Hoa bất tử nở giữa lòng địch

Thứ Tư, 16/04/2025, 08:15

H63 là một mô hình điệp báo chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tình báo quốc phòng Việt Nam và thậm chí là cả thế giới. Ở đó, quy tụ được những điệp viên hoàn hảo như Phạm Xuân Ẩn (X6), Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo), Nguyễn Thị Ba... Phía sau mạng lưới tình báo hoạt động nhanh gọn, hiệu quả, bí mật suốt nhiều năm ấy, người ta không quên hình ảnh vị chỉ huy chiến lược Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang). Cuộc đời ông như một bông hoa bất tử nở giữa lòng địch.

Những cánh thư xuyên qua làn đạn

Ở tuổi 98, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu vẫn giữ được một phong thái đĩnh đạc cùng đôi mắt sáng tinh anh. Ông có lối kể chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh và nụ cười hài hước, toát lên vẻ phóng khoáng, dễ gần của người con Nam Bộ. Sau cái bắt tay thật chặt, ông tâm sự: “Trải qua 2 cuộc chiến tranh, lại được sống 50 năm hòa bình, tôi thấy cuộc đời mình lãi nhiều quá rồi, đồng đội cùng thời đâu còn ai nữa”. 

Nói rồi, đôi mắt của ông xa xăm, lặng đi giây lát, những ký ức về chiến tranh hiện về, như một dòng chảy chưa bao giờ vơi cạn trong tâm thức của người anh hùng. 

Hoa bất tử nở giữa lòng địch -0
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu.

Nguyễn Văn Tàu sinh ra và lớn lên tại xã Long Phước, một xã anh hùng thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thuở đi học, Nguyễn Văn Tàu luôn là học sinh giỏi, nhận học bổng 3 năm trường tỉnh, sau đó đậu Trường Pétrus Ký của Sài Gòn (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đứng hạng 7 trong tổng số những người bản xứ thi năm ấy và cũng được học bổng. Nếu không có chiến tranh, có lẽ Nguyễn Văn Tàu đã trở thành một công chức hưởng lương và sống một cuộc đời mình dị. Nhưng, thay vì phấn đấu trên con đường tri thức thì chàng thanh niên ấy đã về làng xin gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền Phong.

Tháng 8/1945 Nguyễn Văn Tàu cầm gậy tầm vông, cùng nhân dân ra thị xã giành chính quyền. Ông đánh hết trận này đến trận khác, thực hiện những nhiệm vụ cấp trên giao phó. Lúc đi làm cách mạng, vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng, khi vợ sinh, ông cũng không có mặt. “Năm 1954 tôi tập kết ra miền Bắc, vợ tôi gửi một phong thư, trong đó có chiếc áo len và tấm hình con Nhồng lên 7 tuổi. Trong thư, vợ tôi viết: Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không ra tiễn anh đi được. Em nghe nói ở miền Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh. Con gái chúng mình, bà ngoại đặt tên là Nhồng để nhớ về một loài chim thường có ở quê hương”, anh hùng Tư Cang hồi tưởng câu chuyện về cuộc đời mình.

Ở miền Bắc người ta phát hiện ra tài bắn súng của ông và cử đi tham dự giải bắn súng toàn quân. Điều đặc biệt là chỉ mình ông cầm 2 súng ngắn, bắn 2 tay, một tay bắn chậm, một tay bắn nhanh.
Tổ chức giao cho Nguyễn Văn Tàu nhiệm vụ bí mật, đó là hoạt động tình báo với thân phận Trần Văn Quang.

Sau khi được học về hoạt động tình báo tại Hà Nội, đầu năm 1962, Trần Văn Quang trở lại miền Nam bằng tên gọi Tư Cang, chỉ huy của cụm tình báo H63 với những điệp báo, giao liên như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Nguyễn Thị Ba... Trong mỗi chiến thắng vẻ vang của quân dân miền Nam, sự đóng góp của mạng lưới H63 là vô cùng to lớn với những cánh thư xuyên qua làn đạn, những thông tin thấm đầy máu đỏ bay về sở chỉ huy kịp thời nhất. 

Hoa bất tử nở giữa lòng địch -0
Anh hùng Tư Cang gặp lại vợ con và cháu ngoại sau ngày 30/4.

Thời gian hoạt động ở nội thành Sài Gòn, ông Tư Cang chưa một lần về thăm gia đình: “Vợ và con gái tôi lúc này đã sống ở Sài Gòn, tính ra thì rất gần với tôi. Bao nhiêu năm xa cách, nhưng ngày gặp lại, chúng tôi như những người xa lạ, nhìn nhau ở hai đầu ghế đá trong sở thú”, anh hùng Nguyễn Văn Tàu kể về những lần gặp vợ con từ xa. 

