Chiến công thầm lặng của hai nữ điệp viên Anh

Thứ Năm, 01/08/2024, 11:52

Trong Thế chiến thứ hai, Cục Tác chiến Đặc biệt (SOE) của Anh đã cử các điệp viên mật đến lục địa. trong đó có cả các điệp viên nữ. Xin trân trọng giới thiệu hai gương mặt tiêu biểu: nữ Hiệu thính viên gốc Ấn Độ và một phụ nữ Mỹ đã vượt qua dãy Pyrenees bằng chân giả.

Noor, Virginia và Vera

Mùa đông năm 1913-1914, Hazrat Inayat Khan, nhạc sĩ, triết gia và nhà truyền giáo Sufi Ấn Độ đến Moscow. Ông giảng bài tại Bảo tàng Bách khoa, biểu diễn âm nhạc truyền thống Ấn Độ và gặp gỡ các nhà hoạt động văn hóa Nga (Fyodor Chaliapin, Aleksandr Scriabin, Vyacheslav Ivanov). Trong thời gian đó, bà vợ người Mỹ của ông đang chăm sóc bé gái Noor, chào đời ngay sau khi gia đình đến Moscow.

 Hazrat Inayat Khan cùng gia đình và các nhạc công ở Nga 7 tháng. Sau đó, gia đình ông sống ở London 6 năm, rồi chuyển đến Paris. Thời gian này, Noor đã nói được tiếng Nga và tiếng Anh, còn ở trường cô học tiếng Pháp. Trong những năm 1930, cô học chuyên ngành Tâm lý trẻ em tại Đại học Sorbonne và cùng với các  em của mình tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, nơi cô chơi đàn hạc. Khi vào học nhạc tại Trường Sư phạm Paris (École Normale), Noor yêu một nhạc sĩ gốc Do Thái và mặc dù gia đình không chấp nhận tình cảm của họ, cô vẫn bí mật đính hôn với anh ta.

Chiến công thầm lặng của hai nữ điệp viên Anh -0
Nữ điệp viên Noor Inayat Khan.

Thế chiến thứ hai bùng nổ, Noor trở thành y tá của Hội Chữ thập đỏ. Năm 1940, ngay trước khi Pháp đầu hàng Đức, cô và gia đình chạy trốn sang Anh bằng thuyền. Tại London, Noor và em trai Vilayat quyết định chiến đấu chống Đức Quốc xã: Vilayat tình nguyện gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia, còn Noor trở thành hiệu thính viên trong Lực lượng Không quân hỗ trợ phụ nữ (WAAF). Một năm sau, thấy Noor thông thạo một số ngoại ngữ, một thủ trưởng mời cô gia nhập Cục Tác chiến Đặc biệt, cơ quan tình báo chuyên thực hiện hoạt động gián điệp và phá hoại tại các vùng lãnh thổ do Đức Quốc xã chiếm đóng ở Châu Âu.

Noor nhận lời và được gửi đến trại huấn luyện. Cô học cách phá khóa, sử dụng chất nổ, ngụy trang, gửi mật mã và ứng xử trong các cuộc thẩm vấn. Tất cả những điều này vô cùng khó khăn đối với Noor - con gái của một nhà truyền giáo, lớn lên trong bầu không khí yêu thương và hòa thuận, không hề biết nói dối. Các cán bộ huấn luyện muốn trả cô về nhà, nhưng Vera Atkins, một sĩ quan thuộc chi nhánh Pháp của SOE, đã can thiệp.

Vera sinh ra ở Romania trong gia đình mẹ là một phụ nữ Anh gốc Do Thái và bố là người Do Thái gốc Đức. Cô học tiếng Pháp tại Đại học Sorbonne, nhưng khi nước Pháp bị chiếm đóng, cô đến London. Tại SOE, cô làm thư ký cho Đại tá Maurice Buckmaster, ông nhanh chóng nhận thấy Vera có khả năng tổ chức và giao cho cô tuyển mộ phụ nữ để thực hiện các nhiệm vụ ở hậu phương của kẻ thù. Đồng thời, về mặt hình thức, cô vẫn là một thư ký bình thường - do không có quốc tịch Anh nên cô không thể được thăng chức.

Khi Noor thuộc quyền quản lý của Vera,  cô đang huấn luyện một phụ nữ khác, Virginia Hall, người sau này mang biệt danh “điệp viên một chân”.

Chiến công thầm lặng của hai nữ điệp viên Anh -0
Nữ huấn luyện điệp viên Vera Atkins.

