Desmond Tutu- Người luôn tìm kiếm sự hòa giải và sự công bằng
Tổng Giám mục Desmond Tutu, người giúp lãnh đạo phong trào chấm dứt chế độ thống trị tàn bạo của người thiểu số da trắng ở Nam Phi, đã qua đời ở tuổi 90.
"Trái tim của ông ấy đủ tốt để tìm kiếm sự hòa giải chứ không phải trả thù, để từ chối ma quỷ và nắm lấy khả năng kỳ lạ mang lại điều tốt nhất cho người khác. Ai trong chúng ta cũng xúc động trước món quà của cuộc sống mà ông ấy truyền lại”, cựu Tổng thống Bill Clinton xúc động nói.
“La bàn đạo đức”
Năm nay 90 tuổi, Tổng Giám mục Desmond Tutu là người có khiếu hài hước, luôn làm việc tận tâm vì nhân quyền và từng đoạt giải Nobel Hòa bình. Trong một tuyên bố xác nhận sự ra đi của ông hôm 26-12, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi ông là: “Một người có trí tuệ phi thường, chính trực và bất khả chiến bại trước các thế lực của chế độ phân biệt chủng tộc. Sự ra đi của Tổng Giám mục Desmond Tutu là một chương khác trong sự tiếc thương của chúng ta đối với một thế hệ những người Nam Phi xuất sắc - những người đã để lại cho chúng ta một Nam Phi được giải phóng".
Tổng Giám mục Desmond Tutu đã bị ốm trong nhiều năm. Năm 2013, ông phải trải qua các cuộc kiểm tra vì nhiễm trùng dai dẳng và phải nhập viện nhiều lần trong những năm sau đó. 6 thập kỷ qua, Tổng Giám mục Desmond Tutu thường được gọi một cách trìu mến là "Cổng vòm", mang ý nghĩa là một trong những tiếng nói chính trong việc kêu gọi chính phủ Nam Phi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc, chính sách phân biệt chủng tộc chính thức của đất nước. Tổ chức Nelson Mandela đã gọi mất mát này là "không thể đong đếm được”.
Trên thực tế, các hoạt động về nhân quyền và dân sự của Tổng Giám mục Desmond Tutu thực sự nổi bật trên khắp thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng trao tặng ông Huân chương Tự do vào năm 2009. Trong tuyên bố sau khi Tổng Giám mục qua đời, ông Barack Obama đã gọi Tổng Giám mục là “một người bạn và một la bàn đạo đức". "Đức Tổng Giám mục Tutu là người đóng vai trò nền tảng trong cuộc đấu tranh cho giải phóng và công lý ở đất nước của mình, nhưng cũng quan tâm đến sự bất công ở khắp mọi nơi”, ông Barack Obama nói.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuyên bố chung với Đệ nhất phu nhân Jill Biden cũng nhấn mạnh: "Sự can đảm và đạo đức trong sáng của ông ấy đã giúp truyền cảm hứng cho cam kết của chúng tôi trong việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với chế độ Apartheid đàn áp ở Nam Phi. Di sản của ông ấy vượt qua biên giới và sẽ vang vọng qua các thời đại”.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson và Tổng giám mục Canterbury Justin Welby cũng đã đưa ra các tuyên bố ca ngợi Tổng Giám mục Desmond Tutu: “Ông ấy sẽ được nhớ đến với khả năng lãnh đạo tinh thần và sự hài hước không thể chê vào đâu được”.
