Hành trình ngàn dặm của “hàng xách tay” dưới triều Nguyễn

Thứ Hai, 18/11/2024, 20:02

Các phái bộ thời quân chủ nước ta sang các nước, chủ yếu là Trung Hoa với mục đích chính trị, ngoại giao. Bên cạnh đó, họ còn kiêm thêm hoạt động thương mại. Hàng hóa đã theo chân các phái bộ sang Trung Hoa và về nước ta như thế nào?

Những mặt hàng nào được ưa chuộng? Triều đình có quy định thế nào về việc này? Cùng với bộ chính sử của triều đình, khối văn bản hành chính - Châu bản triều Nguyễn (hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) đã hé lộ cho hậu thế nhiều điều thú vị.

Đi nhiều nước, mua nhiều hàng

Ngoài các đoàn được cử đi với mục đích mua hàng thì tài liệu cho thấy các sứ bộ ngoại giao, công vụ triều Nguyễn cũng thường mang theo sản vật để đổi lấy hàng hóa nước ngoài, như lời của Vua Minh Mạng được Quốc Sử quán ghi lại trong “Đại Nam thực lục” là “lấy thứ có đổi thứ không có, xưa nay vẫn thế”.

Hành trình ngàn dặm của “hàng xách tay” dưới triều Nguyễn -0
Ải Nam Quan.

Sách “Đại Nam thực lục” chép rằng triều Minh Mạng còn quy định rõ các mức thưởng cho phái bộ khi đi công cán nước ngoài mua được nhiều hàng: Khi công cán về, những hàng hoáa mua được mang về nộp, đều chiểu theo thanh đơn (đơn kê mua hàng) và đều lấy “100 thành” làm mức xác định. Như đi Tiểu Tây Dương là nơi hàng hóa tương đối nhiều, mua được 60 thành trở lên là hạng ưu, mua được 50 thành trở lên là hạng bình, 40 thành trở lên là hạng thứ, dưới 40 thành là hạng kém, với các mức thưởng phạt tương ứng.

Đi Lã Tống (Philippin), Giang Lưu Ba (Gia Các Ta, thủ đô Nam Dương, nay là Indonesia) là chỗ hàng hóa khá sẵn, mua được 50 thành trở lên là hạng ưu, 40 thành trở lên là hạng bình, 30 thành trở lên là hạng thứ, dưới 30 thành là hạng kém, cách thưởng phạt cũng theo như đi Tiểu Tây Dương.

Đi Tân Gia Ba (Singapore), Ma Lục Giáp (Malacca, Malaysia), đảo Tân Lang (đảo Penang) là những nơi hàng hóa ít, mua được 40 thành trở lên là hạng ưu, 30 thành trở lên là hạng bình, 20 thành trở lên là hạng thứ, dưới 20 thành là hạng kém; thưởng phạt cũng theo như đi Tiểu Tây Dương.

Riêng những hàng hóa không kê trong thanh đơn mà tận tâm tìm mua được thứ rất thích dụng, thì cứ mỗi thứ tính bằng 3 thứ trong thanh đơn, thích dụng vừa, mỗi thứ bằng 2 thứ trong thanh đơn, rồi gộp cả vào số đã chia thành mà thưởng.

Những hàng hóa được ưa chuộng

Các mặt hàng của nhà Thanh được triều đình nhà Nguyễn ưa chuộng là gốm, sứ, rượu, thuốc bắc, lâm thổ sản và hàng dễ vận chuyển, theo Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn là: 太華茶 (trà Thái Hoa), 孔雀 (chim công), 馬 (ngựa), 沙羅布 (sa la bố), 五色錦 (gấm ngũ sắc), 豆竹 (đậu trúc), 垂絲竹 (thùy ti trúc), 雞腿竹 (kê thố trúc), 麝香 (xạ hương), 屏石 (đá cẩm thạch), 石青 (quặng đồng), 白銅 (bạch đồng), 金綱鑽 (kim cương), 紫石 (thạch anh tím), 琥珀 (hổ phách), 琉璃 (ngọc lưu ly), 石膏 (thạch cao), 玉 (ngọc), 龍腦石 (đá long não)…