Germaine

Virginia Hall sinh ngày 6/4/1906 tại Baltimore, Hoa Kỳ. Cô học Trường Cao đẳng Radcliffe thuộc Đại học Harvard và Cao đẳng Barnard thuộc Đại học Columbia, rồi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Mỹ ở Washington. Sau đó, cô đi du lịch khắp châu Âu và tiếp tục học tại Trường khoa học Chính trị ở Paris, Học viện Lãnh sự ở Vienna. Học xong, cô vào làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Warsaw. Tưởng như đây là bước khởi đầu cho sự nghiệp ngoại giao mà Hall hằng mong ước, nhưng một vụ tai nạn đã thay đổi số phận của cô.

Một lần, khi đang đi săn, Virginia bị vấp ngã và vô tình bắn vào đầu gối mình. Để cứu mạng, cô phải cắt chân, từ đó, Virginia sử dụng chân giả mà cô thậm chí còn đặt tên cho nó là “Cuthbert”.

Khuyết tật trở thành vật cản cho sự thăng tiến, nhưng những phẩm chất lãnh đạo và tham vọng của Virginia vẫn nguyên vẹn. Cô chăm chỉ tập thể dục và gần như không đi khập khiễng, cô học chạy và đi xe đạp. Sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Virginia đến Pháp và tình nguyện tham gia tổ chức cứu thương. Còn sau khi nước Pháp đầu hàng, cô đến London và bắt đầu làm thư ký ở Đại sứ quán Mỹ. Chính tại đây, Virginia đã gặp Vera Atkins và ngay lập tức được cô chú ý.

Virginia thông thạo tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp. Đến cuối năm 1941, khi Hoa Kỳ tham chiến, giọng Bắc Mỹ đã cho phép cô đóng vai một nhà báo. Virginia đến vùng lãnh thổ Pháp bị chiếm đóng, nơi một điệp viên của Kháng chiến Pháp đang đợi cô. Nhiệm vụ chính của cô là sơ tán các phi công Anh có máy bay bị bắn rơi ở Pháp. Ngoài ra, cô cũng làm liên lạc  cho các điệp viên  SOE khác, với mật danh "Germaine".

Trong vai phóng viên của tờ New York Post, Virginia đã phỏng vấn cả các chỉ huy Đức để tìm hiểu những thông tin quan trọng. Ngoài ra, cô còn liên lạc với các nữ tu ở tu viện Lyon, nơi cô giấu các thành viên Kháng chiến Pháp. Cô còn tổ chức mạng lưới điệp viên  “Heckler” và cùng họ tham gia đánh bom các  đường xe lửa.

Nhưng đến tháng 11/1942, Virginia bị cảnh sát mật Gestapo chú ý. Viên Đại úy Klaus Barbie, còn được gọi là “Đồ tể thành Lyon”, tuyên bố truy lùng Virginia, buộc cô phải chạy trốn. Vượt qua dãy Pyrénées  tuyết phủ, cô thông báo cho London: "Tôi vẫn ổn, nhưng Cuthbert đang gây rắc rối cho tôi". Và nhận được hồi âm lời: “Nếu Cuthbert gây khó khăn, hãy loại bỏ”.

Sau khi vượt biên giới, Virginia bị bắt và bị giam 20 ngày. Quốc tịch Mỹ đã cứu cô khỏi bị giao nộp cho Đức Quốc xã. Được trả tự do, Virginia trở về Anh.

Thời gian này, Noor nhảy dù xuống lãnh thổ Pháp.

Chiến công thầm lặng của hai nữ điệp viên Anh -0
Nữ điệp viên Virginia Hall.

Madeleine 

Hồ sơ cá nhân của Noor viết rằng, "tính cách không ổn định và nóng nảy... gây ra nhiều khó khăn cho công việc trong điều kiện tác chiến”.  Người Anh lo lắng về việc Noor ủng hộ nền độc lập của Ấn Độ. Nhưng Atkins cho rằng sự mảnh khảnh của Noor có thể là một vỏ bọc rất tốt - ít ai nghi ngờ một cô gái yếu ớt như vậy lại làm gián điệp. Ngoài ra, Noor còn biết tiếng Pháp và là một hiệu thính viên giỏi. Ở SOE, ai cũng biết rằng làm hiệu thính viên nơi hậu phương của kẻ thù đồng nghĩa với tự sát.

Tuổi thọ trung bình của một hiệu thính viên chỉ 6 tuần. Quân Đức có một hệ thống xe dò tìm phức tạp để phát hiện tín hiệu vô tuyến. Lên sóng hơn 20 phút liên tục có thể là một sai lầm chết người. Để tránh bị bắt, hiệu thính viên phải truyền tin càng nhanh càng tốt - và ngay lập tức thay đổi vị trí của mình. Trong khi đó, máy thu sóng vô tuyến nặng tới 15 kg, chiều dài ăng-ten khi mở ra là 15m.

