78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2023):

Hào hùng thời khắc lịch sử

Thứ Bảy, 23/09/2023, 08:27

Đảng và Nhà nước ta đã khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chi viện Nam Bộ kháng chiến. Bởi thế, chỉ 7 ngày sau khi nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945), vào ngày 30/9/1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

Âm mưu của thực dân Pháp và thái độ của các nước Đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật tại Đông Dương

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), vào ngày 24/3/1945, Charles de Gaulle, viên tướng đứng đầu phong trào “Nước Pháp Tự do” chống phát xít Đức tuyên bố nước Pháp sẽ trở lại thống trị Đông Dương. Kể từ tháng 9/1944, sau khi nước Pháp được phe Đồng minh giải phóng khỏi phát xít Đức, Charles de Gaulle được coi là tổng thống của Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Pháp.

anh 1.jpg -0
Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh giúp đỡ thực dân Pháp dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945. Ảnh: tư liệu lịch sử.

Ngày 15/8/1945, Charles de Gaulle đã lộ rõ âm mưu quay trở lại xâm lược Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Charles de Gaulle đã cử đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy và cử tướng Leclerc làm tư lệnh tối cao các lực lượng Pháp tại Đông Dương. Charles de Gaulle đã giao cho chúng nhiệm vụ:

“1- Cao ủy Pháp tại Đông Dương sử dụng những quyền hạn của mình là Toàn quyền Đông Dương và Tổng tư lệnh các lực lượng thủy, lục, không quân có căn cứ trên đất Đông Dương hoặc đã được chỉ định để đến chiếm đóng Đông Dương. Sứ mệnh đầu tiên của Cao ủy là khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương.

2- Tướng chỉ huy tối cao của các lực lượng quân sự tại Viễn Đông chịu trách nhiệm, dưới quyền của Cao ủy, thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền đó”.

Ngày 22/8/1945, ba ngày sau khi nhân dân Hà Nội đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, máy bay của Anh từ căn cứ Calcutta (Ấn Độ) bí mật chở 2 “Ủy viên Cộng hòa của Pháp”, Cédile nhảy dù xuống Nam Kỳ trót lọt trong khi Messmer rơi xuống Bắc Kỳ bị dân quân Việt Nam bắt giữ.

Vào ngày 29/8/1945, một toán đặc nhiệm Pháp mang tên “Lamda” được trang bị đầy đủ vũ khí, điện đài, lương thực do thiếu tá Castette cầm đầu từ một chiếc máy bay B.26 nhảy dù xuống Hiền Sĩ thuộc huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Toán đặc nhiệm “Lamda” nhân danh sĩ quan quân đội Đồng minh đến Huế để tìm gặp thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh và vua Bảo Đại. Ngoài thiếu tá Castette còn có hai Đại úy Aguirec và Lebel và trung úy Bourbon. Nhưng chúng đã bị lực lượng cách mạng bắt giữ.

Theo quyết định của Hội nghị Potsdam (tháng 7/1945), dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân phát xít Nhật Bản, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc có 20 vạn quân Tưởng và từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam có hơn 1 vạn quân Anh kéo vào nước ta.

Hào hùng Thời khắc lịch sử -0
Bộ đội và công nhân phục kích quân Pháp tại mặt trận Sài Gòn, cuối tháng 9/1945. Ảnh: tư liệu lịch sử.

Tuy nhiên, trong Tuyên bố của Tưởng Giới Thạch đăng trên tờ “Trung ương Nhật báo” ngày 25/8/1945 ở Côn Minh (Trung Quốc) có đoạn: “Tuân theo các điều khoản trong bản hiệp định của Đồng Minh mới đây, ngoài việc phái các lực lượng tới để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật trong vùng bắc vĩ tuyến 16, chúng tôi không có tham vọng đất đai ở Đông Dương thuộc Pháp”.

Về phía Anh, đô đốc Anh Mountbatten đã chắc nịch khẳng định với tướng Pháp Leclerc: “Pháp có thể quay trở lại Đông Dương”.

Như vậy, quân Pháp vốn không được “phân công” giải giáp quân phát xít Nhật vẫn có thể theo chân quân Anh vào lại Đông Dương. Đối với quân Tưởng, chỉ cần thực dân Pháp cho chúng quyền lợi thì ngay lập tức chúng sẽ cho quân Pháp thay thế vai trò của chúng tại Đông Dương. Thực tế sau này đã diễn ra đúng như vậy.

Hào hùng Nam Bộ kháng chiến

Nhân dân Nam Bộ xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc” trong cuộc chiến đấu chống thực dân đế quốc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã có Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đã có Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ càng sôi nổi và quyết liệt hơn, đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 2/9/1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh mừng Độc lập, bọn thực dân Pháp đã xả súng làm 47 đồng bào ta chết và nhiều người bị thương. Đầu tháng 9/1945, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương Gracey đòi Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ giải giáp lực lượng vũ trang, cấm quần chúng xuống đường biểu tình.

Hào hùng Thời khắc lịch sử -0
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/6/1948. Ảnh: tư liệu lịch sử.

Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến và bầu ra Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu, đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”. Đến chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Trong thành phố, đã tổ chức 360 tổ xung phong công đoàn, với gần 6.000 đội viên và 500 tự vệ bám trụ các vị trí chiến đấu. Thực dân Pháp đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt.

Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa. Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến, cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam như Tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...

Hào hùng Thời khắc lịch sử -0
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945. Ảnh: tư liệu lịch sử

Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ đánh giặc cứu nước với những biểu ngữ, khẩu hiệu “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Nam Bộ là đất của Việt Nam”. Đoàn gồm 3 đại đội: Bắc Sơn, Bắc Kạn và Hà Nội. Đến nhiều ga có các đơn vị Nam tiến của địa phương đón sẵn, lên tàu nhập vào chi đội thẳng tiến về Nam, như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng…

Ngày 29/9/1945, báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đặc biệt, viết: “Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, hàng vạn người xung phong đầu quân vào Nam giết giặc. Hầu hết các tỉnh đều lập “Phòng Nam Bộ” ghi tên các chiến sĩ tình nguyện… Ngay từ tuần lễ đầu, nhiều chi đội lên tàu vào Nam, gồm các đơn vị Giải phóng quân từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Nghệ Tĩnh. Hầu như ngày nào, trên các chuyến tàu vào Nam cũng đều có quân Nam tiến…”. Thành phần vào Nam chiến đấu bao gồm tất cả các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, có cả thanh niên, sinh viên, học sinh, nhà giáo, nhà văn, công chức, thậm chí có cả các nhà sư, Việt kiều mới về nước. Hải Dương, Quảng Ninh có các cụ thành lập thành một trung đội cũng đăng ký lên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày 30/9/1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam Bộ bốn chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Người nhận định: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”.

Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) là sự kiện thể hiện rõ nét nhất tinh thần “giàu lòng vì nước”, “quyết chống quân ngoại xâm” của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước khi “sơn hà nguy biến” để góp sức vào sự nghiệp “Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước nam” (Trích ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sáng tác ngày 25/9/1945 tại chiến khu Đồng Tháp). Do đó, Ngày Nam Bộ kháng chiến góp phần hun đúc tinh thần yêu nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) do đó có một ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện lịch sử này đã để lại nhiều bài học quý báu để phục vụ sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Nguyễn Văn Toàn
.
.