Hổ tướng Đại Việt xung trận

Thứ Sáu, 28/01/2022, 11:14

Chúng ta thường quen với các hình ảnh trong tiểu thuyết dã sử, phim truyền hình Trung Quốc mô tả các trận đánh, hai bên dàn quân, rồi hai viên đại tướng tế ngựa xông ra “đấu với nhau vài trăm hiệp bất phân thắng bại”. Lớp trẻ mê lịch sử thường thắc mắc: Trong lịch sử nước ta, các vị tướng có đánh trận kiểu này không?

Thực ra cách đánh trận mà các viên tướng đối địch 1-1 mà các tiểu thuyết “Đông Chu liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa” kể lại… không phải không có thật. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là cách đánh thông dụng thời nhà Chu, tức bao trọn cả hai thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của tác giả Marcel Granet trong cuốn “Nền văn minh Trung Hoa” (La Civilisation Chinoise, NXB Albin Michel năm 1948), được học giả Nguyễn Hiến Lê trích dịch và giới thiệu trong cuốn “Sử Trung Quốc”, thì đây là một hình thức chiến tranh "lễ độ", "quân tử" rất đặc biệt, khắp thế giới không thấy ở đâu cả. Mỗi khi giáp trận, chỉ có tướng hai bên chiến đấu với nhau thôi, quân lính đứng ở sau quan sát, mà tác giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét “y như trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa”. Trước khi ra trận họ bói, rồi định ngày, giờ xáp chiến. Các vị tướng thời đó dùng chiến xa, khi gặp nhau, họ tặng nhau một bình rượu, chào hỏi nhau, nếu chức tước ngang nhau thì mới giao chiến; nếu một bên chức tước lớn hơn thì bên kia không dám đánh, sợ mang tiếng là vô lễ. Thậm chí, sử sách Trung Quốc kể rằng, có lần chiến xa của quân Tấn lún xuống bùn, không tiến được, một tướng Sở đã cho dừng chiến xa đứng nhìn và khuyên người đánh xe của Tấn cách thoát ra khỏi chỗ lầy.

Đến tận thời Tần Thủy Hoàng thống nhất các nước Trung nguyên, việc đánh trận bằng chiến xa vẫn rất phổ biến, tuy nhiên các tiểu thuyết gia thời Tống, Minh, Thanh mô tả các vị tướng thời trước giao chiến với nhau chủ yếu trên lưng ngựa, với văn phong bay bổng, tình tiết ly kỳ, cuốn hút biết bao thế hệ độc giả.

le_khoi.jpg -0

Vậy ở nước ta thời xưa các vị tướng đánh trận kiểu gì? Có vị nào tế ngựa ra trước trận đối địch với đối thủ hay không?

Sử sách nước ta để lại cho thấy, nước ta địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi kênh rạch, thời xưa tiện nhất là đi thuyền, ít khi thấy nhắc đến chuyện dùng ngựa để chinh chiến. Như những mô tả sớm nhất về các trận chiến thời nhà Đinh, năm 979, sau khi Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn phò Đinh Toàn lên ngôi, Định quốc công Nguyễn Bặc cùng ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, tiến về kinh đô Hoa Lư định lật đổ Lê Hoàn. Hai bên giao chiến bằng thủy quân, Lê Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Đinh Điền tại trận, bắt được Nguyễn Bặc đóng cũi đưa về kinh sư, chém đầu đem bêu.

Năm 982, vua Lê Hoàn tự làm tướng theo đường thủy đi đánh Chiêm Thành, chém được vua Chiêm là Bê Mi Thuế tại trận, thu chiến lợi phẩm trở về. Đến năm sau, sử viết "Vua thấy đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Sang đến thời Trần, các trận chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, quân dân Đại Việt chủ yếu cũng dùng thuyền để di chuyển cho linh hoạt và bất ngờ.

Vó ngựa và đường gươm của Lê Phụng Hiểu

Dù ít khi mô tả những trận kịch chiến trên lưng ngựa, nhưng trong chính sử nước ta, vẫn có những trận chiến nổi tiếng. Hổ tướng Đại Việt chủ yếu dùng ngựa ở quanh khu vực thành, mà người được ghi chép đầy đủ nhất, là Lê Phụng Hiểu. Đó là sự kiện diễn ra tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 19 (1028), khi vua Lý Thái Tổ vừa qua đời, Thái tử Lý Phật Mã vâng di chiếu lên ngôi, nhưng ba người anh em của vua là Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương nổi loạn, sử gọi là “loạn tam vương”. “Toàn thư” viết: “Ba vương đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, đợi thái tử đến thì đánh úp. Một lát sau, thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ, hỏi tả hữu cách xử trí. Lúc đó có Nội thị là Lý Nhân Nghĩa cùng các bề tôi trong cung là Dương Bình, Quách Thịch, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng đều quyết tâm ra đánh. Khi ấy phủ binh của ba vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, nói: "Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu Tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả". Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy nói: "Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!", rồi ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người.

