Cựu nhà báo Sài Gòn kể về các nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn
Trong cuốn hồi ký “Đời ký giả chuyên nghiệp”, nhà báo Đông Duy kể lại những câu chuyện ông chứng kiến về các nhà tình báo lỗi lạc của miền Bắc như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Là người từng làm việc trong Việt tấn xã, cơ quan thông tấn chính thức của chế độ VNCH, chuyên viết tin quân sự, đưa tin chiến sự, bên cạnh đó còn cộng tác với tuần báo Newsweek của Mỹ và nhiều báo khác như Thách Đố, Xây Dựng… ông Đông Duy (tên thật là Hoàng Kiếm Nam) chứng kiến rất nhiều câu chuyện của làng báo Sài Gòn trước năm 1975. Những câu chuyện vui buồn cùng những giai thoại đặc sắc được ông tập hợp thành cuốn hồi ký “Đời ký giả chuyên nghiệp”, vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa & Truyền thông Sống xuất bản, tháng 2/2025.

Sách đem đến cho độc giả hàng loạt câu chuyện về các nhà báo nổi danh của làng báo Sài Gòn, trong đó có cả những nhân vật là huyền thoại trong làng tình báo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cài vào chế độ Sài Gòn hoạt động, như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo hy sinh thế nào?
Về nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, người được dư luận Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 gọi là “chuyên gia đảo chánh”, sự việc ông hy sinh sau này vẫn là ẩn số, với rất nhiều lời đồn đoán. Báo chí thời đó chỉ đăng thông tin được Quân đội cung cấp là ông Thảo bị phục kích ở Biên Hòa, bị trọng thương, sau đó được đưa về Cục An ninh Quân đội. Các tin đồn được tung ra là ông Thảo bị chính tướng Nguyễn Ngọc Loan tra tấn, đặc biệt là ông Thảo bị cận vệ của tướng Kỳ là Hùng “sùi” bóp vỡ tinh hoàn đến chết.
“Cái chi tiết Hùng “sùi” bóp d. chết Phạm Ngọc Thảo lan truyền ra ngoài cùng những chi tiết kinh hoàng như tướng Loan có mặt trong lúc tra tấn tù binh”, Đông Duy viết lại trong hồi ký của mình. Tuy nhiên, tác giả cho biết, ông được Trung tá Phạm Đình Cung, năm 1965 là Trung úy An ninh của biệt đoàn 222 Cảnh sát dã chiến, là người có mặt trong vụ phục kích hạ sát ông Thảo, thì ông Thảo đã bị phục kích bắn tỉa tại một khúc sông, vết thương quá nặng nên đã qua đời dù giới an ninh cố cứu chữa để khai thác.
Sách cho biết, nhóm phục kích ông Thảo gồm có đại tá Phạm Văn Liễu, đại úy Phạm Huy Sanh, thượng sĩ Danh - một thiện xạ cấp quốc gia của VNCH, là chuyên viên bắn tỉa. Theo lời kể, ông Cung và Danh lên xe đi về hướng Biên Hòa, tại hiện trường, thượng sĩ Danh mở hộp đồ nghề, lắp khẩu súng Rouleau, nòng giảm thanh dài khoảng hơn một cây đũa. Bấy giờ Danh mới cho biết lệnh bắn một người nhưng không rõ danh tính.
Đến khoảng 1 giờ đêm, một chiếc xuồng xuất hiện, qua máy truyền tin nhỏ, Danh nhận được mật lệnh rằng mục tiêu đã đến. Khi bắn, Danh nhờ ông Cung cho kê súng vào vai để tác xạ. Phát súng trúng người ngồi giữa là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, viên đạn trổ từ cằm lên phía trên, thương thể nặng nề nhưng không trúng chỗ hiểm nên ông Thảo chưa chết. Sau đó, toán cảnh sát dã chiến của đại úy Phạm Huy Sanh ào tới bắt giữ toàn bộ những người trên thuyền. Người ngồi đầu là linh mục Nguyễn Văn Tự Do, giám đốc ấn loát, kinh doanh của Dòng Chúa Cứu Thế, người ngồi cuối là tài công. Tất cả bị đưa về Tổng nha Cảnh sát.

Khi về Tổng nha, đại tá Liễu yêu cầu bác sĩ Phạm Văn Tòng cố gắng cứu chữa ông Thảo để khai thác thêm, nhưng vì vết thương đã quá nặng lại không được cứu chữa tại chỗ nên ông Thảo đã mất máu và qua đời.
Còn về tin đồn Hùng “sùi” bóp d. chết ông Thảo, theo ông Đông Duy, xuất phát từ việc Hùng “sùi”, lúc đó là thiếu tá, cảnh sát trưởng quận Nhất, nghe tin bắn Phạm Ngọc Thảo nên lái xe về tổng nha. Với bản tính nhăng nhố quen thuộc của đám đàn em ông Nguyễn Cao Kỳ, đã phán đại một câu kiểu đâm cha chém chú: “Thì bóp d. cho chết mẹ nó đi”.
