Ký ức tiếp quản Sài Gòn - Gia Định của người thầy thuốc ưu tú

Thứ Ba, 02/05/2023, 15:43

Chúng tôi gặp Thầy thuốc ưu tú, Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm SaVi khi ông đã bước qua mùa xuân thứ 75 của đời mình nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến.

Giữa lúc bận rộn tổ chức chương trình “Về Đất thép anh hùng” nhằm tri ân người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian để trò chuyện về những ngày công tác trong chiến khu và niềm tự hào được tham gia tiếp quản Sài Gòn - Gia Định.

tran tuu 3.png -0
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm dây chuyền sản xuất dầu Cao Sao vàng xuất khẩu của Xí nghiệp dược 2/9 (Dược sĩ Trần Tựu đứng bìa trái) năm 1980

Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu chia sẻ: “Để được sống trong thời hòa bình, được đủ điều kiện học tập, làm việc, xây dựng cuộc sống thịnh vượng hôm nay, chúng ta cần luôn biết ơn các bậc cha anh đã chiến đấu, hy sinh để giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Bên cạnh đó, là tấm gương cần cù lao động, lặng lẽ hy sinh, khắc khoải chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con trong chiến trường của các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân tôi là một người cán bộ trưởng thành trong chiến khu, hơn ai hết tôi thấu hiểu sâu sắc những cống hiến của chúng ta”.

Là một cậu bé mồ côi cha khi mới vừa tròn 6 tuổi, sống trong một xã nghèo nhất tỉnh Hà Nam, Trần Tựu đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa và xuất sắc trở thành một sinh viên ngành Dược. Khóa sinh viên Dược năm ấy ra trường khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn cao trào. Ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, dù gia đình đã có anh trai đang chiến đấu trong chiến trường, anh vẫn viết đơn tình nguyện đi B. Sau hai tháng ròng rã vượt Trường Sơn vào tuyến lửa, anh đã có mặt tại chiến khu R báo cáo công tác và được phân công về một đơn vị trực thuộc Ban Y tế thuộc Trung ương Cục Miền Nam. Ngay khi nhận nhiệm vụ, anh đã triển khai công tác và chiến đấu, đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân vùng kháng chiến.

Ký ức tiếp quản Sài Gòn - Gia Định của người thầy thuốc ưu tú -0
Thầy thuốc ưu tú, Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu

Năm 1973, để có cơ sở an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng bào, đồng chí được trao trả theo Hiệp định Paris, Trung ương Cục miền Nam đã gấp rút cho xây dựng Bệnh viện Ban Đón tiếp tại Lộc Ninh, Bình Phước. “Tôi được phân công là trưởng khoa Dược, phụ trách một nhóm các dược sĩ, dược tá tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền, một số loại thuốc tiêm để cung cấp cho bệnh viện và các trạm y tế. Tôi cũng vô cùng biết ơn các đồng sự ngày ấy, họ thực sự là những người anh hùng, làm việc quần quật ngày đêm, chỉ ăn có rau rừng, cơm độn và muối quẹt mà làm được bao việc lớn” - thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu nhớ lại.

Thật khó có thể kể hết những khó khăn mà khoa Dược ngày ấy đã trải qua. Cả khoa chỉ có 14 người, đa số là nhân viên nữ nên hoạt động trong bối cảnh thiếu thốn đủ bề, nhiều loại thuốc phải tự bào chế, chưng cất… là áp lực không nhỏ đối với họ. Không những vậy, còn phải thường xuyên di chuyển để tránh những trận càn của địch. Song họ đã động viên nhau gắng gỏi, quyết tâm nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại dịch truyền mặn, ngọt, pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin và một số loại thuốc cảm cúm, thuốc trị đường ruột và vaccine ngừa tả… cung ứng đầy đủ cho một bệnh viện và 7 trạm y tế.

Ký ức tiếp quản Sài Gòn - Gia Định của người thầy thuốc ưu tú -0
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh, thăm Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 (Dược sĩ Trần Tựu đứng bìa trái)

Tổ pha chế đảm nhận công việc vất vả, khó khăn nhất. Họ vào phòng pha chế liên tục từ sáng đến 1-2 giờ chiều mới xong công việc. Trong số đó, anh Trần Tựu không bao giờ quên dược sĩ Trần Khiên và dược sĩ trung học Nguyễn Thị Lý, hai cán bộ, cộng sự của anh, rất gương mẫu, làm việc cần mẫn trong phòng pha chế. Nhiều sáng kiến “có một không hai” được Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu và các đồng nghiệp áp dụng như sử dụng các tấm dù pháo sáng làm vật liệu lọc thuốc, sử dụng các loại chai penixilin đem rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin… Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm… đều do mọi người tranh thủ ngày thứ 7 đi kiếm củi trong rừng sâu.

Dược sĩ Trần Kiên, một trong những cán bộ của khoa Dược ngày đó chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có đôi tay, vài vỏ thùng đạn và một khoảnh rừng để tạo nên một phòng pha chế dã chiến. Anh Tựu mấy đêm vẽ bản vẽ chi tiết, rồi mọi người theo đó làm. Đào sâu hơn 2m, lấy ni lông căng kín tường hầm và bao trùm lên mái, dưới sàn lót gỗ và đặt một chiếc bàn pha. Dụng cụ pha là bình thủy tinh, dụng cụ lọc là dù pháo sáng Mỹ được gấp lại nhiều lần và quấn vào đuôi của xi-lanh tiêm. Rồi chúng tôi dùng phương pháp chân không để đưa nước vào lọc. Lọc xong chúng tôi đóng vào chai tận dụng từ các chai thuốc cũ đã qua sử dụng được rửa sạch, hấp tiệt trùng. Đưa thuốc mới vào, dùng dây thun quấn chặt rồi đặt vào nồi hấp tiệt trùng một lần nữa. Trong suốt chừng ấy năm, thuốc và dịch truyền của chúng tôi không hề xảy ra bất cứ sự cố nào”.

