Chuyện ít biết về một điệp viên xứ Dừa

Con nuôi người nhà… Tổng thống Thiệu (bài 1)

Thứ Bảy, 27/04/2024, 20:46

Chưa kể biệt danh là “Tướng cướp nhí” lúc nhỏ, bên cạnh cái tên do cha mẹ đặt cho là Nguyễn Thanh Điềm (Tư Điềm), ông còn lần lượt mang 4 tên gọi khác nhau trong một thời gian dài, đó là Thục Xình, Thanh Phương, J2, D104. Với ông, mỗi cái tên là mỗi kỷ niệm gắn với những thành tích, trong đó có những đóng góp rất quan trọng trong ngày 30/4/1975 và cùng lực lượng Công an đảm bảo an ninh chính trị nhiều địa phương trước và sau ngày đại thắng.

Trở lại với cuộc sống đời thường, với mảnh vườn ở xứ Dừa, dòng sông, con rạch quê mình, người thương binh - cựu điệp viên ấy vẫn luôn tự thấy mình chưa “dứt nợ” với đồng chí, đồng đội, với nhân dân…

Cùng phá tan “Cánh cửa thép Xuân Lộc”

Gần ngót nửa thế kỷ rồi, nhưng nhắc lại mặt trận Xuân Lộc, Tư Điềm vẫn còn nhớ như in. Theo lời ông, từ đầu năm 1975, với sự tiến công như vũ bão của quân và dân ta đã chiếm gần phân nửa miền Nam, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chủ trương triệt thoái lực lượng ở miền Trung và Tây Nguyên về lập 3 tuyến phòng thủ, trong đó có Xuân Lộc, để bảo vệ thủ đô Sài Gòn.

Xuân Lộc được xem như là yết hầu của Sài Gòn chính là do án ngữ tại vị trí ngã ba của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20, cửa ngõ từ miền Trung, Tây Nguyên tiến về Sài Gòn chỉ cách đó khoảng 80km. Xuân Lộc cũng là vành đai phòng thủ bảo vệ sân sau của Sân bay Biên Hòa và Sài Gòn. Chính vì vậy nên Thiệu cho tập trung lực lượng, vũ khí và giao cho Sư đoàn 18 bộ binh do em vợ mình là tướng Lê Minh Đảo, khi đó là Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh, trấn giữ.

tu diem 03.jpg -0
J2 - tức Nguyễn Thanh Điềm (phải) cùng 2 nữ trinh sát vũ trang An ninh T4 trước trận đánh vào Ty Cảnh sát Gia Định.

Nhận nhiệm vụ này, tướng Đảo tuyên bố sẽ tử thủ tại “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, đúng với tinh thần mà tướng Frederick C. Weyand, tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đã nói sau khi trực tiếp thị sát Xuân Lộc: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". 

Với quân giải phóng tại miền Nam, trận đánh “Cánh cửa thép Xuân Lộc” được xem như là trận Điện Biên Phủ, kéo dài 12 ngày đêm (từ 9 đến 21/4/1975), với sự đụng độ ác liệt quy mô lớn giữa Quân đoàn 4 của ta do Tướng Hoàng Cầm và Tướng Trần Văn Trà chỉ huy với Quân đoàn III ngụy (mà Sư đoàn 18 bộ binh ngụy làm chủ lực) cùng các binh chủng phối hợp, tổ chức thành 3 chiến đoàn do Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III và Tướng Đảo chỉ huy.

Lúc này, Tư Điềm với mật danh J2, D.104 là cơ sở tình báo của ta, cùng lúc là người của 3 đơn vị: Quân báo Bến Tre, An ninh Sài Gòn - Gia Định (T4, tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh ngày nay - PV) và An ninh Bà Rịa - Long Khánh lại đang ở ngay trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh ngụy. Khi đó, với vỏ bọc là con nuôi tướng Đảo với tên gọi quen thuộc là “Thanh Phương”, J2, D104 được “ba Đảo” hết mực tin tưởng.