Bên cạnh đó, những mặt hàng trong nước thường được sứ bộ đem theo sang Trung Hoa để giao dịch là sản vật đặc trưng của nước ta như: 生金 (vàng tự nhiên), 銀 (bạc), 銅 (đồng), 丹砂 (đơn sa), 珠 (ngọc trai), 玳瑁 (đồi mồi), 珊瑚 (san hô), 沉香 (trầm hương), 白雉 (trĩ lông trắng), 白鹿 (hươu trắng), 犀 (tê giác), 象 (voi), 兕 (sừng tê giác, dùng làm chén uống rượu), 猩猩 (đười ươi), 蚺蛇 (con trăn), 菴羅果 (quả xoài), 波羅密 (quả mít), 檳榔 (cau khô), 胡椒 (hồ tiêu), 蘇木 (gỗ cây sam), 烏 (gỗ mun), 鹽 (muối), 漆 (sơn)…

Hành trình ngàn dặm của “hàng xách tay” dưới triều Nguyễn -0
Tranh họa thơ đi sứ của Phạm Nam Phương.

Bản tâu năm Tự Đức 21 (1868) của các quan được cử đi sứ là Lê Tuấn, Nguyễn Tư Giản, Hoàng Tịnh chép, sứ bộ sang Thanh được nhà vua giao phó kiêm thêm nhiệm vụ mua sản phẩm y dược là: Nhân sâm, thận hải cẩu, băng phiến, không thanh (đá quý). Chuyện này cũng được nhắc đến trong “Yên thiều lục bút”, trong hai tháng nhân dịp đi sứ ở Yên Kinh (Trung Quốc), Nguyễn Tư Giản được một người huyện Đương Dương là Tô Hoàn Thành Thụy “đến quán thăm hỏi”. Nguyễn Tư Giản đã “nhân đó nhờ ông ta xem mua mấy thứ là nhân sâm, thận hải cẩu, băng phiến, không thanh...”. Năm 1870, sứ bộ này về nước, được vua ban yến, úy lạo và thưởng cho cấp bậc.

Sách cổ quý Trung Hoa cũng là mặt hàng được vua triều Nguyễn đặc biệt ưa thích. Năm 1830, Vua Minh Mạng sai sứ sang Thanh, lấy Tả thị lang bộ Lại Hoàng Văn Đản sung Chánh sứ, Tham hiệp Quảng Yên Trương Hảo Hợp đổi chức Thái thường tự Thiếu khanh, Hàn lâm Biên tu là Phan Huy Chú thăng chức Thị giảng, sung giáp ất phó sứ. Vua Dụ: “Trẫm rất thích thơ cổ họa cổ, cùng sách lạ của cổ nhân mà chưa tìm được nhiều. Bọn ngươi nên để lòng tìm mua đem về dâng. Vả lại Trẫm nghe nói những nhà quan ở Yên Kinh nhiều người chép sách riêng, nhưng vì việc quan thiệp đến nhà Thanh, cho nên chỉ chứa riêng ở nhà, chưa dám đem ra khắc in. Bọn ngươi nếu thấy những sách loại ấy dẫu còn là bản thảo cũng không kể giá đắt cứ mua”.

Ngoài sách cổ, Vua Minh Mạng còn sai người mua báo để cập nhật thông tin. Vua muốn biết hết công việc của nhà Thanh, đã từng ra lệnh cho người tìm mua tờ báo Kinh sao. Khi đó, Lan Châu và Hồ Bắc nhà Thanh có giặc, ở Yên Kinh, tháng Giêng tuyết đóng dày đến 3 thước, nhân dân nhiều người chết rét, thế mà báo Kinh sao không đăng. Vua nghe nói, sắc cho Hà Nội truyền bảo các hiệu buôn của người nhà Thanh rằng: “Phàm những việc tai biến giặc cướp của nhà Thanh, dẫu báo Kinh sao không đăng, cũng nên dò hỏi ghi chép mà tiến trình” (theo “Đại Nam thực lục”).

Xung quanh chuyện mua hàng

Năm 1830, sứ bộ sang Thanh là Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Đình Tân, Đặng Văn Khải vì mua hàng không đạt yêu cầu, đều bị cách chức.