Tác giả “Đời ký giả chuyên nghiệp” cho biết, sự thực không hề có vụ bóp bộ hạ tra tấn hoặc tiếng rên la khi ông Loan có mặt trong phòng như dư luận. Theo ông Đông Duy, Hùng “sùi” trong một buổi xem thi đấu Vovinam, trước cử tọa gồm nhiều viên chức an ninh cao cấp, còn có thể la to “Bóp d. nó”, và gã này bất cứ chuyện gì cũng oang oang đòi bóp d. thiên hạ.
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn giỏi nghề ra sao?
Về ông Phạm Xuân Ẩn, ông Đông Duy kể lại: “Một lần tôi cùng Mike Morrow (hãng tin tư nhân DNS) lên tạp chí Time đưa bài và đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp mặt nhân vật mà sau này lộ diện thành một điệp viên Cộng sản siêu đẳng: Phạm Xuân Ẩn - người tàng hình đi giữa đám đông. Thoạt nhìn, Phạm Xuân Ẩn không tạo một ấn tượng đậm nét nào trong cái nhân dạng một người Việt Nam nhỏ bé, gầy còm, mặc sơ mi trắng im lặng ngồi trước bàn giấy nhỏ bừa bộn quay vào tường ở một nơi hơi thiếu ánh sáng”.
Tác giả cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến ông Ẩn trực tiếp biên tập, sửa đổi từ ngữ trong bài viết của Mike: “Đọc được một chút, Ẩn cầm bút gạch đi một vài từ và tự ý sửa đổi một thành ngữ nào đó. Là một người Mỹ đã tốt nghiệp đại học, Mike phản ứng ngay khi bị một anh chàng Việt Nam dám sửa văn của mình nên lên tiếng như muốn phản đối.
Tuy nhiên, phản ứng của Phạm Xuân Ấn mới khiến Đông Duy thật sự kinh ngạc: “Nghe Mike cự nự, ông dằn cây viết xuống bàn vẻ như hơi bực mình rồi ngước lên, hơi cau mày, vẫn không nói một câu nhưng tia nhìn mang vẻ khinh mạn, đủ cho người đối diện hiểu là phải sửa như thế mới đúng, hoặc anh sai rồi, tôi là người có thẩm quyền sửa bài của anh hay vứt nó vào sọt rác”.
Sau hàng nửa thế kỷ, Đông Duy vẫn nhớ cảm giác sửng sốt của mình trước sự việc ấy: “Tôi hơi ngạc nhiên vì thực sự không thể tin vào mắt mình nữa. Một tờ báo uy tín thế giới như tạp chí Time mà lại để một người Việt Nam toàn quyền chọn bài hoặc biên tập. Càng ngạc nhiên hơn khi nhìn ông nhà báo Mỹ ú ớ một chút xíu rồi như đành khuất phục gật đầu nói vội: “OK… that’s OK!”.
Gặp những nhà báo Mỹ hoạt động tình báo
Ngoài ra, ông Đông Duy còn ghi lại trong hồi ký về việc ông phát hiện các nhà báo Mỹ hoạt động tình báo. Ông dành hẳn một chương sách mang tên “Ông nhà báo tóc đỏ râu xồm” để kể về chuyện này.

Nhân vật thứ nhất là Mike Morrow đã nhắc ở trên, người khác biệt với các nhà báo Mỹ dòng chính ở Sài Gòn những năm 1966-1975, những người thường lui tới những nơi sang trọng mang tính đặc quyền và xa cách như khách sạn Caravelle, Majestic, Continental. Mike thì trái lại, từ đầu đến chân luôn luộm thuộm, tóc đỏ râu đỏ bù xù, mắt thì cận thị nặng, biểu tượng đặc thù của phong trào Phản truyền thống (counterculture) trong thập niên 1960 ở Mỹ.
Mike cho biết ông ta thuộc thành phần phản chiến, từ chối thi hành lệnh động viên. Sang Việt Nam, Mike dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống vỉa hè vì lấy một cô vợ Việt gốc Tàu, do đó nói được tiếng Quan thoại và cũng học được tiếng Việt.
Ban đầu, Mike sinh sống bằng một chiếc máy ảnh và một chiếc máy chữ, kiếm tiền độ nhật bằng nghề phóng viên tự do cho giới truyền thông Mỹ ở Sài Gòn. Sau đó, ông ta quy tụ một nhóm những người làm báo tay ngang để thành lập một hãng thông tấn thoát khỏi sự khống chế của guồng máy những đại tổ hợp báo chí chuyên nghiệp. Hãng thông tấn mới này có tên là Dispatch News Services International (Dịch vụ Phát tin Quốc tế - DNSI, hay viết gọn là DNS).
