Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022)

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa

Thứ Sáu, 23/12/2022, 21:09

Những ngày giữa tháng 12 trời rét đậm, trên đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội xuất hiện một cụ bà đã 92 tuổi ngồi trên chiếc xe lăn đi thăm lại đơn vị cũ mình từng công tác.

Nơi đây, 50 năm trước là nơi đóng quân của Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ (nay là Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội). In dấu trên bầu trời, tháp còi báo động phòng không cũ vẫn còn đó gợi ký ức về sự hi sinh gian khổ, thầm lặng của người lính cứu hỏa thời chiến, nhất là giai đoạn 12 ngày đêm mịt mùng khói lửa lại hiện về.

Bà là nữ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) Lê Thị Bằng, sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Năm 1961, bà vào Công an và nhận công tác tại Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ. Năm 1986, bà Bằng nghỉ hưu và luôn tự hào về truyền thống gia đình có hai vợ chồng, 5 người con và 3 người cháu nội phục vụ trong lực lượng Công an Thủ đô…

2.jpeg -0
Bà Lê Thị Bằng

Nữ y tá thời chiến

Đã 50 năm trôi qua nhưng với bà Bằng, ký ức về những ngày cuối tháng 12/1972 khốc liệt ấy vẫn luôn hiện hữu.

Năm 1972, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tổ chức sẵn sàng chiến đấu về lực lượng và phương tiện; bố trí thường trực cao nhất để tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời có mặt tại hiện trường, bất chấp bom rơi, dập tắt các đám cháy, cứu thương, cứu sập, bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Khi máy bay Mỹ tập trung đánh phá các trận địa tên lửa phòng không, kho xăng dầu, cảng, khu dân cư, nhà máy điện..., lực lượng Cảnh sát PCCC đã không quản hy sinh, kiên cường bám trụ, ngày đêm chữa cháy.

Khi ấy, cả hai vợ chồng bà đều là lính chữa cháy nên đêm ngày trực sẵn sàng chiến đấu, cứ nghe tiếng kẻng báo động là lên đường làm nhiệm vụ, con nhỏ gửi đi sơ tán cùng ông bà, người thân. Thậm chí có nhiều ngày, hai vợ chồng ở hai đơn vị, lúc ăn ngủ vẫn vận nguyên trang phục chữa cháy, chân không rời khỏi ủng, để có thể lập tức lên đường.

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa -0
Bà Lê Thị Bằng năm 1972

“Mùa đông năm ấy rất lạnh, máy bay Mỹ ném bom bắn phá ngày ba lần vào sáng sớm, buổi trưa và ban đêm. Khi có còi báo động phòng không, tất cả mọi người đều xuống hầm trú ấn, trừ những người lính. Cả thành phố rung chuyển bởi những loạt bom, súng phòng không của ta bắn đỏ rực cả bầu trời, nhiều nơi bị bom Mỹ san phẳng không còn gì. Những người lính cứu hỏa vừa chữa cháy, vừa cứu sập, cứu thương, có đồng chí cào bới đến nát cả tay khi nghe tiếng khóc của một em bé dưới đống đổ nát. Có lần anh em phải tham gia thu dọn nhiều thi thể, nhìn thấy cơm không muốn ăn, tôi phải cùng ông Tám Trong - Đội trưởng là người miền Nam tập kết ra Bắc và ông Chiếu - Đội phó, động viên các chiến sĩ cố gắng ăn để có sức chiến đấu”, bà Bằng nhớ lại.

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa -0
Chân dung ông Trần Văn Chung, cán bộ Đội Cứu hỏa Phan Chu Trinh, Công an Hà Nội năm 1960

Ngày ấy, huyện Thanh Trì - cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ bởi nơi đây có ga Văn Điển, Nhà máy Pin Văn Điển và tổng kho 6 bách hóa (nơi dự trữ nhiều hàng hóa chiến lược cung cấp cho chiến trường miền Nam).

Trong những ngày tháng ấy, dưới làn mưa bom của giặc Mỹ, các chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC Tứ Kỳ vừa phải chiến đấu với giặc trên trời, vừa phải chiến đấu với giặc lửa để cứu nhân dân, cứu tài sản, kịp thời cho những chuyến tàu chở hàng hóa chi viện cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Là nữ chiến sĩ duy nhất của đơn vị, bà được giao nhiệm vụ nuôi quân kiêm y tá thời chiến. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, Lê Thị Bằng đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đi bộ gần chục cây số để mua lương thực thực phẩm, thuốc men, lo toan từng bữa ăn, từng cuộn bông băng, dụng cụ cấp cứu cho toàn đơn vị. Dứt mỗi đợt bom, bà lại cùng các đồng chí chỉ huy đơn vị đi kiểm tra quân số, đến từng nơi đang cháy sập, kịp thời băng bó, cứu thương, động viên nhân dân và những người lính cứu hỏa dũng cảm.

