Ngoại thương thời nhà Nguyễn
Các phái đoàn phương Tây (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ) đến nước ta vào nửa đầu thế kỷ 19 không khỏi trầm trồ về sự hấp dẫn, nhất là về lợi thế thương mại. Nhiều tàu thuyền dâng quốc thư cùng phẩm vật, mong đặt quan hệ giao thương.
"Những lợi thế thương mại tuyệt vời”
Năm 1822, bác sĩ John Crawfurd (người Anh) dẫn đầu phái đoàn đến Việt Nam. Trong báo cáo về tình trạng Vương quốc An Nam, ông đã đánh giá cao về lợi thế thương mại tuyệt vời của vùng đất này: “Hiện tại lợi ích thương mại là thứ duy nhất khiến các quốc gia châu Âu chú ý tới Cochin China”, “Vương quốc Cochin China, theo tôi nghĩ, xếp sau Xiêm về độ màu mỡ của đất đai và về sự đa dạng và dồi dào của các sản vật, tuy nhiên nơi đây lại sở hữu những lợi thế thương mại tuyệt vời, nhờ cả vị trí trung tâm của nó và nhờ những dòng sông mà tàu thuyền có thể di chuyển và vô số các cảng tuyệt hảo...”.
Trong các mặt hàng ở nước ta, “đường” được người phương Tây coi là có giá trị nhất. “Giờ tôi xin liệt kê những sản phẩm chính của đất nước này, cùng với đánh giá về tầm quan trọng thương mại của từng món đối với chúng ta. Trong các mặt hàng, “đường” có giá trị nhất. Mặt hàng này được sản xuất rẻ mạt ở những tỉnh miền Trung Cochin China gốc, và cả việc trồng trọt lẫn sản xuất đều từ lao động bản địa chứ không phải bởi người Trung Quốc như ở Xiêm” (Crawfurd).
Bản tâu năm Minh Mạng 15 (1834) của Tuần phủ tỉnh Gia Định Hà Duy Phiên (thuộc khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) cũng đề cập đến mặt hàng này: Có một chiếc thuyền Tây dương, treo một lá cờ vuông ba màu xanh, trắng, đỏ đến đậu tại cửa biển. Viên thuyền trưởng đáp là thuyền nước Phú Lãng Sa. Biết nước ta có nhiều đường cát, muốn đến buôn bán. Tơ tằm thô là sản phẩm có giá trị lớn thứ hai và dường như loại tơ thô rất được ưa chuộng ở thị trường Pháp.
Những sản phẩm mà triều Nguyễn thường nhập từ nước ngoài là lụa dệt, sứ, dược phẩm, lượng rất lớn giấy dành cho mục đích tín ngưỡng và trà thượng hạng từ Trung Quốc; tiêu, đinh hương, nhục đậu khấu, gỗ đàn hương và thiếc từ những nước thuộc quần đảo Mã Lai; thuốc phiện và diêm tiêu từ Ấn Độ; vải pô-pơ-lin và hàng vải sợi chất lượng tốt; súng, sắt rèn từ châu Âu.
“Làn gió mới” phương Tây và thái độ của triều Nguyễn
Nước Hồng Mao (nước Anh) nhiều lần sai sứ đến nước ta dâng phương vật, dâng biểu xin thông thương, xin cho người nước ấy ở lại Đà Nẵng, đi lại buôn bán. Theo tường thuật của phái đoàn Roberts đến Huế năm 1804, đức vua [Gia Long] chấp nhận tàu Anh như tàu các nước khác, như đã làm từ trước đến nay, để nói rằng ông sẽ buôn bán với người Anh như vẫn làm nhưng từ chối mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Theo ghi chép của Quốc Sử quán trong “Đại Nam thực lục”, mùa đông năm 1832, Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (nước Mỹ) sai người dâng quốc thư “xin giao hiếu và thông thương”. Vua Minh Mạng bảo: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi”.
Năm 1836, tàu Mỹ trở lại Việt Nam, thả neo ở vịnh Trà Sơn, có quốc thư mong thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán. Trí Phú thưa: “Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò cái ý họ đến”. Thị lang Nội các Hoàng Quýnh tâu: “Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau...”. Vua nói: “Họ xa cách trùng dương trên 40.000 dặm, nay ngưỡng mộ uy đức triều đình mà đến, sao lại cự tuyệt, chẳng hóa tỏ cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?”. Vua liền sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương bạc đến tận nơi úy lạo thăm hỏi.