Quân đánh nhau chưa phân được thua, Lê Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: "Bọn Vũ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng". Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức vương. Vũ Đức vương quay ngựa tránh, nhưng ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.

Phụng Hiểu trở về, mặc áo trận đi vào báo tin thắng trận ở trước linh cữu Lý Thái tổ, rồi đến điện Càn Nguyên báo cho thái tử biết. Thái tử úy lạo rằng: "Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại đều là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều". Phụng Hiểu lạy tạ hai lạy nói: "Đức của điện hạ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì!".

Chép đoạn này, sử xưa còn bổ sung thêm những giai thoại về sự dũng mãnh của hổ tướng Lê Phụng Hiểu, như một mình đánh bại hết thảy trai tráng làng Cổ Bi, hay sau khi lập công không xin ban thưởng quan tước mà chỉ xin về quê đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi xuống chỗ nào thì xin ban cho phần đất chỗ ấy làm sản nghiệp, từ đấy về sau các bề tôi có công được ban ruộng thưởng đều gọi là “thác đao điền” (ruộng ném đao) từ sự tích này. (Đọc chuyện này chép trong bộ sử “Khâm Định việt sử thông giám cương mục”, thấy tả Lê Phụng Hiểu ném đao đi hơn mười dặm, vua Tự Đức đã phê rằng “Nói rất mơ hồ").

le phung hieu-long qb-01.png -0

Nhảy sang thuyền địch cận chiến

Quân đội Đại Việt nhiều lần dùng thuyền để đánh thủy chiến, nên sử sách nhiều lần chép một thế võ được nhiều hổ tướng nước ta sử dụng, là nhảy sang thuyền địch để chém đối phương. Theo “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, thời chiến tranh Lê - Mạc, năm 1557, vua Mạc là Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển vào cướp Thanh Hóa, Thái sư triều Lê là Trịnh Kiểm sai Thanh quận công và Thụy quận công ra Nga Sơn, Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay) chống đỡ, quân Mạc không dám tiến vào. Trịnh Kiểm đích thân đốc suất binh tượng, theo chân núi Yên Mô tới thẳng cửa biển, phóng quân đánh vào sau lưng địch, lại sai thuộc tướng Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ người Hoằng Hóa, vượt thuyền xung kích trước. Đức Kỳ gặp thuyền Kính Điển, liền nhảy vọt sang, tuốt gươm chém tên vác lọng đứt làm hai đoạn, rơi xuống sông. Mạc Kính Điển không kịp trở tay, liền nhảy xuống sông trốn. Quân Mạc tan rã chạy vào núi, quân nhà Lê bắt được rất nhiều thuyền và khí giới. Mạc Kính Điển bơi vào bờ, trốn vào trong hang núi Dân Sơn xã Trị Nội, suốt 3 tháng chịu đói khát. Một đêm, thấy cây chuối trôi qua cửa lạch, bèn ôm cây chuối tìm lối bơi về, mấy tháng mới đến bến Trinh Nữ hạt Yên Mô, gặp người đánh cá ở xã Tràn Tu, dùng thuyền chở cho được thoát nạn. Nhờ công này mà Mạc Kính Điển xin tặng người đánh cá tước Phù Nghĩa hầu.

Tháng 9 năm đó, Nguyễn Quyện từ nhà Lê quay lại theo nhà Mạc đem quân chống quân Lê - Trịnh ở sông Hồ Trì. Theo sách của Lê Quý Đôn thì Nguyễn Quyện muốn lập công với họ Mạc nên đánh rất hăng. Thái sư Trịnh Kiểm nghe biến có Quyện trọng trận này thì giận lắm, đích thân cầm quân, sai bọn Phạm Đốc quản đốc thủy binh, sai Vũ Lăng hầu tiến đánh Nguyễn Quyện.

Chuyện này hai quyển sử chép khác nhau. “Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ tục biên” chép rằng: “Quyện và Vũ Lăng hầu đánh nhau to. Vũ Lăng hầu rướn mình nhảy sang mui thuyền của Quyện trước. Quyện cầm gươm chém, Vũ Lăng hầu nhảy xuống sông lặn đi. Quyện vội nhảy sang thuyền của Vũ Lăng hầu, chém được đầu của người cầm dù rồi hô lớn: "Đầu Vũ Lăng hầu đây, lũ chúng mày địch sao nổi ta". Các quân nghe nói thế, không kịp ngoảnh lại nhìn, nhảy cả xuống sông. Toàn quân tan vỡ, bỏ thuyền nhảy lên bờ tháo chạy. Quân Mạc thừa thắng đuổi đánh. Nhân dân các huyện đều hưởng ứng theo. Thái sư kíp bàn rút quân. Họ Mạc sai tướng đem quân chặn lối về, quân sĩ phần lớn bị hại, chiến tướng bị giết đến vài chục viên, thuyền bè, khí giới phải vứt bỏ hết, sĩ tốt chạy thoát được còn độ một nửa”.

