Khúc tráng ca những "con tàu không số"

Thứ Bảy, 23/10/2021, 09:00

Vẫn nét cười hiền lành hiện hữu trên gương mặt phúc hậu và giọng nói đậm khí chất của người lính biển năm xưa, Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh - vị thuyền trưởng những con tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã kể lại cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm đẹp, rất hào hùng sống mãi trong tâm thức của những cựu binh. Trong đó có câu chuyện về ba chiếc tàu tạc vào lịch sử sau cuộc đối đầu với tàu chiến của địch.

Bây giờ đã ở độ tuổi 87, có hơn 30 năm binh nghiệp, 67 năm tuổi Đảng, nhưng Trung tá Hồ Đắc Thạnh vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, nhớ rõ chi tiết những chuyến tàu vận chuyển vũ khí do ông đảm trách cho đến hải trình sóng gió, tên tuổi, quê quán đồng đội rồi những lần đối mặt với địch và các cuộc gặp gỡ dân quân du kích, bộ đội, cán bộ địa phương ở nơi tiếp nhận vũ khí…

Ông Thạnh kể: “16 tuổi tôi nhập ngũ vào bộ đội ở Phú Yên, sau đó đi tập kết ra Bắc giữa tháng 5-1955 là lính Sư đoàn 324 tại Thanh Hóa, Nghệ An, làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị, chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Hơn một năm sau tôi được cử đi đào tạo tại Trường Hạ sĩ quan rồi lần lượt chuyển tiếp sang Trường 45 ở Hải Phòng, Trường sĩ quan Hải quân ở Quảng Ninh. Cũng từ đó tôi gắn bó duyên nghiệp hải quân cho đến khi nghỉ hưu”.

hq1.jpg -0
Di ảnh thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Ảnh: Tư liệu.

Ngừng một lát, Trung tá Thạnh kể tiếp: “Trong đời binh nghiệp của mình tôi đã làm thuyền phó hai tàu 54 và 56 Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn Hải quân 125 vận chuyển vũ khí vào Cà Mau, Bến Tre. Đến cuối năm 1963 thì làm thuyền trưởng, chỉ huy 10 chuyến tàu, đưa hơn 800 tấn vũ khí vào Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi. 60 năm trôi qua, nhưng huyền thoại về tinh thần mưu trí, dũng cảm và ý chí cách mạng kiên cường của người lính hải quân trên những con tàu không số vẫn mãi sống động, hào hùng. Trong đó có hình ảnh ba chiếc tàu tạc vào lịch sử khi nằm giữa vòng vây của địch, nhưng các chiến sĩ hải quân kiên cường đánh trả, phá hủy tàu, dũng cảm hy sinh, không để sa vào tay địch”.

Trung tá Thạnh nhớ lại: “Khởi đầu từ sự kiện Vũng Rô ở phía Nam Phú Yên. Ngày 1-2-1965, tức mùng 8 Tết Ất Tỵ, tàu 143 do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng cùng 17 thủy thủ vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu (Bình Định). Vừa xuất bến thì địch ráo riết tuần tra trên biển, nên phải dừng lại hơn một tuần rồi mới tiếp tục hải trình từ ngày 10-2-1965, nhưng nguồn tin trinh sát cho biết bến Lộ Diêu mất an toàn, nên Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo tàu 143 chuyển hướng vào Vũng Rô.

Khúc tráng ca những
Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh kể lại những hải trình tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam.

Dù là chuyến hàng ngoài kế hoạch, nhưng bộ đội, dân công bến Vũng Rô vẫn nỗ lực bốc dỡ toàn bộ vũ khí từ trên tàu vào bờ trước 3h30 sáng 16-2-1965 để tàu rời bến, nhưng do tời kéo neo bị hỏng phải sửa chữa đến 5h sáng. Ra biển lúc đó sẽ bị lộ nên tàu 143 phải nằm lại Bãi Chùa. Dù đã được ngụy trang bằng phương án giăng lưới, phủ lá rừng che chắn thân tàu nối liền chân núi, nhưng giữa buổi sáng hôm đó, trong lúc lái trực thăng UH-1B chở binh lính địch bị thương trong trận chiến Dương Liễu - Đèo Nhông từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Trung úy phi công Mỹ James S. Bowers phát hiện dấu hiệu khác thường từ mõm núi nhô ra bên Bãi Chùa, nên báo cho Thiếu tá hải quân Mỹ - Harvey P.Rodgers, cố vấn cao cấp của Bộ Tư lệnh Vùng II chiến thuật Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Nha Trang.

