Dưới những mái nhà hình mu rùa

Thứ Ba, 21/03/2023, 12:18

Nơi ấy, những chiến binh đã từng chiến đấu không ngừng nghỉ để bảo vệ buôn làng cùng tục săn người đầy ám ảnh với những buổi lễ đâm trâu. Nhưng bây giờ, những đổi thay đã khiến đời sống người dân trên dãy Trường Sơn này  đã “giã từ vũ khí”...

Chuyện kể của những chiến binh

Người Cơ Tu sống trên núi cao, trong những nóc nhà sàn hình chiếc mu rùa. Những chiếc nhà sàn nằm vắt vẻo lưng chừng đâu đó trên dãy Trường Sơn của miền Trung Việt Nam tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, một phần phía nam Lào. Những người đàn ông Cơ Tu da ngăm, môi dày, mắt sáng, mặc khố len lỏi trong rừng như con sóc.

2.jpg -0
Chiến binh cơ tu xưa. (ảnh trong cuốn sách "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de sang) của Le Pichon

Phụ nữ Cơ Tu quấn quanh mình những tấm tút dệt bằng thổ cẩm có nhiều hoa văn sặc sỡ đầy sức sống. Nhìn những bản làng yên bình với những ngôi nhà Gươl (nhà cộng đồng) nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn, ít ai biết rằng, trong quá khứ nơi này từng có những thời kỳ mang nặng hủ tục chết người - tục săn máu, một tập tục đã từng gây nên nỗi ám ảnh về những trận chiến đẫm máu trong quá khứ.

Những năm ba mươi của thế kỷ trước, Le Pichon là một lính viễn chinh Pháp đã đặt chân vào vùng đất huyền bí của người Cơ Tu. "Les chaseurs de sang" đã được viết ra từ những gì mà ông thấy. Trong cuốn sách "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de sang) được xuất bản đầu thế kỷ 20 của Le Pichon, công bố của một người lính viễn chinh Pháp đã thực sự gây rúng động trong giới nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu ở khu vực miền Trung Việt Nam. Và không ít người đã tỏ ra nghi ngờ về những điều mà Le Pichon ghi lại trong cuốn sách của mình...

Thực ra, săn máu là một tập tục có thật của người Cơ Tu ở Quảng Nam, gắn liền với một tín ngưỡng về thần linh và mùa màng. Đó là thời đại của các chiến binh rừng rậm diệt ác thú trên rừng, bắt thuồng luồng cá sấu dưới sông dưới suối, kiêu hãnh mang về đặt dưới chân những cô gái đứng trước sân nhà Gươl. Để trở thành những chiến binh của núi rừng, bắt được con trâu lớn, đốn được gỗ to, trở thành những người “săn máu” can đảm bảo vệ bản làng, những người đàn ông Cơ Tu phải trải qua quá trình tập luyện từ nhỏ...

Dưới những mái nhà hình mu rùa -0
Chiến binh Cơ Tu bây giờ

Và khi trưởng thành, đàn ông Cơ Tu đều được trang bị cho một cây mác để săn thú, đảm bảo sinh kế, cũng là công cụ để đi lấy máu cúng thần linh khi mùa màng thất bát, hay khi cộng đồng bị đe dọa. Ngay từ nhỏ, các cậu trai Cơ Tu được truyền dạy những kỹ năng đi rừng, săn thú, luyện tập để trở thành những chiến binh thực sự của rừng xanh. Hàng đêm, bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà chung của làng, họ thường được nghe những người có kinh nghiệm kể về những lần đi săn thú, đâm người và chống lại nạn “giặc mùa”.

Trong những câu chuyện kể, già làng thường lồng những câu chuyện về quá khứ anh hùng của những người đi trước, khích lệ, khơi dậy lòng tự hào để đám trai tráng trong làng tự nguyện trở thành “dũng sĩ săn máu”, gánh vác việc đại sự cho bản làng. Người anh hùng phải gánh vác một công việc trọng đại do già làng giao phó: Săn máu tế thần! Máu là máu của một người ở làng khác hoặc những con vật to lớn trong rừng. Tục săn máu của người Cơ Tu còn gọi là tục “Đầu tôi”, thường diễn ra từ tháng 1 đến 3 Âm lịch và từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Những người thực hiện cuộc săn máu bị đối phương gọi là “giặc mùa”.