Ban đầu, hãng tin này làm ăn không khá khẩm mấy, nhưng cũng quy tụ được những ký giả nghiệp dư, thiếu tiền nhưng có máu phiêu lưu. Điển hình trong số đó có cả Thomas Steinback, con trai của đại văn hào John Steinback, hay Sean Flynn, con trai của tài tử điện ảnh nổi tiếng Errol Flynn, người sau này mất tích tại Campuchia. DNS chỉ thực sự nổi tiếng sau khi phóng viên Seymour Hersh phỏng vấn trung úy William Calley, người chỉ huy cuộc thảm sát ở Mỹ Lai và cho bùng nổ một vụ án đã bị quân đội Mỹ cố che giấu.
Bài viết của Hersh sau đó đã được DNS chuyển tới 50 tờ báo lớn tại Mỹ, với kết quả hết sức bất ngờ là 30 tờ báo đăng tải. Sau đó, 2 tờ báo lớn và uy tín nhất nước Mỹ là Newsweek và Time nhập cuộc. Hersh sau đó được giải thưởng Pulitzer danh giá.
Sau vụ Mỹ Lai, DNS còn thắng lớn vụ đưa tin về “chuồng cọp”, sau đó Mike liều mạng sang Campuchia và bị Khmer Đỏ bắt giữ rồi được thả. Không lâu sau, ông ta bị chính quyền VNCH trục xuất khỏi Việt Nam vì lý do “can dự vào những hoạt động chính trị” dù chính quyền không viện dẫn ra đó là hoạt động chính trị nào.
Do hoạt động của DNS có khuynh hướng thiên tả và Mike thường xuyên tiếp xúc với các nhóm chính trị thiên tả ở miền Nam Việt Nam như nhóm Phật giáo Ấn Quang, Phong trào Hòa Bình, nên ông ta bị trục xuất và tiếp tục hành nghề ở Thái Lan, để đưa ra những tin tức động trời như “CIA hoạt động tại Lào, vẫn xâm nhập và hiện diện thường xuyên trên lãnh thổ Trung Hoa, đã tiếp cứu 5 công chức trung Hoa bị thanh trừng nên trốn sang Lào”. Đông Duy nhận định: “Đây là những tin thuộc loại tình báo chiến lược quốc tế nên đã đẩy anh nhà báo trẻ tuổi gần hơn với một điệp viên, một điệp báo”.
Ngoài ra, Đông Duy kể ông từng mời một nhà báo Mỹ nghiệp dư, không có tiền về nhà mình cư trú tạm. Khi tay phóng viên này đi tắm, Đông Duy lên sửa soạn giường chiếu và nhìn thấy chiếc ví của ông ta mở tênh hênh trên bàn. “Vô tình liếc vội, tôi té ngửa khi thấy chiếc thẻ hành sự CIA của anh ta. Sáng hôm sau, tôi làm phúc đưa anh ta tới Trương Minh Giảng thuê phòng và tôi bye bye vĩnh viễn anh chàng tình báo này”, ông kể lại.
Cuốn hồi ký lý thú về nghề báo
Đông Duy Hoàng Kiếm Nam là người Hà Nội di cư vào Nam năm 1954, học ngành dược nhưng đam mê làm báo. Ông từng công tác các cơ quan như Việt Tấn Xã, tuần báo Newswek. Năm 1975, ông di cư sang Mỹ và sống bằng nghề in, sau đó tiếp tục sự nghiệp viết các báo dành cho cộng đồng người Việt. Hiện ông sinh sống tại Mỹ và đã nhiều lần về thăm đất nước.
Trong cuốn hồi ký của mình, bên cạnh những câu chuyện về quá trình tác nghiệp, đưa tin, kỷ niệm với các nhà báo đàn anh và cùng lứa, các văn nghệ sĩ, tác giả cũng không ngần ngại "vạch áo" chỉ ra những cái xấu, cái sai của đồng nghiệp; sự cạnh tranh không lành mạnh, những lần nhận tiền của các quan chức, các cuộc ẩu đả, chuyện tình ái và tai nạn nghề nghiệp của bản thân khi làm báo.
Nhà văn, nhà báo Yên Ba đánh giá: "Với cái nhìn sắc lẻm, Đông Duy không dùng bút mà dùng một con dao mổ để viết. Về một mảng đời sống báo chí của một thời, ở những vùng đất lâu nay chưa được biết tới, để lấp đầy những khoảng trống về lịch sử báo chí Việt ngữ. Cuốn hồi ký về báo chí đáng đọc kể từ “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng".
Còn nhà báo, nhà văn Nguyễn Huy Minh cũng cho rằng: Nếu bạn đọc hồi ký “Đời ký giả chuyên nghiệp”, tôi nghĩ có lẽ bạn không cần đọc thêm giáo trình báo chí nổi tiếng “Ký giả chuyên nghiệp” của John Hohenberg”.