Còn Lê Quý Đôn lại chép trong “Đại Việt thông sử” ngược hẳn lại: “Đang khi Nguyễn Quyện và Đức Kỳ ác chiến kịch liệt, Đức Kỳ vươn mình sang thuyền Nguyễn Quyện, chém người vác lọng hầu, rồi quát lớn rằng: "Có Vũ Lăng hầu ta đây! Chúng mày đâu có địch nổi ta". Quân Mạc nghe đều tan vỡ, bỏ thuyền chạy cả lên bờ”. Lê Quý Đôn sống sau sự kiện này trên 200 năm, có thể biên chép với thái độ tôn phù nhà Lê rõ rệt nên câu chuyện chỉ còn tên các nhân vật mà thôi.

chien_thuyen.jpg -0

Xông thẳng vào doanh trại địch

Vào những năm cuối của giai đoạn nhà Lê sơ, có một viên tướng tung hoành khắp nơi, ghi dấu trong nhiều sự kiện lịch sử, là Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản. Ông này là người đích thân hạ sát vua Lê Tương Dực, nên sử quan đời sau chép vào danh sách nghịch thần. Mặc dù vậy, ông cũng để lại câu chuyện khá hiếm hoi về việc xông vào giữa trại địch hạ gục tướng giặc.

Đó là sự kiện diễn ra vào mùa đông năm 1512, khi Trần Tuân ở Sơn Tây nổi loạn, vua Lê Tương Dực sai Trịnh Duy Sản đi đánh. Duy Sản bị thua, rút quân về giữ ở xã Đông Ngạc và phường Nhật Chiêu. Quân của Tuân nhân khí thế đang mạnh, muốn tiến sát vào kinh thành. Tướng Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang sai quân thân tín ở 6 vệ Điện Tiền chuẩn bị thuyền của vua, muốn rước vua lánh vào Thanh Hóa; một mặt điều động những người làm thợ tại các sở, bày hàng trận ở Đông Hà, để tỏ cho bên địch biết có quân phòng bị giữ kinh thành. Đến đêm, toán quân này tự nhiên sợ hãi tan vỡ.

“Toàn thư” viết rằng, Trịnh Duy Sản thu thập toán quân tan vỡ lại còn được hơn 30 người, họ xé áo làm dấu hiệu, thề đánh nhau với giặc. Hôm ấy, trời đã gần tối, quân của Duy Sản chợt kéo đến trại lũy Trần Tuân. Tuân mình mặc áo bào đỏ, ngồi trên giường, do bất ngờ nên bị Duy Sản xông thẳng vào trướng đâm chết. Quân trong trại bèn tan vỡ. Các toán quân nơi khác không biết là Tuân đã chết, cứ tụ hợp như cũ. Vua Lê Tương Dực được tin báo, bèn sai Nguyễn Văn Lang đốc thúc tướng sĩ các dinh hội hợp với toán quân của Duy Sản, nổi trống hò reo tiến đánh, phá tan được bọn này, đuổi đến địa phận xã Thụy Hương và Quả Động, chém giết không biết bao nhiêu mà kể. Nhờ chiến công này, vua phong cho Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công, những người đi theo Duy Sản đâm chết được nhiều giặc đều được trao chức đô chỉ huy đồng tri.

Ngoài những hổ tướng vang danh tận phương Bắc như Lý Ông Trọng, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân đội Đại Việt cũng có một viên hổ tướng uy danh khiến quân Chiêm khiếp sợ, đó là Tư mã Lê Khôi, người được giao trấn thủ Hóa Châu (vùng Thừa Thiên ngày nay) đầu triều Lê sơ. Sách “Phủ biên tạp lục” viết, khi quân Chiêm quấy rối, ông được sai dẫn quân vượt Ly Giang, đến cửa biển Thi Nại vào đất Chiêm, tướng giặc biết là quân của ông, gọi sang hỏi: “Có phải ông Tư mã đấy chăng?”. Ông liền bỏ mũ trụ ra để cho chúng thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa sụp lạy, mang biếu sản vật, rồi không dám đánh lại ông nữa. Trong lịch sử nước ta, hiếm có viên hổ tướng nào chỉ cần bỏ mũ mà thu phục địch quân như vậy.

Lê Tiên Long
.
.