình hòa bình cho Sudan mà AU thông qua ngày 27/5 bao gồm sáu điểm chủ chốt: thiết lập một cơ chế điều phối để đảm bảo mọi nỗ lực của các bên tham gia trong khu vực và quốc tế được hài hòa và hiệu quả; chấm dứt chiến sự ngay lập tức, vĩnh viễn, toàn bộ, toàn diện; và một phản ứng nhân đạo hiệu quả.

AU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của một tiến trình hòa bình duy nhất, toàn diện và hợp nhất cho Sudan, được điều phối dưới sự bảo trợ chung của AU, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD), Liên đoàn các quốc gia Arab (AL) và Liên hợp quốc, cùng các đối tác có liên quan.

Cạm bẫy trên một lộ trình -0
Nụ cười vô tư của những đứa trẻ mất nơi trú ngụ

Thông báo của AU nêu rõ: "Hội đồng, với sự quan ngại sâu sắc, lên án mạnh mẽ cuộc xung đột vô nghĩa và phi lý đang diễn ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), dẫn đến một tình huống nhân đạo thảm khốc chưa từng có, giết hại bừa bãi thường dân vô tội".

Vấn đề là, như cách Saudi Arabia và Mỹ đang bị đặt trước những “sự đã rồi”, kế hoạch hành động này của AU thiếu một yếu tố then chốt: Các công cụ cần thiết bảo đảm cho kế hoạch thành công. Nói cách khác, AU hay bất cứ tổ chức quốc tế nào cũng chỉ có thể kêu gọi sự hợp tác từ hai phe phái đối địch ở Sudan, chứ không có cách nào ép buộc họ thực thi các cam kết.

Nói đúng hơn, vẫn luôn hiện hữu những công cụ trấn áp ấy, song việc sử dụng đến chúng – nghĩa là tạo áp lực mạnh mẽ bằng chính sức mạnh quân sự - sẽ là vô cùng mạo hiểm, với những nguy cơ thổi bùng xung đột, cũng như chính thức xâm phạm đến chủ quyền của Sudan.

Không phải ngẫu nhiên, ngày 27/5, kênh truyền hình uy tín nhất khối Arab là Al-Jazeera (có trụ sở tại Qatar) dẫn lời một quan chức ngoại giao Sudan giấu tên cho biết rằng Sudan đã thông báo với AU về khả năng Khartoum có thể rời khỏi tổ chức này, nếu AU thực hiện các bước mà không tham khảo ý kiến của họ. Nhà ngoại giao này phát biểu rằng Sudan đã ngăn Cơ quan liên chính phủ về phát triển của AU tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Sudan vào ngày 12/5, vì lý do không cân nhắc lợi ích của quốc gia Đông Phi ấy.

Do đó, đến hiện tại, kế hoạch của AU vẫn chỉ là các phác thảo ngoại giao thuần túy mang tính lý thuyết. Để có thể được hiện thực hóa, nó bắt buộc phải trông đợi vào “thiện chí” đích thực, từ những người đang “nắm quyền sinh sát”, trong câu chuyện nội bộ của Sudan. Nếu họ sẵn sàng bất chấp cả những lệnh trừng phạt hay cấm vận từ cộng đồng quốc tế, thì tình trạng tang thương của Sudan vẫn sẽ là không có lối thoát.

Gánh nặng trong bế tắc

Trong khi đó, từng ngày, nguy cơ diễn ra một thảm họa nhân đạo mỗi lúc một tạo thêm cho các nước láng giềng trong khu vực những mối lo thêm trầm trọng.

Kể từ khi chiến sự bùng nổ ngày 15/4, theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, số dân thường thiệt mạng đã lên tới 863 người (trên tổng số hơn 1.800 người), với 3.531 người bị thương. Còn theo số liệu của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cạm bẫy trên một lộ trình -0
Cảnh thiếu thốn tại những trại tị nạn

Ngày 28/5, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) - ông Filippo Grandi - đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia láng giềng tiếp nhận người tị nạn Sudan, đặc biệt là Ai Cập. Theo UNHCR, Ai Cập hiện là nước tiếp nhận lượng người di cư lớn nhất từ Sudan với khoảng 160.000 trường hợp, trong đó có hơn 153.000 người tị nạn Sudan (còn lại là những công dân mang quốc tịch khác). Hiển nhiên, điều này khiến cường quốc hàng đầu khu vực Bắc Phi cũng phải chịu những áp lực nặng nề về kinh tế-xã hội, khi phải lo sắp xếp “nơi ăn chốn ở”, điều kiện sinh hoạt và những vấn đề liên quan cho số lượng người sơ tán không nhỏ đó.

Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, ông Grandi kêu gọi Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ những người rời Sudan đi lánh nạn, đồng thời hối thúc các nhà tài trợ quốc tế khẩn trương triển khai các chương trình cứu trợ.

Song, đó vẫn là những hành động dành cho những người đã may mắn trốn thoát khỏi chiến sự. Chúng dễ dàng hơn nhiều so với việc tiếp cứu các thân phận còn kẹt lại giữa “binh lửa”. Theo Liên hợp quốc, hiện có tới 25 triệu người, nghĩa là hơn một nửa dân số Sudan, đang cần hỗ trợ nhân đạo, bao gồm cả người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em.

Vấn đề là, khi những cuộc chạm súng vẫn nổ ra ngay trong thời gian ngừng bắn được thỏa thuận, thì chính các đoàn hỗ trợ nhân đạo quốc tế được cử đến Sudan cũng bị đe dọa, về cả tính mạng cũng như cơ sở vật chất. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhân viên nghiêm trọng, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo có thể phải ngừng các hoạt động cứu người, nếu hành lang nhân đạo không được đảm bảo. Trong khi đó, nhu yếu phẩm cứu trợ vẫn luôn bị cướp phá bởi cả hai phe lẫn các nhóm vô chính phủ.

Và bởi vậy, trong cái mớ bòng bong ấy, mọi chuyện vẫn quay cuồng trong một cái vòng luẩn quẩn…

Mây Linh
.
.