Năm 1943, khi nhảy dù xuống Pháp, Noor đến Paris và liên lạc với chi nhánh của Kháng chiến Pháp “Prosper”. Lúc bấy giờ không ai biết rằng gián điệp Đức đã lọt vào chi nhánh. Đến đầu tháng 7, tất cả các thành viên của chi nhánh đều bị Gestapo bắt. Noor còn lại một mình.

Được đề nghị trở về London, nhưng Noor quyết định ở lại thực hiện nhiệm vụ, trở thành liên lạc viên duy nhất giữa SOE và lực lượng bí mật của Pháp. Hằng đêm, Noor, với biệt danh “Madeleine”, liên lạc và truyền đi những thông tin quan trọng, sau đó thay đổi địa điểm với chiếc vali nặng 15 kg; mỗi tuần cô nhuộm lại tóc một lần. Cô đã tránh được Gestapo hơn 3 tháng trời, nhưng vào tháng 10/1943, cô bị em gái của một trong những thành viên Kháng chiến Pháp phản bội.

Noor bị giải đến trụ sở Gestapo ở Paris trên đại lộ Foch. Tại đây, ban đầu chúng tìm cách tuyển mộ cô, sau đó, chúng đưa cô xuống tầng hầm, nơi cô hai lần định bỏ trốn. Một tháng sau, Noor bị chuyển đến một nhà tù ở Đức và biệt giam thêm 10 tháng. Suốt thời gian này, cô tiếp tục bị tra tấn và thẩm vấn. Năm 1944, Noor được chuyển đến trại tập trung Dachau và bị xử tử vào ngày hôm sau. Trước khi chết, cô đã kịp hô to từ “Liberté” (“Tự do”). Thi thể của cô bị đốt trong lò thiêu.

Chiến công thầm lặng của hai nữ điệp viên Anh -0
Virginia Hall được trao huân chương.

Marseille

Cùng năm đó, Virginia Hall đến Pháp lần thứ hai. Giờ đây cô đóng vai một phụ nữ Pháp lớn tuổi tên là Marseille Montagne,  làm việc tại một nông trại ở thị trấn Crozant: cô nuôi bò và làm pho mát. Song song, cô thu thập thông tin về quân Đức và điều phối hoạt động của Kháng chiến Pháp. Từ ngày 14/7 đến ngày 14/8, Virginia đã chuyển 37 thông báo về London, tổ chức 22 cuộc đổ bộ và phối hợp "vô số" hành động phá hoại. Tuy nhiên, nguy hiểm lại rình rập cô - một nông dân địa phương bị tra tấn đã tiết lộ về nữ điệp viên Anh.

“Bầy sói đang ở trước cửa”, - lần cuối cùng Virginia đưa tin từ nông trại Crozant. Cô lại chạy đến thị trấn Cohn, và nhận nhiệm vụ mới - tổ chức các lực lượng đặc nhiệm của Kháng chiến Pháp, lực lượng này bằng các hành động phá hoại đã ngăn chặn bước tiến của phát xít Đức tới Normandy, nơi quân Đồng minh đang chuẩn bị đổ bộ.

Virginia Hall được trao tặng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) của Pháp và Huân chương Đế quốc Anh vì những đóng góp của mình. Không lâu sau chiến tranh, cô được mời gia nhập Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mới thành lập. Cô làm việc ở đó cho đến giữa những năm 1960.

Từ năm 1941 đến năm 1944, Vera Atkins đã huấn luyện và tung vào hậu phương của kẻ thù 400 điệp viên. Cuối cùng, cô được nhập quốc tịch Anh. Sau chiến tranh, cô tham gia điều tra số phận của 118 điệp viên mất tích, trong đó có 14 phụ nữ. Cô đã dành gần một năm để phỏng vấn các cựu nhân viên trại tập trung và nghiên cứu hồ sơ. Những lời thú tội mà Vera khai thác của tên chỉ huy trại Auschwitz, Rudolf Hess được dùng làm bằng chứng tại các phiên tòa ở Nuremberg. Cô đã làm sáng tỏ số phận của các điệp viên mất tích: 117 người đã chết, và người thứ 118 bỏ trốn đến Monte Carlo với số tiền lớn. Cô cũng biết Noor đã hy sinh như thế nào.

Noor được truy tặng Huân chương Chiến công của Pháp và Huân chương George Cross của Liên hiệp Vương quốc Anh. Cô là người phụ nữ duy nhất nhận được cả hai huân chương này. Lễ trao huân chương được lặp lại hàng năm vào ngày 14/7 trước ngôi nhà thời thơ ấu của cô ở ngoại ô Paris, nơi một đội quân nhạc chơi bài La Marseillaise.

Kim Thanh Hằng
.
.