“Tình hình chiến sự khi đó rất ác liệt, giằng co giữa quân giải phóng và địch từ sáng 9/4/1975 tại mặt trận Xuân Lộc”, Tư Điềm nhớ lại. Quân ta bắt đầu tiến công bằng hàng ngàn quả pháo, sau đó, đồng loạt các mũi bộ binh tiến công. Sau 4 ngày đụng độ, địch bị tổn thất nặng nề. Để củng cố mặt trận này, địch tăng viện lực lượng lên đến trên 50% tổng lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và toàn bộ lực lượng thiết giáp của Quân đoàn III... Khi địch tập trung phòng thủ nội ô thị xã Xuân Lộc, quân giải phóng thay đổi chiến thuật, giãn ra, nghi binh, chặn các đường tiếp viện tiêu diệt địch bằng thế gọng kìm.

“Sát cánh với tướng Đảo, qua tin tức cập nhật hàng ngày, hàng giờ, tôi biết được ngày 13/4, Quân giải phóng đã tấn công Chiến đoàn 52 của địch ở ngã ba Dầu Giây, tiêu diệt gọn đơn vị này. Quân ta tiến công như vũ bão, liên tục. Khi các chốt báo cáo về rằng không còn khả năng phòng ngự, tướng Đảo lớn tiếng chửi bới loạn xạ không từ một ai, kể cả với ông anh rể là tổng thống Thiệu”, Tư Điềm kể. 

Đang lúc tướng Đảo tức giận do các tuyến phòng thủ bị thất thủ thì tên sĩ quan truyền tin đến báo có tướng Toàn gặp. Qua máy bộ đàm, tướng Toàn nói: “Tổng thống ra lệnh rút lui khỏi Xuân Lộc, tùy nghi di tản về lập tuyến phòng thủ ở Biên Hòa”. Cúp máy sau cuộc gọi sau đó, tướng Đảo nói Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu đã đồng ý cho sử dụng khẩn cấp “hai mũi tên gãy” để cứu vãn tình thế, một mặt để tiêu diệt cộng quân đang chiếm đóng mặt trận ở ngã ba Dầu Giây, một mặt thể hiện tinh thần quyết tâm tử thủ.

“Hai mũi tên gãy” là tiếng lóng chỉ hai quả bom CBU-55, còn gọi là bom tiểu nguyên tử, khi nổ đốt cháy không khí trong bán kính 400m2, gây ngạt thở, chết”, Tư Điềm giải thích để chúng tôi hiểu và cho biết thêm, khi nghe tin này, ông như giật bắn người.

Chiều 15/4, ông rời núi Cốc Rang (trung tâm chỉ huy của tướng Đảo), ra ngoài nắm tình hình. “Chiến sự thế này con ra làm gì?”, lo ngại nói với con nuôi như thế nhưng cuối cùng, tướng Đảo cũng đồng ý và không quên căn dặn: “Mặc đồ thường thôi, đừng mặc đồ lính cho an toàn nghen con”.

Chạng vạng tối hôm đó, Tư Điềm liên lạc được với trinh sát của ta, yêu cầu tức tốc báo ngay cho lãnh đạo Ban An ninh Bà Rịa - Long Khánh. Từ tin tức quý giá này của J2, D.104, ta lập tức di chuyển quân ra khỏi khu vực Dầu Giây nên sáng 16/4, khi địch thả hai quả bom CBU-55, không gây thiệt hại nhiều cho lực lượng ta.

Trong hỗn loạn, tướng Đảo kêu con nuôi Thanh Phương cùng lên máy bay  tháo chạy về Sài Gòn. Tuy nhiên, viện lý do “ở lại theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo cho ba” nên Tư Điềm được tướng Đảo đồng ý. “Thực chất trước đó, tôi  được lãnh đạo An ninh Bà Rịa - Long Khánh yêu cầu ở lại để nắm và báo cáo số quân ngụy còn cố thủ ở Long Khánh”, Tư Điềm kể. Nán lại Xuân Lộc, J2, D.104 báo cáo cho lãnh đạo Bà Rịa - Long Khánh nơi ẩn náu của Đại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 43, Sư đoàn 18 và 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 18. Ngay sau đó, lực lượng ta bao vây, diệt gọn...

Để Sài Gòn không chìm trong… biển máu

Sau khi góp sức cùng đánh sập “cánh cửa thép Xuân Lộc”, Tư Điềm được lệnh khẩn cấp của lãnh đạo An ninh T4 gọi về Sài Gòn giao nhiệm vụ đặc biệt, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tình hình rất khẩn cấp, phải thi hành mệnh lệnh ngay.