Harvey yêu cầu Thiếu tá Hồ Văn Kỳ Thoại - Tư lệnh Vùng II duyên hải Nam Trung bộ điều máy bay trinh sát kiểm tra, chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt với những tấm không ảnh trước đó, nên 13h chiều cùng ngày, địch huy động 1 máy bay trinh sát cùng 2 trực thăng AD-6 ập đến bắn rốc két khiến lá ngụy trang bị cháy, tàu 143 lộ diện. Từ phía Bãi Lau, 2 khẩu pháo 12,7 ly của Đại đội K60 địa phương phối hợp thủy thủ tàu 143 nã đạn đánh trả quyết liệt.

Khúc tráng ca những
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể lại cho thế hệ trẻ chuyện về những chuyến tàu không số vào bến Vũng Rô.

Phương án phá hủy tàu 143 được triển khai, nhưng do bị trúng đạn pháo, thân tàu chao nghiêng, không thể chui vào hầm tàu kích hoạt 1 tấn chất nổ TNT. Trong lúc chờ Đại đội K60 điều bộc phá, kíp nổ, dây cháy chậm để phá hủy tàu từ trên boong, thì sáng 17-2-1965, địch tăng cường máy bay, tàu chiến từ phía biển và 2 Tiểu đoàn bộ binh từ đỉnh đèo Cả xuống, thực hiện mưu đồ bắt sống cán bộ - chiến sĩ tàu 143. Bộ đội, du kích bến Vũng Rô và hải quân tàu 143 kiên cường chống trả các cuộc tấn công của địch, hỗ trợ trinh sát Đại đội K60 cùng dân quân chuyển tải nửa tấn chất nổ phá hủy tàu 143 ngay trong đêm. Những ngày sau đó, chiến sự ở Vũng Rô và vùng ven diễn ra ác liệt, địch tăng cường đánh phá, phong tỏa, nên bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc. 32 năm sau đó, ngày 18-6-1997, Bộ Văn hóa - Thể thao du lịch có quyết định công nhận di tích tàu không số ở Vũng Rô là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Sau sự kiện Vũng Rô, Bộ Tư lệnh Hải quân thí điểm phương án cho tàu không số vào bãi ngang, thả những túi vũ khí bọc nilon xuống biển để bộ đội, dân công địa phương vớt lên. Lần đầu tiên tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy vận chuyển 40 tấn vũ khí vào xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đêm 26-1-1966. Những kiện vũ khí cuối cùng vừa thả xuống biển, thì sóng lớn đánh tàu dạt vào bãi cạn. Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: “Lúc đó 2 tàu chiến của địch có hỏa lực mạnh đã bao vây, nhưng tàu 41 chỉ có pháo 12,7 ly. Sau khi chỉ đạo anh em bơi vào bờ, tôi lấy quốc kỳ quấn vào cổ rồi đề nghị máy trưởng Phan Nhạn mở hết giới hạn kỹ thuật chân vịt, cho tàu 41 lao về phía hai tàu chiến của địch sau khi kích hoạt dây cháy chậm kết nối 1 tấn thuốc nổ dưới hầm tàu. Khi tôi và máy trưởng bơi chưa tới bờ thì tiếng nổ dội vang, phá hủy tàu 41. Từ phía biển, địch giội pháo vào bờ, khiến thuyền phó Dương Văn Lộc, thủy thủ Trần Văn Nhợ hy sinh. 19 người còn lại ngược đường rừng hơn ba tháng trời trở về Hà Nội. 7 năm sau sự kiện đó, ngày 11-1-1973, tập thể tàu 41 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011), thuyền trưởng tàu 41 năm xưa - Trung tá Hồ Đắc Thạnh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khúc tráng ca những
Khu lưu niệm tàu không số C235

