Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2022)

Ký ức không quên về hai lần được gặp Bác

Thứ Năm, 19/05/2022, 15:54

Nhà báo, dịch giả Trần Đương là người đã sáng tác và biên soạn gần 40 đầu sách về Hồ Chủ Tịch. Ông cũng là người vinh dự được gặp Bác Hồ ở Hà Nội từ khi mới là cậu bé 12 tuổi và ở Đức khi Người có chuyến thăm hữu nghị nước này (năm 1957). Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng nhắc đến kỷ niệm những lần được gặp Bác, ông lại trào dâng bao niềm cảm xúc.

Ngày đẹp nhất của tuổi thơ

Trong ký ức của nhà báo, dịch giả Trần Đương, ngày ông được gặp Bác Hồ lần đầu tiên, đó cũng là ngày đẹp nhất của tuổi thơ. Rời ngôi làng nhỏ bên bờ biển ở Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa lên tập trung tại trường Chu Văn An (Hà Nội) để chuẩn bị cho hành trình sang Đức học tập theo diện con em của các gia đình cán bộ cách mạng, Trần Đương chẳng thể ngờ niềm ao ước tuổi thơ được gặp Bác của ông bấy lâu đã thành hiện thực.

a1.jpg -0
Bác Hồ nói chuyện với các cháu học sinh Việt Nam trước khi sang Cộng hòa dân chủ Đức tại Phủ Chủ tịch ngày 28-8-1955 (Trần Đương mặc áo màu tối – thứ 3, từ phải qua).

Ông kể, buổi tối hôm trước ngày gặp Bác, bác Hoàng Quốc Việt lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị có đến thăm và hỏi cả đoàn: “Trước khi lên đường, các cháu có nguyện vọng gì không” thì tất cả mọi người đều bày tỏ muốn được đi thăm Bác Hồ. Bác Việt tươi cười nói: “Tôi sẽ báo cáo với Bác Hồ. Có điều là, Bác vừa đi thăm nước bạn về, công việc rất bận, không biết Bác có thu xếp được thời gian cho các cháu không”. Tuy nhiên, thật may mắn, ngay tối hôm sau, một cán bộ của Bộ Giáo dục báo tin là 7 giờ sáng mai đoàn được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Biết tin này ai nấy đều vui sướng, hân hoan. Sáng hôm sau, từ trường Chu Văn An, cả đoàn đi tắt qua vườn bách thảo sang Phủ Chủ tịch. Thầy trò được đưa vào phòng lớn ngồi đợi Bác.

“Chỉ 5 phút sau, cửa chính mở, Bác xuất hiện, tất cả sung sướng đứng dậy reo to: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Bác vẫy tay rồi ra hiệu cho phép ngồi xuống nhưng chúng tôi vẫn vỗ tay không ngớt và hát vang lời ca “Bác Hồ ơi, Bác Hồ ơi, chúng cháu mừng vui...”. Một lúc sau, gian phòng mới yên lặng trở lại. Bác ngồi bên một bàn lớn ở giữa phòng trong bộ quần áo ta màu gụ đã nhạt, trìu mến nhìn chúng tôi rồi thong thả nói: “Chú Hoàng Quốc Việt đã đến thăm và căn dặn các cháu nhiều rồi. Bây giờ các cháu sắp lên đường sang nước bạn học tập, Bác muốn nhắc các cháu một điều: Các cháu phải nhớ rằng, các cháu được đi học như thế này là một dịp may mắn, một vinh dự đặc biệt”. Rồi Bác căn dặn chúng tôi sang nước bạn phải luôn nghĩ đến quê hương, đến miền Nam ruột thịt mà học cho giỏi để mai kia trở về xây dựng quê hương; dặn chúng tôi tỉ mỉ cả việc ăn, mặc đến việc tiếp xúc với người nước bạn; Bác nói về những đức tính tốt của nhân dân Đức mà chúng tôi cần học tập, đó là tính kỷ luật, tính kế hoạch và sự cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất và đời sống... Bác động viên chúng tôi: “Các cháu hãy thi đua với nhau, thi đua giữa tổ này với tổ khác, giữa lớp này với lớp khác, giữa cháu này với cháu khác. Bác gửi cho đoàn 20 huy hiệu của Bác. Cháu nào gương mẫu nhất trên suốt chuyến đi sẽ được thưởng huy hiệu của Bác...”.