Thành Cổ Loa - căn cứ pháo binh và Trại Phù Đổng - căn cứ thiết giáp án ngữ ở vị trí phòng thủ chiến lược Đông Bắc Sài Gòn (nay thuộc Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), phía Đông Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối năm 1974, đích thân tổng thống Thiệu đến thị sát và giao nhiệm vụ - khẳng định đây là hai quả đấm thép cuối cùng của quân lực VNCH, bằng mọi giá phải đập tan các cuộc tiến công của “Cộng quân” để bảo vệ thủ đô... Trước đó, quân ta từng tổ chức các đợt tấn công nhưng do không nắm được cách bố trí phòng thủ, tác chiến của địch nên ta bị tổn thất nặng nề.

Lần này, J2 là người duy nhất được chọn vì J2 có kinh nghiệm từng xâm nhập vào nhiều cơ quan đầu não của địch với vỏ bọc là thương phế binh, con nuôi của tướng Đảo.

“Nhận nhiệm vụ, do thời gian không còn nhiều, tôi như con thoi chạy tìm lại một số bạn là thương phế binh cũ có… số má. Trong lúc cà phê, ăn sáng, tôi tâm sự: Chiến sự ác liệt quá, không biết chế độ sụp đổ lúc nào, cũng không biết mình sống chết lúc nào. Tôi gặp anh em hôm nay là để bàn bạc kế hoạch mình sẽ vào Thành Cổ Loa và Trại Hoa Lư than đau, kể khổ để kiếm chút tiền tiêu xài...”, Tư Điềm kể. Nghe “đại ca” Thanh Phương “gãi” đúng chỗ ngứa, hơn 15 thương phế binh đều tán đồng, rồi tất cả, người đi xích lô, người chống tó, người cà thọt đi bằng chân giả đến Thành Cổ Loa.

Đến nơi, Tư Điềm tiến đến cổng, trình giấy tùy thân. Nhìn tấm giấy công vụ “Sự vụ lệnh đặc biệt”, bất khả xâm phạm, lại nghe J2 giới thiệu là con nuôi của tướng Đảo, tên lính gác nhấc máy gọi vào cho sĩ quan trực ban ra đón. Vào được bên trong, trong lúc các thương phế binh tiếp xúc và… xin tiền thì J2, D.104 nhờ một tên sĩ quan khác dẫn đi một vòng căn cứ. “Ba tôi nói địch rất mạnh, sẽ chiếm Thủ đô Sài Gòn nếu ta chủ quan. Nên các anh phải chuẩn bị phòng thủ cho kỹ,…”, vừa đi, J2, D.104 vừa nói. Nghe vậy, tên sĩ quan bớt đi sự do dự, sau khi giới thiệu cách bố trí phòng, tác chiến xong, liền dẫn để “khách quý” tận mắt các vị trí bãi mìn, lô cốt âm dưới đất, hệ thống công sự,…

Với Trại Phù Đổng, Tư Điềm cũng dùng “chiêu” tương tự để xâm nhập, nắm tình hình. Kết thúc công việc thị sát và nắm tình hình tại 2 căn cứ, J2 khẩn trương hoàn tất bản vẽ sơ đồ phòng thủ, chỉ rõ từng điểm mà địch bố trí các ổ hỏa lực; đề xuất thời điểm tiến công phù hợp. Ban chỉ huy Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động ngay sau đó đã xây dựng phương án tác chiến, thành lập Ban chỉ huy trận đánh trình cấp trên…

Đúng 23h ngày 29/4/1975, quân ta đồng loạt tấn công căn cứ Cổ Loa. Địch bắn trả dữ dội nhưng đã bị ta áp chế bằng hỏa lực mạnh vào các mục tiêu đã định.

Tại căn cứ Phù Đổng, 6 giờ sáng 30/4/1975, Đại đội biệt động Z32, thuộc Lữ đoàn 316, cải trang thành quân đội Sài Gòn bất ngờ tiến công tiêu diệt các chốt gác, mở đường cho các mũi tiến công, thọc sâu vào bên trong trực tiếp tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí.