Trước họ vâng mệnh đi sứ, khi sắp đi, vua dụ rằng: “Ngày đến Yên Kinh nên nói với bộ Lễ nước Thanh rằng nước ta vốn ít nhân sâm, xin cứ chiếu lệ các vật hạng thưởng cấp thì chiết giá mà cấp thay cho bằng nhân sâm Quan Đông, cũng là mua các thứ ngọc thương bích, hoàng tông, hoàng khuê, thanh khuê, khi về phải đi gấp để kịp ngày tế Giao”.

Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Bọn Vũ đến Yên Kinh, nói với bộ Lễ, lại nói là vì sự hiếu dưỡng cần phải dùng nhân sâm, làm hại quốc thể, còn những đồ ngọc mua về đều là đồ pha lê cả, mà khi về lại chậm không kịp việc”. Vua quở trách dữ, rồi giao cho bộ bàn, cách chức.

Năm 1840, Khoa đạo Đặng Quốc Lang đề xuất các đoàn đi sứ nước Thanh không nên mang hàng bán đổi chi dùng. Ông cho rằng nước ta là nước văn hiến, nếu nhân khi đi sứ mà mua bán đổi chác, e không được nhã quan, xin về sau, tất cả các đoàn sứ bộ, nếu cần mua đổi thứ gì, nên dùng bạc lạng để đổi mua, còn việc đem theo sản vật hàng hóa nên cho đình chỉ. Nhưng đề xuất này đã không được Vua Minh Mạng chấp thuận.

Chuyện mua hàng có khi bị đình chỉ vì lý do đặc biệt. Theo “Đại Nam thực lục”, năm Tự Đức nguyên niên (1848), Phủ Nội vụ lấy đơn hàng giao cho sứ bộ sang nước Thanh, nhân tiện tìm mua hàng hóa nước Thanh. Trong đó kê khai những đồ ngọc, đồ chơi, đồ cổ, đồ sứ và các đồ chơi quý lạ nữa. Khoa đạo là Đỗ Danh Thiếp tâu nói: Hoàng thượng ta, chính mới trong sáng, mọi việc bỏ xa xỉ theo kiệm ước. Nay đương ở trong nhà để tang, đồ mặc, đồ dùng trong cung đều theo trắng mộc chất phác. Huống chi sứ thần đi báo tin quốc tang, mà lại hỏi mua các đồ chơi quý lạ, thế không phải là để tỏ ra kiệm ước vậy. Các hàng kê mua ấy xin đình chỉ. Vua khen và nghe lời tâu.

Hành trình ngàn dặm của “hàng xách tay” dưới triều Nguyễn -0
Một trang trong Hoàng hoa sứ trình đồ (hành trình đi sứ Trung Hoa) của sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII.

Theo tâu trình của Hiệp Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Hữu Thận vào năm 1826 (triều Minh Mạng) về việc sứ bộ nước ta sang Trung Hoa trở về. Chánh sứ Hoàng Kim Hoán và Hoàng Văn Quyền đã theo trạm về trước, còn Phó sứ thần Phan Huy Chú, Nguyễn Trọng Võ, Trần Chấn và Nguyễn Hữu Nhân ở lại kiểm soạn đồ vật công. Hộ tào Nguyễn Công Thiệp trình rằng ông đã cùng với Phan Huy Chú kiểm kê rõ. Các đồ vật công, gấm và hàng hóa nhẹ 14 thùng, quy thành 12 gánh vận chuyển theo đường bộ. Còn đồ vật nặng, cộng 16 thùng, vận chuyển theo đường biển. Tất cả đều được niêm phong cẩn mật, dán giấy niêm mang dấu tiểu triện của thành.

12 gánh hàng vận chuyển bằng đường bộ đều đã giao cho Phan Huy Chú nhận lĩnh và cho phu trạm vận chuyển, ngày 25 đã lên đường về Kinh phụng nộp. 16 thùng chở vận tải đường biển đã giao cho kho cục Tạo tác giữ gìn, bảo quản cẩn thận. 53 thùng đồ tư trang của hai sứ bộ và tùy tùng đều giao cho cục Tạo tác nhận giữ, chờ đoàn thuyền biển đến chuyển đi.

Liên quan hàng cấm, Vua Minh Mạng quy định: “Phàm những thuyền công phái đi ngoại quốc mà bọn quan lại quân lính trong thuyền mua giấu thuốc phiện sống, chín mang theo về thì tang vật dưới 1 cân, xử trảm giam hậu; trên 1 cân, trảm lập quyết; tài sản của kẻ can phạm bị tịch thu” (theo Đại Nam thực lục).