Là người có năng khiếu văn nghệ, những ngày tháng vất vả đó được lấp đầy bằng sáng kiến của trưởng khoa Trần Tựu. Các y sĩ, dược sĩ cứ sau ngày dài vất vả với thuốc men, bệnh án lại trở thành văn công khi ánh chiều buông xuống. Các chương trình biểu diễn văn nghệ, đọc thơ được tổ chức đều đặn cho các thương bệnh binh nghe, đồng thời tổ chức những chương trình biểu diễn với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Niềm vui và vinh dự lớn đến với anh Trần Tựu: Ngày 2/8/1974, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bệnh viện Ban đón tiếp Trung ương Cục Miền Nam.

Ký ức tiếp quản Sài Gòn - Gia Định của người thầy thuốc ưu tú -0
Các cán bộ Khoa Dược bào chế thuốc tại chiến khu R

Cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tin chiến thắng khắp chiến trường bay về căn cứ. Dược sĩ Trần Tựu được triệu tập về một địa điểm bí mật để chuẩn bị theo Quân giải phóng vào Sài Gòn - Gia Định tiếp quản. Khi đó, anh được giao cho một danh sách 120 cơ sở bào chế dược của chính quyền cũ để nắm bắt và chuẩn bị kế hoạch phối hợp tiếp quản cùng các đơn vị quân đội. Các cán bộ khối Dân chính đảng được phát quân trang như các đơn vị quân giải phóng để đảm bảo ăn mặc đồng bộ, nghiêm ngắn khi tiếp quản.

Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu kể: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi ngồi trên chiếc zin 3 cầu cùng các cán bộ thuộc đoàn quân tiếp quản từ Tây Ninh được lệnh hành quân. Cảm xúc lúc bấy giờ vô cùng hân hoan và tự hào. Vào nội thành, đoàn xe của khối cơ quan Dân chính dừng tại sân Trường Đại học Bách khoa để chuẩn bị công tác cho ngày hôm sau. Nhưng khi màn đêm buông xuống, chúng tôi nhận tin báo kẻ xấu đang lên kế hoạch phá hoại một nhà máy và một kho hàng gần đó. Ngay lập tức, chúng tôi vác súng đến tiếp ứng cho đội bảo vệ nhà máy”.

Ngày hôm sau, nắng mai vừa lên, đội ngũ cán bộ Y Dược trang phục chỉnh tề tiến đến cơ quan Bộ Y tế của chế độ cũ - nơi sau này trở thành Sở Y tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay khi được yêu cầu, họ bàn giao cho dược sĩ Trần Tựu những sổ sách ghi chép đầy đủ, cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh của 125 viện bào chế dược. Trong một thời gian ngắn, nhờ sự phối hợp của họ, lực lượng y tế của ta đã tiếp quản nguyên vẹn các cơ sở y dược, bao gồm các viện bào chế, các công ty kinh doanh dược phẩm tại Sài Gòn. Nhớ lại những ngày đó, anh cười hiền bảo, không biết mình lấy đâu ra sức lực để làm việc miệt mài từ sớm tới tận khuya, vừa tiếp nhận tài liệu, kiểm tra thực trạng các cơ sở rồi làm báo cáo…

Ngày nối ngày cùng đồng nghiệp thức tới nửa đêm để hoàn chỉnh hồ sơ, lên phương án thay đổi tên gọi, quy trình quản lý. Anh cũng đề xuất tiếp tục sử dụng lại các cán bộ, nhân viên của các viện bào chế dược có nhân thân tốt, trình độ cao. Những nhân viên là người của chế độ cũ từ nghi ngại, e dè, qua quá trình chứng kiến cán bộ Giải phóng làm việc đã nể phục và tin tưởng, nhiệt tình giúp đỡ, giải thích cặn kẽ mọi phương pháp, kỹ thuật bào chế thuốc tiên tiến nhất của các viện bào chế. Họ đã nỗ lực phối hợp, giúp đỡ các cán bộ tiếp quản hoàn thành nhiệm vụ.

Sau tiếp quản là việc sắp xếp lại cơ cấu các doanh nghiệp dược trên địa bàn thành phố Sài Gòn. Bộ Y tế và lãnh đạo ngành Dược đã tiến hành sắp xếp: Những doanh nghiệp lớn sẽ thuộc Bộ Y tế quản lý, những doanh nghiệp, viện bào chế vừa và nhỏ sẽ do UBND thành phố quản lý. Dược sĩ Trần Tựu được UBND thành phố quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9. Từ đây, người dược sĩ đã bước vào một hành trình chèo lái con thuyền sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đảm bảo cung ứng thuốc cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục cống hiến cho ngành Dược Việt Nam trong những ngày đầu giải phóng đầy thử thách.

Năm 2016, dược sĩ Trần Tựu được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú như một sự vinh danh, ghi nhận về một cuộc đời bền chí, nhân văn của một con người lặng lẽ, khiêm nhường nhưng luôn đau đáu tìm ra những bài thuốc quý để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đặng Tuệ Lâm
.
.