Hồi ức cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương

Thứ Ba, 03/08/2021, 23:05

“Ngày 18-6-1967, trận chiến đấu thứ 87 vô cùng ác liệt, pháo nổ giòn giã, hàng loạt bom bi nổ rền chát chúa xung quanh, đất cát mù mịt - Đường dây liên lạc từ máy radar đến sở chỉ huy bị đứt... Mình quay lại kiểm tra máy móc và trắc thủ thấy vẫn nguyên vẹn.

 

Riêng radar bị 2 quả bom bi phá thủng gần 90 lỗ. Ra khỏi đài, khói bốc cao đen mù vì mấy phi dầu đều bị cháy, nhà B4 cũng cháy. Trận địa bị thương vong -  lần đầu tiên trên trận địa này hơn mười đồng chí của K5K3 ngã xuống. Mình lao vào cùng anh em băng bó cứu chữa đồng đội…”.

Những dòng chữ trên được trích trong cuốn nhật ký đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Chủ nhân của nó là ông Trịnh Đức Duy, gần 80 tuổi - cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương (cầu Sông Thương) trong những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc (1965-1967). Cuốn nhật ký với 70 trang ghi lại khá chi tiết từng trận chiến đấu ác liệt, chứa đựng những tâm tư, tình cảm của người viết về chiếc cầu “huyết mạch” này.

Hồi ức cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương -0
Những người mẹ Đa Mai vá áo cho bộ đội. Ảnh tư liệu.

Tiếp chúng tôi tại khu vườn cây cảnh, hòn non bộ và tượng Phật khá đẹp mắt ở thôn Dĩnh Lục 2, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), ông Trịnh Đức Duy cho hay: Viết nhật ký là một sở thích của ông từ khi còn nhỏ. Đến nay dù đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn giữ thói quen ấy. Trong số đó, cuốn nhật ký ghi lại quãng thời gian chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương là một kỷ vật quý giá mà ông đã lưu lại và hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay).

Chia sẻ về phần mình, ông nói: “Năm 1959 (khi 19 tuổi), vừa xây dựng gia đình chưa đầy 3 tháng, tôi lên đường nhập ngũ. Được đào tạo chuyên sâu về radar nên sau đó tôi được điều về Trung đoàn 216 thuộc Sư đoàn Phòng không Hà Bắc (nay là Sư đoàn Phòng không 365) với cấp bậc Thượng sĩ, Trung đội trưởng radar. Sư đoàn tham gia chiến đấu hơn 800 ngày, đêm bảo vệ Phủ Lạng Thương, cầu Sông Thương, ga tàu và nhà máy Đạm Hà Bắc.

Ngược dòng lịch sử, cuối năm 1964, sau thất bại nặng nề ở miền Nam, giặc Mỹ leo thang tấn công bằng không quân ra miền Bắc. Thị xã Phủ Lạng Thương, mà cụ thể là cầu sông Thương trở thành tâm điểm  đánh phá của giặc hòng cắt đứt tuyến đường viện trợ từ hậu phương cho miền Nam. Ông Duy Kể: Cầu Phủ Lạng Thương là cửa ngõ quan trọng nhất từ phía Bắc vào Hà Nội, đi Lạng Sơn - Trung Quốc - Liên Xô và các nước XHCN khác ở Đông Âu. Phá được cầu coi như cắt được dạ dày đi khắp cơ thể, vì vậy quân Mỹ tìm mọi cách để hạ cây cầu này.

Hồi ức cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương -0
Các mẹ, các chị thăm trận địa cao xạ đang bảo vệ cầu sông Thương trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và vá áo cho chiến sĩ. Ảnh tư liệu.

Báo chí thời đó gọi cầu Sông Thương là “Hàm Rồng thứ hai của miền Bắc”. Trong 3 năm (1965- 1967), gần như ngày nào cũng có máy bay Mỹ đến quấy nhiễu, đánh phá. Cầu Sông Thương khi đó dài 171m, nhưng địch đã huy động 1.040 lần máy bay, 78 tên lửa chống radar, đánh gần 50 đợt lớn vào cầu, thả hơn một nghìn bom phá và 879 bom sát thương cùng hàng ngàn bom bi. Sử dụng nhiều máy bay hiện đại như F105, F105D (thần sấm), F4, A3J, A7, máy bay không người lái để trinh sát, đánh phá cầu.

