Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022)

“Không chiến” và ký ức người trong cuộc

Chủ Nhật, 18/12/2022, 18:27

Sau gần 50 năm, những phi công của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng đối chiến với nhau trên bầu trời miền Bắc suốt từ năm 1965 đến 1972 mới có dịp gặp lại. Những bàn tay nắm chặt, những cái ôm chân thành, những món quà thể hiện sự trân trọng, cả những giọt nước mắt… không ai nghĩ đó là những người lính từng ở 2 chiến tuyến, đã từng một mất một còn với nhau trong những trận không chiến ác liệt. 

Và đối với những cựu phi công hải quân Mỹ như tiến sĩ Marshall Michel, Thiếu tướng Ranny Cunningham cùng rất nhiều người khác, những phi công Việt Nam với máy bay, vũ khí lạc hậu... đã luôn là huyền thoại, là nỗi ám ảnh đối với họ.

3.jpg -0
Phi công Marshall Michel với cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Vũ Văn Anh

“Tôi muốn viết một cuốn sách về tuổi trẻ của chúng ta”

Sau khi tốt nghiệp đại học, Marshall Michel đã gia nhập Không quân Hoa Kỳ và tới Việt Nam tham chiến từ năm 1970 đến năm 1973. Sau chiến tranh ông trở lại Mỹ làm việc tại Bộ Tham mưu Không quân rồi  học tại Đại học Harvard, bắt đầu đi sâu nghiên cứu về chiến tranh trên không ở Việt Nam. Ông cũng là tác giả cuốn sách “The 11 days of Christmas - Ámericas last Vietnam battle” (11 ngày đêm giáng sinh - những trận không chiến cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam). Là người trong cuộc, Marshall Michel khẳng định các phi công Việt Nam rất giỏi và chiến đấu ngoan cường, đã gây rất nhiều trở ngại cho không quân Mỹ dù tương quan lực lượng của hai bên khá chênh lệch. Trên bầu trời Hà Nội, các phi công Mỹ luôn phải ngoái lại phía sau xem có thêm máy bay khác tấn công theo không.

“Không chiến” và ký ức người trong cuộc -0
Ông Cunningham và tấm khăn thêu làm riêng để gửi đến liệt sĩ Trà Văn Kiếm với nội dung: Gửi Trung úy Trà Văn Kiếm, người đã chiến đấu vì đất nước bằng tất cả phẩm giá và sự thiện chiến của mình. Tôi kính trọng anh như kính trọng những người bạn tôi đã đánh mất. Ảnh: KIÊN TRẦN

Ông cho biết: “Khi chúng tôi tham chiến, khi ở trong quân đội, chúng tôi luôn luôn ghi nhớ những người đã bay cùng mình, đã chiến đấu cùng mình, những người đã hy sinh. Nhưng tôi nghĩ rằng một điều cũng rất quan trọng, đó là hãy nhớ đến những người cũng đã bị lôi kéo vào cuộc chiến, nhưng không thuộc một lực lượng quân đội nào, đó là những nạn nhân của chiến tranh. Cuốn sách đầu tiên của tôi được viết chủ yếu dựa trên những nhận định từ phía Mỹ về chiến tranh trên không. Còn với cuốn sách thứ hai, tôi đã có cơ hội quay lại Hà Nội để nghiên cứu về trận ném bom B.52 trong chiến dịch 11 ngày đêm Giáng sinh, để thu thập nhiều thông tin hơn từ phía các bạn. Một trong hai vấn đề mà tôi quan tâm, đó là hệ thống radar chỉ huy các trận địa tên lửa, làm thế nào các bạn có thể dò ra được đội hình máy bay ném bom của phía Mỹ bằng radar trong dải nhiễu. Điều thứ hai mà tôi rất quan tâm đó là các bạn phải mất thời gian bao lâu để chuẩn bị mọi phương án trước khi có thể bắn rơi máy bay B.52?...”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thời điểm đó, Mỹ đã huy động lên đến 200 máy bay B.52, bằng 50% tổng số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, cùng hơn 1.000 máy bay chiến thuật của cả Không quân và Hải quân. Phía Việt Nam lúc đó có 8 trung đoàn tên lửa, riêng bảo vệ Hà Nội thì có 2 trung đoàn đủ, 1 trung đoàn thiếu. Còn lực lượng Không quân thì thực tế số phi công còn lại có thể tham gia tác chiến ban ngày chỉ còn 11 người, ban đêm có 12 người. Đặc điểm lớn nhất chi phối rất nhiều đến phương thức tác chiến của lực lượng phòng không - không quân là lần này là đòn tập kích của không quân, hải quân Mỹ là đòn tập kích chiến lược, chứ không phải là những chiến dịch, những trận đánh riêng lẻ.