Các chiến binh săn máu trở về trong con mắt thán phục của những vị già làng, trong sự ngưỡng mộ của những cô gái bản làng. Sau khi trao ngọn mác có dính máu cho các vị già làng cắm vào giữa sân nhà Gươl, họ đi thẳng vào ngôi nhà Gươl ngồi ở vị trí trang trọng. Bởi, họ ra đi lặng lẽ, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về, họ được chào đón như những vị anh hùng. Những câu chuyện ấy được ghi lại trong nhiều sách như sách "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de sang) được xuất bản đầu thế kỷ 20 của Le Pichon, trong sách “Katu – Kẻ sống đầu nguồn nước”, hay trong sử sách triều Nguyễn còn chép dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị... cũng ghi lại có những trận chiến giữa các buôn làng làm chấn động cả đến người Ve, người Cơ Tu, người Giẻ Triêng suốt một vùng rộng lớn trên dải Trường Sơn.

Dưới những mái nhà hình mu rùa -0
Một lễ hội đâm trâu năm 1893 được mô tả bởi nhà thám hiểm/ đại úy Cupet trong sách “Nhóm người Thượng hoang dã phía Nam Annam”

Theo nhiều sách vở ghi chép lại, thì tục săn máu vốn là dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử xã hội nhiều tộc người. Trong loại hình tín ngưỡng sơ khai này, máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tiền đề của sự no ấm.

Bởi thời kỳ này chưa có cách mạng, chưa có Đảng và vì tục “săn máu” đã ăn sâu vào tiềm thức người Cơ Tu, khi mà đồng bào vẫn đang sống theo lối hỏa canh, người Cơ Tu sống chỉ phân biệt giữa các thôn làng với nhau. Với quan niệm như vậy, nên khi bắt đầu mùa vụ, người Cơ Tu tiến hành nghi thức săn máu, đâm người bằng những mũi lao dài sau đó mang về cắm trên khu đất sản xuất, làm lễ cúng Giàng... với mong ước mùa sau thóc sẽ đầy kho, rượu đầy ché, không còn bị đói, bị lạt do không có muối nữa.

Giã từ vũ khí

Nghe những câu chuyện kể về tục lấy máu tế thần của những người già đã trải qua gần trăm mùa rẫy, chúng tôi không khỏi lạnh sống lưng. Không nhìn khách, già Pơ Loong Bút (làng A Hoi, xã La Êe giáp biên giới với huyện Đắc Chưng, Lào) nói như sâu thẳm quá khứ: “Đó là hồi đồng bào mình còn sống nguyên thủy, không được giao lưu để hiểu biết hơn và thời kỳ đó chưa có chính quyền! Từ mấy chục năm nay đã không còn nữa Tục đầu tôi.

Người Cơ Tu đã biết điều đó là xấu, được cán bộ giải thích, được đi học nhiều nên hiểu. Những mối nợ đầu tôi đã mất dần theo năm tháng rồi! Bây giờ nguời Cơ Tu mình lo làm ăn thôi!...”. Bây giờ, đa số không người Cơ Tu nào muốn nhắc lại những chuyện đau đớn như thế nữa. Họ muốn những câu chuyện kinh hoàng như thế phải quên đi vĩnh viễn...

Dưới những mái nhà hình mu rùa -0
Các già làng người Cơ Tu tổ chức nghi lễ cúng Yang mới đây không còn tục đâm trâu rùng rợn

Từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, nhờ chính sách Kinh - Thượng đoàn kết, người Cơ Tu cùng chung sức với người Kinh và các dân tộc anh em kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, các buôn làng Cơ Tu là chỗ dựa, chỗ che giấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng giặc khủng bố khốc liệt, đồng thời đó là những căn cứ cách mạng vững chắc làm để giải phóng đồng bằng, thống nhất đất nước.