Năm 2012, Tổng Giám mục Desmond Tutu được Quỹ Mo Ibrahim trao tặng khoản tài trợ trị giá 1 triệu USD vì "cam kết suốt đời nói sự thật trước quyền lực". Một năm sau, ông nhận được Giải thưởng Templeton cho "công trình lâu dài của mình trong việc thúc đẩy các nguyên tắc tinh thần như tình yêu và sự tha thứ, đã giúp giải phóng mọi người trên khắp thế giới”. Ông cũng từng được giải Nobel Hòa bình năm 1984, theo bước người đồng hương Albert Lutuli - người nhận giải năm 1960. Giải Nobel Hòa bình đã củng cố địa vị của Tổng Giám mục Desmond Tutu như một nhân vật quan trọng ở Nam Phi, một vị trí mà ông đạt được sau các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Tuổi thơ cơ cực
Desmond Tutu sinh năm 1931, trong một gia đình nghèo ở Klerksdorp, một thị trấn thuộc tỉnh Transvaal của Nam Phi. Cha ông là một giáo viên và mẹ là người giúp việc nhà. Ngay từ nhỏ, Tutu đã ước mơ trở thành một bác sĩ mà một phần lý do là vì căn bệnh lao khiến ông phải nhập viện hơn một năm. Ông thậm chí còn đủ tiêu chuẩn vào trường y nhưng cha mẹ lại không đủ tiền trả học phí, vì vậy ông quyết định chuyển sang nghề dạy học. "Chính phủ đã trao học bổng cho những người muốn trở thành giáo viên. Tôi đã trở thành một giáo viên và tôi không hối hận về điều đó”, Tổng Giám mục Desmond Tutu từng kể.
Tuy nhiên, ông cảm thấy kinh hoàng trước tình trạng của các trường học ở Nam Phi da đen và càng kinh hoàng hơn khi Đạo luật Giáo dục Bantu được thông qua vào năm 1953, phân biệt chủng tộc trong hệ thống giáo dục của quốc gia. Ông từ chức để phản đối. Không lâu sau, Giám mục Johannesburg đồng ý chấp nhận cho ông làm linh mục. Desmond Tutu tin rằng đó là vì ông là một người da đen có trình độ đại học, một điều hiếm có trong những năm 1950 ở Nam Phi.
Những năm 1960-1970 là thời gian hỗn loạn ở Nam Phi. Tháng 3-1960, 69 người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát Sharpeville, khi cảnh sát Nam Phi nổ súng vào một đám đông biểu tình. Vào đầu những năm 1970, chính phủ buộc hàng triệu người da đen phải định cư ở nơi được gọi là "quê hương". Năm 1960, Desmond Tutu được thụ phong linh mục Anh giáo và năm 1962 chuyển đến Anh để học thần học tại King's College London. Năm 1966, ông trở lại Châu Phi, giảng dạy tại Chủng viện Thần học liên bang ở Nam Phi và sau đó là Đại học Botswana, Lesotho và Swaziland. Năm 1972, ông trở thành Giám đốc của Quỹ Giáo dục Thần học cho Châu Phi, một vị trí có trụ sở tại London nhưng cần có các chuyến công du thường xuyên đến lục địa Châu Phi.
Trở lại miền Nam châu Phi vào năm 1975, ông lần đầu tiên đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu nhà thờ St Mary ở Johannesburg và sau đó là Giám mục của Lesotho; từ năm 1978 đến năm 1985, ông là Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Nam Phi.
Đấu tranh không ngừng nghỉ
Khi Tổng Giám mục Desmond Tutu nổi lên vào những năm 1970, những người bảo thủ da trắng ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc đã coi thường ông. Nhiều người theo chủ nghĩa tự do da trắng coi ông là quá cấp tiến; nhiều người da đen cực đoan cáo buộc ông là người quá ôn hòa và tập trung vào việc nuôi dưỡng thiện chí của người da trắng…
Tháng 5-1976, Tổng Giám mục Desmond Tutu đã gửi thư tới Thủ tướng Nam Phi, cảnh báo về tình trạng bất ổn. Một tháng sau Soweto bùng nổ bạo lực. Hơn 600 người chết trong cuộc nổi dậy. Khi Chính phủ Nam Phi ngày càng áp bức, giam giữ người da đen, thiết lập luật lệ khó hiểu, Tổng Giám mục Desmond Tutu ngày càng trở nên thẳng thắn. Cựu thành viên Ủy ban Sự thật và Hòa giải Alex Boraine kể với CNN: "Ông ấy bỗng chốc trở thành một trong những người bị ghét nhất, đặc biệt là với người Nam Phi da trắng, vì lập trường mà ông ấy đưa ra". Chikane, một đồng nghiệp khác của Desmond Tutu trong Hội đồng Giáo hội Nam Phi nói thêm: "Quyền lực đạo đức của ông ấy (vừa là vũ khí vừa là chiếc khiên) cho phép ông ấy đối đầu với những kẻ áp bức mình. Với bộ lễ phục đỏ tươi của mình,Tutu đã tạo nên một hình tượng đặc biệt khi ông thuyết giảng và tuyên bố “mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng về nhiều mặt, thật đáng buồn là thiếu công bằng”.
