Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023)

Hiệp định Paris - mốc son trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Thứ Năm, 12/01/2023, 09:59

Cách nay 50 năm, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại thủ đô Paris (Pháp). Hiệp định Paris là một mốc son chói lọi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, dẫn tới thay đổi bước ngoặt trong tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho ta và chỉ hơn 2 năm sau, với Đại thắng mùa Xuân 1975, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn, đất nước Việt Nam được hoàn toàn thống nhất.

Bài 1: Đường tới Hiệp định Paris

1. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn cả trong nước và quốc tế. Tháng 12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau 9 năm trường kì kháng chiến, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.

Hiệp định Paris - mốc son trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước -0
Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu

Tháng 5/1954, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp hiểu rõ không thể giành được thắng lợi quân sự và buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Geneva (Thụy Sĩ). Là một trong 9 bên tham dự Hội nghị Geneva, song nội dung về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, Mỹ không kí kết và Tổng thống Eisenhower tuyên bố: “Hoa Kỳ không bị các điều khoản của Hiệp định Geneva ràng buộc”.

Như vậy, ngay từ khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ (theo cách gọi của phương Tây), Mỹ đã trực tiếp can dự với việc ủng hộ chính trị, viện trợ quân sự lúc cao nhất tới 80% chiến phí của Pháp tại Việt Nam. Đến khi Hiệp định Geneva vừa được kí kết, Hoa Kỳ lập tức hậu thuẫn mạnh mẽ chính quyền Ngô Đình Diệm cả về kinh tế và quân sự. Thay vì nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Geneva, cả Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tìm cách phá hoại Hiệp định, không hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam theo quy định của Hiệp định Geneva… 

Hiệp định Paris - mốc son trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước -0
Cố vấn Lê Đức Thọ (thứ 2 từ phải sang) và Henry Kissinger bắt tay nhau sau khi ký Hiệp định Paris. Ảnh: T.L

Từ tháng 8/1964, sau khi tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, không quân, hải quân Mỹ bắt đầu đánh phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến tháng 3/1965, Mỹ trực tiếp đưa quân đội vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Trước thời điểm đó, họ đã đưa hàng vạn chuyên gia, cố vấn quân sự vào miền Nam Việt Nam. Lúc cao điểm, có đến hơn nửa triệu quân Mỹ và quân một số nước đồng minh cùng tham chiến với hơn 1 triệu quân Sài Gòn. Miền Nam Việt Nam trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ. Phong trào cách mạng ở miền Nam và sự nghiệp thống nhất đất nước Việt Nam đứng trước muôn vàn thử thách…

Tuy nhiên, với sự kiên cường của quân và dân Việt Nam, Mỹ và đồng minh của họ ngày càng bị sa lầy và Mỹ cũng như Pháp trước đây hiểu rằng, họ không thể giành thắng lợi quân sự tại Việt Nam. Đầu năm 1967, Tổng thống Johnson gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề “đàm phán không điều kiện”. Ngày 15/2/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ, khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược…

Trong thư, ngài có đề ý kiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ trực tiếp nói chuyện. Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...”.

2. Ông Trịnh Ngọc Thái là một trong những thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris từ 1968-1973. Ông cũng là một cán bộ ngoại giao có thâm niên; từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Pháp. Sinh thời, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi với những góc nhìn đa chiều, có tính tổng kết về thắng lợi ngoại giao của Hiệp định Paris. 

Theo hồi ức của cựu Đại sứ Trịnh Ngọc Thái, sau thắng lợi xuân Mậu Thân của quân và dân ta, cuối tháng 3/1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hai bên đạt được thỏa thuận đàm phán tại Paris. Từ trung tuần tháng 5/1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhau tại Paris, bắt đầu cuộc hòa đàm gay cấn và kéo dài hiếm có trong lịch sử ngoại giao của thế giới.

Hiệp định Paris - mốc son trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước -0
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái: Cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, thì Điện Biên Phủ trên không là thắng lợi quyết định, tiến tới việc ký kết Hiệp định Paris. Ảnh: Duy Hiển chụp tháng 12/2012.