Phải hứng chịu những trận mưa bom bão đạn song giặc Mỹ đã không thể quật ngã được ý chí, lòng quả cảm, kiên cường và mưu trí của quân và dân ta trên đất Bắc. Giặc Mỹ đã trút xuống vùng đất này hàng ngàn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa cùng hàng vạn bom bi. Nhằm bảo vệ các mục tiêu, nhiều trận địa phòng không của ta được giăng đầy cửa ngõ thị xã, xung quanh địa bàn Đa Mai có 3 trận địa pháo cao xạ từ 37mm đến 100mm gồm: Đồng Găng, Chùa Đò và Vòng Xẻ để bảo vệ các mục tiêu: Cầu sông Thương và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn; Kho Xăng Dầu; Nhà máy Phân Đạm Hà Bắc...

Về phía ta, đơn vị hành quân về Phủ Lạng Thương được 2 ngày đã khẩn trương xây dựng được 14 trận địa pháo, hàng chục trận địa trực chiến và hàng tấn lá ngụy trang. Riêng Trung đoàn 216 đã đánh nhiều trận, trong đó đáng nhớ nhất là trận đầu ra quân vào ngày 22-10-1965 (khi mới về đây được 2 ngày) đã bắn rơi một máy bay F105D và bắt sống giặc lái. Đây là tiền đề cho những chiến thắng giòn giã tiếp theo. Và hiện nay ngày 22-10 trở thành ngày truyền thống hằng năm của những cựu quân nhân Trung đoàn 216 (nay là Sư đoàn 365). Trong cuốn nhật ký của mình, ông Duy viết: “…

Hồi ức cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương -0
Cựu chiến binh Trịnh Đức Duy kể về trận chiến bảo vệ cầu.

Ngày 1-5-1966. Trận chiến đấu thứ 7! Gần như là quy luật về thời gian địch xuất hiện, địch đều dẫn xác vào khoảng từ 14h đến 15h… Chúng xuất hiện với tốc độ rất nhanh trên 250m/giây, bay qua Hà Nội, Đáp Cầu, ra biển. Các đơn vị đều nổ súng… Sáu trận đánh trước chúng đã phải bỏ lại xác máy bay mà cầu vẫn nguyên vẹn, sừng sững, hiên ngang như những chủ nhân của nó: Nhân dân quê hương Đề Thám anh hùng…”.

Tuy nhiên theo ông Duy, không phải trận đánh nào quân ta cũng bảo vệ an toàn cầu, nhiều lần bom, đạn làm cầu bị hỏng. “Đó là trận thứ 11 (vào lúc 8 giờ 35 phút, ngày 5-5-1966), bất ngờ máy bay địch xuất hiện rất thấp ở sau lưng, Một chiếc từ hướng Huyền Đinh- Yên Tử và một bay từ 14 (hướng Đông Bắc), chúng lao thẳng vào uy hiếp trận địa, pháo của ta nhanh chóng quay lại, một loạt đạn rất đẹp bắn lên, địch phải chuồn ra hướng Neo. Trong khi đó 4 chiếc F105 khác cùng hướng trên nối tiếp nhau ngóc đầu tăng độ cao, gần chục quả bom lao về hướng cầu. Cầu bị sập gần 2 nhịp. Hai chiếc máy bay phải đền tội cùng gần chục chiếc khác trong những trận trước đó nhưng cả Trung đoàn ai cũng buồn, có người đã khóc vì chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn mục tiêu. Cả đơn vị luôn trong tình trạng trực chiến 24/24, đôi mắt lúc nào cũng ngước lên bầu trời, cứ 17 giờ chiều là thấy mình đã được sống thêm vì đánh đêm ít thương vong hơn.

Hồi ức cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương -0
Cầu sông Thương ngày nay. 