Tàu Pháp cũng nhiều lần vào cửa biển Đà Nẵng. Châu bản triều Nguyễn ghi nhận việc thương thuyền Pháp thường mang theo hàng hóa là những thứ do triều đình đặt mua như súng điểu thương, đá lửa… nhưng vua Minh Mạng từ chối hiệp ước giao thương, như ghi chép của Michel Đức Chaigneau trong “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX”: “Trẫm cũng có những ý nghĩ tình cảm như đức vua nước Pháp và trẫm cũng ước muốn luôn có được giao hảo hữu nghị với đức vua. Nhưng một hiệp ước về giao thương mà để làm gì? Nước Pháp quá xa xôi với vương quốc của ta để thần dân của ta có thể đi sang bên đó buôn bán với người Pháp. Bao nhiêu biển cả ngăn cách hai đất nước, với lại xứ ta chẳng có thuyền bè nào có thể vượt qua chừng đó biển cả đại dương”.
Cẩn thận nhưng không hoàn toàn cự tuyệt
Không “tuyệt giao” với những gì liên quan đến phương Tây, các vua triều Nguyễn từng gửi các phái bộ đi xem xét tình hình các nước. Năm Minh Mạng 20 (1839), nhà vua nghe nói Đại Tây Dương vốn có tiếng là nơi đô hội, sai Tư vụ Trần Viết Xương, Thư lại Tôn Thất Thường mang theo người thông ngôn cùng ngồi thuyền Thụy Long đến Giang Lưu Ba, rồi chuyển đáp nhờ sang thuyền Tây Dương mà đi, năm sau thì về. Phàm đến nơi nào, mắt trông thấy, tai nghe thấy cái gì đều ghi tường tận về tâu, để biết rõ phong vật phương xa (theo ghi chép của Quốc Sử quán trong “Đại Nam thực lục”).
Vua Minh Mạng phái thuyền công đi thao diễn, nhân đem vật phẩm xếp trong thuyền, đến các nước Tây dương trao đổi lấy các thứ như súng điểu thương, thuốc súng, vải vóc… Châu bản triều Minh Mạng còn thống kê cụ thể số súng điểu thương, đá lửa mà nhà nước mua từ thuyền buôn phương Tây mỗi khi họ đến Đà Nẵng, như bản tâu của Cai bạ dinh Quảng Nam năm 1825, số hàng nhà nước mua của thuyền buôn Ba Lãng Sa (Pháp) gồm 1.080 cây súng điểu thương, 40 khối đá lửa.
Dưới triều Tự Đức, nhà vua định lại lệ phái thuyền đến các nước thông thương. Trước đó, thời Minh Mạng, Thiệu Trị thường phái thuyền ra nước ngoài mua hàng hóa và dò xét, về sau hoạt động này dừng lại nên không hiểu hết được tình hình các nước. Vua Tự Đức bèn sai viện bạc cùng các quan bộ Hộ, bộ Công bàn bạc cho thỏa đáng. Sách “Đại Nam thực lục” chép, nghị dâng lên với nội dung: “Trích lấy 1 chiếc tàu thủy, 1 thuyền bọc đồng, chuyên sung việc phái ra nước ngoài, các hàng hóa Nội vụ, Vũ khố trích phát ra, còn bộ Hộ tư cho các tỉnh đặt mua hàng hóa sản vật, tỉnh lớn 40.000 - 50.000, tỉnh vừa và nhỏ 20.000 - 30.000, hằng năm đến tháng 11 chứa sẵn ở kho các cửa biển trở vào Nam do Đà Nẵng, Thi Nại, trở ra Bắc do Hải Lãng, Cấm Giang, Biện Sơn, đến tháng 12, phái 2 viên khoa đạo đi xem xét, giao cho phái viên xếp vào thuyền vận tải trên dưới 20.000 quan, nếu chưa đủ cho đáp chở hàng của khách. Về bán ra, mỗi 100.000 quan, tính lợi được 20.000 quan, trích ra 1.000 quan để chia thưởng, lỗ vốn do phái viên thuyền ấy phải bồi thường. Nếu thuyền ấy ngộ có phái đi việc khác, thì do các tỉnh sức cho người lái buôn nước Thanh thuê tàu nước Tây nhận chở, phái viên đáp đi theo để bán, cho hàng hóa không ứ đọng”.