Ký ức không quên về hai lần được gặp Bác -0
Trường Kathe-Kollwitz, nơi 149 học sinh Việt Nam sống và học tập từ 1955 đến 1959

Nghe Bác nói, cả hội trường vỗ tay sung sướng. Rồi Bác đứng dậy, bước đến hàng ghế thứ nhất, xoa đầu, trò chuyện với những bạn nhỏ nhất. Đào Châu Thu, người đã mạnh dạn thưa với bác Hoàng Quốc Việt về nguyện vọng gặp Bác Hồ, không ngờ lại được Bác hỏi thăm về gia đình, tuổi tác. Châu Thu nói nhỏ, Bác cúi sát xuống Thu để nghe cháu trả lời. Một bạn khác là Đặng Vinh Huề chừng 9 tuổi, người miền Nam, cũng được Bác ân cần hỏi han. Còn tôi, tuy không được Bác hỏi chuyện nhưng rất sung sướng vì khi đoàn chụp ảnh kỷ niệm, tôi lại được ngồi gần Bác. Trước khi chia tay, Bác còn cho chúng tôi mỗi người một khăn quàng len (các bạn nữ được khăn vuông) và gói kẹo. Thật sung sướng được nhận quà của Bác. Nhiều bạn ăn kẹo nhưng vẫn giữ lại giấy gói, ép vào sổ sinh hoạt Đội”. Đó là ngày 28-8-1955, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 12 của Trần Đương.

Trọn một ngày bên Bác kính yêu

Hai năm sau kể từ lần gặp Bác đầu tiên ấy, ngày 29-7-1957, khi đã sang Đức học tập tại trường Kathe-Kollwitz-Heim, Trần Đương lại có niềm vui lớn khi được trọn một ngày bên Bác kính yêu ở thị trấn Moritzburg trong dịp Người sang thăm hữu nghị chính thức nước CHDC Đức.

Nhà báo Trần Đương kể, mùa hè năm đó nhà trường tổ chức cho các học sinh đi nghỉ mát ở Zwota, miền Nam nước Đức, nhưng ông và các bạn đã sống trong một tâm trạng thật khó tả khi biết tin Bác sẽ đến Moritzburg. Nhà trường có lẽ vì biết điều đó nên đã cho học sinh kết thúc cuộc nghỉ hè sớm hơn một tuần. Để đón Bác, mọi người phân công nhau dọn dẹp trường sở, các ngả đường, sân bãi, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ và cùng nhau làm biểu ngữ với đủ sắc màu để đón Bác. Trường còn cho xây dựng một lễ đài trên sân, treo bức chân dung rất lớn của Bác ở giữa Quốc kỳ và Quốc huy hai nước.

Ký ức không quên về hai lần được gặp Bác -0
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm cùng với các thầy cô và học sinh trường Kathe-Kollwitz-Heim trong lần sang thăm Đức ngày 29-7-1957

Rồi ngày mong đợi cũng đến, khi thấy đoàn xe dài của phái đoàn nhà nước Việt Nam từ từ tiến vào cổng trường, mấy trăm con người sung sướng reo vang, tay tung cờ hoa và bóng bay đủ màu sắc chào mừng Bác. Người khoác tay cụ Otto Buchwits (một lãnh tụ cao cấp của giai cấp công nhân Đức) cùng bước vào sân trường.

Nhà báo, dịch giả Trần Đương sinh năm 1943, tại Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông từng học phổ thông và đào tạo nghề tại CHDC Đức (1955 – 1962). Từ năm 1964 - 1968, ông theo học khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Ký ức không quên về hai lần được gặp Bác -0

Tốt nghiệp đại học, ông vào làm phóng viên  Thông tấn xã Việt Nam, sau đó trải qua nhiều cương vị: Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Đức); Trưởng Tiểu ban biên tập tin Đức và Bắc Âu của Thông tấn xã Việt Nam; Phó Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Đức. Ngoài viết báo, Trần Đương còn là tác giả của hơn 100 đầu sách, trong đó chủ yếu là sách viết về Bác Hồ và văn hóa Đức”.