Đến 9 giờ sáng cùng ngày, ta làm chủ hoàn toàn 2 căn cứ, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Theo nhận định sau này của Ban chỉ huy Lữ đoàn 316, đây là trận quyết tử nhưng nếu không chủ động từ đầu, chúng ta cũng sẽ chiếm được mục tiêu nhưng sẽ có thương vong rất lớn. Bởi trước đó, Thiệu yêu cầu là phải tử chiến. Cho nên sự mưu trí, dũng cảm của J2, D.104 - con nuôi nhà tổng thống Thiệu, trong chiến thắng này là đặc biệt xuất sắc, góp phần đưa Quân giải phóng thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn mà mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn… (còn tiếp)

Ông Nguyễn Thanh Điềm sinh ngày 15/1/1947, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Từ nhỏ, ông sống với bà nội trong cơ cực, đói khổ. Trên đầu cậu bé chưa được 10 tuổi khi đó là xìa bánh cam, bánh còng la cà đầu đường, cuối xóm để bán. Không chỉ vậy, ông còn đi ở đợ cho địa chủ, hầu hạ con nhà giàu cùng trang lứa, thường xuyên bị mắng nhiếc, đánh đập, chửi rủa là ngu dốt… Một lần, giữa trời mưa lạnh, chúng ném ông xuống ao, rồi sau đó bắt cõng chúng đến trường học với cái lý ngạo mạn là “cho ấm người ngựa”.

tu diem 01.jpg -0
Cựu điệp viên Nguyễn Thanh Điềm.

Uất ức, Điềm rủ các bạn nghèo lập nhóm “cướp” của nhà giàu chia cho bạn nghèo. Có hôm Điềm dẫn đầu các bạn chặn đường bắt “cậu chủ” hét lớn, “Không có tiền chuộc, tụi tao chém mày từng miếng một”. Sợ quá, cậu chủ lạy rối rít. Điềm mang danh “tướng cướp” từ đấy. Một hôm, có một cô mặt phúc hậu ôm Điềm vào lòng: “Cháu là đứa trẻ nghèo mà không hèn. Mưu trí, quả cảm, nhưng thôi, đừng làm tướng cướp nữa nghen”. Cô lại hỏi: “Hôm ấy, cháu định giết cậu chủ thiệt hả?”, “Cháu chỉ dọa thôi”, “Thế hử, vậy thì đi theo cô”. Sau này Điềm mới biết, cô tốt bụng ấy là bà Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, sau này là nữ tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam…

Tư Điềm cho biết, năm 1964, ông cùng tiểu đội vũ trang đánh địch để bảo vệ trạm giao bưu Miền tại Vàm Kênh Điều - đầu mối liên lạc, đưa rước cán bộ giữa các tỉnh. Sau nhiều ngày nghiên cứu, ông đã bố trí đánh địch kết hợp giữa vũ khí thô sơ, bãi chông và… ong vò vẽ. Ông cùng đồng đội tiêu diệt hơn 30 tên địch, thu nhiều vũ khí. Đây là sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm trong cách đánh, được phổ biến, nhân rộng ra toàn tỉnh.

Về bị thương ở bàn chân phải, ông nhớ lại, năm 1966, ông được giao nhiệm vụ công tác mật cho quân báo Huyện đội Châu Thành, khi đó đã mang bí số J2. Sáng 11/9/1966, ngày bầu cử quốc hội của địch, trên đường về Ban Chỉ huy báo cáo tình hình dọc theo Quốc lộ 60 và bến phà Rạch Miễu, lọt vào ổ phục kích, bị thương bàn chân phải nhưng ông vẫn dũng cảm, quăng lựu đạn, đánh trả quyết liệt.

Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục Miền Nam, An ninh T4, mở rộng hoạt động xuống các tỉnh Tây Nam Bộ. Tư Điềm được Quân báo tỉnh Bến Tre tin cậy, cử tham gia lực lượng T4 và ông đã khéo léo luồn sâu trong lòng địch. Trong quá trình điều trị vết thương, làm chân giả ở Trung tâm chỉnh hình (70 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn), được sự đồng ý của lãnh đạo, Tư Điềm khéo léo tiếp cận và được Lê Minh Đảo (em ruột Lê Thị Ánh Tuyết, vợ của tổng thống Thiệu - PV), từng là tỉnh trưởng Chương Thiện (Hậu Giang), Định Tường (Tiền Giang), tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh ngụy, nhận làm “con nuôi”. Được ba nuôi cho chính danh là “đại tá Nguyễn Thanh Phương”, Tư Điềm đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ tình báo, có nhiều đóng góp quan trọng cùng các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn,…

Cao Dũng – Thái Bình
.
.