Tàu thuyền phương Tây khi đến nước ta mà không bán được hàng vì không hợp với thị trường hoặc gặp gió bão được vua triều Nguyễn cho cứu hộ và miễn thuế. Đôi khi thuyền buôn ngoại quốc cũng lợi dụng chính sách nhân đạo này của nhà vua để được miễn thuế, như năm 1816, Quản Tàu vụ là Nguyễn Đức Xuyên tâu nói rằng có thuyền buôn nước ngoài nhập khẩu, nhiều thuyền giả mạo thuyền bài để mưu giảm thuế, cũng có thuyền giấu hàng hóa, nói dối là bị bão để cầu miễn thuế. Vua bèn sai quan địa phương xét hỏi rất nghiêm, thất sát thì có tội.
Bên cạnh đó, một số nhà Nho còn dâng bản điều trần đề nghị “giao hảo” với phương Tây. Châu bản năm Tự Đức 23 (1870) cho biết, Nguyễn Trường Tộ trình kế ngoại giao với phương Tây, trong đó có xin “nên nhanh chóng giao hảo với người Anh”.
Dưới thời Gia Long, cơ quan Tào vụ được thành lập, lo việc giao dịch với nước ngoài. Đến thời Minh Mạng, Tào vụ được đổi thành Thương bạc sự vụ. Năm Minh Mạng 13 (1832), vua sáp nhập Thương bạc vào Bộ Hộ, chỉ chuyên về ngoại thương.
Vua Gia Long còn cho dựng nhà Công quán làm nơi khoản tiếp sứ giả phương xa. Đến triều Minh Mạng, vua đổi gọi Công quán làm Tứ dịch quán. Cơ quan chuyên đào tạo thông dịch viên của triều đình là Ty Hành Nhân cũng được dọn về cùng nơi này để tiện làm việc.
Nơi thường xuyên đón tiếp tàu thuyền các nước
Châu bản triều Nguyễn ghi nhận nửa đầu thế kỷ 19, cửa biển Đà Nẵng là nơi thường xuyên đón tiếp tàu thuyền các nước (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ) đến đặt quan hệ ngoại giao, thương mại. Chẳng hạn, ngày 13/9 năm Thiệu Trị 7 (1847), Thự Tổng đốc Nam Ngãi tâu rằng ngày mồng 1/9 năm đó, hai chiếc tàu của nước Anh vào tấn Đà Nẵng. Theo thuyền trưởng, họ được Quốc vương phái đến trình quốc thư và dâng cống phẩm, mong hòa hảo thông thương.
Vua Minh Mạng lệnh cho các tấn thủ cửa biển phía nam Kinh đô rằng, tàu thuyền phương Tây cập cửa biển Đà Nẵng với hành trạng ra sao, đến ngày nào, mục đích làm gì… đều phải tâu trình rõ ràng.
Sự lưu tâm phòng thủ của triều đình càng lớn khi nhận ra phương Tây nhòm ngó nước ta ngày càng nhiều. Vua Minh Mạng đã ban Dụ, coi như kim chỉ nam để thi hành: “Đà Nẵng là nơi rất xung yếu ở chỗ bờ biển, tàu Tây dương đi lại tất phải qua đấy”. Vì vậy, theo định lệ, “phàm thuyền buôn Tây Dương đến buôn bán, chỉ được đến cửa biển Đà Nẵng mà thôi”.
Có thể thấy các vua triều Nguyễn rất quan tâm đến Đà Nẵng, nhưng vì lý do an ninh nhiều hơn là kinh tế.
Vậy là, nửa đầu thế kỷ 19, các vua triều Nguyễn về cơ bản đều nhất quán chính sách, theo cách nói ví von của nhà nghiên cứu Võ Hương An là trong sở vườn nhà Việt Nam, người phương Tây muốn đến thăm hỏi hay buôn bán đều được, nhưng chỉ được vào ra một cửa cho tiện bề kiểm soát và chỉ được vào đến cổng chứ không được vào sâu trong sân hay sục sạo trong vườn; vào trong nhà thì cấm tuyệt.