Liệt sĩ Hà Nội trong trận đầu Hải quân ta đánh thắng

Chủ Nhật, 27/07/2025, 08:20

Tôi tình cờ gặp Họa sĩ Ngô Thành Nhân trong một chiều mưa Đà Lạt. Lại tình cờ mà thật thú vị khi biết anh là con trai út của Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Huy Quỳnh. Cũng thật thú vị khi tôi với họa sĩ Ngô Thành Nhân là người cùng quê phường Đường Hào, tỉnh Hưng Yên.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân bắt đầu câu chuyện: “Cha mẹ tôi sinh được 5 người con (4 trai và 1 gái), các anh chị tôi đều nối nghiệp Kiến trúc sư của cha mình. Nếu như anh cả tôi là chiến sĩ Hải quân Ngô Huy Hoàng không hy sinh khi mới 19 tuổi, thì chắc anh ấy cũng là một kiến trúc sư”.

Tháng 7/1963, khi đang học lớp 9G của trường phổ thông cấp 3B Hà Nội (nay là Trương THPT Việt Đức, Hà Nội), cậu học trò Ngô Huy Hoàng xung phong đi bộ đội. Chiến sĩ mới Ngô Huy Hoàng vì là học sinh cấp 3 (hồi đó rất hiếm) nên được cử đi học lớp lái tàu ở Trường Hàng hải. Sau gần một năm vừa huấn luyện chiến sĩ mới vừa tích cực học lái tàu, binh nhất Ngô Huy Hoàng tốt nghiệp và được cấp trên điều về làm phụ lái chiến hạm X của Bộ Tư lệnh Hải quân.

Liệt sĩ Hà Nội trong trận đầu Hải quân ta đánh thắng -0
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và con trai cả Ngô Huy Hoàng khi Hoàng vừa nhập ngũ.

Nhưng ngay từ đầu năm 60 của thế kỷ 20, cụ thể là vào đầu tháng 4/1961, CIA của Mỹ phối hợp với Sở Khai thác địa hình thuộc Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức cho điệp viên thâm nhập miền Bắc Việt Nam bằng đường biển.

Trước tình hình diễn ra ngày một nguy hiểm, nhất là trên hướng biển, cũng như các chiến sĩ Hải quân, binh nhất Ngô Huy Hoàng sau một tháng làm quen với tàu thì phân đội tàu của Ngô Huy Hoàng được lệnh ra khơi làm nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ biển đảo. Họa sĩ Ngô Thành Nhân cho hay: “Tôi nhớ trong những lá thư gửi từ tàu ở vùng biển Quảng Bình về nhà, anh Hoàng hay nói rằng anh vẫn chưa quen với sóng biển. Anh bảo: Con đang cố gắng rèn luyện. Bố mẹ yên tâm”.

Tôi hỏi thêm họa sĩ Ngô Thành Nhân về cuộc chiến đấu và sự hy sinh của anh Ngô Huy Hoàng, họa sĩ Ngô Thành Nhân không trả lời mà ông đứng dậy đi vào gian phòng bên trong. Lát sau ông bước ra và cho tôi xem văn bản nội dung mà cựu chiến binh, Đại tá Lương Phúc, một người đồng đội cùng trên tàu và là người đã chứng kiến những giờ phút tàu Hải quân ta chống trả Không quân cùng Hải quân Mỹ hiện đại hơn gấp nhiều lần. Và cũng là người đồng đội chứng kiến những giây phút cuối cùng của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng.

Liệt sĩ Hà Nội trong trận đầu Hải quân ta đánh thắng -0
Chân dung liệt sĩ Ngô Huy Hoàng do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh vẽ.