“Không chiến” và ký ức người trong cuộc -0
Các cựu phi công hai nước Việt – Mỹ hội ngộ. Ảnh: Vũ Văn Anh

Ông Marshall Michel tỏ ra rất thú vị: “Qua trao đổi với các phi công Việt Nam và tìm hiểu tư liệu được lưu giữ bên phía các bạn, tôi nhận thấy các bạn đã nghiên cứu cách thức để bắn rơi B.52 từ năm 1966, 6 năm trước chiến dịch 11 ngày đêm Christmas. Trong nhiều năm, các bạn đã theo dõi các sóng nhiễu và nghiên cứu về quy luật bay của máy bay B.52 nên các bạn hiểu được các sóng nhiễu đó mang ý nghĩa gì, các bạn biết được sẽ phải làm gì sau đó, các bạn biết  thời điểm nào có thể phóng tên lửa. Và hôm nay, tôi rất biết ơn các bạn đã đón tiếp tôi đầy nồng hậu để chúng ta có thể cùng nhau bàn chi tiết về các trận không chiến giữa hai bên. Đó là một cảm xúc tuyệt vời”.

Marshall Michel cũng bày tỏ sự khâm phục khi biết, để đối phó với âm mưu của Mỹ là đánh phá các sân bay để máy bay Mig không thể cất cánh được và tìm diệt các trạm ra đa ở trận địa tên lửa, không quân Việt Nam nhanh chóng khắc phục khó khăn, các máy bay Mig đa số cất cánh từ đường lăn hoặc là những sân bay bị phá hủy rất nặng. Ban đêm tập trung đánh B.52 và số lần xuất kích chỉ khoảng trên dưới 30 lần, song các phi công và chiến thuật tác chiến hết sức linh hoạt và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn này tuy các phi công Việt Nam chỉ bắn rơi 2 chiếc B.52 và 6 máy bay chiến thuật nhưng có đóng góp rất quan trọng trong chiến thắng chung của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như của toàn quân trong chiến dịch tập kích chiến lược 12 ngày đêm của không quân và hải quân Mỹ.

“Người phi công huyền thoại luôn ám ảnh chúng tôi”

Các phi công Mỹ cũng đã rất ngạc nhiên khi biết số lượng máy bay và phi công ít ỏi của không quân Việt Nam đã tham gia đối chiến với mình. Thông thường, các phi công Mỹ chỉ điều khiển riêng một máy bay, trừ trường hợp máy bay bị bắn hạ hoặc bị hỏng thì họ mới chuyển sang điều khiển máy bay khác. Nhưng không quân Việt Nam non trẻ thời kỳ đó đã làm ngược lại. Do số lượng máy bay rất ít, các phi công Việt Nam thường thay phiên nhau sử dụng chung máy bay để chiến đấu và hầu hết các máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao đều là chiến công của nhiều phi công khác nhau điều khiển nó.

“Không chiến” và ký ức người trong cuộc -0
Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham bên mộ liệt sĩ không quân Trà Văn Kiếm. Ảnh: Việt Cường

Điều đó đã dẫn đến nỗi ám ảnh của các phi công Mỹ về hai phi công lão luyện, chiến đấu anh dũng, quả cảm điều khiển chiếc Mig-17F mang số hiệu 3020 với ký hiệu 13 ngôi sao đỏ trên mũi, biểu hiện cho việc đã bắn hạ 13 máy bay của đối phương. Các phi công Mỹ cho rằng những chiếc máy bay đó do một phi công Việt Nam điều khiển. Trong những lần bắt được tín hiệu liên lạc, họ thường xuyên nghe thấy từ  "Toon" hoặc "Tomb". Họ cho rằng đấy là tên của người phi công huyền thoại, đặt tên cho anh là “đại tá Toon”. Mãi tới trận không chiến ngày 10/5/1972, chiếc Mig-17 này bị chiếc FJ4 do phi công Randy Cunningham bắn hạ, huyền thoại về “Đại tá Toon” mới khép lại.