Già Bhriu Pố (75 tuổi, trú tại xã Lăng, H. Tây Giang, Quảng Nam) tự hào rằng, thời gian qua người Cơ Tu trên dải Trường Sơn này đã “giã từ vũ khí”, không còn tục săn máu nữa, mà ngay cả tục đâm trâu vốn là nghi thức không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội hay sự kiện quan trọng nào cũng đã không còn diễn ra nữa. Già Pố giải thích, khắp các vùng Trường Sơn – Tây Nguyên bây giờ, những làng buôn đã vắng bóng những lễ đâm trâu với vật hiến sinh. Đời sống đã nâng cao hơn, và những hủ tục cũng đã dần bãi bỏ. Người xứ Thượng đã không còn mang những tục lệ vốn nhiều sợ hãi để người nơi khác cảm thấy thêm nhiều tính nhân văn.

Già làng Bhriu Pố bộc bạch, có nhiều bản làng lớn tổ chức những lễ hiến sinh lấy máu tế thần lớn tới hàng chục trâu trong một ngày lễ. Có hàng chục lợn, hàng trăm con gà được dùng trong dịp lễ. Lễ hội đâm trâu diễn ra hai ngày, rất mất công và tốn kém tiền bạc. Nhiều gia đình nghèo khó, phải vay mượn tiền để mua trâu, sau lễ lại càng nghèo hơn. Hơn nữa, tục lệ này cũng không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại bởi cảnh tượng đâm trâu không đẹp mắt, không nhân văn, nên chúng tôi vận động bà con không tổ chức đâm trâu nữa.

Mặc dù không đâm trâu nhưng các nghi thức, nghi lễ truyền thống vẫn được đồng bào Cơ Tu gìn giữ nguyên vẹn. Các thôn làng Cơ Tu khi tế lễ vẫn dựng cây nêu và cúng tế theo nghi thức đâm trâu xưa trước mái Gươl. Lễ hội vẫn duy trì được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Cơ Tu thông qua dân ca, dân vũ, dân nhạc…

Ngày nay, nhiều dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng xử nhân văn với “vật hiến sinh” thông qua thực hành nghi thức tượng trưng (Giẻ Triêng, Xơ Đăng) hay sử dụng vật hiến sinh tượng trưng như cộng đồng người Cơ Tu. Ông Pơloong Plênh - cán bộ văn hóa huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: “Những năm gần đây, người Cơ Tu đã bỏ đi tục đâm trâu, thay vào đó là hình tượng trâu được làm bằng rơm cỏ, hay bằng xốp.

Sau phần lễ tế của già làng, là tiệc vui chơi. Đã không còn cảnh máu trâu vương vãi trước nhà Gươl bởi những cú đâm của trai làng như trước đây nữa. Xã hội văn minh rồi, “đâm trâu” là tàn nhẫn nên bà con nghe theo Đảng, nghe theo Nhà nước bỏ đi tục này. Con trâu vẫn không thể thiếu trong lễ hội, nhưng làm lễ tế xong, trâu được đưa đi mổ thịt để phục vụ bà con chứ không bị đâm nữa. Người Cơ Tu đã bỏ hẳn những tục hiến sinh. Huyện có tổng cộng 90 làng, nhưng nay không còn làng nào đâm trâu nữa. Điều cơ bản là người dân, các già làng, trưởng bản thấy được điều đó và họ dần thay đổi nếp nghĩ”. 

Người Cơ Tu bây giờ đã “giã từ vũ khí”, những ngọn lao ngọn mác dài khoảng 3m với mũi dao sắc lẹm dành riêng cho việc lấy máu tế lễ đã trở thành vật lưu niệm. Bây giờ, những câu chuyện về những “chiến lợi phẩm” treo lủng lẳng quanh nhà Gươl chỉ còn trong quá khứ xa xôi. Một bản làng hùng mạnh không còn là một bản làng có nhiều chiến lợi phẩm nhất.

Thay vào đó, là những chiếc bằng khen, ảnh Bác Hồ được treo trịnh trọng trong sợi dây hiền hòa và nhân ái của các bản làng. Những căn nhà Gươi quá khứ nhuốm máu, giờ đây trở nên bình lặng dưới trời Trường Sơn xanh thẳm. Tường nhà Gươl là nơi mà những người già trong làng ngồi bên chúng tôi, nhìn mơ màng về phía những nóc nhà khang trang nhấp nhô sườn núi, nơi những đứa trẻ con mắt sáng, tóc xoăn, da ngăm đen đang chơi đùa, vui vẻ với con chữ Bác Hồ, người làng tích cực lao động để làm giàu cho mảnh đất này…

Tiêu Dao
.
.