Trong khu lưu niệm di tích lịch sử tàu C235 ở bến Hòn Hèo bên chân núi Bà Nam ở xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hàng chục năm qua luôn tỏa hương thơm tưởng nhớ 14 cán bộ - chiến sĩ hải quân hy sinh anh dũng. Theo nhiều nhân chứng lịch sử kể lại, buổi trưa 27-2-1968, tàu C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, rời Hải Phòng vận chuyển 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo với những luồng hẹp và bãi đá ngầm. Sau hải trình dài đầy vất vả gian nguy, đêm 29-2-1968, tàu C235 mới vào gần bến Hòn Hèo đã chạm trán 7 tàu tuần tra của địch. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh động viên anh em bình tĩnh, sẵn sàng chiến đấu và chỉ huy tàu vào biển Ninh Phước bên chân núi Hòn Hèo rạng sáng 1-3-1968, thả những kiện vũ khí bọc nilon xuống biển để bộ đội, dân công ra vớt. Hơn 1 giờ sau đó, tàu C235 chạy ven núi về phía Ninh Vân, 7 tàu tuần tra của địch tăng tốc đuổi theo bao vây, nã đạn, máy bay địch giội pháo sáng và bắn đạn rốc két. Khẩu DKZ trong tay thủy thủ Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong giội thẳng về phía địch khiến một tàu bốc cháy.

Một cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt, 5 cán bộ – chiến sĩ trên tàu C235 hy sinh, 9 người còn lại bị thương, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bám buồng lái, tính toán phương án kích hoạt chất nổ dưới hầm, đồng thời cho tàu C235 lao thẳng vào tàu chiến của địch, nhưng không may tàu hỏng máy nên 9 cán bộ - chiến sĩ gượng sức bơi vào phía núi để phá hủy tàu. Khi họ bơi vào tới bờ thì tàu C235 nổ tung, một nửa thân tàu chìm dưới biển, một nửa văng lên triền núi Bà Nam.

Ngay sau đó, địch tập trung lực lượng bao vây một góc núi Hòn Hèo. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và đã hy sinh. 7 người còn lại dìu nhau vào núi suốt 10 ngày không có lương thực, nước uống. Đến ngày thứ 11, thủy thủ Mai Văn Khung bị địch bắt khi đang đi tìm nước uống. Ngày thứ 12 mới liên lạc được du kích ở bến Hòn Hèo, nhưng thuyền phó Đoàn Văn Nhi mất tích. 5 người may mắn trở về đơn vị là Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật, Lê Duy Mai, Vũ Long An và Lâm Quang Tuyến.

Trong một cuộc tiếp xúc trước đây, ông Nguyễn Bá Cường, trú ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, nguyên Trưởng trạm xá căn cứ Hòn Hèo, nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa, nhớ lại: “Sau khi đất nước thống nhất, một người dân Ninh Vân tình cờ phát hiện hài cốt thuyền phó Đoàn Văn Nhi trong một hang đá, cạnh đó có khẩu súng K54”. Bà Phạm Thị Hường - nguyên y tá căn cứ Hòn Hèo kể rằng: “Khi đưa 5 người còn lại về trạm xá, nhìn họ bị thương và kiệt sức, không ai cầm được nước mắt. Địch bao vây nên anh em ở căn cứ chỉ sống nhờ khoai núi, nhưng ai cũng muốn dành phần nhiều cho 5 thủy thủ tàu C235”.

Ngày 25-8-1970, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 20-9-2011, tập thể tàu C235 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ba năm sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hình hài những chiếc tàu 143, 41 và C235 không còn nữa, nhưng chiến công huyền thoại của những sĩ quan hải quân vẫn còn sống mãi với thời gian và lịch sử như những tượng đài bất diệt để các thế hệ cháu con luôn ngưỡng mộ và tự hào.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.