Nhiều trận bom Mỹ đã làm cho thực phẩm, thuốc men bị văng tung tóe khắp nơi, hai lần chết hụt không làm bà khiếp sợ. Sau khi dứt một trận bom cuối tháng 12/1972, bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đến thăm và động viên cán bộ chiến sĩ Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ. Thấy bà Lê Thị Bằng đội mũ sắt đi từ phía hố bom sau đơn vị lên, người đứng đầu chính quyền thành phố hỏi đùa: "Bom Mỹ nó bỏ như thế mà chị vẫn còn sống à?". Bà cười đáp: "Thưa Chủ tịch, tôi phải sống để cùng anh em chiến đấu chứ!".

Với những cống hiến trong lực lượng Cảnh sát PCCC, bà Lê Thị Bằng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.

Ký ức về đồng đội

Nhìn cụ bà hiền hậu có nụ cười rất tươi, thật khâm phục khi nghĩ đến những việc bà đã làm trong chiến đấu. Người nữ y tá kiêm chiến sĩ nuôi quân ấy đã chăm sóc từng bát cơm, chén nước cho đồng đội của mình với biết bao yêu thương, trân trọng. Cùng đồng đội, bà tham gia đào bới trong đống đổ nát nghi ngút khói còn tiềm ẩn những quả bom chưa nổ và những đống lửa để tìm người dân bị nạn.

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa -0
Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 7, Cảnh sát PCCC Hà Nội tổ chức gặp mặt cựu cán bộ nhân kỷ niệm 46 năm “Điện Biên Phủ trên không” năm 2018

Phương tiện chữa cháy khi đó thô sơ, hầu hết là dùng vòi nước áp lực cao để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt. Trang bị cho lực lượng phòng cháy nghèo nàn, còn rất hạn chế, đặc biệt là không có mặt nạ phòng độc, cùng anh em thực hiện nhiệm vụ, bà Bằng thấy rất thương và lo lắng khi nhiều cán bộ, chiến sĩ khi lao vào chữa cháy đã hít phải khí độc và ngất đi… Bà cũng đã lao vào để sơ, cấp cứu cho đồng đội trong những tình huống như thế.

“Thương anh em vô cùng, ai cũng vất vả nhưng tinh thần chiến đấu rất cao, ai cũng xác định sẵn sàng hi sinh để bảo vệ các công trình trọng điểm và cứu hộ, cứu nạn cho người dân. Ngày nào cũng như ngày nào, báo động địch ném bom vang rền, nhân dân xuống hầm trú ẩn, còn anh em chữa cháy cứ tiếp tục làm nhiệm vụ. Trong quá trình chữa cháy, nhiều vụ việc chúng tôi chưa được đào tạo qua một giáo án từ một trường học nào, nhưng anh em phản ứng nhanh nhạy tức thì, trước một tình huống hết sức hiểm nguy, với mục đích duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Tôi kiêm cả nhiệm vụ nuôi quân, có lần tham gia cứu hộ xa, chờ mãi không thấy tôi về, anh em đốt lò than nấu cơm trước. Khi tôi vào bếp thì thấy anh em đang ăn cháy cơm, vừa ăn vừa cười bảo: chị thông cảm, chúng em đói quá. Nhìn các chiến sĩ tôi thương quá, mỗi sáng anh em chỉ được ăn một bát cơm với nước mắm chưng hành, có trưa đang ăn thì còi báo động, phải bỏ dở cơm đi chữa cháy, cứu sập…”, bà Bằng bùi ngùi.

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa -0
Vợ chồng bà Bằng - hai chiến sĩ cứu hỏa từ những năm 60

Người nữ chiến sĩ ấy cũng nói về người chồng thương yêu của mình với rất nhiều cảm xúc. Hai người kết hôn năm 1951, khi đó ông Trần Văn Chung là một chiến sĩ hoạt động trinh sát nội thành, Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông chuyển sang công tác ở Đội chữa cháy Phan Chu Trinh, Phòng Cảnh sát PCCC, Sở Công an TP Hà Nội. Bà cho chúng tôi xem bức chân dung chụp ông trong bộ quân phục cảnh sát cứu hỏa. Phù hiệu trên ve áo quân phục của ông mang hình một đốm lửa. Bà Bằng nói ông chụp bức ảnh này năm 1960. Trong trái tim bà, ông luôn là người chồng thân yêu, người đồng đội quả cảm đã cùng bà sẻ chia một thời gian khó của đất nước, của gia đình.

Ký ức 12 ngày đêm khói lửa của nữ chiến sĩ cứu hỏa -0
Bà Lê Thị Bằng đến thăm trụ sở cũ của Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ

“Thế hệ chúng tôi đã chiến đấu như thế, phải kể lại để con cháu chúng ta phát huy tinh thần chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" giữ bình yên cho đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi tự hào với những năm tháng ấy và càng tự hào hơn khi đất nước chúng ta ngày càng phát triển, những chiến sĩ cảnh sát PCCC hôm nay cũng đã phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, sẵn sàng hi sinh vì sự an toàn của nhân dân” – người nữ chiến sĩ PCCC năm xưa nhấn mạnh.

Tuệ Lâm
.
.