Hồi ức của cựu chiến binh Lương Phúc cho hay: “Cấp trên nhận định: Mỹ sẽ tăng cường xâm nhập vùng biển đảo của ta nên lệnh cho các tàu chiến tăng cường tuần tiễu và cảnh giác trước âm mưu của Mỹ. Tàu của Hải quân ta sau đó đã có những chuyến hải trình cả nửa tháng liên tục ra khơi theo dõi hành động của Hải quân Mỹ. Đến ngày 30/7/1964, khi tàu gần cập bến thì đài quan sát đã phát hiện có tàu địch xâm phạm hải phận của ta ở gần đảo Hòn Mê, thuộc vùng biển Thanh Hóa. Ngay lập tức trưởng tàu phát lệnh báo động. Cũng chính lúc này tàu Hải quân Mỹ đã nổ súng bắn lên đảo Hòn Mê. Lập tức tàu chiến của ta mở hết tốc lực ra nghênh chiến tàu địch. Tuy đã xua được tàu Mỹ ra khỏi hải phận nhưng cũng từ đó các tàu chiến của ta cũng được lệnh nâng cao cảnh giác với những âm mưu của kẻ địch”.

Tôi chăm chú đọc, cựu chiến binh Lương Phúc đã viết lại dòng hồi ức khá chi tiết, ông cho biết tiếp: “Chiều ngày mùng 1/8/1964, đội tàu tuần tiễu của chúng tôi gặp khu trục hạm Ma-đốc của Hải quân Mỹ khi khu trục hạm này xâm phạm hải phận ta ở khu vực giữa đảo Hòn Mê và cửa Lạch Trường. Phát hiện tàu ta tăng tốc xông ra ngăn chặn nên khu trục hạm Ma-đốc nổ súng tấn công trước. Theo lệnh của thuyền trưởng, lái tàu Ngô Huy Hoàng cho tàu ta chạy vừa tăng tốc lao về tàu địch vừa chạy chiến thuật để tránh đạn. Trong khi đó các tàu của ta có lợi thế là nhỏ nên dễ dàng tránh đạn và quây quanh khu trục hạm Ma-đốc. Khi đến cự ly gần thì các tàu của ta nhất loạt nổ súng vào tàu Ma-đốc. Khu trục hạm Ma-đốc bị trúng đạn nên bốc cháy, lửa loang loáng trên boong tàu, khói cũng bốc lên nghi ngút. Khu trục hạm Ma-đốc vội vã tháo chạy”.

Đó là trận giáp chiến đầu tiên giữa Hải quân non trẻ và thô sơ của ta với hạm tàu hiện đại và to lớn của Hải quân Mỹ. Khi khu trục hạm Ma-đốc tháo chạy ra vùng biển quốc tế, khói đen kéo dài thành vệt lớn bao phủ cả mặt biển lẫn trên trời. Mọi người đều vui mừng hò reo vì thấy tàu địch to đùng bốc cháy và tháo chạy.

Tôi ngừng đọc, chăm chú ngắm bức tranh chân dung liệt sĩ Ngô Huy Hoàng do chính KTS Ngô Huy Quỳnh vẽ lại theo bức ảnh chiến sĩ hải quân Ngô Huy Hoàng. Họa sĩ Ngô Thành Nhân cho hay: “Gia đình chúng tôi rất trân quý bức ảnh này cùng bức tranh do cha tôi vẽ. Đó là báu vật và cũng là kỷ vật thiêng liêng ông ạ”. Trong bức tranh màu, chiến sĩ hải quân trẻ tuổi Ngô Huy Hoàng hé nụ cười, dưới vành mũ có quân hiệu Hải quân nhân dân Việt Nam, gương mặt trẻ trung ấy chợt trở nên rắn rỏi. Tôi nói thêm: “Anh Ngô Huy Hoàng còn trẻ quá”. Họa sĩ Ngô Thành Nhân vén chiếc khăn quấn trên đầu quay mặt đi, tôi đoán đấy là lúc người em út của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng đang giấu những giọt nước mắt nhớ thương.

Liệt sĩ Hà Nội trong trận đầu Hải quân ta đánh thắng -0
Báo Quân đội nhân dân và Báo Thủ đô Hà Nội đăng bài về liệt sĩ Ngô Huy Hoàng vào tháng 11/1964.