Sau mấy năm kiên trì đàm phán, nhờ những thắng lợi quân sự quan trọng trên trường cả nước, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành được thế chủ động trên bàn Hội nghị Paris. Đến tháng 10/1972, Việt Nam và Mỹ đã đạt được bản Dự thảo Hiệp định, với những nội dung cơ bản: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các  căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam; Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị…

Cựu đại sứ Trịnh Ngọc Thái phân tích: Với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đây là những mục tiêu cơ bản đặt ra trong quá trình đàm phán. Theo những nội dung trên, sẽ tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Quân Mỹ rút hết, quân đội Sài Gòn không còn chỗ “chống lưng”, trong khi lực lượng ta vẫn giữ nguyên tại chỗ. Khác hẳn Hiệp định Geneve năm 1954, quân Pháp rút đi thì lực lượng kháng chiến cũng phải rút về phía Bắc vĩ tuyến 17. Đây là điều Mỹ không muốn và tất nhiên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khó có thể chấp nhận được.

Sau khi đạt được nội dung cơ bản Dự thảo Hiệp định, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất lịch trình kí chính thức là 25 hoặc 26/10/1972… Tuy nhiên, Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua thiệt trong đàm phán và cũng không muốn “bỏ rơi” chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Họ tìm cớ trì hoãn việc kí kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Đến ngày 20/11/1972, cố vấn H.Kissinger đề nghị sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo Hiệp định, theo yêu cầu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris - mốc son trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước -0
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).

Những ngày sau H.Kissinger liên tiếp đưa ra những đòi hỏi vô lí và ngày 23/11/1972, khi gặp cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, ông ta đã đọc bức điện của Tổng thống Nixon ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại… Tuy nhiên cố vấn Lê Đức Thọ đã khảng khái đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”.

Là thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris, ông Trịnh Ngọc Thái khẳng định: “Ngoại giao của ta có nhiều thành tựu, có nghệ thuật đàm phán nhưng phải khẳng định, thắng lợi về quân sự mới quyết định kết quả đàm phán. Thắng lợi ngoại giao là sự phát huy những kết quả của thắng lợi trên chiến trường… Sau khi đàm phán bế tắc vào phút chót, H.Kissinger trở về Mỹ và anh Lê Đức Thọ cũng về Hà Nội. Anh Xuân Thủy và chúng tôi ở lại Paris, nóng lòng chờ nối lại đàm phán”.

Về phía Mỹ, sau khi đã tái cử thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11/1972, Tổng thống Nixon đã ra một quyết định phiêu lưu là dùng B.52 tàn phá Hà Nội, nhằm ép phía ta phải kí Hiệp định theo những điều khoản có lợi cho Mỹ - Thiệu.

14h ngày 18/12/1972 (giờ Paris), Mỹ gửi cho đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp một công hàm đề nghị sau ngày 26/12/1972, hai bên có thể nối lại đàm phán vào bất cứ lúc nào. Phía ta vừa nhận được công hàm thì cũng là lúc hàng chục pháo đài bay B.52 và nhiều loại máy bay tiêm kích, cường kích xuất phát từ các căn cứ quân sự của Mỹ bay vào vùng trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dội mưa bom xuống Hà Nội, Hải Phòng. Cả nhân loại tiến bộ phẫn nộ, lên án sự tráo trở, lật lọng của Mỹ.

Các thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại Paris hồi hộp dõi theo từng bản tin chiến sự trên các phương tiện truyền thông. Mỗi khi nhận được tin máy bay Mỹ bị bắn cháy, nhất là B.52 rơi tại chỗ, là họ lâng lâng trong niềm tự hào, vui sướng khó tả. Đến khi báo chí phương Tây nhận định: “Cứ với tốc độ này, B.52 sẽ bị tuyệt chủng trong 3 tháng nữa”, thì các nhà ngoại giao của ta hiểu rằng, Mỹ sẽ sớm trở lại bàn đàm phán.

Đúng như dự đoán, ngày 29/12/1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 ra Bắc và đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối lại đàm phán. Trở lại Paris, trong cuộc họp với phía Mỹ ngày 8/1/1973, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc lên án phía Mỹ gây ra đợt ném bom hủy diệt trong mùa Noel năm 1972… Sau gần một tháng nối lại đàm phán, ngày 23/1/1973, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng và kí tắt Hiệp định và 4 Nghị định thư. Bốn ngoại trưởng của bốn bên, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã kí chính thức Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973.

Từ thời điểm này, tình hình chính trị, chiến trường tại Việt Nam bước sang một giai đoạn mới và thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam là điều không thể đảo ngược.

(Còn tiếp)

Trần Duy Hiển
.
.