“Trên lễ đài có một chiếc ghế danh dự dành cho Bác nhưng Người đã trân trọng mời bằng được cụ Otto Buchwits ngồi vào đó, còn mình ngồi ghế bên cạnh. Khi đã giới thiệu xong các thành viên trong đoàn, Bác thân mật thăm hỏi và cảm ơn các thầy cô giáo, các nhân viên người Đức đã và đang hết lòng chăm sóc học sinh Việt Nam. Người ân cần nói với chúng tôi: “Hình như các cô chú người Đức cưng các cháu lắm đấy, phải không? Nhưng không vì được cưng mà không chăm học, không ngoan ngoãn. Các cháu phải nhớ rằng, các bạn của các cháu ở trong nước còn chật vật lắm, không được sung sướng như các cháu đâu. Các cháu phải biết kính trọng các thầy cô giáo, các bác công nhân viên, sống giản dị, cố gắng học tập để xứng đáng với công lao nuôi dạy của các bạn Đức, với tình cảm cao quý của Chủ tịch Wilhelm Pieck...”. Giọng Bác chậm rãi, ôn tồn, nhưng cũng rất trang nghiêm. Và Người tỏ ra hài lòng khi nghe đại diện học sinh và sinh viên báo cáo thành tích. Bác khuyến khích: “Các cháu phải cố gắng và tiến bộ nhiều hơn nữa. Các cháu có quyết tâm làm theo lời Bác không”. Tiếng học sinh đồng thanh đáp lại “Có ạ” và hô vang “Bác Hồ muôn năm”, ông Đương bồi hồi nhớ lại.

Sau cuộc gặp gỡ, Trần Đương và các bạn còn được chụp ảnh kỷ niệm với các nhóm học sinh. “Trong khi chụp ảnh, Bác còn hỏi một bạn tôi rằng “Cháu có hay nhận được thư nhà không?”. Thấy bạn kia trả lời “gần 6 tháng rồi cháu chưa nhận được thư nhà”, Bác nhìn bạn rồi nhìn chúng tôi an ủi: “Ở nhà bận lắm, rất nhiều việc phải làm, các cháu ạ! Bố mẹ và gia đình các cháu không có điều kiện gửi thư luôn đâu. Các cháu biết không, trong hơn 50 năm, từ ngày xa nhà đi hoạt động cách mạng, Bác chưa bao giờ nhận được một lá thư nào của gia đình cả. Các cháu xa nhà, nhưng được các thầy, cô giáo chăm sóc, dạy dỗ, như vậy là sung sướng lắm, các cháu cần đoàn kết, yêu thương nhau như anh em một nhà vậy…”.

Ký ức không quên về hai lần được gặp Bác -0
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch cộng hòa dân chủ Đức Wlhelm Pieck tại nhà riêng ở Pankow (Berlin)

Chụp ảnh xong, Bác còn đi thăm một số lớp học, nhà bếp, bệnh xá, phòng nghỉ và cả những khu vườn mà chúng tôi thường ngày cuốc đất, trồng rau, trồng hoa… “Toàn bộ những lời Bác nói hôm đó đã được nhà trường ghi băng đầy đủ. Suốt mấy năm sau, hàng tuần, nhà trường lại phát lại cho chúng tôi nghe. Và chúng tôi luôn có cảm giác như Bác Hồ vẫn có mặt trong trường, ân cần dạy dỗ chúng tôi như một người ông kính yêu”, dịch giả Trần Đương chia sẻ.

Gần 70 năm kể từ ngày được gặp Bác đầu tiên, nhưng hình ảnh của Người, giọng nói ấm áp của Người vẫn tươi nguyên trong ký ức của ông Trần Đương. Ông bảo, sau này khi trở về nước học tập và làm việc ông còn được gặp Bác thêm một số lần nữa nhưng kỷ niệm về 2 lần gặp Bác khi còn là cậu bé thiếu niên lại là kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời. Chính sự động viên, khích lệ của Bác từ thuở ban đầu ấy đã tiếp thêm cho ông nghị lực, thôi thúc ông học tập và làm việc sau này...

Đặng Thủy
.
.