Cựu chiến binh Lương Phúc kể tiếp: “Đến sáng ngày mùng 5/8/1964, phân đội tàu trở về tới căn cứ. Vừa cập bến xong thì từ phía biển từng tốp máy bay Mỹ lao tới. Thuyền trưởng ra lệnh cho tàu nhổ neo thật nhanh. Máy bay Mỹ sà xuống gầm rú. Giữa tiếng gầm rú ghê rợn ấy, chiến sĩ lái tàu Ngô Huy Hoàng cùng tổ lái khẩn trương quay kéo neo. Khi máy bay Mỹ bổ nhào xuống bắn phá thì cũng là lúc vòng neo cuối cùng được tời xong. Con tàu nhanh chóng rời bến vừa vòng tránh đạn từ máy bay Mỹ bắn xuống vừa quyết liệt nổ súng bắn trả.

Ngay từ phút đầu đấu súng, một máy bay Mỹ trúng đạn từ tàu ta bắn lên đã bốc cháy rồi đâm xuống biển. Chiến sĩ lái tàu Ngô Huy Hoàng vội rời tay lái, anh lao đến tiếp đạn cho mâm pháo. Một mảnh rốc-két văng vào bắp chân Ngô Huy Hoàng, máu chảy lênh láng. Đúng lúc anh chưa kịp để đồng đội băng bó vết thương thì pháo của ta hết đạn. Chiến sĩ Ngô Huy Hoàng nén đau và cứ để cho máu chảy mà tiếp đạn đến mâm pháo.

Lại một mảnh đạn địch cứa vào cổ Ngô Huy Hoàng. Anh lảo đảo ngã xuống, hai tay anh dang rộng như muồn ôm lấy con tàu. Anh ngã xuống nhưng cố ngước lên nhìn những loạt đạn của ta vút lên bắn vào máy bay Mỹ bốc cháy. Bầy máy bay Mỹ cũng cuống cuồng quay đầu bay ra biển. Đồng đội nhanh chóng đưa Ngô Huy Hoàng xuống xuồng vào bờ cấp cứu. Nhưng khi xuồng vừa chạm đất liền thì Ngô Huy Hoàng trút hơi thở cuối cùng. Anh chỉ kịp nghe được đồng đội cho biết có hai máy bay địch bốc cháy rồi nhắm mắt ra đi thanh thản”.

Tôi gấp lại tờ giấy ghi những dòng hồi ức của cựu chiến binh Lương Phúc và trước mắt tôi đang hiện ra nụ cười trắng lóa của người chiến sĩ Hải quân trẻ Ngô Huy Hoàng. Đó là một nụ cười đầy vẻ mãn nguyện. Ngô Huy Hoàng trở thành người chiến sĩ của Hà Nội đầu tiên hy sinh ngay trong trận đầu hải quân ta chiến thắng. Tôi thấy như tiếng sóng biển Hòn Mê - Lạch Trường, Thanh Hóa đang vọng về thao thiết.

Liệt sĩ Hà Nội trong trận đầu Hải quân ta đánh thắng -0
Mộ liệt sĩ Ngô Huy Hoàng ở nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương, Hà Nội.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân sau khi lau những giọt nước mắt thì cho biết: “Anh Ngô Huy Hoàng được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau khi nghe tin anh Hoàng hy sinh, khắp các trường học ở Thủ đô Hà Nội đã phát động phong trào học tập tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng”.

Ngày 26/11/1964, báo Quân đội nhân dân đã đưa tin Trường phổ thông cấp 3B Hà Nôi, phát động đợt học tâp chiến sĩ hải quân Ngô Huy Hoàng, cùng bức ảnh của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng.

 Dừng lời giây lát, họa sĩ Ngô Thành Nhân nói: “Sau này gia đình chúng tôi và chính quyền đã cất bốc hài cốt của anh Hoàng và đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, nay là phường Xuân Phương, Hà Nội. Vào ngày giỗ của anh và những ngày tri ân, anh em chúng tôi cùng con cháu lại về đấy thắp hương cho anh. Anh Ngô Huy Hoàng mãi mãi trẻ trung với tuổi 19 của mình”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.