Cụm tình báo H63 tổ chức ở Củ Chi, lúc này điệp viên Phạm Xuân Ẩn hoạt động trong nội thành. Tư Cang về tiếp nhận với nhiệm vụ võ trang, chỉ đạo liên lạc bằng thư từ, lấy tin tức từ trong nội thành đưa về Trung ương. Năm 1966, bị thất bại trong chiến lược bình định miền Nam Việt Nam, Mỹ tổ chức các đội quân chư hầu, lính đánh thuê, đồng minh điên cuồng trút bom, hành quân càn quét vùng giải phóng, tìm Cộng sản để diệt. Trên cương vị là người chỉ huy tình báo, Tư Cang có nhiệm vụ sâu sát trong khu vực nội thành, đưa những chỉ đạo từ cấp trên đến với mạng lưới tình báo của Phạm Xuân Ẩn được thông suốt. Vì thế mà suốt 10 năm, ở quán cà phê, người ta thường thấy ông lang thang với người bạn đồng niên thích chơi chim cảnh Phạm Xuân Ẩn.

Trong mỗi lần gặp, họ cẩn thận ngắt quãng từng vấn đề, từng sự kiện để tránh sự xâu chuỗi câu chuyện của bọn thám báo với con mắt cú vọ rình rập khắp nơi. 

Những năm chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, chiến trường Củ Chi vô cùng ác liệt, đồng bào bị giặc Mỹ gom trong vòng rào ấp chiến lược. Anh em cán bộ, chiến sĩ phải ở ngoài vùng trắng không có dân, không còn một thân cây, bụi cỏ. Ban ngày đơn vị nằm dưới địa đạo chịu sự khắc nghiệt của thời tiết nắng mưa thất thường. Tối đến, lên mặt đất xốc lại súng đạn đi vào ấp chiến lược bắt liên lạc với các chị em giao thông hợp pháp, lấy tin tức, tài liệu mật do cơ sở từ trong Sài Gòn chuyển ra.

“Tôi vẫn nhớ có một nhiệm vụ rất quan trọng được giao phó cho tôi và anh Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) thực hiện, đó là trao bức thư mật của Trung ương cho một cán bộ cao cấp hàng ngũ bên kia và là người nước ngoài. Nhận định đây là một tình huống vô cùng gian nguy, có thể hy sinh tính mạng. Tôi thì chưa thể cho vợ con biết. Còn Hai Trung tối đó về gặp vợ con dặn dò coi như lần cuối một đi không trở về, vì nguy cơ bị bắt là rất cao. Chúng tôi đồng lòng với khẩu hiệu của điệp viên tình báo “coi như đã chết” và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, anh hùng Tư Cang kể.

Vào một ngày nắng Sài Gòn hanh hao trải thảm khắp đường phố, Tư Cang và Xuân Ẩn trên chiếc ô tô lái thẳng tới một nhà hàng sang trọng đang diễn ra buổi tiệc đứng để giao thư. Theo bàn bạc từ trước, Tư Cang lái xe chờ ở dưới còn Xuân Ẩn sẽ cầm thư lên nhà hàng đưa cho nhân vật cao cấp kia. Mạng sống Hai Trung khi này mong manh như sợi chỉ, bởi nếu bị lộ thì toàn bộ kế hoạch sẽ phá sản, thân phận Phạm Xuân Ẩn cũng không còn được bảo đảm, chúng sẽ lập tức bắt ông và cả Tư Cang đang đứng dưới chờ.

“Sau này, ngồi lại với nhau, Phạm Xuân Ẩn thú nhận với tôi rằng, trong cuộc đời làm tình báo của mình, chưa bao giờ đôi chân của ông cảm thấy run như lần cầm lá thư vào đưa tận tay người nước ngoài kia, mặc dù khi ấy, chúng tôi đã thủ sẵn 2 khẩu súng để nếu cần sẽ sử dụng để chấp nhận hy sinh”, ông Nguyễn Văn Tàu chia sẻ chi tiết gay cấn, kịch tính trong nghề tình báo. 

Hoa bất tử nở giữa lòng địch -0
Người dân Sài Gòn tập trung trước Dinh Độc Lập mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vai trò nòng cốt trong mạng lưới tình báo, Phạm Xuân Ẩn luôn lấy được những tài liệu mật, những kế hoạch tác chiến, đổ quân của Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Việt Nam Cộng hòa đưa tới tay Trung ương Cục Tình báo kịp thời góp phần to lớn vào các chiến công của quân và dân ta. Những tài liệu lấy được, với trí khôn khéo, nhanh nhẹn của Phạm Xuân Ẩn cùng sự chỉ huy phối hợp nhịp nhàng của cả mạng lưới điệp báo, giao thông cụm tình báo H63 đã mang lại chiến công vang dội cho ngày toàn thắng. Những thành tích vẻ vang, những chiến công chói lọi của tập thể cụm tình báo H63 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1971, thời kì mà chiến tranh đang vào giai đoạn khốc liệt. Sau này, nhiều điệp viên của cụm H63 cũng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Thiếu tướng Phạm Văn Thành (tức Phạm Xuân Ẩn), Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo), Thiếu tá Nguyễn Thị Ba.