Từ năm 1985 đến năm 1986, Desmond Tutu là Giám mục của Johannesburg và sau đó là Tổng giám mục của Cape Town từ năm 1986 đến năm 1996. Ông là người châu Phi da đen đầu tiên giữ cả hai chức vụ này. Về mặt thần học, ông thường tìm cách kết hợp các ý tưởng từ thần học da đen với thần học châu Phi. Trên những cương vị này, Desmond Tutu thường nhấn mạnh mô hình lãnh đạo xây dựng sự đồng thuận và giám sát việc giới thiệu các nữ linh mục. Cũng trong năm 1986, ông trở thành Chủ tịch của Hội nghị các nhà thờ toàn châu Phi, dẫn đến các chuyến tham quan xa hơn đến lục địa này. Hai năm sau, Desmond Tutu bị bắt khi đang đưa đơn chống phân biệt chủng tộc lên Quốc hội Nam Phi.
Nhưng tình hình đang thay đổi. Năm tiếp theo, ông dẫn đầu cuộc tuần hành 20.000 người ở Cape Town. Cũng trong năm 1989, Tổng thống mới của Nam Phi F.W.de Klerk bắt đầu nới lỏng luật phân biệt chủng tộc. Ngày 11-2-1990, khi Nelson Mandela được ra tù, hai người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc và giới thiệu nền dân chủ đa chủng tộc. Khi đó, Tổng Giám mục Desmond Tutu đóng vai trò như một người hòa giải giữa các phe phái đối địch. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1994 dẫn đến một chính phủ liên minh do ông Nelson Mandela đứng đầu, Tổng Giám mục Desmond Tutu được bầu chọn là Chủ tịch Ủy ban sự thật và hòa giải để điều tra các vụ vi phạm nhân quyền trong quá khứ của cả các nhóm ủng hộ và chống phân biệt chủng tộc.
Cuối những năm 1990, Desmond Tutu quay lại với công việc giảng dạy, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Emory ở Atlanta trong hai năm và sau đó giảng dạy tại Trường Thần học Episcopal ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ông đã xuất bản một số ít sách, bao gồm "Không có tương lai nếu không có sự tha thứ" (1999), "Chúa không phải là một Cơ đốc nhân" (2011) và một cuốn sách dành cho trẻ em, "Desmond and the Very Mean Word" (2012). Ông nghỉ hưu từ năm 2010 nhưng không ngại tham gia các sự kiện, vấn đề lớn của thế giới.
Tuy hoạt động chính trị và phải trải qua rất nhiều chông gai trong cuộc sống nhưng Desmond Tutu luôn lạc quan, thường trực nụ cười và nổi tiếng nhờ khiếu hài hước. Khi mọi người khen ngợi về sự nổi tiếng của mình, ông chỉ khiêm tốn nói: "Tôi chỉ biết rằng tôi đã có những cơ hội đáng kinh ngạc, không thể tin được... Khi bạn nổi bật trong một đám đông, điều đó luôn luôn là bởi vì bạn đang được gánh vác trên vai của người khác. Họ cứ nói về tôi vì tôi có chiếc mũi to thế này và một cái tên dễ nghe này, Tutu”. Về đời sống riêng tư, Tổng Giám mục Desmond Tutu kết hôn với bà Nomalizo Leah Shenxane vào năm 1955 và có 4 người con: Trevor, Theresa, Naomi và Mpho.