Thiếu tướng Ranny Cunningham bày tỏ: “Chúng tôi bị ám ảnh suốt từ 1967 đến 1972 và thường xuyên trò chuyện với nhau về “Đại tá Toon”. Suốt hàng chục năm qua, tôi nghĩ rằng đó là phi công Nguyễn Văn Bảy và thực sự vui mừng khi được gặp ông ấy. Các bạn nên cảm thấy tự hào về ông Bảy như một vị anh hùng của dân tộc. Ông ấy là một phi công tuyệt vời, người đã bắn hạ 7 máy bay đối phương MiG-17 bằng súng từ khoảng cách chỉ vài trăm mét.  Chúng tôi chưa bao giờ có một phi công nào bắn hạ hơn 1 máy bay chỉ với một khẩu súng, nhưng ông Bảy đã bắn rơi đến  7 chiếc, với một chiếc máy bay, ông ấy có nhiều cách để chiến đấu”.

Năm 2017, khi sang thăm Việt Nam, Thiếu tướng cựu phi công Ranny Cunningham đã biết “Đại tá Toon” mà mình bắn rơi trong trận không chiến năm đó là ai. Trận không chiến ngày mùng 10/5/1972 là một trong những trận chiến khốc liệt nhất trên bầu trời Việt Nam giữa phi công Trà Văn Kiếm và phi công Randy Cunningham. Trận “không chiến” đó được thế giới biết đến nhiều nhất với sự đối kháng quyết liệt của huyền thoại “Đại tá Toon” Việt Nam và một phi công xuất sắc của không quân hải quân Hoa Kỳ huấn luyện đặc biệt trong các đội đặc nhiệm chuyên môn dùng để không chiến với máy bay của Việt Nam.

Rưng rưng thắp hương trên bàn thờ của phi công Trà Văn Kiếm, Thiếu tướng, cựu phi công Runny Cunningham bày tỏ: “Tôi đã từng ao ước và khát khao làm được điều này từ 45 năm nay rồi. Kể cả không có máy bay thì tôi vẫn nguyện đi bộ từ Mỹ sang Việt Nam để thăm mộ của anh Kiếm. Trà Văn Kiếm là một phi công chiến đấu cực kỳ dũng mãnh và điêu luyện. Điều mà tôi ngạc nhiên nhất khi gặp anh Trà Văn Kiếm là không giống như những cuộc đụng độ của tôi với các phi công Việt Nam trước đây. Khi họ không cảm nhận được họ có ưu thế là lập tức rút lui ngay, còn anh Trà Văn Kiếm đã trở lại và chiến đấu với tôi đến phút cuối cùng. Phải thú thực rằng trong lúc đụng độ với anh Kiếm đã có 2 lần tôi rơi vào thế bị động rất nguy hiểm giữa sống và chết, nhưng tôi đã sử dụng tất cả các kỹ năng mà tôi được học ở trường huấn luyện nổi tiếng của hải quân Mỹ để cuối cùng tôi đã vượt qua cuộc chiến mà vẫn còn sống sót. Đấy là một phi công giỏi và tôi càng cảm phục hơn khi biết đó là lần ra trận đầu tiên của anh ấy”.

Và cũng trong lần gặp gỡ giữa hai bên, các phi công Mỹ đối chiến với họ trên chiếc máy bay huyền thoại số hiệu 3020 thuộc Trung đoàn 923 Yên Thế đó không chỉ là một người. Nhiều phi công đã thay phiên nhau điều khiển nó và họ đã bắn hạ ít nhất 8 máy bay đối phương là Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy và Anh hùng LLVTND Lê Hải. Các cựu phi công hai nước đã cùng viết cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía” để để cung cấp tư liệu cho người dân hai nước biết thêm về cuộc chiến tranh trên không với góc nhìn nhiều chiều, để cùng nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Đặng Tuệ Lâm
.
.