Ngày vui như một giấc mơ

Trở lại mùa xuân năm 1968, theo chỉ thị của cấp trên phải đánh trực diện vào nội đô Sài Gòn để tiêu diệt sinh lực địch, đánh sập ý chí xâm lược của chúng. Cả miền Nam nổi dậy, lực lượng tình báo cũng được huy động hỗ trợ đánh địch trên mọi tình huống để bổ trợ cho các cánh quân biệt động. Cụm tình báo H63 gồm những điệp viên tinh anh, nhanh nhẹn, khôn ngoan, mưu trí đã hỗ trợ đắc lực cho các đội quân đánh trực diện vào Dinh Độc Lập.

Tư Cang, Cụm trưởng tình báo H63 được biết đến là xạ thủ có khả năng bắn súng hai tay cừ khôi không có đối thủ. Cấp trên giao cho ông 2 khẩu súng ngắn làm nhiệm vụ. Tối mồng 1 Tết Mậu Thân 1968, các chiến sĩ biệt động của ta tấn công Dinh Độc Lập nhưng bị địch chống cự, đẩy lùi về phía sau. Ở trong nhà điệp viên Tám Thảo, gần Dinh Độc Lập, thấy tình hình không ổn, Tư Cang dùng 2 khẩu súng thủ sẵn trong người ngắm đúng 2 tên chỉ huy, siết cò nhằm báo cho đồng đội biết họ không chiến đấu đơn lẻ. 2 viên đạn bay chính xác đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 tên chỉ huy khiến lính tráng xung quanh hồn xiêu phách lạc.

Trấn tĩnh lại, chúng tỏa đi lùng sục khắp nơi. “Tôi đã nhanh chóng phi tang vũ khí và sẵn sàng đối phó khi quân lính ập tới. Bằng trí thông minh và khéo léo của điệp báo Tám Thảo, quân lính chỉ khám xét ở nhà dưới mà không hề lên trên, tôi may mắn thoát nạn trong gang tấc”, anh hùng Tư Cang hồi tưởng. 

Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Tư Cang được rút về căn cứ nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Phòng Tình báo miền Nam cho đến cuối năm 1973 thì được quyết định ra miền Bắc dự khóa học chính trị cao cấp của quân đội. Mới học được 1 năm, tình hình chiến sự miền Nam ngày một căng thẳng, tiền tuyến đang rất cần cán bộ có kinh nghiệm lại am hiểu địa hình như Tư Cang, vậy là ông được lệnh vào lại chiến trường. 

Tổ chức phân công ông về nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn Biệt động đặc công, chỉ huy cánh quân phía Bắc để dọn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào Sài Gòn trong đợt Tổng tiến công mùa xuân 1975. 

Trong trận đánh cuối cùng này, cầu Rạch Chiếc (nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức ngày nay) đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cửa ngõ then chốt để quân ta tiến vào Sài Gòn. Đêm 27/4/1975, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 do ông Tư Cang làm Chính ủy đã dũng cảm vượt sông, tấn công cầu Rạch Chiếc. Ông đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các chiến sĩ chiến đấu, động viên tinh thần và đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời. Trận cầu Rạch Chiếc là trận đánh gần Sài Gòn nhất, tạo bàn đạp cho các đơn vị quân đội chủ lực tiến vào nội đô, góp phần quyết định dẫn tới ngày thống nhất đất nước. 

“Ngày 30/4/1975 là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong gần 30 năm xa nhà đi chiến đấu của tôi, cũng như của tất cả những anh em đồng đội khác. Nhân dân tràn ra đường vẫy chào bộ đội giải phóng, cờ hoa rực rỡ, nụ cười hòa vui trong nước mắt. Những người Mỹ ở lại sau cùng trên đất miền Nam Việt Nam, hằn trên khuôn mặt của họ là sự thất vọng, chán chường sau những thất bại thảm hại không có lối thoát về mặt quân sự.

Chuyến bay cuối cùng cất cánh chở theo Đại sứ Martin khuất dần trong không phận Việt Nam. Từ đó, ánh sáng bắt đầu tràn vào bầu trời Sài Gòn báo hiệu buổi bình minh tươi đẹp của ngày đại thắng”, anh hùng Nguyễn Văn Tàu rưng rưng cảm xúc nhớ lại giây phút chứng kiến Sài Gòn giải phóng tròn 50 năm về trước. 

Ngọc Hoa
.
.