Sứ bộ có được mua hàng cho cá nhân?

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua định lệ về số lượng hàng hóa tư trang của các thành viên đi sứ sang nhà Thanh về. Theo đó, đồ riêng từ cửa ải đến Hà Nội: Chánh sứ 5 hòm; Giáp, Ất phó sứ mỗi viên 4 hòm; hành nhân 8 người, 12 hòm; tùy tùng 9 người 5 hòm. Từ Hà Nội về Kinh: Phu khiêng võng 3 viên sứ thần, mỗi viên 2 người; phu khiêng mũ áo và đồ riêng, mỗi viên 4 người đi làm một lần; hành nhân 8 viên, mỗi viên 2 người phu khiêng võng, chia làm hai lần; đi đến hạt nào hạt ấy chiếu lệ, cấp cho phu.

Câu chuyện sứ bộ Trương Hảo Hợp đi sứ nhà Thanh về đến kinh đô (1846) bị xử phạt vẫn còn lưu lại trong Châu bản sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vì sao có quy định giới hạn số hàng hóa cá nhân mua về: Lần này sứ bộ sang Thanh công cán trở về, dịch trạm vận chuyển 69 gánh. Trong đó, hàng hóa công và các phẩm phụ nghi lễ đình thần gửi mua chỉ có 39 gánh, trong khi hàng hóa riêng của những người trong sứ bộ nhiều đến 30 gánh. Trương Hảo Hợp vì thế bị phạt giáng cấp, cách chức, lưu nhiệm.

Sách “Đại Nam thực lục” chép về việc này như sau: Sứ bộ sang nhà Thanh là Hoàng Văn Đản, Trương Hảo Hợp và Phan Huy Chú, khi về bắt nhiều phu trạm đài đệ các đồ riêng. Hay tin đó vua lấy làm chán, dụ bộ Lễ rằng: “Bọn Hoàng Văn Đản, Trương Hảo Hợp nhận mệnh lệnh vua, trách nhiệm ở việc đi sứ là phải xét hỏi cho kỹ, thế mà trong bản nhật ký về việc quan sát thăm hỏi sự trạng nhà Thanh, nói chuyện đều lạo thảo sơ lược, không có một việc gì đáng xem, thực không xứng chức. Tới khi về, mua sắm của riêng gấp hai của công, dân phu đài đệ phí tổn nhiều. Vả nghĩ các trạm đêm ngày bôn tẩu nên vẫn nhiều lần gia ơn, mỗi việc cốt phải giảm bớt cho đỡ phiền. Duy sứ bộ từ Lạng Sơn đến Hà Nội, đường thủy không tiện, đường bộ lại khó khăn nên đã châm chước quy định: không kể hóa hạng công hay tư đều chuẩn cho do trạm chuyển vận.

Đó thực vì thấy (sứ bộ) ở ngoài, hằng năm vất vả nên đã phải thể tình mà rộng cho như thế. Còn từ Hà Nội về Kinh, đường thủy đường bộ đều thuận tiện dễ dàng, phàm tất cả đồ riêng đều cho tùy tiện chuyển vận, không cấm. Chỉ có của công mới do trạm đài đệ, để đỡ cho trạm phải chạy. Định lệ còn đó, sao bọn kia lại dám vi phạm? Hoàng Văn Đản mới đi sứ chưa được bao lâu đã lựa bổ cho chức Khanh Nhị, đãi ngộ ưu hậu biết chừng nào! Thế mà lại gian xảo, mưu lợi riêng, không trung chính. Vậy lập tức cách chức, giao bộ Hình bắt hỏi nghiêm xử. Trương Hảo Hợp và Phan Huy Chú đều cách chức, theo bộ ra sức làm việc để chuộc tội”.

Như vậy, bên cạnh sứ mệnh làm vẻ vang quốc thể, các sứ bộ triều Nguyễn còn kiêm thêm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa. Việc không ít sứ thần bị giáng phạt, cách chức vì không làm tròn trách nhiệm khi mua bán hàng hóa mà triều đình giao phó cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này lúc bấy giờ.

Hồng Nhung
.
.