Tuy nhiên cũng không ít thương vong. 94 người lính đã ngã xuống để bảo vệ cầu, hàng trăm người bị thương tật. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu, xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như: Đảng viên trẻ Đỗ Cao Sáu đang bị thương rất nặng trên tay đồng đội nhưng vẫn nói: “Tôi còn mấy đồng trong túi, nhờ đóng Đảng phí giúp” đó cũng là những lời cuối cùng của anh; hay như “cây đuốc” Ngụy Phan Chài với hơn 30 vết thương trên người nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu… Với tư cách là “nhân chứng sống”, ông Duy chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến đấu bảo vệ cầu, đó là nghệ thuật “ôm cầu”. Chọn vị trí nguy hiểm nhất (tại góc 450) ngay sát cầu, sẵn sàng hứng chịu bom đạn nhưng ngược lại vị trí này hiệu quả  chiến đấu rất hiệu quả. Đây là hình thức đánh táo bạo mà sau đó Tiểu đoàn 18 đã áp dụng để bảo vệ cầu Đáp Cầu (Bắc Ninh).

Giặc Mỹ ngày đêm quần thảo trên bầu trời, trận này chưa xong trận kia lại đến. Các chiến sĩ “như những thiên thần không hề biết sợ chết. Đánh xong mỗi trận, mặt ai cũng đen sạm, quần áo tả tơi vì hơi bom. Cũng chính trong cuộc chiến này, trong hoàn cảnh ấy mà hình ảnh những người mẹ làng Đa Mai ven cầu sông Thương đã trở nên thánh thiện hơn. Thời kỳ cao điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Bắc. Ông chứng kiến những thời khắc chiến đấu gian khổ, ác liệt, phía sau trận địa là các chị, các mẹ ở Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đã xả thân giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 216 bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường để bảo vệ bầu trời Hà Bắc và kết quả là nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý đã sáng tác ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”.

Hồi ức của nhạc sĩ viết: “Tôi lắng nghe, vô cùng xúc động khi nhìn vào gương mặt các mẹ già, phần lớn đã già, những cặp mắt đã kèm nhèm thế mà lại vá áo với những ngọn đèn “Hoa Kỳ” ánh sáng như yếu, lại còn phải che đậy cho máy bay trinh sát địch trên trời không phát hiện trong đêm. Mà đã vá là phải vá gấp để kịp đưa ra trận địa”. Trong đêm hôm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bất chợt chú ý đến một người có khuôn mặt rất giống mẹ mình. Chạnh lòng, ông lại nhớ mẹ và “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” đã được ra đời.

Thấy giặc ném bom liên tục, bộ đội ta chiến đấu suốt ngày đêm, thương các anh quá nên các mẹ chẳng còn biết sợ là gì nữa, cứ ngớt trận bom là lại ra ngay trận địa giúp đỡ bộ đội rồi mang áo quần rách về vá, có hôm các mẹ chong đèn dầu vá suốt đêm cho chiến sĩ, có những ngày các mẹ đã phân công nhau khâu vá quần áo ngay tại trận địa. Trong những năm ác liệt ấy Hội mẹ chiến sĩ Đa Mai đã khâu 2.500 tấm áo cho chiến sĩ, cùng nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng 7 trận địa pháo cao xạ.  Đặc biệt có 30 chị em tham gia dân quân tự vệ luyện tập quân sự sẵn sàng thay thế pháo thủ. Ngoài ra các mẹ còn vận động nhân dân đóng góp tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn, đan 387 áo rơm và 218 mũ rơm tránh mảnh đạn và bom bi; đan đệm rơm cho bộ đội nằm để đỡ lạnh về mùa đông. Trong hơn 800 ngày, đêm Trung đoàn  216 đã bắn rơi hơn 10 máy bay Mỹ, trong tổng số 60 chiếc của toàn Sư đoàn 365 ngày nay. Với những chiến công đó, năm 1967, Trung đoàn đã được Bác Hồ tặng lẵng hoa khen ngợi.

Hồng Nguyên
.
.